Nước Mĩ: ghét để thương

Tôi đã từng làm việc ở Mĩ một thời gian và qua Mĩ hầu như hàng năm dự hội nghị và giảng dạy. Tôi thích nước Mĩ. Điều này tôi không dấu diếm gì cả, và cũng là điều làm tôi mất nhiều bạn bè ở Úc. Tôi thấy nước Mĩ có nhiều điểm mà Úc này không thể nào sánh được. Tôi không nói đến sự no đủ của Mĩ (một chỉ tiêu mà Úc chắc phấn đấu 100 năm chưa chắc đã đạt), mà chỉ nói đến tinh thần làm việc và tinh thần đồng đẳng của Mĩ, nơi tạo ra cơ hội cho biết bao người và cũng là nơi nuôi dưỡng tài năng một cách tuyệt vời.


Trong thời gian ở Mĩ, tôi có xã hội rất nhiều kỉ niệm vui buồn lẫn lộn. Nhiều hơn ở Úc. Đối với tôi, Mĩ là một nước tôi "ghét để mà thương". Tôi ngưỡng mộ sự thành công của nước Mĩ và tinh thần làm việc của người Mĩ. Có lẽ nói ra cũng bằng thừa, nước Mĩ vẫn là xứ sở của cơ hội, là miền "đất hứa" để những ai có thực tài thi thố tài năng. Tôi thấy ở Mĩ ai cũng có cơ hội để thành công, miễn là phải chịu khó. Dĩ nhiên. Nước Mĩ biết dùng (hay biết bóc lột) người có tài và sẵn sàng nâng đỡ người chịu khó làm việc, học hành. Hãy so sánh một trường hợp tiêu biểu về sự nghiệp của mt sinh viên mới tốt nghiệp tiến sĩ ở Úc và đồng nghiệp của anh ta ở Mĩ. Ở Úc, chàng nghiên cứu sinh này sẽ phải "lận đận lao đao" trong nhiều năm làm hậu tiến sĩ (post-doctoral research) trước khi trở thành một nhà nghiên cứu độc lập hay có thể lãnh đạo một nhóm nghiên cứu; ngay cả khi đã là một nhà nghiên cứu độc lập, anh ta sẽ vô cùng gian nan khi xin tài trợ, vì phải cạnh tranh với những người cấp cao hơn như thầy của anh ta. Trong khi đó ở Mĩ, đồng nghiệp anh ta, chỉ sau 1 hay 2 năm (hay thậm chí không qua năm nào) làm hậu tiến sĩ, đã trở thành giáo sư, được nâng đỡ và tài trợ để trở thành một nhà khoa học độc lập! Thành ra, không ai ngạc nhiên khi thấy nhiều nhà khoa học trẻ tài năng ở các nước Âu, Á và Úc châu đều tranh nhau đi Mĩ làm việc. Những người này đã góp một phần lớn đưa nước Mĩ vào vị thế siêu đẳng trong lĩnh vực khoa học, kĩ thuật ngày nay. Ngay cả ngày nay, mặc dù đã ở vào vị thế vô đối thủ trong khoa học, Mĩ vẫn có chính sách ưu tiên cho nhập cư người có tài từ các nước trên thế giới.

Mĩ là một nước đa quốc gia. Do đó, Mĩ có đầy đủ những cái xấu và cái đẹp của thế giới. Bên cạnh những bộ óc siêu việt cũng có những con người ù lì nhất thế giới; ngoài những sinh viên sáng dạ nhất cũng có nhiều sinh viên làm con toán phân số không rành; bên cạnh những người Mĩ tử tế cũng có những con người kì thị khủng khiếp... Nếu phải minh họa đạo lí nước Mĩ bằng một biểu đồ, tôi đoán rằng biểu đồ đó sẽ có hình cái chuông: số lượng người xấu xa ở phía bên trái sẽ tương đương với số lượng người tuyệt vời ở phía bên phải, và phần đông những con người thông thường dễ mến sẽ nằm chính giữa của biểu đồ. Tôi đã từng "nếm mùi" phân biệt đối xử qua một kỉ niệm nhỏ. Hôm đó, tôi đi thăm một anh bạn người Mĩ ở thành phố Detroit (Michigan), nơi mà 90% dân số là người da đen (hay nói cho đúng hơn, là "người Mĩ gốc Phi châu"). Tôi và anh bạn lái xe đến một quán ăn nhanh McDonald; sau khi đặt mua vài món ăn trưa và trả tiền ở quầy tính tiền, tôi lái đến quầy khác để nhận thức ăn, nhưng chờ cả 5 phút mà chẳng thấy ai phục vụ, trong khi đó phía sau xe tôi có cả 5 chiếc xe khác đang chờ. Anh bạn tôi giục tôi phải rời ngay kẻo sẽ gặp trở ngại! Tôi không hiểu gì, nhưng thấy nét mặt anh ta nghiêm trọng hối thúc, nên cũng đành phải rời quán. Anh bạn thản nhiên giải thích rằng có lẽ nhân viên bán hàng thấy anh là người da trắng nên họ không muốn phục vụ! Trong khi tôi tiếc vì đã mất toi cả $10 mà bụng thì đói meo, anh bạn tôi lại không hề tỏ ra một lời nói tức giận hay một cử chỉ hằn học nào. Dường như đó là một điều anh ta thường hay gặp phải. Tôi hi vọng và tin rằng đó chỉ là một trường hợp biệt lập và tôi tuyệt nhiên không có ý ám chỉ nó đại diện cho sự tương giao giữa hai sắc dân Trắng - Đen ở nước Mĩ. Trong thực tế, tôi có nhiều đồng nghiệp người da trắng và chưa ai trong họ có thái độ hay lời nói để tôi có thể cho là "kì thị chủng tộc". Hay là họ biểu lộ nó 
ở một mức độ tinh tế hơn chăng?

Nhưng tôi thấy một số chính khách người Mĩ thật khó ưa. Trong một bài diễn văn đọc ở tiểu bang Chicago, Ronald Reagan, nguyên tổng thống Mĩ, đã tả Mĩ như là "... một quốc gia do Thượng đế ban cho, nằm giữa hai đại dương; một căn nhà sáng chói trên đồi, một ngọn hải đăng soi sáng cho cả thế giới". Những người như Reagan có vẻ tự cho Mĩ cái quyền làm "sen đầm quốc tế", thích đi gây hấn với thiên hạ như một tay lưu manh chuyên nghiệp. Tôi đã thấy các thượng nghị sĩ, lãnh đạo chính trị và giới truyền thông Mĩ bàn luận với nhau trên TV về phương pháp trừng phạt nước này, cách thức trừng trị nước kia, bế môn tỏa cảng nước nọ, v.v... làm như thế giới này nằm dưới quyền điều khiển của Mĩ! Có lẽ vì cái tâm tính này mà bộ máy quân sự của họ đã trực tiếp gây ra biết bao tan tóc trên thế giới.

Một điều tôi thấy ngạc nhiên là một số không nhỏ người Việt ở Mĩ cũng có thái độ rất "gung-ho" và cách suy nghĩ ngạo mạn, tự phụ như hay thậm chí còn hơn người Mĩ bản xứ. Quả vậy, có thể nói nhiều người Việt ở Mĩ có “tính Mĩ” hơn người Mĩ da trắng. Đối với những người Việt này, Mĩ là cái nôi văn minh của nhân loại; mọi thứ đều xuất phát từ Mĩ và thế giới đang hưởng ơn huệ của Mĩ; chỉ có Mĩ mới là nước mà tự do và phẩm giá cá nhân được tồn tại và bảo đảm. Từ đó, họ tự suy ra rằng họ là những đỉnh cao trí tuệ, là những người Việt ưu việt trong tất cả người Việt trên thế giới. Có lần tôi ghé thăm trường Đại học Boston và gặp một chưng sĩ người Việt; anh ta huyên thuyên bình luận về tình hình kinh tế, chính trị xứ Úc và tỏ ra ngạc nhiên là "tiếng Úc" cũng giống "tiếng Mĩ"! (Phần đông người Việt ở Mĩ nghĩ là họ nói và viết tiếng Mĩ, chứ không phải tiếng Anh). Một lần khác, tôi đi dự một buổi tiệc ở gia đình một anh bạn tại Ohio, các anh bạn người Mĩ gốc Việt đều đồng ý rằng nước Đức quá "lạc hậu" đến nỗi dân chúng ở đó không biết dùng thẻ tín dụng (credit cards)! Tôi tưởng mình nghe lầm. Nhưng không: họ nhắc lại cái điệp khúc cực kì vô lí đó, và hỉ hả kết luận rằng trên thế gian này chỉ có Mĩ là nước văn minh nhất. Điều làm tôi kinh ngạc hơn là các anh này đều có trình độ học vấn đại học ở Mĩ! Có lẽ vì không chịu mở tầm mắt nhìn ra thế giới bên ngoài nước Mĩ nên một số không ít người Mĩ gốc Việt thiếu kiến thức căn bản về thế giới chung quanh họ, nhưng họ lại cố tỏ ra là những người thông thhâm một cách rất khôi hài và tội nghiệp.

Có lẽ vì thái độ “số 1” này nên Việt kiều Mĩ bị Việt kiều ngoài Mĩ không ưa. Tôi từng có một kinh nghiệm như thế ở trong nước. Hôm đó, chúng tôi đi theo đoàn du lịch của công ti lữ hành Thanh Niên. Sáng sớm, anh hướng dẫn vui vẻ báo tin rằng hôm nay có Việt kiều Mĩ, Đức, Pháp, và Úc cùng đi chung chuyến. Nghe xong tin này, một anh Việt kiều từ Đức cũng “có tuổi” mặt sa sầm nói: “tôi không đi”. Anh hướng dẫn ngạc nhiên hỏi sao vậy, thì anh Việt kiều Đức nói: “tôi không muốn đi với Việt kiều Mĩ.” Ui chao, gay go thật, chứ chẳng đùa. Sau một hồi thương thảo, anh hướng dẫn đành chuyển gia đình Việt kiều Mĩ sang một chuyến khác.

Tôi thấy người Việt ở Mĩ có tinh thần quốc gia rất cao (so với Việt kiều khác), và trong số này có nhiều người yêu nước Mĩ giàu mạnh hơn nước Việt Nam nghèo yếu! Khi cố tổng thống Richard Nixon qua đời, một số người Việt Nam ở California tham gia đưa linh cữu ông ra mộ và khóc rất thảm thiết, không khác gì đưa tiễn người thân trong gia đình về phía bên kia thế giới. Khi lính Mĩ sang tham chiến, di bom ở Kosovo và Iraq, một số trong giới truyền thanh Việt ngữ ở California cũng lên đài cầu nguyện Thượng đế mang lại sự an lành cho những người lính viễn chinh này. Có người còn cầu nguyện cho lính Mĩ sau khi “giải phóng” Iraq sang “giải phóng” luôn Việt Nam! Có người chế tạo ra bom đạn để giết người nhanh và nhiều hơn trong tinh thần cám ơn nước Mĩ và ... bảo vệ nước Mĩ. Tôi nghĩ nước Mĩ quả rất may mắn khi có những người con (nuôi) trung thành đến mức ấy.
Cố nhiên, không phải người Việt nào ở Mĩ cũng bị "Mĩ hóa" như thế. Trong thực tế, tôi cũng gặp và kết bạn thân với nhiều người Việt ở Mĩ có tầm nhìn ngoài nước Mĩ một cách rộng hơn, khách quan hơn, và rất có lòng với quê hương. Ông bà mình hay nói “Ăn cây nào phải rào cây ấy”. Dù sao đi nữa, tôi nghĩ người Việt ở Mĩ vẫn có quyền tự hào về quê hương thứ 2 (hay thứ mấy) của họ, bởi vì trong thực tế Mĩ có nhiều cái hay ho mà nước khác không có, Mĩ đã cho hàng triệu người Việt cơ hội để tiến thân và sau này giúp đỡ Việt Nam. Chỉ mong rằng một ngày nào đó, những người Việt “Mĩ hơn Mĩ” nhớ rằng nguyên quán của họ ở Việt Nam.

Không hiểu sao viết đến đây tôi lại miên man suy nghĩ về con khỉ trong Tây Du Kí, con khỉ cực kì thông minh, đằng vân giá vũ, nhưng nó ngạo mạn, tự cao, tự đại, không đủ quân bình tính để sống trong cõi trần. Thật ra, con khỉ trong Tây Du Kí nó có thể sống đời sống của phàm nhân, nhưng nó thiếu tư cách để sống chung với thần thánh trên trời.

NVT
Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét