Báo PLTP có email tôi hỏi ý kiến về chính sách đãi ngộ “Việt kiều”, mà tôi chưa có thì giờ trả lời. Theo tôi biết thì giới trí thức ở ngoài không cần hay đòi đãi ngộ như nhiều đồng nghiệp trong nước hiểu lầm. Nói đến “đãi” là nói đến một nhóm không được đãi và tôi đoán đó là nhóm trong nước. Nếu Nhà nước không đãi Các bạn em trí thức trong nước thì làm sao nói chuyện đãi đồng nghiệp của họ nước ngoài.
Tôi muốn nói đến một thực tế rằng: anh em ngoài này nhìn về Việt Nam qua tình trạng trí thức ở trong nước, và đó chính là thước đo của lòng thành của Nhà nước. Bài sau đây của Gs Hoàng Tụy làm chúng ta phải suy nghĩ về hoàn cảnh trí thức trong nước. Thử hỏi tốn 6 năm trời đào tạo một chưng sĩ để rồi họ ra trường với đồng lương thua một chú tài xế xe ôm thì làm sao không ngượng được?
Tôi biết những anh em ngoài này có lòng ai cũng muốn làm một cái gì đó cho quê nhà “chấp cánh” với người ta. Nhưng cái cơ chế còn nặng nề lắm. Làm sao một giáo sư ở ngoài đành lòng về “lấy” cái chức (và cái “nồi cơm”) của một đồng nghiệp trong nước được? Nếu không có một môi trường hoàn toàn mới thì giới trí thức ngoài này khó làm gì. TPHCM có lẽ là nơi đi đầu trong việc thực thi chính sách kêu gọi kiều bào về đóng góp cho quê, nhưng còn các tỉnh khác thì chuyện này chắc còn lâu.
NVT
Tôi ngượng nhưng không phải ngượng cho mình
05-06-2008 17:38:23 GMT +7
GS Hoàng Tụy (theo Người Đô Thị)
Chúng ta chỉ mới đổi mới tư duy trên lĩnh vực quản lý kinh tế, chưa đổi mới được gì về tư duy, cách nhìn, chính sách đối với trí thức.
Nhìn lại hơn 20 năm đổi mới (từ năm 1986), VN đã có bước phát triển kinh tế vượt bậc, nhưng giáo dục và khoa học tụt hậu ngày càng xa so với thế giới. Trong thời đại toàn cầu hóa và kinh tế tri thức, sự tụt hậu đó phải xem là một thất bại.
Đừng đổ lỗi cho trí thức
Đi tìm nguyên nhân thất bại đó, nhiều người thường trách trí thức chưa làm tròn trách nhiệm, chưa thật sự dấn thân mà còn đứng bên lề công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế. Tôi không phủ nhận sự yếu kém của đội ngũ trí thức, song thiển nghĩ nếu chỉ dừng ở đó hoặc chỉ nhấn mạnh điều đó thì e rằng sẽ không thấy được lối ra, ít nhất trong tình hình hiện nay.
Tôi vẫn nhớ chuyện Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi về thăm một địa phương, nghe ông bí thư nơi đó báo cáo dân quê tôi rất lạc hậu cho nên việc gì ở đây cũng khó, Thủ tướng nói ngay: Đồng chí chê dân lạc hậu, vậy đồng chí lãnh đạo ai? Sau đó ông bí thư này mới hiểu ra rằng phải xem lại sự lãnh đạo trước khi đổ lỗi cho dân.
Liên hệ câu chuyện đó với sự tụt hậu của giáo dục và khoa học, tôi vẫn nghĩ rằng tuy đội ngũ trí thức của chúng ta còn nhiều yếu kém và khuyết điểm, nhưng về tiềm năng trí tuệ chắc không thua kém trí thức Hàn Quốc hay Singapore ... Vậy tại sao tiềm năng ấy không phát huy được như ở các nước này, đó mới chính là vấn đề cần suy ngẫm, mới chính là cái nút phải giải tỏa trước hết để chấn hưng giáo dục, khoa học, và rộng hơn, chấn hưng đất nước.
Hai mươi năm đổi mới, chúng ta chỉ mới đổi mới tư duy trên lĩnh vực quản lý kinh tế, chưa đổi mới được gì về tư duy, cách nhìn, chính sách đối với trí thức, mà trớ trêu thay, lại là trí thức trong thời đại kinh tế tri thức.
Chất xám bị lãng phí tệ hại
VN không thiếu người tài. Tuyệt đại đa số trí thức VN dù ở trong nước hay hải ngoại, đều rất yêu nước. Do điều kiện sinh hoạt và nghề nghiệp, họ nhận rõ hơn ai hết nỗi nhục đất nước nghèo nàn, lạc hậu nên không có nguyện vọng nào tha thiết hơn là dành hết trí tụê, công sức để giúp rửa nỗi nhục này. Nhưng để thực hiện được điều đó họ cần có những điều kiện làm việc và môi trường thích hợp, mà ở đấy, sự tự do tư tưởng, tự do sáng tạo được bảo đảm.
Tôi nghĩ phần đông họ (những trí thức chân chính) không đòi hỏi nhiều về vật chất, mà quan tâm trước hết các giá trị tinh thần. Họ không ngại những khó khăn khách quan do đất nước còn nghèo, song rất dễ nản lòng trước những khó khăn giả tạo, không đáng có, dựng lên chỉ do bất công, giả dối, quan liêu. Chẳng hạn, điều khó hiểu đối với họ là trong lúc Nhà nước long trọng coi phát triển giáo dục, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu thì trong thực tế chất xám bị lãng phí tệ hại. Bất cứ ai, kể cả người trí thức, khi làm công ăn lương đều muốn sống được bằng đồng lương của mình, và đồng lương ấy trong chừng mức nào đó phải tương xứng với năng suất, đó cũng là nguyên tắc sơ đẳng trước kia cũng như trong cơ chế thị trường hiện nay. Nếu không thì... hết gạo phải “chạy rông”, ai cũng vậy thôi. Khổ tâm nhất đối với người trí thức không phải ở chỗ phải chạy rông, mà ở chỗ không lý giải nổi khó khăn đó, trong khi chỉ cần giảm bớt 1% thất thoát do lãng phí, tham nhũng cũng thừa đủ cho họ đỡ nỗi khổ phải chạy rông. Thậm chí, như trong giáo dục, chỉ cần chịu khó quản lý tài chính hợp lý hơn, cũng đủ.
Hơn mười năm trước, tôi đã chứng kiến trong một cuộc họp có Tổng Bí thư tham dự, một nhà khoa học nữ đã thẳng thắn nói lương chị quá thấp, chưa bằng một nửa lương con chị mới ra trường. Bây giờ khi cháu nội tôi mới tốt nghiêp đại học đi làm, bản thân tôi cũng ở trong cảnh y như vậy. Có người trách trí thức sao cứ nói mãi chuyện lương tiền, mà không hiểu cho rằng đối với trí thức, chỉ một lần lặp lại chuyện này đã thấy ngượng. Ngượng cho mình thì ít, ngượng cho đất nước mới là nỗi day dứt.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét