Vài suy nghĩ vụn vặt về môi trường và văn hóa khoa học

Hôm qua tôi nhận được một email của một anh bạn ở Hà Nội nói về vấn đề thế hệ tiếp nối trong khoa học ở nước ta. Hôm nay có dịp gặp vài bạn trẻ từ Việt Nam sang Sydney học ngắn hạn theo một chương trình của Đại học Sydney. Các bạn trẻ nói nhiều về sự khác biệt trong chương trình đào tạo, cách làm việc, ứng xử, mối quan hệ thầy trò, v.v… ở ngoài này và trong nước. Các em tỏ ra thán phục cái văn hóa đồng đẳng giữa thầy và trò ngoài này, hoàn toàn khác với ở trong nước, nơi mà người thầy cô vẫn là “chúa trùm”, không ai dám cãi hay tranh luận. Cả hai điều làm tôi suy nghĩ về tương lai khoa học ở nước ta. 


Có một thời gian, các nhà khoa học nước ta được đào tạo từ Đông Âu và nay không ít trong số họ đang nắm quyền điều hành nền khoa học nước nhà. Trong những năm gần đây, một thế hệ khác được đào tạo từ các nước Âu Mĩ về, nhưng phần đông họ vẫn là những cái bóng bên cạnh các cây đa cây đề gốc Đông Âu.


Nói chung, Đông và Tây vẫn có khác biệt lớn. Các ngành khác thì tôi không biết, chứ trong ngành y sinh học bọn Tây Âu chúng nó chẳng xem Đông Âu ra cái thá gì cả, và từ đó chúng nó đánh giá thấp bằng cấp từ Đông Âu. Có thể do phát triển kinh tế, nhưng tôi nghĩ vấn đề là hệ thống đào tạo khác nhau và chắc cũng có phần kì thị, chứ chưa chắc người Đông Âu không thông minh. Cũng chẳng khác gì hai người xuất phát từ hai trường phái nên khó gần nhau. Sự thật là rất nhiều các nhà khoa học số 1 của Mĩ đều xuất phát từ Đông Âu và Do Thái. 


Thành ra, khi người được đào tạo từ Tây Âu hay Mĩ về, họ cũng chịu ảnh hưởng thầy cô mình, nên chẳng xem đồng nghiệp đào tạo từ Đông Âu ra gì. Chắc cũng chẳng khác gì mâu thuẫn giữa người được đào tạo từ Pháp và từ Mĩ trong mấy thập niên trước ở miền Nam. Nhưng ở đây có khác, vì vấn đề là một số người được đào tạo từ Đông Âu về tuy có bằng cấp nhưng là “bằng cấp hữu nghị”, và gây ra tình trạng vàng thau lẫn lộn, chẳng biết ai thật và ai giả. Trong tình trạng mù mờ như thế, không ngạc nhiên khi thấy người dân nhìn mấy người được đào tạo từ Đông Âu, nhất là trong ngành khoa học thực dụng, với cặp mắt nghi ngờ ...


Các trường đại học nước ta cần phải đào tạo ra những chưng sĩ có khả năng hội nhập quốc tế và “command” sự chú ý của đồng nghiệp nước ngoài. Nhưng để làm như thế chúng ta cần phải tạo ra môi trường đồng đẳng và văn hóa khoa học thì may ra chúng ta mới khơi dậy được sức mạnh của dân tộc. Tôi nghĩ người mình chắc chắn không đến nổi “đần”, nhưng vì cái môi trường khoa học và cái văn hóa hiện nay làm trì trệ, thui chột hay tê liệt biết bao người tài và chưa khai thác hết tiếm năng dân tộc. Chả thế mà tay kí giả Seth Mydan (của tờ New York Times) nhận xét rằng: nếu VN chịu mở cửa thông thoáng thì Việt Nam sẽ làm cho các dân tộc Đông Nam Á xấu hổ hết! Tôi nghĩ tay này nói đúng. Như vậy, vấn đề là chúng ta có can đảm để mở cửa thống khoáng hay không?
Nói như Dostoievski là chúng ta phải chịu trách nhiệm với chính chúng ta.

NVT
Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét