Trí thức và phản biện

Mấy ngày gần đây, báo chí trong nước quan tâm đến Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 về trí thức. Báo Pháp Luật TPHCM có chạy 2 bài liền về chuyện trí thức tại đây :

Thảm đỏ nào cho trí thức ngoài Đảng?


Nhưng bài của Huy Đức dưới đây cho chúng ta một cách nhìn khác, mà theo tôi là chính xác hơn, thực tế hơn các bài trên báo chí.

Tôi cũng quan tâm đến vấn đề này vì từng có dịp lên tiếng trước đây. Tôi còn quan tâm hơn nữa những đề cập đến "phản biện" mà các bài báo nói đến. Mấy anh trong Tia Sáng nói rằng tôi là "người phản biện" hăng nhất (và chắc gánh nhiều hệ quả nhất). Mấy anh ấy nói sẽ tập hợp các bài phản biện của tôi để in thành sách nay mai. Nam mô A di Đà Phật ! :-)

Có lẽ các bạn theo dõi vụ mắm tôm và bệnh tả, và phản ứng gay gắt của một quan chức y tế về các ý kiến của tôi. Nhưng có lẽ các bạn không biết rằng trong một hội nghị dịch tễ học, có một quan chức y tế cao cấp nói rằng những ý kiến của tôi là "phản động". Kinh thật ! Mình chỉ góp ý có bằng chứng đàng hoàng mà họ nói mình phản động. Như vậy, vấn đề là các quan chức trong chính phủ vẫn chưa chịu nghe chuyện nghịch nhĩ, vẫn chưa quen với văn hóa tranh luận, vẫn chưa quen với văn hóa phản biện. Trong môi trường như thế thì làm sao giới trí thức phát huy được tiềm lực của mình ?
Hội nghị của Đảng vẫn diễn ra, nhưng kết quả ra sao thì chắc ai cũng đoán được là nhân vật vũ như cẩn vẫn tồn tại đó.
NVT
=========
http://blog.360.yahoo.com/blog-_Q78P6g5br89WVUa77qC3PG4?p=5004
Để Những Người Có Bằng Cấp Thực Sự Là Trí Thức


Một chuyên gia ở Hà Nội nói, những nhận xét về tình hình kinh tế Việt nam mà ông Alan Greenspan, Cựu Giám đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, đưa ra gần đây đã được các trí thức trong nước cảnh báo từ quý II năm 2007. Cho dù không thể so sánh với mức độ ảnh hưởng của những ý kiến của ông 


Greenspan, các chuyên gia Việt Nam, xét về nhiều mặt, có thế mạnh do theo sát tình hình trong nước. Nhưng, các khuyến cáo ấy gần như đã bị, trực tiếp là một số tờ báo, từ chối ngay khi vừa mới gióng lên. Năm 2007, kinh tế đang trên đà tăng trưởng, lãnh đạo và cả người dân hãy còn hào hứng, “cảnh báo”, trong con mắt của không ít người, có thể bị coi là “phá bĩnh”.
Những gì mà xã hội cần ở trí thức là như vậy, tiên liệu, đưa ra các khuyến cáo sớm, thay vì đợi đến khi tình hình ngã ngũ, rồi mới “tát nước theo mưa”. Nếu như, từ giữa năm 2007, các dấu hiệu bất ổn của nền kinh tế được công khai thảo luận thì cho dù chính sách không kịp điều chỉnh, dân chúng và các nhà đầu tư vẫn có thể đã thận trọng hơn. Khi một số trí thức không làm được như vậy, chính họ cũng rất cần tự vấn; nhưng khi cả một đội ngũ không thể làm, thì đương nhiên, vấn đề cần nhìn nhận là ở chỗ “môi trường” cho họ. Vì vậy mà Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 7 bàn về “đội ngũ trí thức” trong tình hình này là một việc làm rất cần.

Trong một quốc gia mà mọi quyền lực đều do Đảng lãnh đạo thì vai trò của Đảng mang tính quyết định để đội ngũ trí thức có thể hình thành. Những yếu tố để trí thức hình thành ấy, tất nhiên, không phải là những gì thuộc về “đãi ngộ”. Nếu như cách đây 30 năm, các ý kiến phản biện của trí thức được lắng nghe, thì “đổi mới” có thể đã được đưa ra sớm hơn so với thời điểm mà chúng ta được biết. Một nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng kể rằng, ngay từ cuối thập niên 70, một trí thức Việt Kiều, GS Ngô Vĩnh Long, sau khi đi thực tế ở nông thôn đã khuyến cáo, “hợp tác hóa” như lúc ấy vẫn làm là đi ngược quy luật và nếu không sửa thì thế nào cũng thất bại. Phản biện của GS Ngô Vĩnh Long không những đã không được nghe mà ông còn bị nghi là “CIA cài lại”, rất nhiều năm sau đó ông Long đã không nhận được “phép về nhà”. GS Ngô Vĩnh Long không phải là người duy nhất nhận ra những sai lầm của chính sách kinh tế được đưa ra trong thời gian đó, nhưng nhiều người đã không dám phát biểu và nhiều ý kiến phát biểu đã không được thảo luận công khai.

Nhà báo lão thành Thái Duy kể, trong những ngày “khoán sản phẩm” xuất hiện ở nông thôn, tờ báo Đại Đoàn Kết của ông đã phải ủng hộ “khoán” vô cùng đơn độc. Khi đó ông mong những tờ báo “lớn” khác cùng lên tiếng nhưng tuyệt nhiên không có một thông tin nào. Ngược lại, khi “khoán” đã trở thành chủ trương, thì những tờ báo đó lại trở thành nơi ồn ào nhất. Nhiều người hẳn vẫn còn nhớ hàng trăm bài báo ca ngợi phong trào nuôi ốc bươu vàng để về sau mới nhận ra khả năng phá hại mùa màng của nó. Rau muống đã từng được một số “công trình khoa học” chứng minh là bổ dưỡng hơn thịt bò và “bo bo” thì được khẳng định là có nhiều chất hơn cả gạo. Ngay lúc đó không phải là không có những nhà khoa học nhận ra bộ mặt thật của những “công trình” này, nhưng nếu họ nói ra rất có thể bị quy là phản động.

Lời “phản biện” không phải lúc nào cũng dễ nghe và không phải lúc nào cũng đúng. Nhưng, nếu một chính sách mà trong quá trình hình thành, các nhà hoạch định chỉ nhận những lời tung hô, thì cho dù chính sách đó không sai cũng khó tiên liệu hết những hệ lụy mà chính sách đó khi thi hành sẽ gặp. Cựu Bí thư Trung ương Đảng ông Hồng Hà cho rằng, đội ngũ trí thức mà Trung ương đang bàn nên bao gồm cả những trí thức do Đảng và những trí thức do các nguồn đào tạo. Ngày nay, cũng không còn như thời ông Hồng Hà đương chức, thời mà nếu trí thức không được Đảng đãi ngộ và sử dụng thì không biết về đâu. Các thành phần kinh tế và sự phát triển đa dạng trong xã hội ngày nay đã tạo ra rất nhiều “chỗ làm” cho những người có nhiều bằng cấp. Tuy nhiên, ngay cả khi có hàng chục ngàn tiến sỹ và phần lớn dân số đã tốt nghiệp cử nhân thì chưa chắc một đội ngũ trí thức đã có thể hình thành nếu như trong đội ngũ ấy không bao gồm những người “chỉ biết nói sự thật và không dừng lại trước bất cứ điều gì cho dù đã được chính mình kết luận”, như lời của một nhà khoa học theo chủ nghĩa Marx (theo báo Đại Đoàn Kết).

Thiếu một không gian để đãi đằng những ý kiến khác nhau thì đương nhiên là không thể làm xuất hiện một đội ngũ có thể coi là trí thức. Nhưng, “sự nghiệp trồng người” không chỉ thành tựu ngay. Không thể có một đội ngũ trí thức nếu như từ trong trường phổ thông học sinh chỉ được dạy theo kiểu “gọi vâng, bảo dạ”. Tư duy “phản biện”, cho dù chỉ đơn thuần những vấn đề khoa học, cũng cần phải được hình thành từ nhỏ. Như chúng tôi đã từng ví dụ, cùng dạy về một nhân vật lịch sử, nếu như các học sinh ở trong trường Việt nam chỉ có thể học thuộc những kết luận mà sách giáo khoa đã viết; thì, các học sinh đang học ở trong các trường Quốc tế tại Việt Nam lại có thể tùy nghi đưa ra những nhận xét của mình, công tội là dựa trên những thông tin mà các học sinh này tự tìm kiếm được. Điểm số của các học sinh học ở trong trường Quốc tế căn cứ vào khả năng phản biện và những lập luận mà các em đưa ra chứ không phải là “đúng hay sai” dựa vào khả năng học thuộc những gì mà các thầy, cô bảo.

Những thách thức về tài chánh, kinh tế xuất hiện từ đầu năm, cho thấy, điều hành một doanh nghiệp, một tổ chức và lớn hơn, một quốc gia, không thể nào chỉ dựa vào ý chí chính trị và vào mệnh lệnh. Không thể có những quyết định đúng đắn nếu quy trình ban hành những quyết định đó không hội đủ hàm lượng tri thức đóng góp từ các lực lượng tham gia. Một “hàm lượng tri thức” như vậy chỉ có thể xuất hiện trong một môi trường tự do cho sáng tạo, tự do tranh luận và công khai ý kiến. Hy vọng là Hội nghị Trung ương 7 sẽ đưa ra được những tiền đề để có được một không gian chính trị cũng như một môi trường giáo dục có thể giúp hình thành một đội ngũ có bằng cấp, thực sự là trí thức, như những gì đang cần cho đất nước.
Huy Đức

Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét