Lạm phát tiến sĩ bên Tàu

Tình hình bên "Thiên triều" này coi bộ cũng chẳng khác bên ta. Chẳng biết bên nào bắt chước bên nào? Trời ơi, một giáo sư mà hướng dẫn 20 nghiên cứu sinh! Kinh thật!

NVT


====

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=265278&ChannelID=119



Thứ Bảy, 28/06/2008, 07:01 (GMT+7)

Trung Quốc “lạm phát” tiến sĩ
TTCT - Trung Quốc đang dần trở thành quốc gia sản sinh nhiều ứng viên tiến sĩ nhất thế giới. Thế nhưng chất lượng đào tạo lại đang có nguy cơ tụt giảm.

Trung Quốc đang vượt qua Mỹ về số bằng tiến sĩ được cấp, và điều này có nghĩa đất nước này sớm trở thành quốc gia có nhiều tiến sĩ nhất. Hơn 310 trường đại học Trung Quốc có thẩm quyền cấp văn bằng tiến sĩ, nhiều hơn so với 253 trường đại học ở Mỹ có quyền này. Năm 2006, Mỹ đào tạo 51.000 tiến sĩ, cao hơn so với 49.000 tiến sĩ ở Trung Quốc. Và việc cấp bằng này ở Trung Quốc không ngừng gia tăng.

Tuy vậy, bước nhảy vọt về số người có văn bằng tiến sĩ không khỏi không gây quan ngại cho các trường đại học Trung Quốc vì lo sợ trình độ đào tạo bị giảm sút. Một số ý kiến đã chỉ trích mạnh mẽ điều mà họ gọi là “sự lạm phát ghê gớm”, khi cho rằng bộ phận giáo sư giảng dạy đã tỏ ra thiếu trách nhiệm đối với xã hội và tài nguyên quốc gia dành cho giáo dục. Theo họ, sự “lạm phát” mang đầy tính “trình diễn” này làm giảm giá trị chức danh tiến sĩ.
Các phương tiện truyền thông đã nói đến trường hợp vị tiến sĩ đầu tiên về ẩm thực dân gian Trung Quốc, với nhan đề luận án là “Thử nghiên cứu mối quan hệ biện chứng giữa người nếm thức ăn và nhiệt độ nấu”. Người ta tự hỏi liệu Trung Quốc có cần một vị tiến sĩ như thế không! Đây không phải là trường hợp cá biệt vì cũng có luận án mang tựa đề “Địa điểm các chợ rau trong thành phố”!
Ngày nay, điều người ta lo lắng nhất là một giáo sư hướng dẫn cùng lúc tới 20 luận án cho các chuẩn tiến sĩ, vượt xa mức thông thường là 2-3 luận án cùng lúc. Như vậy, giáo sư ấy chỉ có thể dành vài phút mỗi ngày cho mỗi luận án, trong khi các chuẩn tiến sĩ ấy sẽ được phong hàm giáo sư trong vài năm sau đó. Người ta có đủ lý do để sợ rằng chất lượng giáo dục sẽ sút giảm qua từng thế hệ, trừ khi các chuẩn tiến sĩ tự học tập thật nhiều thêm.
Đằng khác, trong một bài đăng trên tờ nhật báo Buổi Sáng Đông Phương ở Thượng Hải, giáo sư Dương Ngọc Lương - người phụ trách phong hàm đại học thuộc chính phủ - giải thích rằng trước kia hơn 90% tiến sĩ chọn làm việc ở các trường đại học hoặc viện nghiên cứu, nhưng hiện nay hơn một nửa trong số họ lại giữ chức vụ trong chính quyền.
Một cư dân mạng tố cáo tình hình này trên nhật ký trực tuyến của mình: “Không có gì xấu khi một tiến sĩ về làm việc trong một cơ quan chính phủ, khi chức vụ phù hợp với khả năng chuyên môn của mình. Còn ngược lại, đó sẽ là điều không tốt khi những người tài giỏi có hành trang học thức đại học vững chắc lại vội tìm về làm việc trong các cơ quan công quyền. Nếu các tiến sĩ đều trở thành công chức cả, còn ai ở lại để nghiên cứu đây?”.
Một giáo sư thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc nhận xét: vì nhiều lý do, nhất là lý do kinh tế, một tỉ lệ lớn các tiến sĩ được đào tạo ở Trung Quốc chấp nhận các chức vụ mà trình độ của họ so ra là quá dư thừa, thay vì tham gia các công trình nghiên cứu. Giáo sư này nói: “Trong số những người có bằng tiến sĩ, nhiều người làm việc ở môi trường kinh doanh hoặc chính trị”. Nhiều vị giám đốc của các công ty, xí nghiệp chẳng hạn, đòi hỏi trình độ cao cho một chức vụ mà thật ra không cần bằng cấp quá cao. Chính não trạng đòi hỏi bằng tiến sĩ như thế khuyến khích một số trường đại học mở các lớp nâng cao mà không hề quan tâm đến trình độ của sinh viên, thậm chí còn giới thiệu các chuẩn tiến sĩ với giám đốc các xí nghiệp hoặc một số lãnh đạo cơ quan hành chính.
Trong các điều kiện như thế, thật hợp lý khi công luận đặt vấn đề chất lượng đào tạo các tiến sĩ. Mới đây, nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã nhắc đến người đứng đầu Uy ban quốc gia về cải cách và mở cửa vì ông chỉ có bằng cao đẳng sư phạm. Thái độ này phản ánh sự không hài lòng nào đó đối với giáo dục đại học hiện nay. Nhật báo Buổi Sáng Đông Phương giải thích: vấn đề không phải là Trung Quốc cần thật nhiều người có bằng tiến sĩ, cũng không phải là vấn đề nước này tôn trọng chức danh tiến sĩ đủ hay chưa, mà là “chúng ta đang mất đi nhiều lý do để tôn trọng những người có văn bằng tiến sĩ”.
N.T.ĐA (Theo Courrier International)

Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét