Hiểu lầm / dịch sai "secular trend"

Hôm nay đọc bài sau đây (“Cải thiện dinh dưỡng và gia tăng tăng trưởng”) của hai tác giả GS TS Hà Huy Khôi và PGS TS Nguyễn Công Khẩn (viện trưởng Viện Dinh dưỡng) thấy có vài số liệu thú vị, nhưng cần xem lại. Một vài quan điểm trong bài viết cũng có thể cần xét lại hay cần có thêm bằng chứng. Nhưng tôi chú ý đến cụm từ “khuynh hướng thế tục” (và họ cho biết đây là cách dịch từ thuật ngữ “secular trends”). Tôi sợ là cách dịch hay hiểu này quá sai. 


CẢI THIỆN DINH DƯỠNG VÀ GIA TĂNG TĂNG TRƯỞNG


Theo các nghiên cứu mới nhất về dinh dưỡng, chiều cao theo tuổi được khẳng định là chỉ tiêu dinh dưỡng quan trọng nhất, và các điều kiện môi trường là các yếu tố chính quyết định sự khác biệt về tăng trưởng ở trẻ em. Do vậy, việc giảm suy dinh dưỡng thể thấp còi đang trở thành mục tiêu quan trọng nhất của các chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, tiến tới sự gia tăng tăng trưởng của con người hiện đại, bởi sự gia tăng tăng trưởng là bằng chứng thuyết phục về sự cải thiện chất lượng cuộc sống và chất lượng nòi giống.


Vấn đề tăng trưởng và khuynh hướng thế tục (secular trends)


http://www.tchdkh.org.vn/tchitiet.asp?code=2966



Chữ secular trong tôn giáo có nghĩa là “thế tục” như chính thể thế tục = secular regime (để phân biệt với chính thể thần quyền như Hồi giáo chẳng hạn) hay chủ nghĩa thế tục = secularism (chủ nghĩa cho rằng tôn giáo không nên đóng vai trò quyết định hay làm nền tảng của chính trị). Chữ secular xuất phát từ tiếng Latin có nghĩa là "thuộc về thời gian". Bởi vì học thuyết Kitô giáo cho rằng Thượng đế tồn tại ngoại khái niệm thời gian, cho nên người ta mới dùng từ này để chỉ tôn giáo ngoài chuyện thế tục. Chuyện thế tục đây là chuyện xã hội, chuyện nhà nước, v.v… 


Nhưng trong khoa học và nhất là y khoa thì thuật ngữ “secular trend” có khi viết là “secular change” thì nghĩa hoàn toàn khác. Ở đây, secular có nghĩa là “long term” (tức là lâu dài). Có thể lấy một ví dụ để minh họa: 


Ví dụ: ở Mĩ, trong thập niên 1950s, chiều cao trung bình của nam giới lúc 10 tuổi là 132 cm, và 15 tuổi là 156 cm. Tạm xem là chiều cao trong 10 năm tăng 24 cm. Đến thập niên 1990s, người ta lặp lại nghiên cứu và thấy chiều cao trung bình của các em (nam) lúc 10 tuổi là 139 cm, đến năm 15 tuổi là 166 cm, tức tăng 27 cm trong 10 năm. 


Chiều cao (cm) trẻ em (nam) Mĩ lúc 10 tuổi và 15 tuổi vào 1950s và 1990s
Tuổi
Thập niên 1950s
Thập niên 1990s
10 tuổi
132
139
15 tuổi
156
166
Tăng trong 10 năm
24
27

Như vậy, chiều cao trẻ em 10 tuổi ở Mĩ tăng từ 132 cm vào thập niên 1950s đến 139 cm vào thập niên 1990s. Ngoài ra, tỉ suất tăng chiều cao vào thập niên 1950s là 24 cm, nhưng đến thập niên 1990s thì tỉ suất này là 27 cm. Những thay đổi thay thời gian này người ta gọi là secular trends.


Thành ra, secular trend có nghĩa là thay đổi về lâu về dài. Tôi tạm dịch là thời biến (có nghĩa là biến chuyển theo thời gian). Bạn nào có cách dịch hay hơn xin cho ý kiến.
NVT

Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét