Chất nghệ sĩ trong Vua Hàm Nghi

Sáng nay vào mạng thấy bài sau đây của anh Nguyễn Ngọc Giao viết về Vua Hàm Nghi. Bài viết có nhiều thông tin quan trọng mà có lẽ các bạn chưa từng biết trước đây. Vì bài đăng trên báo mạng Diễn Đàn mà có lẽ một số bạn ở VN không vào được, nên tôi phải “chôm” về blog của mình, trước là làm tư liệu, sau là chia sẻ cùng các bạn một bài viết gía trị.

NVT
===
Vua Hàm Nghi (1871-1944) sau ba năm kháng chiến, đã bị bắt và lưu đày ở Alger từ tháng giêng 1889 đến khi từ trần ngày 14.1.1944 (theo tài liệu của gia đình, năm 1944 cũng được ghi trên mộ ở Thonac). Điều ít ai biết là trong 55 năm lưu vong, ông đã trở thành một hoạ sĩ và một nhà điêu khắc. Tác phẩm của ông đã được trưng bày năm 1926 tại Paris. Dưới đây là một vài phát hiện về khía cạnh nghệ sĩ của "ông hoàng An Nam" mà chúng tôi tập hợp được trong dịp giúp đoàn quay phim của nhà điện ảnh Nguyễn Hồ tìm tư liệu về "Ba Vua".

HÀM NGHI NGHỆ SĨ

Nguyễn Ngọc Giao

Vừa qua, trên mạng VietNamNet, bài viết của nhà nghiên cứu người Nga N. L. Nikulin (bản dịch của Vũ Thanh, 5.5.2008,) đã hé mở cho chúng ta một nét ít được biết về Hàm Nghi : hoạ sĩ. Nội dung chủ yếu của bài viết này thực ra đã được công bố cách đây hơn 10 năm (Tạp chí Khoa học Xã hội, Năm thứ 9, Số 33, Quý III-1997, bản dịch của Phương Phương). Nhà sử học Nga đã viện dẫn T.L. Sepkina-Kupernhic. Qua một câu ngắn của nhà văn nữ (trong bút kí « Ông hoàng Li Tsong », 1902) : « Ở một chỗ khác trong nhà là cây đàn dương cầm, chiếc viôlông, những bản nhạc, giữa chúng tôi tìm thấy Glinka của chúng ta, và giá vẽ cùng với bản thảo dang dở. Trên những chiếc bàn khắp nơi là phác thảo của hoàng tử, tranh của chàng, chúng cho tôi biết rằng trong thân hình nhỏ bé như chiếc ngà voi kia ẩn giấu tâm hồn của một nghệ sĩ lớn », Nikulin đã đi tới kết luận : « Số phận đã khiến ông cũng là người sáng lập nền hội họa hiện đại Việt Nam. Vua Hàm Nghi có thể có vị trí vinh dự không chỉ trong lịch sử của cuộc đấu tranh vì tự do chống lại chủ nghĩa thực dân, mà còn cả trong lịch sử nền nghệ thuật Việt Nam. Không đâu ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ, một cựu hoàng lại có được một vai trò tương tự như vậy trong lịch sử nền văn hóa của dân tộc mình. ». Ông cũng cho biết thêm : « Cũng cần biết rằng, cuộc hôn nhân của Hàm Nghi với con gái của Laloer đã cho ra đời hai người con gái. Cả hai đều là những người thành đạt và sống ở châu Âu. Chắc rằng con cháu họ vẫn còn gìn giữ những bức tranh của họa sĩ Hàm Nghi ».
Nhận định rằng Hàm Nghi là « người sáng lập nền hội hoạ hiện đại Việt Nam » tất nhiên có phần khiên cưỡng. Ít nhất vì hai lẽ : người đi đầu vào con đường hội hoạ hiện đại là hoạ sĩ Lê Văn Miến (tốt nghiệp Trường cao đẳng Mĩ thuật Paris năm 1894) mà Nikulin cũng đã nói tới trong bài ; tác phẩm hội hoạ của Hàm Nghi, theo những thông tin có được đến nay, dường như không được biết ở Việt Nam, do đó không tác động vào sự phát triển của nền hội hoạ hiện đại.

Nhà thơ T. L. Sepkina-Kupernhic (tranh Repin)
Nikulin sinh thời cũng không có thông tin đầy đủ về hậu duệ của nhà vua. Đúng là Hàm Nghi và bà vợ, Marcelle Laloë (thành hôn năm 1904, chứ không phải 1902), có hai con gái : công chúa Như Mai và công chúa Như Lý. Nhưng họ còn có một người con trai là hoàng tử Minh Đức. Công chúa Như Mai (1905-1999) là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên trúng tuyển (và đỗ đầu) vào Institut d’agronomie de Paris (Viện nông học Paris) năm 1926. Bà sống độc thân ở lâu đài Losse (tỉnh Périgord, Pháp) từ năm 1928, và chăm lo phần mộ của vua cha từ năm 1965 khi thi hài của Hàm Nghi được dời từ Alger về Pháp, cho đến khi bà tạ thế (năm 1999). Hoàng tử Minh Đức (1910-1990) lập gia đình, nhưng không có con. Công chúa Như Lý (1908-2005), lấy một nhà quý tộc Pháp, bá tước François Barthomivat de La Besse, sinh được ba người con (hai gái, một trai). Như vậy, hiện nay, ba người cháu ngoại này là hậu duệ chính thức của vua Hàm Nghi (1871-1944). Theo điều tra của chúng tôi, nhà vua còn có một người cháu nội (con gái của một người con trai không chính thức) hiện sống tại Pháp. Người này đã cung cấp cho chúng tôi rất nhiều thông tin, tài liệu và giúp chúng tôi đi tìm ra nhiều nguồn tư liệu mới (sẽ trình bày dưới đây). Bà không muốn « lộ diện », chúng tôi buộc phải tôn trọng ý muốn nên trong bài, sẽ gọi là Bà X., và nhân đây, xin thành thực cảm ơn sự giúp đỡ tận tình và khẳng khái của bà.
Cũng phải nói rõ : những khiếm khuyết của nhà sử học Nikulin không hề làm giảm giá trị những phát hiện của ông. Nhờ ông, chúng tôi đã tìm được toàn văn nguyên tác tiếng Nga của T. L. Sepkina-Kupernhic (1). Vấn đề ông nêu ra – vai trò của Hàm Nghi trong hội hoạ – đã kích thích chúng tôi tìm hiểu thêm, đáp ứng yêu cầu của nhà điện ảnh Nguyễn Hồ đang thực hiện bộ phim tư liệu về « Ba Vua » (xem bài viết của Nguyễn Duy)
Trong khuôn khổ một bài báo nhỏ, xin trình bày vắn tắt một vài phát hiện về « Hàm Nghi – nghệ sĩ » :
· Hàm Nghi không những là một nhà hội hoạ, mà còn là một nhà điêu khắc.
· Tranh và tượng của ông đã được trưng bày lần đầu tiên – và có lẽ cũng là lần duy nhất – tại Paris năm 1926.
· Hàm Nghi có quan hệ rộng rãi và mật thiết với giới văn học và nghệ thuật Pháp.
Đúng như Nikulin đoán định, « chắc rằng con cháu (...) vẫn còn gìn giữ những bức tranh của họa sĩ Hàm Nghi ». Nhà sử học Charles Fourniau, chuyên gia về phong trào Cần Vương, người bạn chí cốt của Việt Nam, cho chúng tôi biết ông đã từng được gặp hai bà Như Mai và Như Lý, được hai bà cho xem một số tác phẩm của vua cha. Tiếc rằng khi ông đề nghị tổ chức một cuộc triển lãm thì hai bà từ khước. Cho đến nay (tháng 5-2008), con cháu của bà Như Lý (tức là hậu duệ chính thức của Hàm Nghi) vẫn giữ đúng ý nguyện của hai người đã khuất. Không những thế, họ xem những tác phẩm nghệ thuật này là sở hữu riêng tư, không muốn công bố, dù là dưới hình thức hình ảnh hay phim ảnh, cũng như họ dứt khoát gìn giữ ngôi mộ của Hàm Nghi ở nghĩa trang Thonac (2).
Tấm hình kèm đây, chụp năm 1935 khi vua Hàm Nghi 64 tuổi, là tấm hình đầu tiên được công bố, cho ta một ý niệm về tác phẩm điêu khắc của ông. Phải chăng đến khi nào hậu duệ của « ông hoàng An Nam » thay đổi ý kiến, chúng ta mới được thưởng ngoạn những sáng tác của Hàm Nghi nghệ sĩ ? Hi vọng ngày ấy sẽ không xa, và trong khi chờ đợi, còn có những tia hi vọng khác. Xin kể hai « đường dây » để chúng ta tìm manh mối :
· Trong số nhiều bạn bè văn nghệ sĩ của Hàm Nghi, có hai người bạn thân là bà Judith Gautier (1845-1917) và Suzanne Meyer-Zundel (1882-1971) (chúng tôi sẽ nói thêm ở dưới). Trong hồi ký Mười lăm năm sống bên Judith Gautier (3), Suzanne Meyer-Zundel (cũng là nghệ sĩ tạo hình) cho biết tháng 11-1926, bà đã tổ chức một cuộc triển lãm tranh và tượng của Hàm Nghi tại Galerie Mantelet (phố La Boetie, quận 8, Paris). Những tác phẩm nào đã có người mua, và hiện nay ở trong tay nhà sưu tập nào ?
· Bà X. cho biết, cách đây một phần tư thế kỷ, bà đã sang Algérie để tìm dấu tích của ông nội : lúc đó, vi la Gia Long ở khu El Biar (phía tây thủ đô Alger) do chính quyền Algérie quản lý, đang được trùng tu để trở thành chiêu đãi sở của nhà nước, nên những pho tượng lớn do Hàm Nghi sáng tác, đặt ở ngoài vườn, được Bộ văn hoá Algérie đưa về một viện bảo tàng. Đối chiếu bản đồ “ Villa Gia Long” ở khu El Biar thời Pháp thuộc với không ảnh trên mạng Google ngày nay, ta có thể xác định địa điểm đã trở thành trụ sở đại sứ quán Nga (số 7, Chemin du Prince d’Annam / Đường ông Hoàng An Nam). Tác phẩm điêu khắc của « ông Hoàng An Nam » đã được kiểm kê và bảo tồn như thế nào sau mấy chục năm biến thiên ? Chúng ta có quyền chờ đợi ở Bộ văn hoá và Bộ ngoại giao Việt Nam chủ động đặt vấn đề với chính quyền Algérie và mong rằng nước bạn sẽ đáp ứng lòng mong đợi của dư luận bằng một cử chỉ hữu nghị.
Cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của Hàm Nghi bắt đầu từ bao giờ và trong hoàn cảnh như thế nào ? Như ta biết nhà vua bôn ba kháng chiến từ tuổi 14. Ông bị bắt và lưu đày sang Alger khi chưa đầy 18 tuổi. Đi cùng ông là một thông ngôn (Trần Bình Thanh), một người hầu và một đầu bếp, cả ba đều do chính quyền thực dân sắp đặt. Báo cáo của viên thông ngôn gửi cho Toàn quyền Pháp tại Algérie cho biết : cuối năm 1889, đại uý de Vialar (người được toàn quyền Tirman cử tới coi sóc Hàm Nghi) trông thấy những hình vẽ của cựu hoàng, tuy không theo luật phối cảnh của hội hoạ Âu châu, nhưng rất tinh tế và sinh động, nên ngày 15.11.1889, de Vialar đưa hoạ sĩ Reynaud tới thăm Hàm Nghi và đề nghị, nếu cựu hoàng muốn, Reynaud có thể dạy hội hoạ cho ông. Hàm Nghi nhận lời ngay, cũng như đã nhận lời học tiếng Pháp, sau 10 tháng đầu từ chối (báo cáo này còn được lưu trữ tại CAOM, Aix-en-Provence, Pháp). Theo những chứng nhân (kể cả những người làm công việc chỉ điểm), Hàm Nghi đã thay đổi thái độ khi thấy cách ứng xử của viên toàn quyền và các viên chức cũng như người da trắng khác hẳn hành xử của bọn toàn quyền, công sứ, tướng tá Pháp ở Đông Dương. Chứng từ này có thể tin cậy được, vì hai lẽ. Một là, ở Alger, Hàm Nghi hoàn toàn bi cô lập, không có cách nào liên lạc với quê hương, càng không có đường dây liên lạc với phong trào Cần Vương, còn toàn quyền Pháp ở Algérie tỏ ra sáng suốt, chọn cách ứng xử khôn khéo, trọng thị và mềm mỏng. Hai là, khác với Đông Dương, một thuộc địa « khai thác », Algérie là một thuộc địa mà thực dân vừa khai thác, vừa tổ chức nhập cư. Người da trắng (Pháp và các nước ở quanh Địa Trung Hải) đến đây lập nghiệp. Một xã hội người Âu thành hình ở đây, với nhiều thành phần. Tầng lớp bên trên, viên chức, chủ đồn điền, doanh nhân... sính những gì là « quý tộc » (dù không phải là « quý tộc » châu Âu), nên mở rộng cửa đón tiếp « cựu hoàng An Nam » cũng như « cựu nữ hoàng Madagascar ». Sau một thời gian, Hàm Nghi quyết định học tiếng Pháp, học mĩ thuật, đánh kiếm, thể dục... và « hội nhập » xã hội « thượng lưu » Alger (thâm tâm ông nghĩ gì, chúng tôi sẽ đề cập ở cuối bài).
Ảnh Vua Hàm Nghi
Thế là chàng thanh niên 18 tuổi say mê lao vào hội hoạ. Mỗi tuần, « thầy » Reynaud (giải nhất Roma) tới dạy hai lần, vào thứ ba và thứ sáu. Hàm Nghi « tiến bộ nhanh chóng, thấy rõ từng ngày ». Ngày nào cũng đi vẽ cả buổi, bất chấp thời tiết, đến mức bệnh sốt rét (từ núi rừng chiến khu) tái phát. Theo Wikipedia (không nói rõ xuất xứ), mười năm sau, năm 1899, Hàm Nghi sang thăm Paris, đến xem cuộc triển lãm của Paul Gauguin, tranh của ông chịu ảnh hưởng của phong cách Gauguin.
Hình bên trái: Hàm Nghi và những tác phẩm điêu khắc (ảnh chụp năm 1935 tại vi la Gia Long, El Biar (Alger), tư liệu của hậu duệ). Hình bên phải: Tượng Judith Gautier của nhà điêu khắc Etex. Theo tiểu sử của bà, JG cũng đã từng tạc tượng Hàm Nghi, nhưng nay chưa biết ở đâu.
Hàm Nghi có những quan hệ rộng rãi trong giới văn học nghệ thuật Pháp vào đầu thế kỉ 20. Các cuốn tiểu sử bà Judith Gautier đều ghi rằng : nhà thơ Pierre Louys là người đã giới thiệu « ông hoàng An Nam » với nhà văn nữ vào năm 1900. J. Gautier, con gái của nhà văn Théophile Gautier, là một nhân vật nổi bật trên văn đàn thời ấy, tài sắc vẹn toàn (từng làm mê mẩn V. Hugo và R. Wagner), tác giả của khoảng 50 ấn phẩm. Bà viết tiểu thuyết, làm thơ, dịch thơ (tập thơ Đường do bà dịch được xuất bản ở tuổi 22), sáng tác kịch, nặn tượng... Bà là phụ nữ đầu tiên được bầu vào Viện hàn lâm Goncourt (trước Colette 35 năm). Học chữ Hán từ thuở nhỏ, bà say mê các nền văn hoá Á Đông và đã dịch hoặc phóng tác những tác phẩm Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ. Điều ít được biết, là 3 năm trước khi làm quen Hàm Nghi, bà đã sáng tác một truyện ngắn « Ông hoàng thủ cấp đỏ máu » mà chủ đề là cuộc kháng chiến Hai Bà Trưng. Truyện ngắn này đã công bố trên bán nguyệt san « La Revue de Paris » (số đề ngày 15-12-1897). Không có gì ngạc nhiên nếu trong những năm đầu thế kỉ 20, J. Gautier viết một vở kịch thơ « Những cánh cửa son đỏ » (Les portes rouges), nhiều bài thơ về « ông hoàng An Nam » và điêu khắc chân dung Hàm Nghi. Một đoạn thơ tiêu biểu, nói lên tình cảm và sự trân quý đối với nhà ái quốc nghệ sĩ :
Đất nước tan tành, giống nòi xé lẻ
Bình minh cuộc đời vấy máu
Ôi, quân vương niên thiếu lên ngôi
Rồng quằn quại dưới thềm, hấp hối.

Trong khổ đau anh sẽ lớn lên
Tên man di xâm phạm, tên phản bội khốn cùng
Cướp đi của anh đất nước giang sơn
Nhưng trước mặt anh đây, thế giới vô biên, chân trời mở rộng.

Trong cuộc gặp năm 1902, bà Sepkina-Kupernhic kể lại rằng cựu hoàng đã « thố lộ những điều mà ông đã và sẽ không nói với kẻ thù, những điều ông dồn nén trong lòng và chỉ đợi dịp trào ra (...). Ông nói ông viết bằng văn tự nước ông những tác phẩm triết học, những bình chú về Khổng giáo. Đó là mục đích cuộc đời của ông, và điều đó, ông không nói với ai cả ». Công chúa Như Mai sau này xác nhận với sử gia Fourniau rằng phụ thân bà ghi chép bằng chữ nho và cất trong một cái hòm. Tiếc thay, cái hòm ấy, một ngày kia đã bị cháy. Không ai biết ông đã ghi chép những gì trong hơn nửa thế kỉ lưu đày. Cựu hoàng biết gì, nghĩ gì về tình hình đất nước Việt Nam trong 55 năm lưu đày, điều đó mãi mãi sẽ là điều bí ẩn.
Thêm một lí do để chúng ta và đời sau tiếp tục đi tìm di sản nghệ thuật của Hàm Nghi.

Nguyễn Ngọc Giao

Paris, 17.5.2008

Judith Gautier, Hàm Nghi ở Saint-Énogat

Ngày nay Saint-Énogat là khu phố nằm ở phía tây bắc thành phố Dinard (vùng Bretagne của Pháp). Cuối thế kỉ XIX, Saint-Énogat là một làng nhỏ, ven biển Manche, ngay sát thành phố Dinard, nơi sông Rance chảy ra biển Manche (bên kia cửa sông là Saint-Malo). Judith Gautier là một trong những nghệ sĩ đầu tiên mua nhà ở đây. Biện thự Pré des Oiseaux (Cánh đồng chim) là nơi nhà văn ra nghỉ hè, và sống liên tục những năm cuối đời. Nơi đây, cũng như ngôi nhà của bà ở số 30 rue de Washington (Paris), là điểm hẹn của văn nghệ sĩ Pháp và quốc tế trong nhiều thập niên. Gia đình Hàm Nghi đã từng ra đây nghỉ, và trong nhiều năm, kể cả sau khi và Gautier từ trần (năm 1917), họ đã thuê nhà hàng xóm, ở phía sau, để ra nghỉ hè.

vi la Pré aux Oiseaux
Cách đó vài chục mét, là nghĩa trang nhỏ của làng Saint-Énogat, nơi yên nghỉ của Judith Gautier, và người bạn gái, Suzanne Meyer-Zundel, người thừa kế của Judith Gautier, cũng là bạn của Hàm Nghi. Tháng 5-1914, vài tháng trước ngày Thế giới chiến tranh lần thứ nhất bùng nổ, hai bà đã đáp tàu qua Alger theo lời mời của cựu hoàng, ở hai tuần tại vi la Gia Long. Đây là lần cuối cùng Hàm Nghi và Judith Gautier gặp nhau. Ngày 26.12.1917, Judith Gautier từ trần tại Saint-Énogat. Chiến tranh còn tiếp diễn, bạo liệt hơn bao giờ. Vua Hàm Nghi không sang Pháp đưa tiễn người bạn cố tri được. Nhưng ngôi mộ của bà còn mang chứng tích của mối tình bạn hiếm có ấy. Đó là những chữ Hán mà Suzanne Meyer-Zundel đã cho khắc theo chữ viết của Hàm Nghi đầu năm 1918. Cột bên trái, là ba chữ TỬ XUÂN BÁI (子春拜). TỬ XUÂN là tên hiệu của Nguyễn Phúc Ưng Lịch (Hàm Nghi), BÁI là cúi chào. Cột bên cạnh là NGÃ MA Y GIA (我麻衣嘉), và bên phải, phía trên : NHẬT LAI THIÊN (日來天). Đó là những đoạn câu bí hiểm, khó hiểu, nếu ta không rõ thân thế Judith Gautier và biết thêm rằng đó là những dòng chữ bà dán trong phòng, khi bà mất, Suzanne Meyer-Zundel không hiểu nghĩa, nên "vẽ" lại và gửi thư sang Alger hỏi "ông hoàng An Nam" (le prince d'Annam). Ba chữ NHẬT LAI THIÊN có thể hiểu là Ngày (Thiên) Ánh sáng Mặt trời (Nhật) hiện ra (Lai) (theo SM-Z, Hàm Nghi dịch ra tiếng Pháp là La lumière du Ciel arrive). Còn bốn chữ NGÃ MA Y GIA sẽ mãi mãi bí ẩn nếu ta không biết rằng MAYA là tên gọi thân mật của bà Judith Gautier (thư của bà viết cho bạn bè thường kí là Maya, thư của bạn bè gửi cho bà cũng thường bắt đầu bằng Chère Maya). Vậy có thể nghĩ MA Y GIA là phiên âm sang Hán văn của MAYA , và NGÃ MA Y GIA : Tôi (là) Maya.
Nhân đây, xin thành thực cảm ơn anh Cao Tự Thanh, nhà Hán học (Thành phố Hồ Chí Minh) đã vui lòng phiên âm cho những dõng chữ Hán nói trên. Khi tôi gửi tấm ảnh này về thì chưa có đầy đủ những thông tin về hai tên hiệu Tử Xuân và Maya, để có thể lí giải thoả đáng. Cách lí giải trình bày ở trên, tôi xin chịu trách nhiệm, và mong được sự chỉ giáo của bạn đọc xa gần.

NNG

(1) Bài này đã được dịch ra tiếng Việt và đăng toàn văn trên báo điện tử Tổ Quốc (http://www.toquoc.gov.vn/tin-tuc/2363.html?ccat=50 ). Tác giả là bà Tatiana Lvovna Sepkina-Kupernhic (1874-1952, Татья́на Льво́вна Ще́пкина-Купе́рник), thi sĩ và dịch giả, nổi tiếng từ trước Cách mạng Nga 1917.
(2) Gần đây, báo chí đưa tin Thừa Thiên Huế xây lăng, sắp đưa hài cốt vua Hàm Nghi về nước. Đưa Hàm Nghi về mai táng trên quê hương hẳn đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người Việt Nam. Nhưng một quyết định như vậy chỉ có thể thực hiện với sự đồng ý của hậu duệ Hàm Nghi. Vì biết con cháu nhà vua vẫn muốn giữ mộ ở làng Thonac, nên khi nghe tin xây lăng, chúng tôi có tìm hiểu thêm : đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, hội đồng hoàng tộc trên thế giới (mà đại diện ở Pháp là ông Georges Vĩnh San, con trai cả của vua Duy Tân) cũng như ông xã trưởng Thonac, nơi vua Hàm Nghi an nghỉ từ hơn bốn mươi năm nay, đều hoàn toàn không biết. Phải chăng dự án xây lăng là kết quả của một ước nguyện chính đáng biến thành quyết định chủ quan, bất chấp pháp luật quốc tế ? Người ta không thể không đặt nghi vấn về ý đồ của những người chủ xướng.
(3) Suzanne Meyer-Zundel, Quinze ans auprès de Judith Gautier, Porto, tip. Nunes, 1969. Những thông tin về quan hệ giữa Hàm Nghi và Judith Gautier được lấy từ cuốn hồi kí này, và từ hai cuốn tiểu sử Judith Gautier của Joanna Richardson (bản dịch tiếng Pháp, Ed. Seghers, Paris 1988), Judith Gautier / Une intellectuelle française libertaire, 1845-1917 của Bettina L. Knapp (L'Harmattan, Paris 2007), nguyên bản tiếng Anh : Judith Gautier: Writer, Orientalist, Musicologist, Feminist (Paperback, 2004).

Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét