Văn hóa và phát triển trong thế kỉ 21

Bài này tôi viết cũng khá lâu (gần 10 năm). Hôm nay xem lại thư mục của mình mới thấy nó, và gửi lên đây để các bạn cùng đọc. Tôi chưa gửi bài này cho ai cả. Có lẽ tôi sẽ gửi cho Tuần Việt Nam của Vietnamnet.


NVT
===
Văn hóa và phát triển trong thế kỉ 21

Người ta thường nói thế kỉ 20 là thế kỉ của ý thức hệ, bởi vì trong suốt 100 năm liền, người ta tranh chấp nhau giữa các chủ nghĩa (xã hội, tư bản, độc quyền, phát-xít, v.v…). Trong cuộc tranh chấp dai dẳng đó, lằn ranh chia cách các quốc gia là ý thức hệ. Người ta phân biệt các quốc gia qua chủ nghĩa, và cao điểm của sự phân biệt đó là cuộc Chiến tranh lạnh. Đến cuối thế kỉ 20, cuộc tranh chấp ý thức hệ chấm dứt, và kéo theo đó là sự cáo chung của cuộc chiến tranh lạnh giữa khối xã hội chủ nghĩa và khối tư bản chủ nghĩa.

Thế kỉ 21 là thế kỉ của văn hóa. Trong tương lai các quốc gia trên thế giới sẽ qui tụ với nhau thành nhiều nhóm dựa trên văn hóa và tôn giáo, nhưng không dựa trên ý thức hệ trong thời gian qua. Trong thế kỉ 21, người ta sẽ hỏi “Anh là ai" thay vì thay vì “Anh thuộc phe nào” như trong thời Chiến tranh lạnh. Câu hỏi đó thể hiện một sự chuyển biến về tư duy từ phe phái sang diện mạo.

Nhưng diện mạo là gì? Câu trả lời trước tiên là căn cước tính, là dựa vào văn hóa, vì văn hóa gắn liền với con người trong thế giới hiện đại. Theo Giáo sư Samuel P. Huntington, sau thời kì Chiến tranh lạnh, các quốc gia trên thế giới sẽ tập trung thành 8 nhóm theo tôn giáo và văn hóa: Tây phương (chủ yếu là các nước theo đạo Kitô giáo); Châu Mĩ Latin; Phi châu; Chính thống giáo (tức các nước Đông Âu như Nga, Ukraine ...); Ấn Độ giáo; Hồi giáo; Khổng giáo (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam); và một khối gồm các quốc gia khác như Nhật. Nói một cách khác, văn hóa sẽ che phủ cả hai chủ nghĩa dân tộc và ý thức hệ, nguyên là hai yếu tố quyết định mối liên hệ chính trị quốc tế trong thời Chiến tranh lạnh.

Vì thế, có thể tiên đoán rằng trong thế kỉ 21, những khác biệt, tương tác và xung đột giữa các nền văn hóa sẽ là những màn diễn chính trên sân khấu chính trị thế giới. Ngày nay, các nhà chính trị học, kinh tế học, và giới quân sự đang tập trung năng lực vào nghiên cứu văn hóa, và dùng nó như là một yếu tố để giải thích các hành vi xã hội cũng như kinh tế. Nói một cách ngắn gọn, văn hóa có giá trị chính trị, kinh tế, và xã hội, và hậu quả của văn hóa có thể tốt mà cũng có thể xấu.

Nhưng nếu văn hóa có giá trị đáng kể như thế, thì câu hỏi cần được đặt ra là “văn hóa là gì?” Nói một cách chung chung (theo cách diễn giải của Trần Ngọc Thêm), văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội. Nói một cách cụ thể hơn, văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống và lao động. Cách hiểu thứ hai này đã được cộng đồng quốc tế chấp nhận tại Hội nghị liên chính phủ về các chính sách văn hóa họp năm 1970 tại Venise.

Khai triển từ định nghĩa đó, văn hoá có thể hiểu theo chiều hướng và không gian. Giới hạn theo không gian, văn hóa được dùng để chỉ những giá trị đặc thù của từng vùng (văn hóa Tây Nguyên, văn hóa Nam Bộ). Giới hạn theo thời gian, văn hóa được dùng để chỉ những giá trị trong từng giai đoạn (văn hóa Hoà Bình, văn hóa Đông Sơn). Giới hạn theo chiều sâu, văn hóa được hiểu là những giá trị tinh hoa của nó (nếp sống văn hóa, văn hóa nghệ thuật). Giới hạn theo chiều rộng, văn hóa được dùng để chỉ những giá trị trong từng lĩnh vực (văn hóa giao tiếp, văn hóa kinh doanh). Dù theo chiều hướng hay không gian nào, cái mẫu số chung của văn hóa là con người. Trong suốt lịch sử hình thành và phát triển của mình, con người luôn sáng tạo không ngừng để làm nên các giá trị văn hóa. Một trong số những giá trị văn hóa được con người sáng tạo ra ấy chính là bản thân con người – con người có văn hóa. Con người sáng tạo ra văn hóa, đồng thời chính con người cũng là sản phẩm của văn hóa.

Quan hệ văn hóa với con người và xã hội là một phần của quan hệ bộ ba con người - văn hóa - tự nhiên. Trong quan hệ giữa văn hóa và tự nhiên, tự nhiên là cái có trước, tự nhiên qui định văn hóa. Văn hóa thường được định nghĩa như một “tự nhiên thứ hai”. Không có tự nhiên sẽ chẳng có văn hóa, bởi vì: (a) Thứ nhất, tự nhiên tạo nên con người; con người, đến lượt mình, lao động không ngừng để tạo nên văn hóa; như vậy, văn hóa là sản phẩm trực tiếp của con người và sản phẩm gián tiếp của tự nhiên. Văn hóa là cái tự nhiên được biến đổi bởi con người; và (b) thứ hai, trong quá trình sáng tạo văn hóa, con người vẫn phải sử dụng các tài nguyên phong phú của tự nhiên và năng lực tự nhiên tiềm tàng của chính mình. Các giá trị văn hóa không thể tồn tại được nếu không có tự nhiên làm môi trường và chất liệu cho nó: mọi sản phẩm vật chất đều chế tạo từ các vật liệu tự nhiên hoặc có nguồn gốc từ tự nhiên, và mọi sản phẩm tinh thần đều không thể tồn tại ngoài bộ não là cái vật chất tự nhiên sinh ra chúng.

Để làm rõ khái niệm “văn hóa”, cần phải phân biệt nó với một khái niệm có liên quan mật thiết là “văn minh” (civilization). Lâu nay, không ít người vẫn sử dụng “văn minh” như một từ đồng nghĩa với “văn hóa”. Thực ra, văn hoá và văn minh tuy là những khái niệm gần gũi, có liên quan mật thiết với nhau, song không đồng nhất. Văn hóa giàu tính nhân bản, nó hướng tới những giá trị muôn thuở; trong khi đó thì văn minh hướng tới sự hợp lí, sắp đặt cuộc sống sao cho tiện lợi”. Nói đến văn minh, người ta chủ yếu nghĩ đến các tiện nghi vật chất. Như vậy, văn hóa và văn minh khác nhau trước hết là ở tính giá trị: trong khi văn hóa là một khái niệm bao trùm, chứa cả các giá trị vật chất lẫn tinh thần, thì văn minh thiên về các giá trị vật chất – kĩ thuật mà thôi.

Một thuộc tính quan trọng bậc nhất của văn hóa là nó có thể chi phối toàn bộ quá trình hình thành và phát triển của con người nói riêng và nhân loại nói chung. Văn hóa tổ chức và điều chỉnh xã hội, giúp con người giao tiếp và thông tin, văn hóa giáo dục và đưa con người gia nhập vào cộng đồng xã hội. Văn hóa vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu và động lực phát triển của xã hội xuyên suốt thời gian và không gian. Văn hóa là chất men gắn kết con người lại với nhau.

Văn hóa toàn cầu ?

Vài năm gần đây, nhiều người lí giải rằng một nền văn hóa toàn cầu đang được hình thành. Đối với họ, văn hóa đại đồng là tập hợp những ý tưởng về kinh tế, xã hội, và chính trị, cùng những giá trị đạo đức mà nhiều người trên thế giới công nhận. Có thể gọi văn hóa này là “Văn hóa Davos”, dùng tên gọi của một diễn đàn kinh tế thế giới được tổ chức hàng năm tại Thành phố Davos, Thụy Sĩ (còn gọi là World Economic Forum). Trong diễn đàn này, thành phần tham dự là những quan chức chính phủ, nhà kinh tế, thương gia, chính trị gia, nhà khoa bảng làm việc trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, và luật pháp. Họ là những người làm việc với chữ nghĩa và con số, nói thạo tiếng Anh, có nhiều liên hệ quốc tế. Họ cũng là những người có cùng quan điểm về chủ nghĩa cá nhân, kinh tế thị trường, và dân chủ chính trị, những điều mà người ta thường hay thấy hay biết như là những giá trị căn bản của văn hóa Tây phương. Họ là những người có khả năng chi phối hầu như mọi cơ quan quốc tế, có ảnh hưởng đến nhiều chính phủ trên thế giới, và kiểm soát tiềm năng quân sự trên các quốc gia nhỏ bé khác.

Văn hóa Davos, do đó, đóng một vai trò cực kì quan trọng trên thế giới. Tuy nhiên, trên bình diện thế giới, chỉ có một số rất nhỏ dân số chia sẻ văn hóa này. Thành ra, chắc còn lâu lắm Văn hóa Davos mới có khả năng trở thành một văn hóa toàn cầu, vì ngay cả những lãnh tụ chia sẻ loại văn hóa này cũng không nhất thiết nắm vững quyền lực trong xã hội của họ. Nhưng dù sao đi nữa, Văn hóa Davos là một sinh hoạt rất đáng kể, vì nó có ảnh hưởng đến quá trình toàn cầu hóa các hoạt động kinh tế ngày nay.

Quan niệm thứ hai về văn hóa toàn cầu là văn hóa tiêu thụ, một đặc điểm khác của văn hóa Tây phương. Trong lịch sử, mốt văn hóa từng được truyền đi từ nền văn minh này sang một nền văn minh khác. Những sáng kiến của một nền văn minh thường được các nền văn minh khác mô phỏng theo. Tuy nhiên, những mốt này thường là kỹ thuật hay công nghệ, tức là những sáng kiến không có hậu quả văn hóa lớn, chúng đến rồi đi mà không có khả năng làm thay đổi văn hóa của nền văn minh tiếp thu chúng.

Một quan niệm văn hóa toàn cầu khác, phức tạp hơn chút, đặt trọng tâm vào vai trò của hệ thống truyền thông. Trong lĩnh vực này, sự thống trị của Mĩ trong kỹ nghệ phim ảnh, truyền hình, và truyền thanh quả là rất lớn. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào cho thấy sự ra đời của một hệ thống thông tin toàn cầu có thể làm thay đổi thái độ và niềm tin. Nhưng với thời gian, hệ thống truyền thông toàn cầu có thể dẫn đến một sự hội tụ những giá trị đạo đức và niềm tin trong các dân tộc khác nhau, dù thời gian cho quá trình này có thể sẽ rất lâu.

Năm trăm năm về trước, thế giới có nhiều nền văn hóa, nhưng là văn hóa truyền thống, không phải văn hóa hiện đại. Sau đó, quá trình hiện đại hóa kinh tế và xã hội ở Tây phương đã mở ra một khoảng cách giữa các xã hội Tây phương hiện đại và xã hội phi Tây phương, phi hiện đại. Ngày nay, hiện đại hóa đã trở thành một hiện tượng toàn cầu. Tất cả các nền văn hóa đang trở thành hiện đại, và theo ý thức này, sự khác biệt giữa Tây phương và các nước trên thế giới đang dần dần biến mất. Tuy nhiên, hiện đại hóa không hẳn là Tây phương hóa. Một vài bằng chứng ở Nhật và Trung Quốc cho thấy quá trình hiện đại hóa cũng là quá trình củng cố các nền văn hóa hiện tại và do đó duy trì sự cá biệt của chúng. Chỉ 500 năm trước đây, nhiều nền văn hóa cùng tồn tại với nhau, do đó, trong thế kỉ sắp đến chúng ta có lí do để cho rằng các nền văn hóa sẽ cùng chung sống. Về lâu về dài, các nền văn hóa khác nhau sẽ đồng qui về một nền văn hóa toàn cầu, nhưng viễn ảnh này sẽ xảy ra trong một tương lai rất xa. Trong tương lai gần, hiện đại hóa sẽ làm hồi sinh các xã hội phi Tây phương.
Nền văn hóa của một xã hội có thể thay đổi qua quá trình hiện đại hóa, hay qua một sự kiện đột xuất (như Thế chiến thứ II đã làm thay đổi hai xã hội quân sự thành hai xã hội hòa bình), hay qua tác dụng của lãnh đạo chính trị. Nhìn chung, tuy nhiên, các bản sắc văn hóa sẽ duy trì rất lâu. Một nghiên cứu về mức độ hài lòng trong dân chúng ở các nước Tây Âu cho thấy điều này khá rõ ràng. Mặc dù có nhiều thay đổi về tình hình kinh tế trong vòng 15 năm qua, người Đan Mạch vẫn sung sướng, người Ý thì không. Một khi xã hội trở thành giàu hơn (về kinh tế), chúng cũng di chuyển từ truyền thống sang hiện đại và hậu hiện đại. Hiện đại hóa nhưng không hội tụ.
Khi các xã hội phi Tây phương bắt đầu hiện đại hóa, xã hội thường cố gắng noi theo các giá trị văn hóa của Tây phương. Một trăm năm về trước, một số người ở Nhật và Trung Quốc lí giải rằng quốc gia họ sẽ phải từ bỏ ngôn ngữ mình để dùng tiếng Anh hay tiếng Đức trong quá trình hiện đại hóa. Song, khi hiện đại hóa diễn ra, quần chúng có khuynh hướng quay về văn hóa của họ, như ngày nay chúng ta thấy họ đề cập đến những giá trị Á châu, và sự phục hưng tôn giáo ở nhiều nơi trên thế giới. Thế giới đang hiện đại hóa, nhưng không phải Tây phương hóa.
Văn hóa và phát triển
Nhiều thập niên qua, các nhà kinh tế học đã phải bận rộn với câu hỏi “Tại sao một số nước phát triển kinh tế nhanh và trở nên thịnh vượng, trong khi các nước khác dẫm chân tại chỗ trong vũng lầy của nghèo nàn và lạc hậu?” Công bằng mà nói, họ chưa tìm thấy câu trả lời thuyết phục dựa trên những lí thuyết kinh tế. Câu hỏi này đánh động rất nhiều người, trong đó có người viết bài này, với trường hợp của Hàn Quốc và Ghana. Vào thập niên 60, hai quốc gia này có cùng chỉ tiêu kinh tế (như mức thu nhập trên đầu dân bằng nhau, xuất khẩu tương đương nhau, mức độ viện trợ giống nhau, nền công nghệ sản xuất cũng tương đồng nhau, v.v...). Ba mươi năm sau, Hàn Quốc trở thành một nước có nền kĩ nghệ tiên tiến, với nhiều đại công ty xuất khẩu xe hơi và sản phẩm điện tử, thu nhập bình quân đầu người cao, trong khi Ghana dẫm chân tại chỗ. Tại sao có sự khác nhau? Chắn chắn là có nhiều nguyên nhân và yếu tố dẫn đến sự khác biệt này, nhưng văn hóa là một trong những yếu tố quan trọng có tính quyết định. Người Hàn Quốc cần kiệm, đầu tư cho tương lai, siêng năng làm việc, tinh thần kỹ luật cao, và đặt nặng vào giáo dục. Người Ghana không có những giá trị văn hóa giống người Hàn Quốc.
Các nhà học giả khác cũng đi đến một kết luận tương tự. Vào thập niên 1980s, Larry Harrison, một nhà nghiên cứu kinh tế xã hội thuộc Đại học Harvard và từng làm việc nhiều năm ở Châu Mĩ Latin, viết một cuốn sách Underdevelopment is a State of Mind, mà trong đó ông lí giải rằng chính cái văn hóa của Châu Mĩ Latin là hàng rào cản trở cho các nước vùng này phát triển. Cuốn sách gây ra một làn sóng phản đối dữ dội từ các nhà kinh tế Mĩ. Nhưng ngày nay, nhiều người thấy quan điểm này của Harrison rất có lí. Văn hóa đã trở thành một yếu tố quyết định trong phát triển.
Chúng ta có thể nhìn qua tình hình kinh tế của các quốc gia theo chủ nghĩa xã hội cũ để thấy sự quan trọng của văn hóa trong phát triển. Chẳng hạn như Ba Lan và Ukraine là hai nước có một nền kinh tế khá phát triển trong khối Đông Âu trong thời xã hội chủ nghĩa, nhưng nay, sau quá trình cải cách kinh tế, Ukraine tụt hậu sau Ba Lan. Tất nhiên có nhiều lí do cho hiện tượng này, nhưng văn hóa là một trong những lí do đó. Ukraine là một xã hội chia rẻ, tuy chủ yếu là Chính thống giáo, trong khi Ba Lan là một xã tội Tây phương.
Văn hóa cũng tác động đến hình thức tổ chức kinh tế. Mức độ tin tưởng giữa cá nhân với nhau biến đổi theo từng quốc gia. Nhà xã hội học Francis Fukuyama lí giải rằng các xã hội mà trong đó mức độ tín nhiệm giữa cá nhân khá cao (như Nhật Bản, Đức, và Mĩ), thường có khả năng tổ chức và khuếch trương các đại công ty hơn các xã hội mà trong đó sự tín nhiệm chỉ giới hạn trong gia đình hay bạn bè thân thuộc như trường hợp ở Pháp, Ý, và Trung Quốc. Nếu lí giải này đúng thì ý nghĩa của nó là các quốc gia châu Á sẽ không có tiềm năng phát triển để trở thành những diễn viên kinh tế quan trọng trên trường quốc tế.
Quan điểm của Fukuyama đã được minh họa qua một số nghiên cứu gần đây về mức độ tham nhũng giữa các quốc gia trên thế giới. Nhìn qua các con số thống kê về tham nhũng trong các nghiên cứu này, người ta thấy mức độ tham những thường tập trung thành từng nhóm văn hóa. Các nước Bắc Âu và các nước nói tiếng Anh ít tham nhũng nhất; các nước tham nhũng nhất tập trung ở Á châu và Phi châu. Tuy nhiên cũng có trường hợp ngoại lệ, như ở Singapore, nơi được xếp hạng vào các nước trong sạch nhất thế giới. Nhưng các quốc gia láng giềng như Nam Dương, Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Phi Luật Tân, v.v... là những nước có mức độ tham nhũng cao. Tại sao lại có hiện tượng này? Câu trả lời dĩ nhiên là nhờ vào lãnh đạo chính trị. Lý Quang Diệu, người đã cai trị Singapore hàng mấy mươi năm, có quyết tâm sáng tạo một xã hội trong sạch, và phải công nhận là, dù còn thiếu sót hay bị chỉ trích, ông đã thành công ở Singapore. Do đó, Lý Quang Diệu đã cung cấp một tấm gương về tầm quan trọng của văn hóa trong hoạt động kinh tế. Thượng nghị sĩ Mĩ, Daniel Patrick Moynihan, nói một câu chí lí: “Quan điểm chủ yếu của giới bảo thủ là văn hóa, chứ không phải chính trị, định đoạt sự thành công của một xã hội. Đối với giới tự do, họ chủ trương rằng chính trị có thể thay đổi một văn hóa.” Và, điều này đã xảy ra ở Singapore.
Văn hóa cũng đóng vai trò trong việc mở mang dân chủ. Chế độ dân chủ hiện đại mà chúng ta kinh nghiệm ngày nay là một sản phẩm của văn minh Tây phương, và trên 80% các nền dân chủ trên thế giới ngày nay là thuộc về phương Tây, hay chịu ảnh hưởng của văn hóa Tây phương. Song, chế độ dân chủ cũng có thể phát triển ở các xã hội có văn hóa phi Tây phương. Nhật Bản và Ấn Độ là hai ví dụ đáng chú ý. Thành ra, có thể sẽ rất sai lầm nếu cho rằng một nền văn hóa cá biệt làm cho thể chế dân chủ không phát triển được. Nhưng có thể sẽ không quá ngoa nếu cho rằng một số nền văn hóa không mấy “hiếu khách” với chế độ dân chủ. Các quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản ngày xưa minh họa cho ý kiến này khá chính xác.
Văn hóa và Chính trị toàn cầu
Trong một cuốn sách mang tựa đề The Clash of Civilizations gây tranh luận sôi nổi trên thế giới, Samuel P. Huntington tiên đoán rằng thế giới, sau thời chiến tranh lạnh, sẽ lâm vào nhiều cuộc chiến tranh lạnh khác. Những cuộc chiến tranh lạnh mới này không phải là những tranh chấp ý thức hệ, mà là những xung đột liên quan đến văn hóa. Suy cho cùng, những khác biệt quan trọng nhất giữa các dân tộc trên thế giới là văn hóa của họ, chứ không phải ý thức hệ, chính trị, hay kinh tế. Trên thế giới ngày nay, người ta đang tìm câu trả lời cho một câu hỏi căn bản: Chúng ta là ai? Và họ trả lời câu hỏi đó bằng một cách cực kì truyền thống mà nhân loại đã trả lời qua tham khảo những cái gì có ý nghĩa nhất đối với họ. Con người tự nhận diện mình bằng cách tham chiếu tổ tiên, tôn giáo, ngôn ngữ, lịch sử, giá trị đạo đức, phong tục, và tổ chức. Họ đồng cảm với nhau qua các nhóm văn hóa: bộ tộc, sắc tộc, cộng đồng tôn giáo, dân tộc, và ở một mức độ rộng lớn hơn, văn minh. Chính trị toàn cầu trong thế kỉ 21 đang được sắp đặt trên đường ranh văn hóa và văn minh. Sự phát triển này có vài ý nghĩa quan trọng:
Thứ nhất, các quốc gia không còn tập trung thành ba nhóm chính trị như trong thời chiến tranh lạnh, nhưng thành 7 nhóm dựa theo văn minh: Tây phương, Chính thống giáo, Trung Quốc, Nhật Bản, Hồi giáo, Ấn Độ giáo (Hindu), Châu Mĩ Latin, và Phi châu. Thực ra cách phân chia này cũng nhất quán với lí giải của Henry Kissinger khi ông cho rằng hệ thống quốc tế trong thế kỉ 21 sẽ bao gồm ít nhất là 6 cường quốc — Mĩ, Âu châu, Trung Quốc , Nhật Bản, Nga, và có thể cả Ấn Độ. Tuy nhiên, Kissinger quên mất rằng các quốc gia Hồi giáo kiểm soát nguồn dầu hỏa và đông dân cũng là một thế lực chính trị quan trọng trên thế giới. Cạnh tranh giữa các cường quốc này đang được thay thế bằng những xung đột văn minh. Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, chính trị toàn cầu vừa là đa cực (multipolar) mà cũng là đa văn minh.
Thứ hai, nhiều thay đổi đang xảy ra trên thế giới có khuynh hướng tùy thuộc vào văn minh. Văn minh phương Tây đã trở thành một lực lượng văn minh mang tính áp đảo qua nhiều thế kỉ, và có lẽ nó còn duy trì vị thế này trong thế kỉ sắp tới. Tuy nhiên, một số lực lượng khác đang phát triển và có khả năng thay đổi cán cân quyền lực này. Các lực lượng này bao gồm vấn đế suy giảm dân số ở các nước Tây phương, sự phát triển kinh tế ở các nước Đông Á, và sự bùng nổ dân số ở các nước Hồi giáo.
Thứ ba, trong thế giới mới này, quan hệ giữa các nhà nước từ các nền văn minh khác nhau sẽ lạnh nhạt và thường đối nghịch nhau. Trong khi các liên minh giữa các nền văn minh có thể hình thành một cách tự phát, quan hệ giữa các nền văn minh sẽ được diễn tiến theo mô hình cạnh tranh để tồn tại, chiến tranh lạnh, và hòa bình lạnh. (Cụm từ Chiến tranh lạnh xuất phát từ tiếng Tây Ban Nha, la guerra fria, từ thế kỉ 13, dùng để diễn tả mối quan hệ của họ với người Hồi giáo.) Cái trục quan trọng nhất trên chính trị thế giới sẽ là mối quan hệ giữa Tây phương và thế giới phi Tây phương, khi mà Tây phương cố tìm cách lợi dụng quyền lực của mình và áp đặt các giá trị văn hóa lên các xã hội khác.
Trong thế giới mới này, nếu có va chạm thì va chạm nguy hiểm nhất sẽ xảy ra giữa giữa các cường quốc có những nền văn minh khác nhau. Cái cội nguồn của một va chạm như thế có thể xảy ra giữa Tây phương và Hồi giáo, hay ở một mức độ thấp hơn, giữa Tây phương và Trung Quốc. Mối quan hệ giữa Tây phương và hai thế lực thách thức này – Hồi giáo và Trung Quốc – sẽ còn khó khăn và đối nghịch.
Thứ tư, xung đột giữa các sắc tộc đang lan tràn trên thế giới, và đang trở thành một mối đe doạ cho hòa bình thế giới. Những cuộc đụng độ đẩm máu giữa các nước trong vùng Balkans, Caucasus, Trung Á, Ấn Độ – Paskistan, và ngay cả ở Trung Đông, cho thấy những xung đột mang tính chất địa phương nhưng hoàn toàn có nguy cơ khuếch đại thành những cuộc chiến trang lớn dính dáng nhiều quốc gia từ nhiều nền văn minh khác nhau.
Điều đáng chú ý là những lằn ranh xung đột này không phải phân phối một cách ngẫu nhiên. Nó thường hay dính dáng các nước Hồi giáo và không Hồi giáo. Một nguyên nhân quan trọng là vấn đề sinh sản gia tăng nhanh chóng ở các quốc gia Hồi giáo, tạo ra một “thế giới trẻ phình” (giữa độ tuổi 15 và 25). Trong tương lai gần, mối quan hệ giữa Tây phương và Hồi giáo sẽ xa lạ và gay gắt, hay thậm chí bạo động. Về lâu về dài, tuy nhiên, sự bùng nổ dân số trong các nước Hồi giáo sẽ còn gây ra nhiều vấn đề nan giải và nguy hiểm hơn cho thế giới.
Thứ năm, trong khi khác biệt giữa các nền văn hóa và văn minh chia cách con người, thì những tương đồng về văn hóa và văn minh sẽ làm cho con người gần nhau hơn, tin tưởng nhau hơn. Ngày nay, chúng ta đang chứng kiến các quốc gia trên thế giới tụ tập với nhau thành từng nhóm kinh tế. Cái mẫu số cho sự thành công hay thất bại của các nhóm này là văn hóa. Không những trong “mặt trận” kinh tế, mà ngay cả trong mặt trận ý thức hệ chính trị cũng có một khuynh hướng tương tự. Các quốc gia kết hợp với nhau qua ý thức hệ, nhưng lại xa cách nhau qua lằn ranh văn hóa, như trong trường hợp của Nam Tư và Liên Xô ngày xưa. Ngược lại, các quốc gia khác nhau về ý thức hệ, nhưng lại đến với nhau qua những tương đồng về văn hóa, như trường hợp của Đông Đức và Tây Đức, hay Nam Hàn và Bắc Hàn, và một số nước có văn hóa Khổng giáo. Càng ngày người ta càng nói với nhau bằng ngôn ngữ văn hóa. Nga đang tập hợp một số nước theo đạo Chính thống giáo Orthodox) thành một nhóm chúng. Các nước ở Đông Á cũng đang tích cực tụ tập với nhau thành một thị trường chung, nhưng ngoại trừ Nhật Bản, một nướ có văn hóa khác với Đông Nam Á châu.
Xung đột khó tránh khỏi
Có thể nói một số sự kiện trên thế giới xảy ra gần đây cho thấy thuyết xung đột văn minh và văn hóa là một viễn ảnh có thật. Những sự kiện này gồm có: những cuộc chiến xảy ra giữa các nhóm quốc gia khác nhau về văn minh; sự tái thiết lập các quốc gia Âu châu theo lằn ranh văn minh; sự hình thành những thị trường kinh tế chung từng vùng như EU (European Union), APEC, và NAFTA; phong trào tôn giáo và chính trị ở Ấn Độ, Do Thái, Thổ Nhĩ Kì, và một số nước khác; vấn đề di dân từ các quốc gia nghèo hơn vào các quốc gia Tây phương; hiện tượng Trung Quốc đang trờ thành một thế lực chính trị và quân sự quan trọng trên thế giới; sự hình thành một số quốc gia “nòng cốt” như Nam Phi và Nigeria ở Phi Châu, Ba Tây ở Latin America; và nhất là vấn đề phát triển vũ khí hạt nhân.
Sự tái thiết lập nền chính trị quốc tế theo lằn ranh văn minh đã trở thành hiển nhiên ở Trung Âu và Đông Âu. Qua nhiều thế kỉ, đường ranh ngăn chia các quốc gia ở Âu châu là bức màn sắt. Ngày nay, bức màn đó đã hạ xuống, và lằn ranh văn minh kéo dài hàng trăm cây số về hướng đông, chia cách các dân tộc theo Ki-tô giáo La Mã một bên, các dân tộc theo đạo Hồi một bên, và đạo Chính thống một bên khác. Áo, Thụy Điển, và Phần Lan là những quốc gia có nền văn hóa Tây phương phải trở nên trung lập và tách ra khỏi khối Tây phương trong thời chiến tranh lạnh. Ngày nay, các quốc gia này quay trở lại với EU và Tây phương. Ba Lan và Tiệp Khắc đang trở thành hai thành viên của NATO và chuyển dần về hướng EU. Ở vùng Baltics, các quốc gia ngày xưa thuộc khối Liên Xô nay cũng tự mình sắp hàng chung với nhau theo truyền thống văn hóa Tây phương.
Ở vùng Balkans trong thời gian chiến tranh lạnh, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kì là những thành viên trong NATO, Bulgaria và Romania từng nằm trong khối Warsaw, Nam Tư trung lập, và Albania từng bị cô lập nhưng có thời là bạn với Trung Quốc. Ngày nay, Bulgaria, Serbia, và Hy Lạp đang tụ họp với nhau thành một nhóm quốc gia mà họ gọi là "Orthodox entente." SloveniaCroatia đang hội nhập vào Tây Âu. Thổ Nhĩ Kì đang khôi phục lại mối quan hệ với Albanian và Hồi giáo Bosnia. Cuộc xung đột giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kì trong thời chiến tranh lạnh bị dìm xuống, thì ngày nay lại nổi lên và đang trở thành một mối đe dọa cho hòa bình trong vùng. Khi đề cập đến tình hình nay, Tổng thống Hy Lạp nói: “Ngày nay, chúng ta không phải đương đầu với mối đe dọa từ phương Bắc […] Những nước đó có cùng văn hóa và niềm tin tín ngưỡng như chúng ta. Ngày nay, chúng ta đối mặt với mối đe doạ xảo quyệt từ phương Tây [...] từ Ki-tô giáo La Mã và Phản thệ (Protestants).” Liên minh Âu châu, mặt khác, từ chối Thổ Nhĩ Kì. Thổ Nhĩ Kì là một nước đang bị dằng xé vì cuộc xung đột nội bộ giữa các tướng lãnh quân sự theo Tây phương và phong trào Hồi giáo đang lớn mạnh dần, và cuộc xung đột này được biểu hiện bằng hành động chính trị. Thành phần Thổ Nhĩ Kì theo Hồi giáo muốn Thổ Nhĩ Kì phải tách khỏi NATO.

Vài năm trước đây, Mĩ và Iraq đụng độ nhau, tất cả các nước Ả Rập (ngoại trừ Kuwait), phản đối sự can thiệp quân sự của Mĩ và Anh. Tuy nhiên, Gia Nã Đại, Úc, và Tân Tây Lan (những nướ có cùng văn hóa với Mĩ) ủng hộ Mĩ và tham chiến. Cũng vài năm trước đây, chiến tranh giữa người Albanians (Kosovo) và người Serbs bùng nổ. Ấn Độ và Pakistan cũng đang “gầm gừ” nhau, tranh dành ảnh hưởng trong vùng. Thành ra, xung đột văn minh là một điều khó có thể tránh khỏi trong tương lai chính trị thế giới.

Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét