Hải quan Úc và người Việt

Chuyến bay VN783 từ TPHCM đưa tôi về Sydney ngày 3/8/08. Mới qua khỏi cổng cảnh sát phi trường Sydney và lấy xong hành lí, nhân viên hải quan đến hỏi tôi: “From Vietnam?” (Đến từ Việt Nam hả?). Dù khó chịu với kiểu hỏi này, tôi cũng nói: “Ừ, từ Việt Nam”. Nhân viên hải quan tiếp tục tìm những ai bay chuyến bay VN783 từ Việt Nam để đưa vào một cổng hải quan.

 Khi đến nơi thì đã thấy bà con phe ta xếp hàng rồng rắn chờ kiểm tra hành lí rồi. Rõ ràng họ tập trung vào hành khách Việt Nam.


Thật ra, họ làm việc cũng nhanh, nên chỉ trên dưới 5 phút thì cũng đến lượt tôi được kiểm tra. Tôi chỉ có 2 hành lí: một cái bag sách tay gồm laptop cùng giấy tờ làm việc trên máy bay, và một cái vali 20 kg chứa quần áo cùng những thứ linh tinh, kể cả đồ vệ sinh cá nhân như kem đánh răng, máy cạo râu, v.v… Sau khi cho qua máy X quang, họ tỏ ý muốn kiểm tra hành lí trong cái vali. Trước khi kiểm tra hành lí, họ hỏi tôi những câu hỏi thông thường mang tính pháp lí, như có phải tôi chính là người xếp hành lí, tôi biết những gì trong đó, tôi đã khai đúng với tờ khai hải quan, v.v… Tôi đùa với anh chàng hải quan gốc Á châu rằng chuyện gì mà nghiêm trọng thế, nhưng anh ta nói đó là thủ tục nên phải làm thôi, chứ anh ta cũng chẳng mặn mà gì với cái thủ tục đó.

Anh ta xin phép tôi mở vali, và không cho tôi đụng vào. Anh ta cẩn thận xem xét từng hộp quà, từng tập sách, và quần áo. Không thấy gì khả nghi. Anh ta xin phép cho đi kiểm tra X quang một lần nữa. Máy báo có vật cần xét. Anh ta lục lọi một hồi chẳng thấy gì. Đến khi xếp hành lí vào vali thì anh ta tình cờ phát hiện ra cái laser pointer trong cái hộp đựng đồ cạo râu và kem đánh răng. Anh ta á lên một tiếng rồi nói: Đây chính là cái đồ mà cái máy X quang nó báo là có vật cần xét! Đây là cái laser pointer tôi sử dụng khi giảng bài hay nói chuyện trước công chúng. Tôi cãi lại rằng cái laser pointer này tôi đã mang nó suốt mấy năm nay mà có sao đâu, chẳng ai cấm đoán gì cả. Anh ta giải thích thêm rằng từ ngày 1/7/08 Úc không cho phép đem cái laser pointer này vào nước. Anh ta đề nghị đem cái laser pointer để xem xét cái độ intensity của nó, và sẽ quyết định cho tôi đem vào Úc hay không. Sau khi hỏi qua ý kiến của người giám thị và kiểm tra, anh ta trả lại cho tôi. Chỉ cái việc kiểm tra này, nó làm tôi mất gần 10 phút! Tôi rất bực mình, và không dấu thái độ khó chịu của mình cho anh ta biết.

Đến khi xếp hành lí đâu đó xong, tôi hỏi: Tôi có thể hỏi ông một câu được không? Anh ta nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên và nói: OK. Tôi hỏi chậm và dằn từng chữ: Có phải mấy ông đặt tầm nhắm vào người Việt Nam không? Anh ta ngạc nhiên hỏi lại tại sao tôi hỏi như thế. Tôi giải thích rằng ngay từ lúc ở ngoài kia, người ta đã hỏi từng người để xác định chuyến bay từ Việt Nam và đưa sang cổng này, nếu đó không phải là nhắm vào Việt Nam thì là gì? Đến đây thì anh ta thú nhận: Thú thật ông, chúng tôi chỉ nhận được chỉ thị cách đây 2 tiếng đồng hồ là phải tập trung vào khám xét hành lí của chuyến bay VN783. Thế thì đã rõ: họ làm theo chỉ thị. Tôi nói thêm rằng cứ mỗi lần tôi bay từ Mĩ hay Âu châu về thì tôi qua hải quan một cách nhẹ nhàng, còn nếu tôi bay từ Việt Nam hay Á châu về thì bị hải quan “chiếu cố” khá kĩ.

Trong suốt hai chục năm qua đi công tác đây đó khắp thế giới qua hải quan Sydney, chưa lần nào tôi được kiểm tra hành lí kĩ như lần này. Tôi không hiểu tại sao họ đặc biệt chú tâm vào chuyến bay VN783 từ Việt Nam lần này. Rất có thể họ có thông tin từ trước về một vụ nào đó. Cũng rất có thể họ đã quá nghi ngờ hành khách Việt Nam, vì trong những năm gần đây, người Việt ở Úc nổi tiếng vận chuyển á phiện, ma túy từ Á châu vào Úc. Thật ra, ngay cả phi công Vietnam Airlines còn vận chuyển tiền bạc trái phép phải ngồi tù 3 năm, còn tiếp viên của Vietnam Airlines thì buôn bán thuốc lá lậu bị phạt thường xuyên. Nói chung, dưới con mắt của hải quan Úc, hành khách Việt Nam và đội bay của Vietnam Airlines rất đáng nghi ngờ, là một nhóm người “high risk” hay có nguy cơ phạm pháp cao. Thật ra, một quan chức hải quan Úc có lên nói trên tivi rằng cứ mỗi 2 tuần, hải quan Úc bắt được 1 trường hợp buôn lậu ma túy từ hành khách Việt Nam. Cũng rất có thể vì lí do này mà hải quan Úc khinh người Việt, và muốn tỏ thái độ khinh bỉ với hành khách Việt Nam.

Tuy nhiên, tôi vẫn xem hải quan Sydney là một nhóm người mất lịch sự nhất, tục tĩu nhất, và khó khăn nhất thế giới. Họ khám xét hành lí, từ những quần lót, áo lót đến thức ăn; họ thọc dao kéo vào những thức ăn; họ cho chó chạy theo hành khách để ngửi xem có gì khả nghi không; họ ăn nói cũng vô duyên. Tôi đi nhiều nơi trên thế giới, và có thể nói rằng ở những nước “văn minh” phương Tây, kể cả Mĩ và Canada, không có hải quan nào khám xét như hải quan Sydney. Không có. Ngay cả hải quan Á châu cũng không khám xét và hành xử như văn hóa hải quan Sydney. Tôi nhớ có lần ngồi bênh cạnh một hành khách người Canada đến Úc, nghe cô ta dặn dò cô bạn đồng hành mà cười đau lòng. Cô ấy nói thế này: Mày phải chuẩn bị tinh thần khi đến Úc nhé; họ sống ngoài hải đảo nên tâm lí của họ cũng là tâm lí hải đảo; họ nhìn ai cũng đáng nghi kị. Hải quan Úc rất mất lịch sự, họ khám hành lí của mày kinh dị lắm. Họ còn cho chó ngửi nữa. Cô bạn đồng hành kinh ngạc kêu lên: Chó ngửi hành lí, Chúa ơi, thật không? Xứ gì mà quái đản như thế? Cô gật gù nói: that is true – đó là sự thật.

Hải quan Úc là như thế đó. Nhiều người Việt ở Úc than phiền rằng hải quan Việt Nam hay làm khó, ăn hối lộ, không cười, v.v... (cũng đúng một phần), nhưng họ không dám than phiền hải quan Úc. Hình như đối với họ cái gì Úc làm cũng ok, còn cái gì Việt Nam làm cũng đều có vấn đề. Nhưng tôi thấy hải quan Việt Nam thiếu minh bạch, chứ không khó. Vì thiếu minh bạch, nên lúc nào muốn làm khó thì họ có thể rất khó; lúc nào muốn dễ thì họ dễ. Nói chung là họ khá tùy tiện. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây thì hải quan Việt Nam đã khá hơn nhiều, và tiến bộ hơn nhiều, với thủ tục khá gọn nhẹ. Tôi không có gì phải phàn nàn hải quan Việt Nam, ngoại trừ tính thiếu minh bạch trong tờ khai hải quan.

Đối với người Việt Nam, cái cường độ mất lịch sự, tục tĩu, và khó khăn của hải quan Sydney càng tăng cao. Thái độ của hải quan Úc làm cho tôi đặt câu hỏi có phải đây là một thái độ ngạo mạn của kẻ no đủ, thái độ kì thị chủng tộc của một nhóm người lúc nào cũng nghĩ rằng mình là số 1 thế giới (người Úc hay có lối suy nghĩ trẻ con này), hay là do người Việt chúng ta có quá nhiều gian dối đến nỗi họ phải đặc biệt quan tâm. Có lẽ cả hai: phía Úc có vấn đề về thái độ ấu trĩ và kì thị, và người Việt Nam có “thành tích” phạm pháp nhiều hơn là các sắc dân khác.

Chỉ mong một ngày nào đó mình đi đâu với cái tên Việt Nam không bị người ta khinh bỉ, hay nghi kị như là một kẻ có tiềm năng phạm pháp cao. Chỉ khi nào nước Việt Nam giàu lên, mạnh hơn, các quan chức Việt Nam đừng phạm pháp, hành khách Việt Nam đừng buôn lậu thì lúc đó mình mới tránh khỏi cái tình trạng bị liệt kê vào nhóm “high risk” như tôi vừa trải qua trong chuyến đi vừa qua. Nhưng trong khi chờ đợi nước ta giàu mạnh lên, tôi nghĩ mỗi người Việt chúng ta phải đãi đằng thái độ cho hải quan Úc biết rằng: tôi không hài lòng với kiểu làm việc kì thị của các ông.

Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét