Hôm nay thấy trên mạng có bài viết về ngành toán học nước ta. Rất thú vị. Tôi nghĩ trong một nước nghèo khó như nước ta mà có những thành tựu toán học của các tác giả như Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy, hay mới đây là Lê Bảo Châu rất đáng tự hào. Riêng trường hợp Lê Bảo Châu thì ta dành “credit” thế thôi, chứ thành tựu của anh ấy là do Pháp đào tạo, và nhất là có thầy người Pháp giỏi.
Đứng trên bình diện toàn quốc, có thể nói ngành toán học nước ta không có gì nổi trội cả. Tôi thử làm một so sánh thống kê thì thấy trong thời gian 2000-2005, Việt Nam công bố được 326 bài báo khoa học về toán, với tổng số trích dẫn 797 lần. Tính trung bình, số lần trích dẫn cho mỗi bài báo là 2.4, chỉ số H là 11. Trong cùng thời gian, Singa pore công bố 1474 bài, với chỉ số trích dẫn trung bình là 5.43, chỉ số H là 30. Tuy nhiên, so với các nước khác trong vùng thì nước ta hơn hẳn họ về số lượng bài báo khoa học toán cũng như chỉ số H (xem bảng sau đây).
Quốc gia |
Số bài báo về toán học 2000-2005
|
Chỉ số trích dẫn trung bình
|
Chỉ số H
|
Việt |
326
|
2.44
|
11
|
1474
|
5.43
|
30
| |
170
|
1.94
|
7
| |
3
|
6.67
|
2
| |
17
|
1.41
|
3
| |
98
|
1.57
|
6
|
Nhưng nhìn chung thì thế nào? Sau đây là đánh giá của Gs Ngô Việt Trung, viện trưởng Viện toán học: “Nền Toán học của ta có vị trí rất khiêm tốn, chỉ cỡ trung bình trên thế giới.” Thật ra, tôi muốn khiêm tốn hơn: dưới trung bình so với thế giới, nhưng trung bình so với các nước có cùng trình độ phát triển kinh tế. (Tôi chưa gặp anh NVTrung lần nào, nhưng tôi có cảm tình với anh ấy vì qua email tôi thấy anh là người điềm đạm, chừng mực).
Ghi thêm: Trong bài báo có một chi tiết qua sai. Phóng viên viết rằng: “”Mười năm (1995-2004), số bài báo do các nhà khoa học ở nước ta công bố trên thế giới chỉ có 800 bài, phần lớn từ Viện Toán học (300) và Trung tâm Vật lý lý thuyết (131)-PV”.
Thật ra, trong thời gian 1995-2004, nước ta công bố được 3406 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế; trong số này có 319 bài (tức khoảng 9%) về toán học. Còn bao lăm là từ Viện toán thì tôi không có thời gian để đếm.
Như vậy, mức độ đóng góp của toán học cho năng suất khoa học nước ta rất khiêm tốn, chứ không phải như nhiều người tưởng. Theo tôi, chúng ta cần các nhà khoa học thực nghiệm (như y sinh học, môi trường, kĩ thuật, v.v…) hơn là cần các nhà toán học. Thành thật mà nói, tôi chẳng thấy ngành toán học Việt Nam có đóng góp gì cụ thể vào phát triển kinh tế cả hay cho hoạt động khoa học nói chung. Xin lấy một ví dụ cụ thể: ngành thống kê học đã phát triển rất mạnh và nhanh trên thế giới, nhưng ở nước ta thì hầu như chưa có ngành thống kê học. Trên thế giới hầu như bất cứ ĐH nào cũng có bộ môn thống kê học độc lập với bộ môn toán, nhưng chưa có trường ĐH nào ở nước ta có bộ môn này! Thành ra, trong khi giới toán học nước ta bàn những vấn đề toán học loại “trên mây”, thì những vấn đề thiết thực nhất lại không giải quyết được mà phải tùy thuộc vào chuyên gia từ nước ngoài. Trong khi nước ta có một viện toán học bề thế và tập trung nghiên cứu những vấn đề trừu tượng, thì những môn học thiết thực nhất và căn bản nhất về thống kê ứng dụng lại nhờ các chuyên gia nước ngoài vào giảng dạy ngắn hạn! Mỗi khi SV cần học môn thống kê sinh học hay thống kê lâm sàng, các cơ hậu sự trợ quốc tế phải gửi họ phải đi học ở…Thái Lan!
Vậy thì tại sao có người (như Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân) hứa sẽ dành quĩ ưu tiên phát triển ngành toán? Để làm gì? Để có mấy cái huy chương? Nếu chỉ vì huy chương thì tôi e rằng chúng ta quá “childish”.
Trước đây, tôi có viết rằng VN cần nhà khoa học toán (mathematical scientists) hơn là cần nhà toán học (mathematicians). Chúng ta cần những người làm toán biết ứng dụng lí thuyết và phương pháp vào giải quyết các vấn đề thực tế, chứ chúng ta không cần những nhà toán học tự hài lòng với vấn đề do chính mình đặt ra và tự mình giải, mà không biết ứng dụng vào cái gì. Để làm một nhà khoa học toán, người làm toán phải hiểu qui trình làm khoa học thực nghiệm, phải hiểu vấn đề, và biết cách diễn giải vấn đề một cách logic.
Do đó, tôi nghĩ cần phải xem xét lại chương trình dạy toán cấp trung học và đại học, nhất là cho sinh viên chọn và theo học một môn khoa học mà họ muốn ứng dụng toán vào môn khoa học đó. Nhưng đây là việc lâu dài, khi nào có dịp sẽ nói thêm.
NVT
===
http://www.vietimes.vietnamnet.vn/vn/doithoaiviet/5276/index.viet
Đối thoại với GS Ngô Việt Trung- Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam
Bài 1: Bức thư gửi Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam
http://www.vietimes.vietnamnet.vn/vn/doithoaiviet/5283/index.viet
Bài 2: Thời kỳ hoàng kim của Toán học
Nền Toán học của ta có vị trí rất khiêm tốn, chỉ cỡ trung bình trên thế giới. Nhưng nếu so với thực trạng nền kinh tế và lịch sử phát triển khoa học của Việt Nam thì phải nói những đóng góp của Toán học là nổi bật.
Nền toán học đỉnh cao
Trong lịch sử, Toán học Việt Nam không được coi trọng như các nước châu Âu. Từ thời nhà Lý đã có một vài kỳ thi Toán để tuyển chọn những quan lại phụ trách thiên văn, thu thuế, đê điều và phân ruộng chia đất… Các kỳ thi này đều không được chú trọng như kỳ thi Tiến sĩ. Có thể coi Lương Thế Vinh là nhà toán học đầu tiên của Việt Nam với cuốn sách "Đại Thành toán pháp” còn truyền lại cho đến ngày nay.
Toán học theo đúng nghĩa của nó chỉ được đưa vào Việt Nam từ thế kỷ 19 thông qua hệ thống nhà trường của thực dân Pháp. Các Tiến sĩ toán học Việt Nam đầu tiên là GS Lê Văn Thiêm và GS Phạm Tĩnh Quát. Hai ông đều bảo vệ luận án Tiến sĩ quốc gia ở bên Pháp năm 1948. Năm 1949, GS Lê Văn Thiêm đã từ bỏ chức vụ giáo sư ở Đại học Zurich danh tiếng (Thụy Sĩ) để về nước tham gia kháng chiến. Năm 1951, ông được Chính phủ kháng chiến giao nhiệm vụ thành lập Trường Khoa học cơ bản tại chiến khu Việt Bắc. Đó là trưòng đại học Việt Nam đầu tiên đào tạo về Toán. Năm 1954, Hòa bình lập lại, Chính phủ đã thành lập các trường đại học như Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm. Các trường này đều có đào tạo sinh viên Toán. Từ năm 1957, nhà nước cử một số cán bộ trẻ sang thực tập và làm Tiến sĩ ở Liên Xô như các GS Hoàng Tụy, GS Phan Đình Diệu, GS Phạm Hữu Sách, GS Nguyễn Cảnh Toàn, GS Nguyễn Đình Trí, v.v... Khi trở về nước, những người này đã có công rất lớn trong sự nghiệp phát triển Toán học ở Việt Nam . Đây là thế hệ các nhà toán học hiện đại đầu tiên của Việt Nam .
Phóng viên (PV): Đặt trong vị thế đất nước lúc bấy giờ thì sự đầu tư này thể hiện điều gì, thưa GS?
Giáo sư Ngô Việt Trung (GS NVT): Điều này khẳng định tầm nhìn của Chính phủ lúc bấy giờ. Không chỉ riêng ngành Toán mà hầu hết các nhà khoa học đầu đàn của Việt Nam sau này đều trưởng thành từ các khoá học đầu tiên sau Hoà bình lập lại.
Một ông giáo sư Toán người Hàn Quốc có kể lại cho tôi: trước năm 1945, Toán học gần như không có ở Triều Tiên và phải đến khoảng năm 1954 họ mới có người bảo vệ luận án Tiến sĩ toán học đầu tiên ở Mỹ. Như vậy là Toán học Việt Nam đã phát triển trước Hàn Quốc.
Thế hệ thứ hai của Toán học Việt Nam là những người đi ra từ hệ thống các trường chuyên được thành lập cuối những năm 60. Hồi ấy, Nhà nước quy định học sinh các trường chuyên của các trường đại học được 21 đồng/tháng và học sinh các chuyên của các tỉnh được 9,5 đồng/tháng trong lúc lương cán bộ trung bình khoảng 40 đồng/tháng. Quan trọng hơn, các học sinh chuyên được cấp tem phiếu lương thực và thực phẩm, có thể an tâm học hành không phải lo chuyện đời sống. Những ai đã trải qua thời kỳ này sẽ hiểu tem phiếu quan trọng như thế nào. Phần lớn học sinh các trường chuyên sau đó đều được cử đi du học ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Như vậy, nga y trong thời kỳ khó khăn nhất, Nhà nước cũng đã ưu tiên đào tạo tài năng. Hầu hết những học sinh ưu tú nhất đều được cử đi học ngành Toán. Những người này là lực lượng nòng cốt giảng dạy và nghiên cứu Toán học bây giờ.
PV: Thời kì đó Toán học đã có những đóng góp to lớn chưa, thưa GS?
GS NVT: Những năm 1970 và đầu những năm 1980 là thời kỳ hết sức khó khăn. Tài liệu mới hầu như không có nên mọi người đều phải “tự lực cánh sinh” nghiên cứu tài liệu cũ đem về từ những năm du học. Khi trở về nước, tôi có một thùng tài liệu làm vốn. Cán bộ Viện Toán học hàng tháng được chia một cái bút chì và vài ram giấy đen. Loại giấy này đã được tái chế, một mặt sần sùi lẫn những sợi rác không thể viết được. Chúng tôi phải góp nhặt từng trang giấy trắng và giấy than để đánh máy các công trình. Mặc dù vậy, Toán học Việt Nam đã có những công trình đăng trên các tạp chí khoa học hàng đầu của các nước Đông Âu. Điển hình là công trình nổi tiếng nhất của GS Hoàng Tụy được công bố trong thời kỳ này ở Liên Xô. Công trình này đã làm nảy sinh ra một ngành toán học mới là Tối ưu toàn cục.
PV: Bắt đầu từ khi nào chúng ta có những bài báo đăng trên tạp chí quốc tế?
GS NVT: Từ giữa những năm 1940, GS Lê Văn Thiêm đã công bố một số công trình về lý thuyết Nevanlina mà ngày nay vẫn còn được trích dẫn. Tuy nhiên, những năm 80 trở về trước có rất ít các bài báo của các nhà toán học Việt Nam được đăng trên các tạp chí quốc tế và chủ yếu được đăng trên các tạp chí Đông Âu. Từ giữa những năm 1980 đến năm 2000 là thời kỳ bùng nổ của Toán học Việt Nam với hàng trăm bài báo đăng trên các tạp chí uy tín của thế giới.
PV: Sự bùng nổ ấy do kinh tế phát triển, sự quan tâm của Nhà nước hay do tính cạnh tran h, thưa GS?
GS NVT: Do hệ thống trường chuyên và do Nhà nước cử những người giỏi nhất đi học Toán ở nước ngoài trước đó. Lứa học sinh chuyên Toán bắt đầu trưởng thành trong thời kỳ này. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng khi đi du học trở về, môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ đã khiến rất nhiều người giỏi bỏ ngành Toán. Phải là những người say mê Toán học thực sự hay rơi vào môi trường tốt mới tiếp tục làm Toán. Tôi ước tính chỉ có khoảng một phần năm số người đi học Toán ở nước ngoài còn trụ lại với ngành.
PV: Những bài được đăng trên tạp chí có chất lượng hay là... kém chất lượng?
GS NVT: Chất lượng bài vở được các tạp chí chúng ta đăng cũng khác nhau. Tuy nhiên muốn có đỉnh cao thì chân đế phải rộng. Có thể chia các loại tạp chí ra làm 5 loại: đỉnh cao, hàng đầu, khá, trung bình và kém. Số lượng các tạp chí đỉnh cao chỉ có 3-4 tạp chí, các tạp chí hàng đầu khoảng 10-15 tạp chí, các tạp chí khá có hàng chục. Chưa có công trình toán nào làm ở Việt Nam được đăng ở các tạp chí đỉnh cao, nhưng chúng ta có rất nhiều bài báo công bố trên các tạp chí hàng đầu. Trong top 20 thì mỗi năm Viện Toán có khoảng 1-2 bài, riêng năm nay các cán bộ Viện Toán công bố 70 bài báo quốc tế, trong đó có 28 bài nằm trong danh sách các tạp chí Toán học có uy tín nhất của Viện thông tin Thompson ISI (Mỹ).
PV: Các bài báo được đăng trên báo quốc tế phần lớn là Toán học, được xem như là thành tựu lớn của Toán học đóng góp cho Khoa học Việt Nam ?
GS NVT: Đúng thế. Tỷ lệ của ngành Toán trong số bài báo công bố quốc tế của Việt Nam là rất cao. Nhiều nghiên cứu đánh giá trình độ khoa học của một đất nước qua số luợng bài báo quốc tế của nước đó. Thế giới biết đến Toán học Việt Nam chủ yếu là qua các kết quả công bố trên các tạp chí quốc tế. Nhiều kết quả của Toán học Việt Nam đã trở thành kinh điển, được nêu lên trong các giáo trình Toán học.
PV: GS có thể cho ví dụ?
GS NVT: Có thể kể đến các kết quả nghiên cứu của GS Hoàng Tụy, GS Lê Tuấn Hoa, GS Đinh Văn Huỳnh, GS Đinh Thế Lục. Có người được nêu tên trong hàng chục cuốn sách. Hội Toán học Mỹ có lập cơ sở dữ liệu về tất cả các tạp chí Toán học có uy tín trên thế giới. Từ năm 2000, họ thống kê số lần và số tác giả khác trích dẫn từ công trình của một người nào đó. GS Hoàng Tụy được 209 tác giả trích dẫn 283 lần hay GS Lê Tuấn Hoa được 85 tác giả trích dẫn 112 lần. Số người được trích dẫn hơn 50 lần cũng rất nhiều. Nên nhớ rằng đây chỉ là con số thống kê trích dẫn từ năm 2000 đến nay. Tôi ước lượng mỗi nhà toán học quốc tế trung bình được trích dẫn khoảng 30 lần trong thời gian này. Qua đây có thể thấy được phần nào uy tín của Toán học Việt Nam vì trong Toán học người ta chỉ trích dẫn các kết quả thực sự nổi bật liên quan đến bài báo của mình.
PV: Toán học Việt Nam so sánh với các nước phát triển thì sẽ có những khập khiễng rất lớn Nhưng khi so sánh với mặt bằng chung trong nước thì đó là những thành tựu rất đáng khích lệ?
GS NVT: So với điều kiện kiện kinh tế và lịch sử phát triển thì ngành Toán có những bước phát triển đáng khâm phục. Từ chỗ chủ yếu phải gửi sinh viên và cán bộ trẻ ra nước ngoài học tập, ngày nay chúng ta đã có được một đội ngũ cán bộ nghiên cứu Toán học trình độ cao, đủ sức cập nhật những tri thức Toán học mới nhất, công bố hàng trăm công trình khoa học trên các tạp chí Toán học thế giới, hợp tác một cách đồng đẳng với đồng nghiệp quốc tế. Năm 1995, Viện Toán học đã được công nhận là một trong 10 viện xuất sắc (Institute of Excellence) của Viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ ba. Một số nhà toán học Việt Nam được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm thế giới thứ ba.
(Mười năm (1995-2004), số bài báo do các nhà khoa học ở nước ta công bố trên thế giới chỉ có 800 bài, phần lớn từ Viện Toán học (300) và Trung tâm Vật lý lý thuyết (131)-PV)
PV: Toán học Việt Nam có ảnh hưởng đến Toán học quốc tế không ạ?
GS NVT: Trong một số chuyên ngành Toán học thì chúng ta có để lại ảnh hưởng. Ví như ngành Tối ưu toàn cục mà GS Hoàng Tụy là cha đẻ. (GS Ngô Việt Trung được coi là một trong những GS đầu ngành thế giới về ngành đại số giao hoán - PV). Có rất nhiều nhà toán học Việt Nam được mời đi giảng bài ở nước ngoài. Hơn thế nữa, một số nhà toán học Việt Nam còn được mời làm Chủ tịch hay làm báo cáo mời tại các Hội nghị chuyên ngành ở nước ngoài. Thông thường người ta chỉ mời những nhà toán học có những thành tựu nổi bật làm những việc này. Hàng năm Viện Toán học Việt Nam tổ chức 4-5 Hội nghị quốc tế có hàng trăm nhà toán học từ khắp các châu lục đến tham dự.
|
PV: Các tên tuổi về Toán học kể cả GS Việt kiều, thì Việt Nam mình có nhiều không?
GS NVT: Nhiều chứ, đặc biệt là những người sau tôi một thế hệ, khoảng 10-15 năm. Thành công nhất đến nay là Ngô Bảo Châu, người đã từng hai lần đạt HCV thi Olympic Toán quốc tế. Anh làm luận án TS với GS Laumon và bảo vệ năm 1997. Đầu năm 2004, Ngô Bảo Châu và GS Laumon đã làm nên “một quả bom tấn” khi công bố kết quả đột phá về Bổ đề cơ bản trong chương trình Langland, gây tiếng vang lớn trong giới Toán học thế giới. Với kết quả này, anh và GS Laumon đã được tặng giải thưởng Clay danh giá, được mời làm giáo sư tại đại học Tổng hợp Paris 11. Đầu năm nay, anh lại gây xôn xao khi giải quyết hoàn toàn Bổ đề cơ bản. Với những thành công này, Ngô Bảo Châu được Học viện nghiên cứu cấp cao Princeton của Mỹ, nơi tập trung rất nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới, mời sang làm việc dài hạn. Chúng ta có cơ sở hy vọng anh Ngô Bảo Châu được tặng thưởng một trong những giải cao quý nhất của toán học là giải thưởng Fields.
Nhiều người thế hệ này có những bài báo đăng trên ba tạp chí đứng đầu của Toán học thế giới (Annals of Mathematics, Inventiones Mathematics, Journal of the American Mathematical Society) như Lê Tự Quốc Thắng (Đại học Kỹ thuật Georgia, Mỹ), Đinh Tiến Cường (Đại học Paris, Pháp), Nguyễn Tiến Dũng (Đại học Toulouse, Pháp), Vũ Hà Văn (Đại học Rutgers, Mỹ). Những người này đều là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu của họ.
PV: Vậy thành công của thế hệ mà ông vừa nói chủ yếu là nhờ họ làm việc ở nước ngoài, nơi có điều kiện nghiên cứu?
GS NVT: Thế hệ này được đào tạo cơ bản hơn những thế hệ trước. Họ tự tin hơn, dám vươn đến những vấn đề khó nhất trong Toán học. Phải nói nhiều nhà toán học Việt Nam đang ở nước ngoài thực sự rất giỏi và say mê với nghề nghiệp.
PV: GS nghĩ những người này đã đến độ “chín” của họ chưa?
GS NVT: Làm Toán học thường phải xuất chúng nga y từ khi còn trẻ, trước 40 tuổi. Vì nếu không, tư duy, suy nghĩ sẽ cùn đi và chạy theo thói quen. Khi đã quen với kỹ thuật nào đó anh sẽ phụ thuộc vào nó và không chịu tưởng tưởng, tìm tòi ra cái mới. Người ta vẫn thường ví Toán học là Văn học trong các ngành khoa học tự nhiên vì Toán học đòi hỏi trí tưởng tượng rất ghê gớm. Nghiên cứu trong nhiều ngành khoa học khác cần thời gian dài để tích lũy kinh nghiệm, nhưng trong Toán hay Vật lý lý thuyết thì người ta lại cần sức bật của tuổi trẻ.
PV: Có thực tế là trong các ngành công nghệ khác thì hầu hết là nhập của nước ngoài nhưng có điều rất tự hào là chúng ta có một nền Toán học đích thực của Việt Nam ...
GS NVT: Có thể tạm coi là như vậy. So với các nước phát triển Toán học Việt Nam còn nhỏ bé nhưng được thế giới biết đến. Họ biết ở Việt Nam có những nhà toán học thực sự và có những thành tựu đáng nể. Nhà toán học Pháp Grothendieck (người được giải thưởng Fields là giải thưởng cao nhất trong Toán học, tương tự như giải thưởng Nobel) sang thăm Việt Nam năm 1967, khi trở về đã viết một bài báo nói rằng ‘Ở Việt Nam có một nền Toán học’.
PV: GS có thể lý giải kỹ hơn về sự phát triển này?
GS NVT: Một thời gian dài những người ưu tú nhất rủ nhau học Toán nên bản thân ngành Toán có ưu thế phát triển hơn các ngành khác. Những bậc tiền bối nắm trọng trách về khoa học như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cố Bộ trưởng Bộ Đại học Tạ Quang Bửu hay cố GS Lê Văn Thiêm đều là những người quan tâm tới sự phát triển của Toán học. Họ nghĩ Toán có thể giải quyết được nhiều vấn đề nên ưu tiên cử những người giỏi nhất đi học Toán. Tuy gặp điều kiện khó khăn nhưng Toán học có lợi thế rất cao là không cần đến phòng thí nghiệm, không phụ thuộc vào các đồng nghiệp khác, chỉ cần có giấy bút và một chút tài liệu là có thể tự mình nghiên cứu.
Theo chủ quan của tôi, còn có một điều nữa là tư duy trừu tượng của người Việt Nam rất tốt, có thể là do lối học hành khoa bảng và cũng có thể do cách viết chữ tượng hình ngày xưa. Có thể coi đó là tinh hoa của dân tộc để lại cho đời sau. Mặc dù không có truyền thống về Toán nhưng học sinh Việt Nam học Toán rất giỏi. Nói về tư duy Toán học thì học sinh nhiều nước khác không bằng mình.
Xem thêm tại đây Kế hoạch cho ngày tàn của Phật giáo
0 nhận xét:
Đăng nhận xét