Hiệu quả rửa tay: hiểu cho đúng thông tin y khoa

Thông tin về bệnh tả lắng xuống trong thời gian gần đây. Nhưng điều này không có nghĩa là nước ta đã hoàn toàn khống chế bệnh. Thật vậy, bài báo dưới đây cho biết trong tháng chỉ riêng tháng 5, có thêm 1386 ca tiêu chảy cấp tính và trong số này 170 (12%) nhiễm vi khuẩn tả.


Bài báo còn trích phát biểu của một quan chức Bộ Y tế cho biết “các nghiên cứu khoa học khẳng định, việc rửa tay thường xuyên với xà phòng có thể ngăn chặn được 47% các bệnh quan tới đường tiêu hóa và hơn 30% các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cấp.” Quan chức này không cho biết “các nghiên cứu khoa học” đó ở đâu, và làm cho người đọc tưởng rằng nghiên cứu của Bộ Y tế.

Thật ra, thông tin này đã được ykhoanet.com đưa ra từ đầu năm nay. Trong một bình luận ngày 22/2/08 trên ykhoanet.com, tôi viết rằng “… biện pháp có hiệu quả nhất là chỉ đơn giản rửa tay bằng xà phòng có thể giảm 47% nguy cớ mắc các bệnh liên quan tiêu chảy” và có trích dẫn nguồn trên tập san y khoa British Medical Journal. Xin trích dẫn thông tin đó như sau:

Hiệu quả của một số can thiệp nhằm giảm các bệnh liên quan đến tiêu chảy (effectiveness of specific interventions against risk of diarrhoeal disease)
Can thiệp
Giảm nguy cơ các bệnh liên quan đến tiêu chảy
Tạo nguồn nước sạch
16%
Nâng cao chất lượng nước
20%
Xử lí cống rảnh và rác
36%
Giáo dục vệ sinh
35%
Rửa ray bằng xà phòng
47%
Nguồn: Curtis V. BMJ 21003; 327:3-4
So sánh nguồn thông tin gốc cho thấy quan chức y tế hiểu lầm hiệu quả của rửa tay. Con số 47% không nói đến “các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa” mà nói đến một bệnh cụ thể là tiêu chảy. Một phân biệt quan trọng khác là con số 47% này không phải là ngăn chận 47% ca bệnh, mà là giảm nguy cơ mắc bệnh. Hai điều này (“ngăn chận ca bệnh” và “giảm nguy cơ mắc bệnh”) rất khác nhau, chứ không có cùng nghĩa.
Tôi tìm trong y văn nhưng không thấy bằng chứng nào cho thấy rửa tay bằng xà phòng giảm “30% các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cấp”. Tuy nhiên, một phân tích tổng hợp khác cho thấy rửa tay có thể giảm nguy cơ bệnh tiêu chảy khoảng 30%. Phân tích này do nhóm Cochrane Review thực hiện và công bố trong Cochrane Database Systematic Review (ngày 23/1/2008).
Tôi thấy chiến dịch vệ sinh cá nhân, kể cả rửa tay bằng xà phòng, rất có ích và nên làm từ lâu. Nhưng thông tin về hiệu quả cần phải được chuyển tải đến công chúng một cách chính xác và khách quan. Một ông tiến sĩ cục trưởng cục y tế dự phòng mà hiểu thông tin y khoa không đúng thì thật là đáng ngạc nhiên.


NVT
====
Nhân Ngày Môi trường thế giới (5/6)
Rửa tay với xà phòng, giảm 47% nhiễm tiêu chảy
Rửa tay với xà phòng còn có thể giúp giảm đến 47% khả năng nhiễm bệnh tiêu chảy. Rửa tay với xà phòng cũng là một hành vi giúp ngăn chặn được các dịch bệnh nguy hiểm đang lây lan trong cộng động tại Việt Nam như dịch cúm gia cầm và dịch tay – chân - miệng.
Ngày 5/6, tại lễ phát động “Chiến dịch truyền thông rửa tay với xà phòng”, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6 do Cục Y tế Dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức. TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế ) cho biết “Theo thống kê của Bộ Y tế hơn 80% các bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất hiện nay như tiêu chảy, tay - chân - miệng, thương hàn... đều có liên quan đến việc thiếu nước sạch và vệ sinh cá nhân yếu kém, đặc biệt là hành vi rửa tay với xà phòng’’.

Theo Bộ Y tế, hện nay, hầu hết bà mẹ có con dưới 5 tuổi rất quan tâm tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ, nhưng họ lại không hiểu hết về lợi ích của rửa tay bằng xà phòng.
Có tới 64% bà mẹ không rửa tay trước khi cho trẻ ăn, từ 27%-42% không biết các biện pháp phòng ngừa bệnh tiêu chảy và viêm đường hô hấp cấp.
Trong khi đó, các nghiên cứu khoa học khẳng định, việc rửa tay thường xuyên với xà phòng có thể ngăn chặn được 47% các bệnh quan tới đường tiêu hóa và hơn 30% các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cấp. Rửa tay với xà phòng cũng là một hành vi giúp ngăn chặn được các dịch bệnh nguy hiểm đang lây lan trong cộng động tại Việt Nam như dịch tiêu chảy cấp, dịch cúm gia cầm và dịch tay – chân - miệng, TS Nguyễn Huy Nga khẳng định.
Theo số liệu của Bộ Y tế, trong tháng 5, cả nước có thêm 1.386 trường hợp mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm, trong đó có 170 trường hợp tả, không có tử vong. Như vậy, tính từ đầu năm 2008 tới nay, cả nước có 3.394 ca tiêu chảy cấp nguy hiểm, trong đó có 497 trường hợp dương tính tả.
Song song với buổi lễ phát động nói trên, Hà Nội còn triển khai các hoạt động khác như tổ chức tuyên truyền viên ở thôn xóm đó là nhân viên y tế, hội phụ nữ, thôn trưởng, các cô giáo trường mầm non và tiểu học. Ngoài các hình thức truyền thông trên dự án còn tổ chức các hình thức truyền thông khác như: chạy xe diễu hành cổ động; phát tờ rơi; chiếu phim quảng cáo và giáo dục...
Được biết, Chiến dịch truyền thông rửa tay với xà phòng sẽ thực hiện tại 12 tỉnh từ nay cho đến năm 2010. Các tỉnh tham gia Chiến dịch là Sơn La, Phú Thọ, Hưng Yên, Quảng Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Khánh Hòa, Bình Định, Ninh Thuận, Tiền Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long.
* Trong khi đó, sáng 5/6, tại bãi biển Mỹ Khê, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), Tỉnh đoàn Quảng Ngãi phối hợp với Sở Tài nguyên-Môi trường và huyện Sơn Tịnh đã tổ chức lễ phát động ứng ngày Môi trường thế giới và ra mắt đội thanh niên tình nguyện bảo vệ môi trường.
Sau lễ phát động, trên 1.000 Đoàn viên Thanh niên, học sinh đã ra quân dọn vệ sinh môi trường dọc bãi biển Mỹ Khê, núi Thiên Ấn và bờ tràn cầu Khê Hoà của huyện Sơn Tịnh. Chị Bùi Thị Quỳnh Vân, Phó bí thư tỉnh đoàn Quảng Ngãi cho biết, sau đợt ra quân này, tỉnh đoàn Quảng Ngãi sẽ tổ chức nhiều hoạt động chiến dịch thanh niên tình nguyện hè như nạo vét kênh mương thuỷ lợi, khám chữa bệnh cho đồng bào miền núi, làm đường giao thông nông thôn.
Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét