Chất độc da cam và Việt Nam

Lúc vụ kiện chất độc da cam ở vào thời “cao điểm” (đầu năm nay) đào Little Saigon ở Bolsa phỏng vấn tôi về những luận điểm đằng sau vụ này, và sau đây là trả lời của tôi. Vì ở xa nên tôi không có dịp theo dõi eva họ phát thanh hay đăng báo ra sao, nhưng tôi vẫn đăng lại để bạn đọc có vài thông tin về vấn đề này.

NVT
===

Trả lời phỏng vấn đài Little Saigon (Bolsa)

1/ Tiến sĩ là tác giả cuốn sách “Chất màu da cam, dioxin và hệ quả”, tiến sĩ có thể cho biết những bằng chứng khoa học nào cho thấy chất da cam gây ra những hệ quả cho đồng bào Việt Nam
Cuốn sách của tôi xuất bản từ 4 năm qua, trong đó tôi hệ thống hóa lại những dữ liệu khoa học trên thế giới liên quan đến chiến dịch sử dụng dioxin (chất màu da cam) trong cuộc chiến Việt Nam và những ảnh hưởng của nó đến sức khỏe con người, chứ không chỉ riêng cho đồng bào Việt Nam.

Cho đến nay, Viện Y khoa Mĩ đã chính thức công nhận chất độc da cam hay dioxin là nguyên nhân gây ra một số bệnh như ung thư tế bào mềm, ung thư máu dạng Non-Hodgkin và Hodgkin, ung thư tuyến tiền liệt, ban clor, chứng nứt đốt sống, v.v. Tất cả bằng chứng khoa học để Viện Y khoa đi đến kết luận trên đây không chỉ dựa vào nghiên cứu từ cựu quân nhân Mĩ, mà còn – một phần lớn – dựa vào nghiên cứu từ các nước ở Âu châu (đặc biệt là từ Thụy Điển và Ý), Úc, v.v…

Trong thực tế, phần lớn nghiên cứu ảnh hưởng của dioxin trong cựu quân nhân Mĩ đều cho ra những kết quả không kết luận gì được. Do đó, các nhà khoa học phải tổng kết nhiều nghiên cứu trong quá khứ, kể cả các nghiên cứu trong những công nhân từng làm trong các hãng xưởng sản xuất dioxin, để đi đến kết luận. Điều này thật dễ hiểu: nói một cách nghiêm túc, bằng chứng khoa học không tùy thuộc vào địa phương nghiên cứu, mà tùy thuộc vào chất lượng của công trình nghiên cứu. Do đó, để đi đến một kết luận về mối liên hệ giữa dioxin và bệnh tật trong người Việt Nam, không ai lại ngớ ngẩn đi hỏi phải có bằng chứng từ Việt Nam; bằng chứng từ Mĩ hay Âu châu, một khi đúc kết cho có hệ thống cũng đủ để đi đến kết luận.

2/ Nếu đúng như lời tiến sĩ nói các cuộc khảo cứu khoa học cho thấy chất da cam đã gây ra nhiều hậu quả cho người Việt Nam, thì tại sao tòa án Mỹ tại new York đã hai lần chưng đơn kiện của Hội nạn nhân chất độc da cam / dioxin Việt Nam, vì cho rằng phía nguyên đơn không nêu lên những bằng chứng khoa học mà chỉ dựa vào tin tức và niềm tin (từ ngữ nguyên văn trong tiếng Anh là upon information and belief)?

Tòa án Mĩ chưa bao giờ xử vấn đề này đến nơi đến chốn. Tòa án Mĩ đã hai lần chưng đơn phía Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam hay gọi tắt là VAVA. Trước đó tòa án cũng không xử vụ Hội cựu chiến binh Mĩ kiện các công ti hóa học mà hai bên phải dàn xếp ngoài tòa.

Bản phán quyết của tòa án có nhiều chi tiết có lợi và bất lợi cho phía nguyên đơn. Về những phán quyết bất lợi cho VAVA có một phán quyết quan trọng rằng tòa án không thấy thuyết phục bởi các luận điểm của phía nguyên đơn về nguyên nhân bệnh tật. Một mặt, tòa án chấp nhận rằng nguyên đơn bị phơi nhiễm độc chất, mặt khác tòa án không tin rằng các nghiên cứu trong quá khứ đã chứng minh các độc chất này là nguyên nhân gây bệnh cho nguyên đơn. Ở một đoạn sau, bản phán quyết cho rằng những cáo buộc về bệnh tật của phía nguyên đơn mang tính “giai thoại”, chuyện vặt (“anecdotal evidence”) vì phía nguyên đơn chưa tiến hành một nghiên cứu qui mô dịch tễ học. Tòa án còn thêm rằng trường hợp các cựu chiến binh Mĩ được bồi thường vào năm 1984 không vận dụng được cho các nguyên đơn, bởi vì để nhận tiền trợ cấp của họ (cựu chiến binh Mĩ) không cần đến chứng cớ về nguyên nhân.

Theo tôi đây là một phán quyết khó hiểu nhất. Thẩm phán Weinstein nói rằng chưa có đầy đủ bằng chứng về nhân quả (cause-and-effect) để đưa đến một kết luận trong tòa án Mĩ. Thực ra, nếu nói về cái gọi là chứng minh mối liên hệ nhân quả thì nó đi ra ngoài phạm vi của y khoa. Trong y khoa và khoa học, không có cái gọi là “chứng minh”, mà chỉ có bằng chứng có nhất quán hay không nhất quán với giả thuyết hay không mà thôi. Trong y tế công cộng, người ta không có và sẽ không bao giờ có (ngoại trừ cố ý giết người) cái xa xỉ để thử nghiệm bằng cách cho nạn nhân uống dioxin để xem có bệnh hay không. Không ai biết một cách chính xác cơ chế gây tác hại của thuốc lá, nhưng vì người hút thuốc có nhiều bệnh so với người không hút thuốc lá, và sự thật đó cũng đủ để xã hội hạn chết hút thuốc lá. Tương tự, chưa ai biết chính xác những cơ chế sinh học gây tác hại của chất độc da cam và dioxin, nhưng sự thật là cựu chiến binh Mĩ và Việt Nam từng bị phơi nhiễm độc chất có nguy cơ sinh con với dị tật bẩm sinh cao, và sự thật đó cũng phù hợp với các bằng chứng nghiên cứu cơ bản.

Trong các trường hợp khác về bồi thường do nhiễm độc chất (như trường hợp “Erin Brockovich” ở California như đề cập đến trong phán quyết), nguyên đơn chỉ cần trưng bày bằng chứng cho thấy tỉ lệ bệnh tật trong nhóm bị nhiễm độc chất cao hơn nhóm không bị nhiễm (và đó không thể là mối liên hệ nhân quả) vẫn được xem là bằng chứng thuyết phục. Trong trường hợp này, có nghiên cứu cho thấy trong thời gian từ 1955-1964 (trước khi có chiến dịch phun độc chất) tỉ lệ dị tật thai nhi trong 3 làng là 2,1%, và giữa những năm 1965-1974 (sau khi chiến dịch da cam) thì tỉ lệ này trong 3 làng trên tăng đến 5% (Trích từ bài báo trong tập san Environmental Health Perspectives 2000; 108: số 10), và dùng lí luận của trường hợp Erin Brockovich, người ta cũng có thể xem đó là bằng chứng về tác hại của chất độc da cam. Do đó, việc đòi hỏi bằng chứng của Weinstein xem ra là một đòi hỏi quá máy móc!
Tuy nhiên, cho rằng trường hợp của các cựu chiến binh Mĩ không vận dụng thì quả là kiểu nói “lưỡng chuẩn” (double standard) bởi vì trong thực tế, chính phủ Mĩ chỉ bồi thường cho những cựu chiến binh nào mắc những bệnh mà có bằng chứng cho thấy là chúng có liên quan đến chất độc da cam. Xin nêu một ví dụ cụ thể: đầu năm nay 2003, một thông cáo báo chí từ Viện Y khoa Mĩ (Institute of Medicine; trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Mĩ) cho biết, sau khi duyệt xét qua 6 công trình nghiên cứu về ảnh hưởng của dioxin (trong vòng 2 năm qua), các nhà khoa học tuyên bố họ đã có đủ bằng chứng để kết luận rằng dioxin là nguyên nhân gây ra chứng ung thư bạch huyết cầu mãn tính (tức là Chronic lymphocytic leukemia, hay CLL). Trước đây, người ta từng nghi ngờ CLL có liên hệ với dioxin, nhưng bằng chứng khoa học chưa được rõ ràng; nay thì mối liên hệ đó coi như đã được khẳng định. Điều quan trọng là các dữ kiện khoa học này không phải xuất phát từ nghiên cứu trên cựu quân nhân Mĩ, mà từ các nghiên cứu trên các công nhân làm việc trong các hãng xưởng hóa chất. Nếu dựa vào cách thẩm định bằng chứng của ông Weinstein, người ta cũng có thể nói rằng chưa có bằng chứng về mối liên hệ giữa dioxin và CLL! Thế nhưng chính phủ Mĩ nghĩ khác: Với phát hiện mới này, chính phủ Mĩ tuyên bố là họ sẽ đồng ý bồi thường cho cựu quân nhân Mĩ, những người từng tham chiến ở Việt Nam, nếu họ mắc chứng bệnh CLL. Nếu chính phủ Mĩ chấp nhận những bằng chứng gián tiếp nhưng có cơ sở khoa học như thế thì hà cớ gì chánh án Weinstein lại yêu cầu bằng chứng từ phía Việt Nam?

3/ Nhà nước Việt Nam đưa ra con số từ 3 đến 5 triệu người đã là nạn nhân của chất Da Cam, tiến sĩ nghĩ sao về con số này?

Nhà nước Việt Nam đưa ra con số nạn nhân là 1 triệu. Tôi nghĩ con số đó hoàn toàn có cơ sở khoa học, nhưng thấp hơn thực tế.

Theo một nghiên cứu rất qui mô do một nhóm nhà khoa học ở đại học Columbia công bố năm 2006 trên tập san khoa học Nature (tập san khoa học số 1 trên thế giới), trong chiến dịch phun chất độc da cam, không quân Mĩ thực hiện 19,905 phi vụ, phun trên diện tích 2.631 triệu ha (trong số này có 11% được phun nhiều lần). Tính chung có 25,585 làng xã bị ảnh hưởng độc chất, và 4.8 triệu người phơi nhiễm độc chất.

4/ Rất nhiều sĩ quan và binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã từng đồn trú tại những khu vực mà máy bay Mỹ thả chất Da Cam để khai quang cho biết, họ từng uống nước có chất da cam, nấu cơm bằng nước nước có chất da cam và tắm giặt trong các vũng nước có chất da cam, mà cho tới nay, tức 37 năm, tính từ 1971 khi Hoa Kỳ chấm dứt chiến dịch thả chất da cam tại Việt Nam, họ vẫn mạnh khỏe. Tiến sĩ lý giải như thế nào về sự kiện này?

Tôi cũng nghe nhiều cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) từng đóng quân trong các vùng bị phơi nhiễm mà không hề bị ảnh hưởng, nhưng tôi cũng nghe và đọc nhiều cựu quân nhân VNCH than phiền là họ bị ảnh hưởng bởi độc chất.

Đứng trên quan điểm khoa học mà nói những phát biểu như thế không có giá trị khoa học cao. Khi xem xét đến bằng chứng khoa học, người ta xem xét đến các nghiên cứu cơ bản (trên tế bào) và nghiên cứu trên một quần thể lớn mới kết luận được có hay không có mối liên hệ.
Nghiên cứu cơ bản đã chứng minh cho thấy dioxin có khả năng gây dị tật bẩm sinh, và đó chính là lí do tại sao chính phủ Hoa Kì quyết định ngưng chiến dịch phun chất độc màu da cam ở Việt Nam.
Nghiên cứu trên hơn 20 quần thể ở Mĩ và Việt Nam mà chúng tôi tổng kết cho thấy người bị phơi nhiễm dioxin có tỉ lệ sinh con dị tật bẩm sinh cao hơn người không bị phơi nhiễm đến 2-3 lần. Đó là một sự thật khoa học không thể chối cãi được. Thật ra, ngay từ lúc

Năm 1970 Hiệp hội tiến bộ khoa học của Mĩ (American Association for the Advancement of Science) lập một ủy ban nghiên cứu về chất diệt cỏ (Herbicide Assessment Commission) để xem xét ảnh hưởng của chất độc màu da cam đến dị tật bẩm sinh. Họ phân tích hơn 4,000 trường hợp dị tật ở Bệnh viện Từ Dũ từ 1959 đến 1968 và phát hiện rằng tỉ lệ trẻ em sinh với chứng nứt đốt sống (spina bifida) tăng nhanh sau năm 1966, tức sau khi chiến dịch phun chất độc màu da cam tiến hành. Họ còn ghi nhận rằng tỉ lệ trẻ em ở Tây Ninh với dị tật là 64 trên 1000 trẻ em mới sinh, cao gấp 2 lần so với trung bình của toàn miền Nam lúc đó là 31.2 trên 1000 trẻ sơ sinh.

Cũng cần phải nói thêm rằng không phải bất cứ ai bị phơi nhiễm cũng đều sinh con dị tật bẩm sinh. Cũng giống như không phải bất cứ ai hút thuốc lá đều bị ung thư phổi, dù thuốc lá được xem là nguyên nhân gây ung thư phổi. Vấn đề là nhóm phơi nhiễm độc chất có nguy cơ sinh con dị tật cao hơn khoảng 2-3 lần so với nhóm không phơi nhiễm độc chất.

Bằng chứng về tác hại của chất độc màu da cam là sự thật; chúng ta không nên quá cảm tính vì ghét chế độ hiện hành mà tìm cách phủ nhận sự thật.

5/ Có người cho rằng, các trẻ em Việt Nam sinh ra sau năm 1975 và bị dị dạng là vì thiếu dinh dưỡng, và do đó bà mẹ phải sống trong môi trường ô nhiễm của Việt Nam, chứ không hề do chất da cam. Xin nghe quan điểm của tiến sĩ về nhận định này.

Tôi thấy nhận định như thế thiếu tính thuyết phục, vì nó thiếu tính khoa học và thậm chí … ngụy biện.

Cần nhắc lại rằng chúng ta đang nói những trường hợp dị tật bẩm sinh trước năm 1975 chứ không hẳn chỉ sau năm 1975. Tôi là người làm về dịch tễ học và từng được đào tạo về ngành nội tiết học mà chưa nghe về mối liên hệ giữa suy dinh dưỡng và dị tật bẩm sinh. Phát biểu rằng các bà mẹ sống trong môi trường ô nhiễm và do đó có nguy cơ sinh con với dị tật cao thì tôi e rằng thiếu khoa học và … ngụy biện. Không rõ “ô nhiễm” ở đây là ô nhiễm gì, vì chúng ta cũng đang sống trong môi trường ô nhiễm. Vấn đề là bằng chứng khoa học, chứ không nên phát biểu theo niềm tin và cảm nhận cá nhân.

Chúng ta không thể dựa vào những bằng chứng mà giới khoa học gọi là “ecologic correlation” (mối tương quan quần thể) để suy luận cho tương quan cá nhân, vì như thế là phạm vào lỗi lầm logic mà người ta gọi là ecologic fallacy. Tôi còn nhớ vào thế kỉ 19, người ta nói các nước theo đạo Tin lành có tỉ lệ tự tử cao, rồi suy luận rằng đạo Tin lành là yếu tố nguy cơ cho tự tử! Đó là suy luận sai, là ngụy biện kiểu ecologic fallacy.

Như tôi nói trên, khi xem xét đến nguyên nhân và hệ quả, người ta phải xem xét đến những nghiên cứu cơ bản trên tế bào, trên chuột, rồi sau đó trên con người, chứ không phải chỉ dựa vào những nghiên cứu mang tính sinh thái và quần thể được.

Chất màu da cam gồm có hai thành phần hóa học (nói chính xác hơn là hai loại acid) chính: 2-4-dichlorophenoxyacetic và 2,3,7,8-Tetrachlorodibenzo-p-dioxin (tức dioxin). Trước năm 1997, dioxin được xem là chất “có thể gây ra ung thư” cho con người. Đến tháng Hai năm 1997, Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (International Agency for Research on Cancer, một cơ quan thuộc Tổ chức y tế thế giới) tiến hành một loạt nghiên cứu khoa học và kết luận rằng dioxin, nhất là dioxin trong chất màu da cam, là một độc tố có thể gây ra ung thư thuộc vào nhóm 1 (còn gọi là Class 1 carcinogen). Tháng Giêng năm 2001, Chương trình nghiên cứu về độc chất quốc gia của Mĩ (National Toxicology Program) cũng công nhận dioxin là một độc chất gây nên ung thư trên con người. Năm 2003, một phân tích từ Chương trình nghiên cứu này xác định dioxin là một độc chất gây ung thư, và còn đi xa hơn cho rằng không có cái gọi là “nồng độ an toàn” dioxin trong con người. Nói cách khác, người bị phơi nhiễm dioxin dù ở nồng độ thấp hay cao vẫn có nguy cơ bị ung thư.

Năm 1969, Hội đồng Y đức Nghiên cứu (Bioethics Research Council) báo cáo rằng dioxin có khả năng làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh. Cũng năm 1969, các nhà khoa học Mĩ đã tiến hành một số thí nghiệm trong một và họ kết luận rằng dioxin có thể gây ra dị thai trong chuột. Trong loài gặm nhấm, khi chuột mẹ bị làm cho tiếp nhận dioxin với một liều lượng thấp, kết quả là bào thai phát triển không thông thường. Khi chuột cái bị làm cho tiếp nhận dioxin, buồng trứng trở nên nhẹ hơn, và 65% chuột đực con sinh ra bị chứng “cleft phallus” (nứt dương vật), và chuột cái con sinh ra với những cửa mình bất thông thường. Khi chuột đực bị làm cho tiếp xúc và phơi nhiễm với dioxin, lượng tinh trùng bị giảm, giao cấu khó khăn, và quá trình dậy thì bị chậm trễ hơn thông thường. Trong con người, dữ kiện nghiên cứu từ Ý cho thấy trong những người cha với độ nhiễm dioxin càng cao tỉ lệ sinh con trai càng thấp. Nói tóm lại, có nhiều nghiên cứu cho thấy dioxin có khả năng can thiệp và ảnh hưởng xấu đến hệ thống tái sản sinh.

Tóm lại, các bằng chứng khoa học trên đây cho thấy dioxins được xem là một trong những độc chất nguy hiểm nhất, vì nó có khả năng gây tác hại đến sự sống và sức khỏe của con người cũng như làm tổn hại môi sinh. Dựa theo định nghĩa thông thường về vũ khí hóa học như trình bày trên, có thể nói dioxin cũng là một vũ khí hóa học. Chả thế mà Tháng Tư năm 2002, một cuộc hội thảo khoa học tại Đại học Yale, qui tụ nhiều nhà khoa học môi trường hàng đầu trên thế giới, họ xem xét và đánh giá những bằng chứng nghiên cứu khoa học mới nhất, và đi đến kết luận rằng chiến dịch phun hóa chất da cam trong thời chiến là một “cuộc chiến tranh hóa học lớn nhất trong lịch sử nhân loại.” (“The use of Agent Orange as a defoliant and herbicide in Vietnam was the largest chemical warfare operation in history, producing considerable ecological as well as public health damage.")

Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét