Đây là một bài viết cũ trong thư mục do tôi sưu tầm. Bài của anh Nguyễn Đức Phùng, một chuyên gia tâm thần học ở Mĩ. Anh Phùng cùng quê bên nội tôi, tức là Bình Định. Chúng tôi chỉ quen nhau qua email mà chưa bao giờ gặp ngoài đời.
Nhưng tôi vẫn hi vọng sẽ gập anh một lần để đàm đạo chuyện Hàn Mặc Tử mà anh cho là … điên. Không biết nói ra có làm anh Phùng giận chăng, nhưng tôi thấy các chưng sĩ tâm thần nhìn ai cũng điên hay có vấn đề tâm thần cả. :-)
NVT
Khía cạnh tâm lí của thơ Hàn Mạc Tử
(qua cái nhìn của một chuyên gia tâm thần học)
Trong lời giới thiệu của cuốn ĐÔI NÉT VỀ HÀN MẶC TỬ của Quách Tấn, do nhà xuất bản Quê Mẹ ấn hành, một tay nào đó của nhà xuất bản viết:" Tên tác giả Quách Tấn, tên người được đề cập đến trong thiên hồi ký này và Hàn Mặc Tử, cả hai đều không cần đến bất cứ lời giới thiệu nào. Tự những cái tên ấy đã là những giá trị mà không ai có thể hoài nghi hay phủ nhận được". TRỜI! Viết như thế này thì còn ai dám có ý kiến gì khác với hai ông ấy nữa chứ! Chính ông Quách Tấn còn nói trong lời mở đầu là:" Rất có thể bị thời gian làm sai lạc ít nhiều" kia mà!
Hàn mặc Tử nói mình điên: "Bây giờ tôi dại tôi điên, chắp tay tôi lạy khắp miền không gian.... Anh điên anh nói như người dại, van lạy không gian xóa những ngày", và lấy tên một tập thơ là Máu Cuồng và Hồn Điên, thì người ta bảo ông điên cũng phải lắm! Chính ông ta nhận mình điên như bị can nhận mình có tội thì luật sư còn biết biện hộ làm sao nữa! Có chăng là nhờ một chưng sĩ tâm thần khám rồi tuyên bố rằng ông ta đã mất trí rồi, không còn đủ tư cách pháp lý để nhận tội hay chạy tội nữa. Ở đây chẳng có ai có tội tình gì để mà bào chữa, có chăng là ý kiến của hai phe: Một phe có cảm tình với Hàn Mặc Tử, tự nhận là hiểu được thơ của Hàn và ca tụng hết mình, đứng đầu là nhà thơ cổ điển Quách Tấn. Phe kia bảo là không hiểu nổi ( các tập thơ sau tập Gái Quê, như Hương Thơm, Mật Đắng, Máu Cuồng và Hồn Điên), nên có ý bảo rằng đấy là thơ của người điên! Hoài Thanh, Hoài Chân, trong cuốn THI NHÂN VIỆT NAM (TNVN) có ngụ ý như vậy khi ông viết:" Một tác phẩm như thế không thể nói là hay hay dở, nó đã ra ngoài vòng nhân gian, nhân gian không có quyền phê phán. Ta chỉ biết ta đứng trước một con người sượng sần vì bịnh hoạn, điên cuồng vì quá đau khổ trong tình ái..." Ông còn chia thơ của Hàn Mặc Tử ra làm nhiều nhóm, trong đó có nhóm thơ ĐIÊN, gồm ba tập Hương Thơm. Mật Đắng. Máu Cuồng và Hồn Điên.
Tôi chưa nói ông đúng hay sai, nhưng tôi đã thán phục ông ta ở chỗ ông biết người biết ta khi ông nói: "Một nhà chuyên môn nghiên cứu những trạng thái kỳ dị của của tâm linh con người, khi xem tập Máu Cuồng và Hồn Điên, có lẽ sẽ lượm được nhiều tài liệu hơn là nhà phê bình văn nghệ ..."
Rất tiếc là trong giới văn học nghệ thuật của chúng ta đã không có nhiều những người như vậy, những người có óc nhận xét và phán đoán. Phần lớn họ là những người viết để thỏa mãn cái TÔI tự đại và khoe khoang (narcissistic ego), muốn cho người khác biết tới mình như là một kẻ có tài, nhất là những nhà văn nghiệp dư của chúng ta. Cho nên trong những tác phẩm của ho,ï ta luôn luôn thấy thấp thoáng bóng tác giả, khi ẩn khi hiện, như có ý nói rằng:" Đấy, ông thấy không, tôi đây cũng có hạng lắm chứ đâu phải tầm thường. Tôi thuộc loại đặc biệt đấy, người ta chưa biết tôi đấy thôi!".
Nhà văn có thể viết về mình như là thân phận của con người ( one of them), nhưng buồn thay chúng ta đều có ý nói:"Không, tôi không phải tầm thường vậy đâu! Tôi là một người đặc biệt ( I am not one of them, I am special!)". Xin lỗi! Tôi chỉ phân tích tâm lý. Nếu những nhận xét ấy có vẻ giống như mình quá thì ta có thể dùng một cơ chế tự vệ khác (defense mechanism) là Rationalization, lý luận biện hộ rằng: "Không! tôi đâu có cần được ai thán phục. Ngày xưa tôi viết là để giải tỏa nỗi buồn của người thanh niên trong cuộc chiến không lối thoát. Bây giờ tôi viết lại là để giải bày tâm sự của riêng mình và của người đồng hương, hay viết để bảo tồn văn hóa dân tộc.v.v..." Nghĩa là tìm một lý do chính đáng nào đó chấp nhận được cho mình và cho người là được rồi!
Ngay chính Hàn Mặc Tư,û ông cũng đã không dấu diếm gì điều đó khi ông nói với Quách Tấn:" Ừ, không làm được anh hùng trong lịch sử thì cố gắng làm anh hùng trong văn chương"( tr 32, ĐNVHMT). Ông ta là người rất háo thắng, như khi thấy Quách Tấn viết bài ca ngợi bài thơ VÔ ĐỀ, đọc được nhiều cách của vua Tự Đức, ông liền viết thơ bảo rằng:"Ai làm chẳng được mà khen!", rồi gởi luôn một lần hai bài thơ như vậy. Hàn Mặc Tử thường viết:"Những người có tài nghĩa là đi ra ngoài cái sáo cũ và lề lối xưa, thường hay đi trước sự tiến bộ. Tác phẩm của họ chỉ làm cho những thế hệ kế tiếp sau xem mà thôi. Chứ ở thời kỳ này, người hiểu thơ cho chín chắn vẫn là một thiểu số" (tr 410, Việt Nam thi nhân tiền chiến, quyển hạ, của Nguyễn tấn Long và Nguyễn hữu Trọng). Văn xuôi của Hàn Mặc Tử thì rất màu mè sặc sỡ, quá sức tưởng tượng, để tình cảm và cảm xúc tràn ngập, thiếu lý trí và phán đoán, lúc nào cũng đẩy tình cảm và cảm xúc đến bên bờ vực thẳm để cho khủng hoảng xảy ra, vì ông muốn như vậy, muốn là người đầu tiên, thiên tài, một anh hùng của văn học thì phải khác thường chứ! Những ước mơ ấy đã phản ảnh trong một bài thơ ông gởi cho một cô gái ở quê ông: "Mây trắng ngang trời bay vẩn vơ, đời anh lưu lạc tự bao giờ, đi đi đi mãi nơi vô định, tìm cái phi thường cái ước mơ!..."
Trước khi chết, Hàn dặn người bạn đồng bịnh tương liên là Nguyễn văn Xê báo tin cho hai người, một trong hai người đó là nhà phê bình văn học và viết truyện ký Trần thanh Mại. Để làm gì, nếu không phải là để có người viết về mình ? Quả thật sau đó ông Trần thanh Mại đã viết cuốn Hàn Mặc Tử và đã đưa Hàn Mặc Tử vào huyền thoại văn học Việt Nam . Hàn cũng nói về mình, nhưng nói về cái thân phận đau khổ của mình, mà cái đó là cái chung của đồng loại, cho nên ông mãi mãi là người của chúng ta.
Ông Xuân Diệu thì quả quyết rằng Hàn Mặc Tử không điên, chỉ có lập dị, làm thơ như người điên. Ông ta cau có, gián tiếp mắng nhiếc Hàn như sau:" Hãy so sánh thái độ can đãm kia (thái độ của những nhà chân thi sĩ) với những cách đột nhiên mà khóc, đột nhiên mà cười, chân vừa nhảy miệng vừa kêu: Tôi điên đây! Tôi điên đây! Điên cũng không dễ làm như người ta tưởng đâu. Nếu không biết điên, tốt hơn hết là cứ tỉnh táo như thường mà yên lặng sống." (tr 203 TNVN).
Đấy! các nhà văn nhà thơ của chúng ta làm rộn cả lên như vậy! Sẵn sàng chụp mũ, chưởi bới, đốp chát khi không hài lòng, ngay cả với một con người đang quằn quại đau thương vô bờ bến với bệnh cùi, vào thời ấy có lẽ cũng kinh khủng như bịnh ẾCH bây giờ (AIDS hay aids), tương đương với một sự chờ chết (impending death or dying). Chúng ta sẽ thông cảm với Hàn Mặc Tử hơn, nếu chúng ta chịu khó tìm hiểu một: CHUỖI DÀI ĐAU KHỔ VÀ THƯƠNG KHÓ (Mourning proccess or bereavement ) xảy ra hằng ngày trước mặt chúng ta nhưng ít ai chịu để ý và phân tích.
CHUỖI DÀI ĐAU KHỔ và THƯƠNG KHÓ
Nhà tâm thần học Elisabeth Kubler Ross đã quan sát và ghi nhận những phản ứng tâm thần của những người có người thân yêu ruột thịt bị chết, của người đang chết từ từ vì một bịnh nan y, ngặt nghèo không chữa được, hay những người bị một sự mất mát to lớn nào đó. Những phản ứng tâm thần ấy có 5 giai đoạn: Shock and denial ( bị cú shock, sững sờ, không thể chấp nhận được), Anger (giận dữ), Depression (Đau khổ, suy sụp tinh thần), Bargaining (mặc cả), và cuối cùng là Acceptance (chấp nhận).
Ví dụ có người tới báo cho bà mẹ biết rằng con của bà bị xe cán chết ngoài đường. Phản ứng đầu tiên là bị SHOCK and DENIAL, sững sờ, hồn phi phách tán, tá hỏa tam tinh, bà không tin như thế được! Người mẹ có thể nghĩ là người ta đã nhầm một đứa bé nào đó chứ không phải con của bà, hoặc nếu là con bà thì có lẽ nó chỉ bị xỉu thôi! nghĩa là bà đã không thể chấp nhận sự chết của con của bà được (denial).
Tôi đã chứng kiến cảnh một người đã sững sờ, nhợt nhạt, không nói được một lời nào (shock) khi được báo cho biết là thử nghiệm máu của ông ta dương tính với bịnh ẾCH. Một thời gian dài sau đó ông ta còn tin là thử nghiệm sai! Có người còn tin là không có bịnh ẾCH đâu! mà là một sự bịa đặt của giới y khoa và của chính quyền để hù làm cho dân chúng sợ, đừng làm tình bừa bãi, chích choát xì ke ma túy.v.v..( Lý luận, rationalization, để đưa đến sự không chấp nhận: denial ). Hàn mặc Tử đã phản ứng y chang như vậy. Vào những ngày cuối của cuộc đời, ông có tâm sự với người bạn mới gặp là Nguyễn văn Xê khi vào bịnh viện cùi Quy Hòa rằng:" Tôi nghĩ không bao giờ mình bị bịnh này anh Xê ạ!" (tr 179, ĐNVHMT). Trong một thời gian dài ông đã không chấp nhận được chuyện mình mắc bịnh cùi (denial), thay vào đó ông nghĩ là mình chỉ bị bịnh phong ngứa thôi, nên đã đi khắp các tiệm thuốc Bắc và thuốc Nam ở Bình Định và Chợ Lớn để chữa.
Còn người mẹ, khi đã thấy rõ là con của mình đã chết, bà sẽ phản ứng giận dữ, chưởi bới, có thể đổ lỗi cho người này người kia.v.v.. Ở Việt Nam tôi còn nhớ mỗi lần có tai nạn xe đò tông chết người, việc đầu tiên người tài xế phải làm là chạy thoát thân trước đã. Nếu chậm trễ, có thể bị thân nhân đánh chết không chừng! Tôi có người bịnh khi biết mình bị bịnh ẾCH liền xách súng đến bắn người đã tặng bịnh ẾCH cho mình. Đấy là những phản ứng của giai đoạn giận dữ, ANGRY.
Hàn Mặc Tử đã giận dữ qua Mật Đắng, Máu Cuồng và Hồn Điên. Thơ văn nóng như lửa, nhanh như chớp, dữ dội, kinh dị, rùng rợn và quay cuồng như giông tố: "Hồn là ai, là ai tôi chẳng biết! Hồn theo tôi như muốn cợt tôi chơi. Môi đầy hương tôi không dám ngậm cười, hồn vội mớm cho tôi bao ánh sáng. Tôi chết giả và no nê vô vạn, cười như điên và sặc sụa cả mùi trăng. Áo tôi là một thứ ngợp hơn vàng, hồn đã cấu đã cào nhai ngấu nghiến! Thịt da tôi sượng sần và tê điếng. Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên, tôi dìm hồn xuống một vũng trăng êm, cho trăng ngập trăng dồn lên tới ngực. Hai chúng tôi lặng yên trong thổn thức, rồi bay lên cho tới một hành tinh, cùng ngả nghiêng lăng lộn giữa muôn hình, để gào thét một hơi cho rởn óc, cả thiên đường trần gian và điạ ngục!.. " (Hồn là ai).
Giai đoạn DEPRESSION, buồn bực, khóc than và đau khổ. Điều này ta thấy khắp nơi trong thơ ông. ông đã xa lánh mọi người, cắt đức mọi liên lạc với thế giới bên ngoài (withdrawl ) kể cả người bạn thân là Quách Tấn:" Những ngày đau khổ nhuộm buồn thiu, những áng mây lam cuốn dập dìu, những mảnh nhạc vàng rơi lả tả, những niềm run rẩy của đêm yêu. hay: Lòng ta sầu thảm hơn mùa lạnh, hơn hết u buồn của nước mây, của những tình duyên thương lở dở, của lời rên siết gió heo may". Sự đau khổ thấy khắp nơi trong thơ ông và dường như là do tình ái mà ra là vì ông ta có chấp nhận là mình bị cùi đâu! cho nên mọi đau khổ đều đổ cả vào tình ái, cũng như ông đã đổ cả vào bịnh phong ngứa vậy! Đổ cả vào tình ái, gián tiếp là đổ cả vào Mộng Cầm. Đấy là sự giận cá chém thớt ( displacement ) trong lúc giận dữ. Trăm dâu đổ đầu tằm là vậy. Các người đàn bà khác như Thương Thương, Hoàng Cúc, Mai Đình, Ngọc Sương, đều không có sự đóng góp chính đáng vào sự đau khổ của thơ ông.
Giai đoạn BARGAINING, mặc cả với Chúa, Phật và thần linh, quay về với tôn giáo, đi chùa lễ phật, cúng dường Tam bảo, hứa nguyện làm điều lành, hy vọng được Phật cảm động mà cho hết bịnh ( má tôi thường làm cái này lắm ). Còn Hàn Mặc Tử thì đi nhà thờ, chấp nhận Chúa làm Chúa cứu thế, làm thơ tôn vinh đức mẹ Maria và đức Chúa Trời với hy vọng bịnh được lành như lời ông tâm sự với Quách Tấn:" Tôi có lời nguyện khi vào Quy Hòa, nếu Chúa ban phước cho tôi lành mạnh, tôi sẽ đốt tập thơ Điên" (tr.114, ĐNVHMT)..... "Tôi van lơn thầm nguyện Chúa Giê-su, ban ơn xuống cho mùa xuân hôn phối, xin tha thứ những câu thơ tội lỗi, của bàn tay thi sĩ kẽ lên trăng, trong bao đêm xao xuyến vũng sông Hằng. Ta chắp hai tay lạy quỳ hoan hảo, ngửa trông cao cầu nguyện trắng không gian, để vừa dâng vừa hiệp bốn mùa xuân, nở một lượt giàu sang hơn Thượng đế. Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh! Run như run thần tử thấy long nhan, run như run hơi thở chạm tơ vàng...nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến". Mà tại sao ông phải đốt tập thơ Điên ? Tại vì đó là những giận dữ oán hờn nghi ngút. Mà ông oán hận ai nếu không phải đó là ông TRỜI ? Oán hận ông Trời thì mong gì ông Trời rũ lòng thương! cho nên ông phải nguyện đốt bỏ tập thơ ấy đi. Đấy là sự mặc cả.
Trong thâm tâm của ông, ông biết là ông không thể lấy Mộng Cầm được với tình trạng bịnh tật như thế này. Ai đã yêu với một tình ái cao thượng và chân chính, với một chút lãng mạn, sẽ đoán được Hàn Mặc Tử sẽ làm gì ? Chính ông sẽ rút về một vị trí nào đó để giữ cái đẹp của tình ái, cho nên ông sẽ chẳng bao giờ oán hận Mộng Cầm đâu, như lời ông nói: "Dẫu đau đớn vì điều phụ rẫy, nhưng mà ta không lấy làm điều, trăm năm vẫn một lòng yêu, và còn yêu mãi rât nhiều em ơi!"
Giai đoạn ACCEPTANCE, chấp nhận: Khủng hoảng, đau thương, mất mát, rồi cũng nguôi ngoai dần. Người mẹ có con chết kia, người bị bịnh ếch nọ, cuối cùng đã nhận thấy rằng cái chết là không thể tránh được (inevitable), phần lớn họ dần dần bình phục, lấy lại được sự sự bình tĩnh trong tâm hồn và tiếp tục sống nốt cuộc đời còn lại. Hàn mặc Tử cũng vậy, sau bao lần hy vọng và tuyệt vọng, đau khổ kêu la đến cùng cực, đã cầu nguyện trắng cả không gian, cuối cùng ông đã chấp nhận là mình đã bị bịnh cùi để vào trại cùi Quy Hòa một cách bình thản cho tới khi chết. Ông tâm sự với anh nguyễn văn Xê:" Tới Quy Hòa này là nơi có bãi bể, rừng dừa xanh, núi non hùng vĩ, cù lao xanh huyền ảo, đặc biệt là tình người, nên tôi đã hưởng cái bình an của nội tâm, cái thanh cao của nguồn vui tưởng chừng như đã chết trong tôi.." (tr.179, ĐNVHMT ). Sau khi ông chết, người ta tìm thấy trong túi áo một bài viết của ông bằng tiếng Pháp: La pureté de l` âme ( sự trong sạch của tâm hồn ) (tr.181 ĐNVHMT ).
Tôi muốn nói thêm một vài điều về chuỗi dài đau khổ và thương khó này:
Các giai đoạn không nhất thiết phải xảy ra theo đúng thứ tự từ một đến năm, mà có thể xảy ra lộn xộn.
Không phải ai cũng phải trải qua đủ năm giai đoạn. Có người thì kẹt lại tại một giai đoạn này hay giai đoạn kia quá lâu, hay trở nên bất thường và trở thành bệnh lý ( complicated bereavement ), ảnh hưởng đến sức khẻo cần phải chửa trị. Ví dụ có người bị kẹt tại giai đoạn DENIAL quá lâu như Hàn Mặc Tử chẳng hạn. Ông không chấp nhận mình bị bịnh cùi mà là bịnh phong ngứa, rồi đi tìm thầy thuốc Nam và thuốc Bắc mà chữa trị, để đến nỗi bị trúng độc hư gan hư thận mà chết! Có bà mẹ cứ ôm xác chết của con mình, không cho mang đi chôn, vì bà không thể chấp nhận được rằng con bà đã chết! Có người bị kẹt ở giai đoạn DEPRESSION, đau khổ, suy sụp tinh thần quá nặng đến mất ăn mất ngủ, suy ngược tâm thần, tuyệt vọng và tự tử..v.v...
Triệu chứng của các giai đoạn có thể xảy ra trong cùng một lúc như trường hợp của Hàn Mặc Tử. Cho nên thơ của ông náo nhiệt vô cùng, đau thương vô bờ bến, lời thật uất hận, tức tưởi, gắt gao mãnh liệt như dính máu, giận hờn nghi ngút, kinh dị lạ lùng, rực rỡ huy hoàng, thiêng liêng huyền bí khi ông cầu nguyện, và tới chết cũng còn lãng mạn và muốn được yêu vì chưa được một lần yêu đương trọn vẹn!: "Một mai kia ở bên khe nước ngọc, với sao sương anh nằm chết như trăng, không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc, đến hôn anh và rửa vết thương tâm"
Qua thơ văn của Hàn Mặc Tử và những cuốn sách nói về ông, tôi không thấy có triệu chứng điên loạn nào cả ( Xin xem bài viết: Những triệu chứng tâm thần nặng trong thi ca Việt Nam ) . Có hai bài thơ trong đó ông nhắc đến một cảnh hãûi hùng, thấy người gánh máu đi trên tuyết và như có người ngồi bên cạnh mình trong một đêm trăng chỉ có một mình ông trên bãi bể về khuya:" Ai đi lẳng lặng trên làn nước, với lại ai ngồi khít cạnh tôi, mà sao ngậm kín thơ đầy miệng, không nói không rằng nín cả hơi!". Tôi nghi đây là ảo giác thị giác (visual hallucination) do bị trúng độc của thuốc Nam hay thuốc Bắc chăng ? khi ông còn ở xóm Tấn, cạnh bãi bể Qui Nhơn.
ban sơ, chuỗi dài đau khổ và thương khó là một chuỗi phản ứng tâm thần quan sát được ở những người có người thân yêu ruột thịt như cha mẹ, vợ chồng, con cái, bị chết, hay đang chết từ từ (dying), nhưng những hiện tượng này cũng thấy ở cả những người đang chịu đựng một sự mất mác lớn lao, như mất việc làm, mất địa vị xã hội, ly dị, mất tự do như bị tù tội, bị bịnh tật nan y ngặt nghèo không chữa được.v.v. . . Lâu lâu trên báo chí, truyền hình, ta thấy có người xách súng vô chỗ làm bắn giết lung tung khi bị đuổi sở mất việc làm là một thí dụ của sự giận dữ đấy!
Triệu chứng nặng nhẹ khác nhau là do sự khác biệt về trình độ văn hóa, tình trạng gia đình, cá tính từng người .v.v...Những trường hợp sau này, không liên quan đến sự chết chóc thường được gọi là: Rối loạn điều chỉnh, như rối loạn điều chỉnh với buồn bực, lo âu, với cả buồn bực và lo âu, hay với tức giận bạo hành.v.v...( Adjustment disorder with depressed mood and affect, with anxious mood and affect, or with behavior.v.v...)
Chế lan Viên nói: "Tôi có thể cam đoan với các người rằng, tất cả những cái gì tầm thường hiện thời rồi sẽ tan biến hết, và sau này trong tương lai còn lại một cái gì của thế hệ chúng ta đang sống, đó là thơ Hàn Mạc Tử!". Ông này thật ngớ ngẩn, nói một câu rất thừa là tất cả những gì tầm thường hiện thời rồi sẽ tan biến hết, nhưng đã đúng là Hàn Mạc Tử sẽ còn mãi mãi với dân tộc ông bên cạnh những anh hùng lịch sử của dân tộc Việt như lòng Hàn mong muốn. Nhưng hiểu được thơ ông không phải là dễ nếu ta không hiểu được những động cơ tâm lý ( Psychodynamic motives ) là muốn được trở thành anh hùng trong văn chương, và những phản ứng tâm thần qua các giai đoạn mà ông đã trải qua.
Bs Nguyễn đức Phùng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét