Chúng ta thường nghĩ rằng người được tuyển chọn vào các cơ quan công quyền phải có khả năng chuyên môn tốt, có tâm, và có tầm. Chuyên môn ở đây bao gồm cả quản lí, kĩ năng xử lí thông tin và suy luận. Họ phải có khả năng phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề. '
Tâm là tấm lòng với người dân mà họ phục vụ. Tầm là "viễn kiến", tầm nhìn xa, lèo lái chính sách công cộng sao cho tương xứng với tầm vóc của dân tộc và nước nhà. Làm lãnh đạo mà thiếu kĩ năng xử lí thông tin, thiếu cái tâm, và thiếu cái tầm nhìn thì thật là nguy hiểm.
Đọc bài báo dưới đây về thịt chó và nguy cơ nhiễm khuẩn tả mà tôi chỉ biết lắc đầu. Người ta phát hiện rằng một số cơ sở làm thịt chó có "bí quyết" ngâm thịt chó dưới ao, và thế là ông giám đốc Sở Y tế Hà Nội phán ngay một câu rằng, theo chữ của phóng viên, "đây chính làmột trong những nguyên nhân vì sao khi các đợt dịch tả diễn ra, thịt chó luôn là thực phẩm chứa nguồn lây bệnh."
Tôi e rằng suy luận của ông giám đốc quá dễ dãi. Đáng lẽ ông phải trình bày bằng chứng như sau:
(a) nước ao bị nhiễm khuẩn tả; và
(b) thịt chó ngâm nước ao có nguy cơ nhiễm khuẩn tả cao hơn thịt chó không ngâm nước ao.
Nói cách khác, ông phải điền vào bảng số liệu dưới đây. Những con số a, b, c, và d là bằng chứng; nếu không có mấy con số này thì không thể nói gì được, chứ chưa nói đến "nguyên nhân".
Thịt chó ngâm nước ao
|
Thịt chó không ngâm nước ao
| |
Nhiễm khuẩn tả
|
a
|
b
|
Không nhiễm khuẩn tả
|
c
|
d
|
Còn nhớ trước đây, ông giám đốc cũng chính là người đề nghị phạt những ai ăn bẩn. Chuyện tưởng là đùa, nhưng ông nói thật và dành nhiều thời giờ công sức để biện minh cho một chính sách rất không giống ai đó. Nay ông lại nói như đinh đóng cột rằng thịt chó luôn là thực phẩm chứa nguồn lây bệnh. Bất cứ một câu nói mang tính khẳng định nào cũng đáng nghi ngờ. Tôi rất nghi ngờ chữ luôn ở đây. Thật ra, tôi nghi ngờ nguyên câu phát biểu.
Trong y khoa, thực hành lâm sàng phải dựa vào bằng chứng khoa học (không có bằng chứng khoa học thì y khoa chỉ là ... lang băm). Tương tự, làm chính sách y tế công cộng cũng cần bằng chứng nghiên cứu; không có bằng chứng thì chính sách dễ dẫn đến sai lầm. Người dân đòi bằng chứng, thưa ông giám đốc. Suy luận dễ dãi là triệu chứng của bệnh ẩu.
NVT
====
http://dantri.com.vn/suckhoe/Thit-cho-nhiem-khuan-ta-do-bi-ngam-xuong-ao/2008/8/246205.vip
|
Thịt chó nhiễm khuẩn tả do bị ngâm xuống ao
Đó chính là “bí quyết” của không ít hộ kinh doanh hoặc làng nghề chuyên cung cấp thịt chó cho Hà Nội và các khu vực lân cận thành phố.
Theo tiết lộ của những người làm nghề nhiều năm, thịt chó đã sơ chế sẽ nở ra, tăng trọng lượng, đẹp “mã” nhờ được ngâm dưới ao vài ngày.
Ông Tuấn cho rằng, đây chính là một trong những nguyên nhân vì sao khi các đợt dịch tả diễn ra, thịt chó luôn là thực phẩm chứa nguồn lây bệnh.
Gần đây nhất, Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư đã phát hiện ra phẩy khuẩn tả khi xét nghiệm một số mẫu thịt chó sống, trong đó có mẫu tại nhà hàng Lá Cọ, quận Cầu Giấy và mẫu thịt chó chín tại nhà hàng Anh Tú, đường Tam Trinh, quận Hoàng Mai và cửa hàng thịt chó tại chợ Khương Trung, quận Thanh Xuân - Hà Nội.
Hiện nay, dịch tiêu chảy cấp đã có dấu hiệu quay lại, Bộ Y tế vẫn đưa ra khuyến cáo: người dân cần thực hiện tốt quy định ăn chín, uống sôi, rửa tay bằng xà phòng.
Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, do địa bàn thành phố đã phát triển đến trên 3.000km2 nên vấn đề quản lý ATVSTP sẽ gặp phải nhiều khó khăn, do ý thức của người dân từng khu vực chưa đồng đều. Đặc biệt, tại khu vực phía tây thành phố (Hà Tây cũ), vẫn còn một số làng nghề sản xuất thực phẩm chưa đạt chuẩn quy định.
Xem them:Đường về miền Tây
P. Thanh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét