Lan man chuyện học tiếng Anh và làm báo

Hôm qua tôi trả lời phỏng vấn cho đài RFI bên Pháp (không phải RFA của mấy ông Mĩ đâu nhé) về chuyện loãng xương và hội nghị sắp tới ở TPHCM. Tôi thích đài này lắm, vì tôi thấy họ làm rất professional (chứ không phải như mấy đài khác mà theo tôi là hơi bê bối và "làm dáng trí thức"). Nhưng rất tiếc là không có thì giờ để nghe. 



 Phóng viên là chị Trịnh Ánh Nguyệt, người có giọng nói trong như pha lê. Vui nhất là chị ấy hỏi tôi kinh nghiệm về tiếng Anh. Ôi, nếu có thì giờ tôi có thể nói cả ngày về chuyện này. Ai cũng hỏi tôi làm sao học tiếng Anh cho có hiệu quả, và câu trả lời của tôi lúc nào cũng:

(a) học từ căn bản;
(b) chịu khó đọc báo và đối chiếu với đài tivi hay radio;
(c) chịu khó thực hành viết và nói.

Thuở đó, có khi cả ngày tôi học chỉ có 1 chữ, nhưng tôi nắm rất vững và hiểu chữ đó từ cái gốc. Nguồn gốc nó từ đâu; các biến thể tính từ, động từ, danh từ, v.v... ra sao; đọc như thế nào; cách sử dụng trong câu văn ra sao, v.v... Hai cuốn sách giúp tôi nhiều nhất là cuốn Từ điển Longman và cuốn Practical English Usage của Michael Swan.

Học xong chữ, sáng ra tìm một tờ báo để đọc. Tìm hiểu chữ mình không biết. Chiều về mở đài tivi nghe phóng viên đọc tin. Xác suất là phóng viên sẽ đọc lại một phần bản tin từ báo chí lên đến 95%. Truyền thông Tây phương này nói là đa dạng chỉ đúng một phần, chứ thực chất nó chỉ lặp đi lặp lại một vài tin thôi. Học như thế rất hiệu quả.

Nhưng viết rất quan trọng. Người mình hay tự tin cho rằng mình giỏi văn phạm, còn phát âm thì kém. Tôi cho rằng người mình chẳng những nói tiếng Anh kém, nhưng viết lại càng kém hơn. Viết không dễ đâu. Viết cho lưu loát, cho hay, cho thuyết phục lại càng khó. Viết chẳng những đòi hỏi một tư duy logic mà còn đòi hỏi nghệ thuật. Tư duy logic giúp mình sắp xếp ý tưởng cho có thứ tự, trước sau rõ ràng. Còn nghệ thuật ở đây là kĩ năng dùng chữ sao cho đơn giản, không phô trương, chính xác, mà nói lên được điều mình muốn nói.

Chính vì viết văn đòi hỏi logic và nghệ thuật, và hai khía cạnh này thì chẳng phân biệt Ta hay Tây. Thật vậy, tôi thấy sinh viên Úc hay Mĩ cũng viết rất dở. Tôi từng dạy sinh viên Úc, Mĩ và Việt cách viết bài báo khoa học nên biết chuyện này. Ngay cả cấp giáo sư cũng có người viết không hay. À, nói đến đây, tôi nhớ một kỉ niệm vui. Số là năm đó tôi được một ông thầy cũ (giáo sư PS, dân rheumatology, người Anh chính cống) ổng bảo tôi đọc bản thảo một nghiên cứu của ổng và góp ý. Tôi đọc một mạch, cho ý kiến, và ... sửa tiếng Anh. Nên nhớ là lúc đó tôi nói tiếng Anh cũng ok, nhưng chưa giỏi được. Sáng thứ Hai tuần sau, ông ấy cầm bản thảo tôi góp ý, ném cái "bịt" xuống bàn tôi, mặt hầm hầm nói:

- Tao kêu mày góp ý, tao đâu có kêu mày sửa tiếng Anh của tao.

Tôi cũng ngạc nhiên, nhưng bình tĩnh nói:

- Thì ông kêu tôi cho suggestion, tôi cứ tưởng là suggestion bao gồm cả ý và văn, có gì đâu mà ông nóng? Thôi, nếu tôi xúc phạm ông, tôi xin lỗi vậy, ok?

- Mà sao mày biết tao viết tiếng Anh sai mà mày dám sửa?

Đến đây thì tôi nhìn thẳng vào mặt ông ấy và nói:

- Ông thấy không, tôi nói tiếng Anh còn chưa rành, ấy thế mà tôi dám sửa Anh văn của ông thì ông phải biết tôi phải tự tin lắm mới dám làm chuyện đó chứ, tức là ông phải có những cái sai hiển nhiên tôi mới dám sửa chứ.

Có lẽ thấy tôi nói có lí, nên ông ấy lấy một câu ra và hỏi tôi là sai chỗ nào. Hóa ra chỗ đó là đoạn ổng dùng gerund sai nên tôi giải thích cho ổng nghe về gerund. Ổng có vẻ nghe êm tai, nhưng chẳng bao giờ học văn phạm, nên nói:

- Thú thật với mày, tao chẳng biết gerund là cái quái gì, nhưng mày nói nghe có lí. Thôi, chẳng có chuyện gì đâu. Tao cám ơn mày.

Thế là chúng tôi thành bạn bè sau này. Sau này cứ mỗi lần cần gì là ông ấy kêu tôi làm biên tập; còn tôi cần đề bạt thì hú ổng một tiếng là ổng sốt sắng lo ngay.

Tôi vốn có duyên với giới truyền thông. Từ những năm sau 1975 tôi đã viết phóng sự gửi đăng báo ... Nhân Dân, thậm chí còn nổi hứng làm thơ và cũng có báo đăng. Có lần ông Bảo Định Giang, lúc đó là chủ bút hay gì đó của một tờ báo trong Nam, còn khen tôi là "có triển vọng". Thời đó, còn trẻ mà được khen như thế là cứ như là đi trên mây. Nhưng sau này tôi thất vọng trước tình thế và con đường tiến thân nên tôi bỏ ra nước ngoài như là một "boat people".

Bẵng đi một thời gian "vùi mài kinh sử" tôi lại viết báo. Phần lớn là báo bên Mĩ (như tạp chí Thế kỉ 21, tập san Văn) đăng bài của tôi liên quan đến chuyện khoa học, y tế, văn học, văn hóa. Tôi còn viết cho báo Úc cấp quốc gia như tờ Sydney Morning Herald, và thỉnh thoảng "đấm đá" với bọn right wing trên tờ The Australian. Có một bài về boat people tôi viết dự thi cho tờ Sydney Morning Herald, và tôi được giải khuyến khích với phần thưởng là một năm đọc báo miễn phí!

Rồi sau này lại quen và gửi bài cho Diễn Đàn (Paris), một tờ báo tôi rất thích. Còn ở VN thì tôi viết cho khá nhiều tờ, nào là Tuổi trẻ, Người lao động, Lao động, Thanh niên, rồi đến các tạp chí như Kinh tế Sài Gòn, Tia Sáng, và Hoạt động Khoa học. Tôi xem 3 tạp chí này như là "nhà", vì tôi biết khá nhiều bạn trong tòa sọan và đôi khi không cần nhuận bút! Bây giờ thì tôi viết báo cứ như là một kí giả vậy.

Viết báo nhiều có lợi mà cũng có hại. Cái lợi là được chia sẻ cảm nghĩ của mình với nhiều người và có người thích hay đồng cảm. Nhưng cái không lợi là có người chú ý và họ ghét (làm dâu trăm họ mà), hay biết chừng đâu bị mấy ông công an theo dõi (cái này thì chắc có). Cuốn sách về chất độc da cam của tôi mới in vào năm 2004 và sau một loạt bài của tôi về vụ này trên Người lao động thì Tòa lãnh sự Mĩ điện thoại cho tòa soạn NLĐ khen bài viết hay, có giá trị, nhưng không quên kèm theo câu hỏi "Giáo sư Tuấn là ai?" Tôi tưởng là họ sẽ "hỏi thăm" khi tôi đi công tác bên Mĩ. Ấy thế mà cuối năm đó tôi vào Mĩ chẳng thấy ai hỏi han gì. Mà, có hỏi tôi cũng chẳng có chuyện gì để nói. Kinh thật, ai nói họ không theo dõi những bài như thế trên báo chí VN.

NVT

Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét