Biết ái tình ở dòng sông Hương

Nhạc sĩ Phạm Duy, một cây “đại thụ” trong lịch sử tân nhạc Việt Nam, có một cuộc đời sóng gió. Tôi là fan của ông. Hầu như ca khúc nào của ông tôi cũng đều biết, và tôi thích phần lớn những ca khúc đó. Thế hệ của tôi lớn lên với nhạc của Phạm Duy và Trịnh Công Sơn. Nhưng về mặt nhạc và sự phong phú thì PD hơn TCS một bậc.


Bài sau đây do Nguyễn Đắc Xuân phỏng vấn PD vào năm 2005 hay 2006 gì đó, đã đăng trên Chuyển Luân, nay xin copy về để các bạn đọc cho biết. Trong bài phỏng vấn này, PD tiết lộ nhiều tin thú vị, trong đó có sự việc như tựa đề chỉ ra (mà tôi không cần phải giải thích). Trong hồi kí PD, ông có kể một đoạn tướng Nguyễn Sơn đứng ra làm chủ hôn trong đám cưới của PD và Thái Hằng vào thập niên 1940s cũng thật vui nhộn.

NVT
=====

"Biết ái tình ở dòng sông Hương"
Nguyễn Đắc Xuân thực hiện
Nhạc sĩ Phạm Duy sinh trưởng ở Hà Nội (5.10.1921), một thời gian dài sinh sống ở miền Nam và nước ngoài, tác phẩm của ông gắn bó với nhiều địa phương trong cả nước. Do hoàn cảnh lịch sử, ông đã có những quan hệ đặc biệt với Huế, với vùng núi Ngự sông Hương. Người hâm mộ tân nhạc Việt Nam - âm nhạc Phạm Duy đều biết thế nhưng chưa có dịp biết cụ thể như thế nào. Năm nay, nhân ông được phép về ở hẳn tại quê nhà, nhà văn - nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã có cuộc trò chuyện rất lý thú với ông về vấn đề trên sau đây.
Nguyễn Đắc Xuân (NĐX).- Thưa anh Phạm Duy, trong lời ca bài Tình Ca của anh có câu:"Biết ái tình ở dòng sông Hương". Vậy anh biết sông Hương, biết Huế từ khi nào ?
Nhạc sĩ Phạm Duy (NSPD).- Hồi còn nhỏ sống với gia đình ở Hà Nội, tôi biết hương vị Huế (làm sao mà biết ái tình sớm quá được) qua tiếng đàn tranh của bà Ấm Chung, một người Huế mà mẹ tôi cho ở trong nhà, hoặc qua giọng ca Huế của Cô Nhơn trong đĩa hát Béka loại 78 tours, với những bài Nam Bình, Nam Ai. Tôi rất thích nhạc Huế nên tôi ước mơ có dịp vào thăm viếng Huế.
NĐX.- Rồi sau đó ước mơ của anh đã trở thành hiện thực vào năm nào, trong trường hợp nào ?
NSPD.- Đầu năm 1944, tôi theo gánh hát Đức Huy-Charlot Miều đi diễn từ Bắc vào Nam, và ước mơ đến Huế của tôi đã trở thành hiện thực. Gặp buổi đầu Xuân, trời mưa phùn, cảnh sắc Kinh đô Huế thơ mộng làm sao. Gánh hát đến ở và diễn tại Rạp Tân Tân quay mặt ra đường Paul Bert (Trần Hưng Đạo ngày nay) trước chợ Đông Ba bên bờ Bắc sông Hương.
NĐX.- Anh hưởng (enjoy) được cái gì ở Huế đầu tiên ?
NSPD.- Được nằm trong khoang thuyền nghe ca Huế từ đêm cho đến sáng. Trước đây chỉ được nghe ca Huế qua đĩa Béka giờ được trực tiếp nghe tiếng đàn của Vĩnh Phan, giọng ca của Bích Liễu (vợ Vĩnh Phan), Minh Mẫn rót ngay vào tai mình những hò Mái nhì, hò Mái đẩy, những lý Tình tang, những Nam Bình, Nam Ai trong khung cảnh nên thơ của sông Hương về đêm thật quá tuyệt vời !
NĐX.- Những bài ca Huế ấy sau nầy có ảnh hưởng gì đến cuộc đời hoạt động âm nhạc của anh không ?
NSPD.- Làm sao không ! Khi tôi tới Huế, tôi có dịp được biết gần như hầu hết dân ca cổ truyền ở Quảng Trị, Thừa Thiên, như Hò Giã Gạo, Hò Nện, Hò Ô, Hò Thai v.v...Những câu hò làm tôi rung động, như :
Núi cao chi lắm núi ơi,
Núi che mặt trời không thấy người thương...
. . . . . . . . . .
Mãn mùa tóc gạo rơm khô,
Bạn về quê bạn biết nơi mô tìm kiếm?

Lúc còn bé, nghe ca Huế tôi không phân biệt được hơi Bắc, hơi Nam. Khi vào Huế tôi mới nhận ra được sự lơ lớ của cung bực mà sau đó tôi gọi là "Ngũ cung lơ lớ" trong ca / hò xứ Huế. Các cung bực của ca hò Huế có những cao độ (intervalles) non hơn hoặc già hơn các cung bực trong âm giai Tây phương hay âm giai ở miền Bắc (Hơi Bắc thuộc loại Ngũ cung đúng). Do đó những câu hò kể trên quyến rũ tôi ngay lập tức. Khám phá được "sự lơ lớ" ấy giúp tôi viết ra nốt nhạc các bài ca Huế một cách khoa học hơn những người đi trước như cụ Hoàng Yến trong loạt bài đàn ca Huế đăng trong BAVH mà các nhà nghiên cứu âm nhạc Huế đều biết cả. Âm nhạc nói chung và ca Huế nói riêng đã có một ảnh hưởng lớn đến cuộc đời sáng tác âm nhạc của tôi.
NĐX.- Anh có còn nhớ những những nghệ sĩ đàn ca Huế lúc ấy ?
NSPD.- Nhớ nhiều lắm chứ ! Trong lúc học hỏi về nhạc cổ truyền ở Huế tôi may mắn được gặp và thân với các nhạc sĩ Vĩnh Phan, Bửu Lộc .v.v. đặc biệt là có ông Ngũ Đại Vĩnh Trân, con vua Thành Thái, anh ruột vua Duy Tân. Những người Hoàng phái nầy yêu âm nhạc với một tâm hồn phóng khoáng rất nghệ sĩ. Về sau nhiều người thân với tôi như Bửu Lộc, Vĩnh Phan... Bây giờ thì các cụ ấy đã qui tiên cả rồi. Thương lắm.
NĐX.- Đầu năm 1944, ở Huế đã có hoạt động tân nhạc chưa, thưa anh ?
NSPD.- Có rồi. Trong số khán thính giả đến nghe tôi hát Buồn Tàn Thu ở rạp Tân Tân có các nhạc sĩ như Ngô Ganh, Văn Giảng, Nguyễn Đình Thị, Lê Quang Nhạc v.v...Sau các buổi diễn chúng tôi có trao đổi kinh nghiệm, tài liệu giữa ca sĩ chuyên nghiệp và các nhạc sĩ nghiệp dư ở miền núi Ngự sông Hương. Tôi có thêm các bài nhạc mới như Hương Giang Dạ Khúc của Lưu Hữu Phước, Trên Sông Hương, Bướm Hoa, Đêm Đông của Nguyễn Văn Thương. Tôi đã hát ngay những bài nầy trên sân khấu rạp hát Tân Tân và được Ban nhạc Tây trong gánh hát Charlot Miều đệm. Khán thính giả Huế thích lắm.
NĐX.- Còn hoạt động của các ngành nghệ thuật khác ?
NSPD.- Hoạt động văn nghệ ở Huế lúc ấy cũng hào hứng lắm, không thua gì ngoài Bắc, trong Nam đâu. Dù sao Huế cũng là đất Kinh đô đấy chứ ! Vũ Đức Duy, người đi tiên phong trong làng thoại kịch, đã dựng vở thoại kịch phóng tác từ phim Ben Hur - một chuyện cổ La Mã, rất nổi tiếng. Rồi đoàn hát Kim Sanh (nghe đâu thành lập từ năm 1938), của hai anh em ông Hoàng Trọng Thước và Hoàng Trọng Khanh - em của bà Đoan Huy Hoàng Thái hậu (tức bà Từ Cung - Hoàng Thị Cúc) hoạt động sôi nổi lắm. Đường lối nghệ thuật của Đoàn hát Kim Sanh giống như các đoàn hát Cải Lương ở trong Nam, chỉ khác ở chỗ về phần âm nhạc họ không dùng những bản ca nằm trong nhạc mục của sân khấu miền Nam mà dùng toàn những điệu ca Huế.
NĐX.- Là một người hoạt động nghệ thuật, anh nghĩ về Huế như thế nào ?
NSPD.- Đối với tôi, Huế luôn luôn là cái nôi của nghệ thuật. Thượng lưu trí thức đều có mặt ở Huế. Các môn khác tôi không dám nói, về âm nhạc, Huế là cái nôi, cái tổ của âm nhạc, Đường thượng chi nhạc, đường hạ chi nhạc đều có ở Huế. Vì là đất của nhà vua nên nhà vua triệu về đây những người giỏi âm nhạc nhất nước. Nhà vua có tiền cho người đi học ở những nơi cần học. Cái nhà hát bộ đầu tiên của nước Việt Nam - Duyệt Thị Đường, chỉ có ở Huế, rồi Minh Khiêm Đường, Cửu Tư Đài... đều ở Huế. Người soạn tuồng hay nhất nước là ông Đào Tấn cũng hoạt động và nổi tiếng từ Huế. Những vở tuồng lớn nhất nước Vạn Bửu Trình Tường diễn hàng trăm đêm, Quần Phương Hiến Thụy diễn gần 50 đêm đều được soạn ở Huế. Cái nhà thờ dành cho ngành Hát Bội cả nước - Thành Bình Tự Đường - cũng chỉ có ở Huế. Còn vô số hoạt động âm nhạc, hoạt động Hát bội của các ông hoàng, bà chúa chúng ta vẫn chưa nghiên cứu hết. Chính vì thế mà ngày nay Ca nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại là chuyện rất xứng đáng.
NĐX.- Ở trên anh có nói "Âm nhạc nói chung và ca Huế nói riêng đã có một ảnh hưởng lớn đến cuộc đời sáng tác âm nhạc" của anh. Xin anh cho biết cụ thể nó đã ảnh hưởng đến sáng tác của anh như thế nào ?
NSPD.- Trong lần gặp gỡ đầu tiên với chiếc nôi của âm nhạc Việt Nam là Thành phố Huế, tôi đã học hỏi được rất nhiều về dân ca và âm nhạc cổ truyền. Tôi khám phá ra sự phong phú của nhạc ngữ Việt Nam qua hệ thống âm giai đặc biệt để rồi sẽ dễ dàng viết ra nhiều bài hát mang âm hưởng Huế như bài Về Miền Trung, nhiều đoản khúc như Ai vô xứ Huế Thì Vô, Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi trong Trường ca Con Đường Cái Quan, Sông Vùi Chôn Mẹ trong Trường ca Mẹ Việt Nam sau nầy.
NĐX.- Vâng, thưa anh. Trước những năm năm mươi tôi còn là một cậu bé nông dân sống trong núi rừng Đà Lạt. Trong não trạng của tôi vốn có một chút âm nhạc Huế của ông nội tôi và mẹ tôi trao cho từ lúc tôi còn nằm nôi, không nhớ bằng con đường nào, tôi đã biết hát bài Về Miền Trung của anh. Và, tôi rất mê, vì nó gần gũi với tôi quá ! Xin anh vui lòng cho biết anh đã sáng tác bài Về Miền Trung trong trường hợp nào ?
NSPD.- Đây là một câu chuyện dài hết sức thú vị. Có thể nói là một kỷ niệm lớn, hào hùng nhất trong cuộc đời sáng tác âm nhạc của tôi. Tôi đã kể sơ qua trong hồi ký. Nhưng nếu muốn viết cho đầy đủ chuyện nầy thì phải viết một cuốn sách. Nhân đây tôi xin nói qua một chút là như thế nầy: Năm 1948, tôi là nhạc sĩ trong đoàn Văn nghệ của Trung đoàn 304 đóng ở Thanh Hoá, được tướng Nguyễn Sơn cử vào phía Nam nơi mệnh danh là "Bình Trị Thiên khói lửa". Cùng đi có anh Bửu Tiến (nhà soạn kịch), Vĩnh Cường (ca sĩ) và cô Ngọc Khanh (em gái của nhạc sĩ Ngọc Bích) và một số đội viên khác. Chuyến đi lịch sử nầy là một thử thách chưa từng có đối với tôi như phải trải qua cả tháng trời lội suối, trèo đèo mệt nhọc, đi qua vùng địch đóng nguy hiểm đến tính mạng, bệnh tật sốt rét, ghẻ lở, đói khát với trăm ngàn thử thách, khó khăn không lường trước được. Nhưng đáp lại, chuyến đi nầy rất hào hùng, thú vị, gây cho tôi nhiều cảm xúc để sáng tác. Đi qua quê nghèo Quảng Bình tôi soạn được bài Bao Giờ Anh Lấy Được Đồn Tây, sau nầy đổi thành Quê Nghèo như nhiều người còn hát. Đi qua Quảng Trị tôi soạn được bài Bà Mẹ Gio Linh cũng bất hủ. Cuối cùng tôi đến chiến khu Huế gặp ông Hà Văn Lâu, Hoàng Trọng Khanh mà tôi đã quen từ hồi mới vào Huế năm 1944. Ở chiến khu Thừa Thiên một thời gian, tôi được tách khỏi đoàn văn nghệ, về sống với đồng bào ở các huyện phía Bắc Huế. Căn nhà nơi tôi ở lại nằm cạnh con sông Ô Lâu nước chảy êm đềm. Hằng đêm, tôi được mời đi hát cho cán bộ, bộ đội, đồng bào nghe. Và, tôi cũng được nghe dân hát "Tình về Đại Lược/ Duyên ngược Kim Long/ Tới đây là chỗ rẽ của lòng/ Gặp nhau còn biết trên sông bến nào ?". Bài Về Miền Trung ra đời trong khung cảnh đó. Năm 2002 các bạn Huế có đưa tôi về thăm lại nơi nầy. Cảm động lắm.
NĐX.- Xin anh nói rõ thêm về cái chất nhạc Huế trong bài Về Miền Trung. Cái chất nhạc đó đã làm cho người miền Trung, trong đó có tôi, mê nó nhưng không phân tích được!.
NSPD.- Với sự hiểu biết của tôi về nhạc cổ truyền của Huế, tôi thử vận dụng một cách đơn sơ vào bài Bao Giờ Anh Lấy Được Đồn Tây. Khi vào Huế, có điều kiện thời gian và cảm xúc sâu hơn, tôi phát triển mạnh cái thang âm lơ lớ của các điệu hò, điệu hát Huế vào bài Về Miền Trung. Nhưng khác với các bài hát cổ truyền Nam Bình, Nam Ai than vãn, chỉ có một tiết điệu chậm buồn, bài Về Miền Trung (với ba tiết điệu khác nhau) nhạc và lời mạnh mẽ hùng dũng nhằm động viên tinh thần chống giặc của toàn dân lúc ấy. "Về miền Trung / Còn chờ mong núi về đồng xanh/ Một chiều nao đốt lửa rực đô thành (Tiêu thổ kháng chiến mà !)/ Tay trong tay dắt nhau về quê hương cũ/ Không than van, không sầu nhớ". Lúc đó khó khăn vô cùng, nhưng lạc quan yêu đời, tin tưởng kháng chiến sẽ thắng lợi đến như thế thật cũng lạ !
NĐX.- Anh có còn nhớ lúc ấy anh đã được mời đi hát ở những đâu tại vùng nông thôn Thừa Thiên Huế không ?
NSPD.- Nhớ nhưng không thể nào nhớ hết. Tôi nhớ có lần được đưa vào hát ở cả Thanh Thủy Chánh, Vỹ Dạ thuộc vùng ven đô, gặp nhiều nhân sĩ trí thức ở Huế ra nghe, thú vị, hào hứng lắm.
NĐX.- Vâng. Nhiều cán bộ biết anh hát lúc đó nay còn sống đã kể cho tôi nghe chuyện đó. Như vậy cho đến năm 1948, anh đã có hai lần gắn bó với Huế hết sức sâu sắc. Lần đầu vào năm 1944 vào Huế với gánh hát Charlot Miều để đi "hành nghề" ca sĩ và học âm nhạc cổ truyền Huế, lần thứ hai năm 1948, anh vào Huế với tư cách một nghệ sĩ đi phục vụ đất nước, phục vụ cách mạng. Đến năm 1953, vào thành, anh viết bài Tình Ca trong đó có câu "Biết ái tình ở dòng sông Hương". Vậy anh biết "chuyện ấy" ở Huế vào lần vào Huế nào ? "Người ấy" là ai ? Sau nầy anh có dịp nào gặp lại không ? Và, nay ...?
NSPD.- (Cười hả hê) Chưa ai hỏi tôi câu nầy bao giờ. Chuyện của tôi, tôi trả lời không có gì khó cả. Nhưng với tư cách là một nhà Huế học như anh, tôi nghĩ là anh đã biết, đã có các câu trả lời chính xác rồi. Nhưng đã nên công bố những điều ấy lúc nầy chưa ? Với cuộc đời trên 85 tuổi của tôi, với năm bảy "cuộc tình", gặp gỡ nhiều người gốc Việt, gốc Tàu, gốc Tây, quan niệm về chuyện " biết ái tình" của tôi nó rộng lắm.
NĐX.- Nhưng hẹp lại với "con gái Huế" thì anh quan niệm như thế nào ?
NSPD.- Từ khi biết Huế (1944) cho đến khi tôi đã yêu bà Thái Hằng rồi thành vợ chồng (1948), tôi vẫn ước mơ có một người tình xứ Huế. Con gái Huế, lẽ dĩ nhiên là đẹp rồi. Cái mà tôi thích nhất là người đàn bà xứ Huế còn giữ được nhiều nữ tính. Cái nữ tính ấy lại được nuôi dưỡng trong khung cảnh nên thơ của vùng có nhiều đền đài lăng tẩm núi Ngự sông Hương làm cho nó có một sức hấp dẫn mạnh đối với loại người có nhiều "đàn ông tính" như tôi. Theo tôi, không một nơi nào trên cái nước Việt Nam nầy có người phụ nữ được sống trong cái môi trường văn hoá thơ mộng sâu sắc như thế cả. Bởi vậy, Hàn Mặc Tử mới hỏi "Sao anh không về chơi thôn Vỹ ?" Có anh chàng văn thi nhạc sĩ Việt nào mà không ước mơ đến Huế, không ước mơ có một mối tình ở Huế ? Lưu Trọng Lư, Nguyễn Tuân, Dương Thiệu Tước, Xuân Diệu, Huy Cận, Văn Cao, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Phạm Hầu ...và tôi chắc trước kia các cụ Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Công Trứ, Đào Tấn...cũng thế !
NĐX.- Nhưng có lẽ không ai có nhiều"mối tình" với Huế bằng anh ?
NSPD.- Nhà Huế học mà nghĩ như thế, có thể sai mà không sai.
NĐX.- Cuối cùng, cái hấp dẫn của Huế nói chung và người đẹp xứ Huế nói riêng đã để lại gì trong tác phẩm của anh ?
NSPD.- Tôi vẫn chơi thân với nhiều người bạn Huế, còn đến Huế nhiều lần, còn "bị" tác động, còn sáng tác, còn viết nên chưa thể trả lời ngay được.Xin nhờ một nhà nghiên cứu âm nhạc trong tương lai trả lời hộ tôi vậy.
NĐX.-Thưa nhạc sĩ Phạm Duy. Sau bao cuộc chia cắt bể dâu, "bên ni bên nớ", hôm nay được ngồi trò chuyện với anh giữa Thành phố Hồ Chí Minh thanh bình như thế nầy, thật hết sức quý báu. Mặc dù còn khối chuyện người Huế muốn biết về anh nhưng không thể làm mất thì giờ anh thêm nữa. Trước khi tạm biệt anh để về lại Huế, tôi xin đại diện cho những người Huế yêu nhạc Phạm Duy cám ơn anh đã cho phép tôi thực hiện cuộc trò chuyện lý thú nầy. Xin chúc anh sức khoẻ, hưởng cái tết đầu tiên trong ngôi nhà riêng của anh sau 30 năm xa quê. Mong sẽ lại được đón anh ra chơi Huế và được thưởng thức những sáng tác mới của anh, đặc biệt những sáng tác anh soạn khi nhớ Huế. Tạm biệt anh.


Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét