Năm nay giới khoa học kỉ niệm 150 năm ngày Charles Robert Darwin và Alfred Russel Wallace công bố lí thuyết chọn lọc tự nhiên (Theory of Natural Selection). Ngày 1/7/1858, tại Hội Linnean ở London [1] trình bày một cách khiếm diện bài báo khoa học 18 trang của Darwin và Wallace về lí thuyết chọn lựa tự nhiên, nhưng sau này người ta chỉ nhớ đến Darwin, ít ai nhắc đến Wallace [2]. Sự ra đời của lí thuyết chọn lọc tự nhiên, nói như nhà sinh vật học Stephen Jay Gould, là một ý tưởng cách mạng vĩ đại nhất của con người, là một phát hiện quan trọng nhất trong thiên niên kỉ.
Cũng như bất cứ một ló thuyết vĩ đại nào, lí thuyết chọn lọc tự nhiên cực kì đơn giản. Toàn bộ lí thuyết có thể tóm lược bằng một câu văn như sau: Mỗi loài vật, kể cả con người, có cùng một cội nguồn chung, và hình thể của các loài vật chúng ta thấy ngày nay là hệ quả của một quá trình chọn lọc tự nhiên.
Tại sao lí thuyết chọn lọc tự nhiên được các nhà khoa học đánh giá là một ý tưởng cách mạng vĩ đại của thiên niên kỉ? Tại vì nó là nền tảng của nền y sinh học hiện đại, nó cung cấp cho chúng ta một phương tiện để hiểu về thế giới tự nhiên; nó cung cấp cho chúng ta một sự hiểu biết sâu hơn (dù chưa hoàn hảo) về hành vi của con người, về nguồn cội của chúng ta đến từ đâu và sẽ đi về đâu. Bất cứ ai làm trong ngành y sinh học đều có thể thấy lí thuyết của Darwin hoàn toàn đúng. Nhưng cũng có vài hiểu lầm về thuyết của Darwin do những người trong Kitô giáo theo thuyết Creationism (thuyết sáng tạo hóa) tung ra gây hỏa mù.
Có người hiểu rằng thuyết của Darwin cho rằng con người xuất phát từ khỉ. Không đúng. Darwin không bao giờ nói hay viết như thế. Darwin viết rằng khỉ, vượn, và người nhất định phải có cùng một nguồn cội (tổ tiên) vì họ rất giống nhau so với các sinh vật khác như người với cá chẳng hạn. Thật vậy, ngày nay, qua phân tích di truyền học, chúng ta thấy trong bất cứ gien nào hay dãy DNA nào được khảo sát, con người và loài tinh tinh có cấu trúc gien và DNA giống nhau hơn là giữa tinh tinh với khỉ. Nếu so sánh DNA của con người và DNA của tinh tinh, sự trùng hợp lên đến 98.4%, tức chỉ khác biệt 1.6%. Phân tích chuỗi DNA trong hệ thống máu globin, mức độ trùng hợp giữa con người hiện đại và tinh tinh là 98.76%, tức chỉ khác biệt trên dưới 1%. Chính vì sự trùng hợp di truyền này, nhiều nhà nhân chủng học đề nghị xếp loại tinh tinh thành 3 nhóm: nhóm 1 gồm Pan troglodytes (hay những tinh tinh ‘thường’), nhóm 2 gồm Pan paniscus (còn gọi là bonobo hay pygmy chimpazee – tinh tinh nhỏ), và nhóm 3 là ... chúng ta, tức Homo sapiens, người thông minh. Có thể nói rằng chúng ta và linh tinh hay khỉ có cùng tổ tiên, nhưng qua tiến hóa thì bây giờ chúng ta “văn minh” hơn người anh em họ tinh tinh kia. Darwin không bao giờ nói kỉ là tổ tiên của con người. Nhớ nhé!
Theo thuyết tiến hóa và qua bằng chứng di truyền + khảo cổ học, sau khi tách rời khỏi người anh em họ tinh tinh, khoảng 2,5 triệu năm về trước, con người phát triển thành giống người Homo habilis. Giống người Homo habilis có khả năng làm những dụng cụ thô sơ bằng đá, và có hai chân. Dung lượng não của Homo habilis cao hơn loài tinh tinh, nhưng thấp hơn so với con người hiện đại. Khoảng 2 triệu năm trước, Homo habilis tiến hóa thành loài Homo erectus (loài người đi đứng thẳng lưng), và chính giống người này tản mát khỏi Phi châu và đi khắp thế giới. Đến khoảng 500.000 năm trước Homo erectus tiến hóa thành Homo Sapiens (loài người thông minh). Người Homo Sapiens có dung lượng và hình dạng não giống với con người hiện đại ngày nay.
Ngày nay, trong y khoa có một bộ môn học gọi là Darwinian Medicine hay Evolutionary Medicine (y học tiến hóa). Môn học này dạy sinh viên hiểu về bệnh tật hơn. Đại đa số các nghiên cứu y khoa trong thời gian qua nhằm đi tìm nguyên nhân của bệnh tật và tìm thuật chữa trị. Y học tiến hóa đặt câu hỏi tại sao cơ thể con người được thiết kế như hiện nay để chúng ta mắc những bệnh như ung thư, tiểu đường, xơ vữa động mạch, phiền muộn, ho, cảm cúm, v.v… Y học tiến hóa cung cấp cho chúng ta một viễn cảnh lớn hơn, góc nhìn rộng hơn, nhằm giải thích bổ sung các kết quả của nghiên cứu y học. Nhưng đây là chủ đề thú vị mà tôi hi vọng sẽ quay lại trong một dịp khác.
Chú thích:
[1] Nay là một phần của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Anh. Hội Linnean là một hội sinh học lâu đời nhất trên thế giới, danh xưng của hội lấy từ tên của nhà sinh vật học nổi tiếng người Thụy Điển Carl Linnarus.
[2] Nhiều người cho rằng Darwin móc túi ý tưởng của Wallace, nhưng khi xem xét bằng chứng giả thiết này không đúng. Wallace có gửi bài báo của mình cho Darwin đọc, và Darwin thấy những ý tưởng trong đó trùng hợp ý tưởng của mình nên đề nghị cả hai bài báo công bố cùng một lúc. Tuy nhiên, Darwin hơn Wallace một bậc: đó là ông có công thu thập dữ liệu và bằng chứng dồi dào để làm nền tảng cho lí thuyết của mình, còn Wallace thì chỉ nói suông. Có ý tưởng là một chuyện, nhưng phải có bằng chứng là một chuyện khác.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét