Hôm nay đọc trên trang web của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới biết Bộ vừa ban hành một bản dự thảo dài về “Qui chế đào tạo trình độ tiến sĩ”. Đọc qua bản dự thảo này, tôi thấy có nhiều điều cần phải bàn cho kĩ trước khi đưa vào vận dụng rộng rãi. Thật ra, ngay cả cái tên của qui chế là thấy không ổn về mặt ngôn ngữ rồi ! Tại sao không là “Đào tạo tiền sĩ” mà phải là “Đào tạo trình độ tiến sĩ”? Trình độ mà đào tạo ư?
Bỏ qua chuyện nhỏ đó, cảm tưởng mà tôi có khi đọc xong bản dự thảo này là hình như các quan chức trong Bộ GDĐT tham gia soạn thảo qui chế không tham khảo các bài góp ý của rất nhiều người trong cuộc từ cả chục năm qua, mà họ chỉ làm theo ý của họ. Đáng lẽ trước khi ban hành dự thảo, Bộ GDĐT nên tổ chức một cuộc tham vấn chính thức từ các giáo sư và trường đại học, để họ có cơ hội đóng góp. Đằng này, Bộ GDĐT làm ngược lại: họ thảo ra qui chế rồi kêu gọi đóng góp!
Tôi sẽ lần lược thảo luận và góp ý cho dự thảo này. Bây giờ chúng ta thử xem qua một qui định quan trọng: ai có quyền đào tạo tiến sĩ? Điều 4 của dự thảo viết:
"Đại học, học viện, trường đại học (sau đây gọi chung là trường), viện nghiên cứu khoa học (sau đây gọi chung là viện) được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ khi đảm bảo các điều kiện sau:
a) Có ít nhất 10 cán bộ khoa học cơ hữu của cơ sở có trình độ tiến sĩ trở lên, trong đó có một giáo sư hoặc hai phó giáo sư hoặc hai tiến sĩ khoa học.
b) Có tạp chí khoa học ngành hoặc chuyên ngành có phản biện độc lập đối với các bài báo trước khi được đăng;
c) Có đủ điều kiện để đăng ký ít nhất một chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ theo quy định tại khoản 2 Điều này."
Tôi nghĩ ở Việt Nam có một sự nhập nhằng về vai trò của viện nghiên cứu và trường đại học. Không giống như ở các nước tiên tiến, ở Việt Nam, viện nghiên cứu vẫn có quyền cấp bằng tiến sĩ! Ở nước ngoài, chương trình đào tạo tiến sĩ có thể do viện nghiên cứu đảm nhận (và nghiên cứu sinh phải tiêu ra toàn thời gian nghiên cứu tại viện), nhưng viện phải là một cơ sở có liên kết với một trường đại học, và chỉ có đại học mới có quyền cấp bằng tiến sĩ. Chẳng hạn như ở Úc, Viện nghiên cứu y khoa Garvan của chúng tôi nhận nghiên cứu sinh và đào tạo từ A đến Z, nhưng đến khi cấp bằng tiến sĩ thì do trường UNSW cấp, vì Viện là đơn vị đào tạo của UNSW. Chẳng riêng gì ở Úc, đại đa số ở các nước phương Tây cũng làm theo hình thức này.
Ở Việt Nam, có ý kiến cho rằng một số viện nhận nghiên cứu sinh, nhưng chất lượng và tiêu chuẩn đào tạo chưa cao. Một số nghiên cứu sinh không được nhận vào làm nghiên cứu sinh ở đại học tìm cách ghi danh ở viện, và do đó vô hình chung, có hai “giai cấp” tiến sĩ. Tôi đề nghị Việt Nam nên làm theo mô hình nước ngoài. Theo đó, một viện nghiên cứu phải gắn liền với một đại học, và chỉ có quyền đào tạo nghiên cứu sinh, chứ không có quyền cấp bằng tiến sĩ.
Những qui định như phải có tạp chí khoa học chuyên ngành thì thừa và quả là khôi hài. Đã là viện nghiên cứu thì phải có tạp chí khoa học chuyên ngành chứ. Cũng có thể qui định này viết không rõ, và có ý cho rằng viện phải có tạp chí khoa học riêng và có phản biện. Nếu thế thì thiếu thực tế, vì một viện nghiên cứu như ở Việt Nam làm sao có thể cho ra đời một tạp chí khoa học nghiêm chỉnh được!? Mayo Clinic ở bên Mĩ với hơn 18 ngàn chuyên gia, với hệ thống bệnh viện hiện đại, trường y, mà cũng chỉ có 1 tạp chí y khoa dù tạp chí đó chẳng có ai đánh giá cao. Theo tôi thấy ở Việt Nam, chưa có viện nào có khả năng lập một tạp chí khoa học có phản biện độc lập được. Nên bỏ điều này!
Qui định về “Có ít nhất 10 cán bộ khoa học cơ hữu của cơ sở có trình độ tiến sĩ trở lên, trong đó có một giáo sư hoặc hai phó giáo sư hoặc hai tiến sĩ khoa học” thì tôi thấy khó hiểu, vì phía dưới qui định lại viết:
"b) Có đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học cơ hữu của cơ sở đào tạo đáp ứng yêu cầu đào tạo, cụ thể:
- Có ít nhất một phó giáo sư và 4 tiến sĩ cùng ngành, trong đó ít nhất có ba người cùng chuyên ngành đăng ký;"
Thế là thế nào ? Trên kia thì bảo phải có 1 giáo sư hoặc 2 phó giáo sư, còn phía dưới thì lại đòi hỏi "có ít nhất một phó giáo sư". Hay là tôi hiểu lầm đâu đây ? Thật ra, đào tạo tiến sĩ là do một giáo sư hay tiến sĩ hướng dẫn trong một trung tâm có đầy đủ cơ sở vật chất và điều kiện cho nghiên cứu. Con số giáo sư hay cán bộ cơ hữu không quan trọng.
Bản dự thảo đề ra qui định:
"- Trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm có ít nhất 5 công trình nghiên cứu của các giảng viên, cán bộ khoa học cơ hữu của bộ môn hoặc khoa, phòng chuyên môn đào tạo nghiên cứu sinh (sau đây gọi chung là đơn vị chuyên môn) công bố trên các tạp chí khoa học có phản biện độc lập, có uy tín ở trong nước hoặc nước ngoài;
- Có khả năng xây dựng chương trình và tổ chức thực hiện chương trình đào tạo, hướng dẫn nghiên cứu sinh thực hiện luận án tiến sĩ và tổ chức hội đồng đánh giá luận án."
Ở đây tôi thấy hơi mù mờ. Một trung tâm / viện nghiên cứu với 1 giáo sư, 2 phó giáo sư, 10 tiến sĩ mà trong vòng 5 năm chỉ công bố được 5 công trình khoa học thì nên đóng cửa, chứ nói gì đến đào tạo. Mù mờ ở đây là nếu viện có 2 phó giáo sư, một người công bố được 10 bài báo trong vòng 5 năm, còn người kia không có bài nào; vậy theo qui định này thì người không có bài nào vẫn có quyền hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sĩ! Cần phải viết lại cho rõ ràng qui định này, chứ không thì chắc chắn sẽ có người "lách" qui định một cách dễ dàng.
Còn qui định
"c) Có cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị, thư viện, phòng thí nghiệm bảo đảm đáp ứng yêu cầu đào tạo; có chỗ làm việc dành riêng cho nghiên cứu sinh;"
thì ok. Bắt buộc phải có cơ sở vật chất, chứ nếu không thì nghiên cứu sinh vào đó học chay hay sao?
Nhưng qui định
"d) Có kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu khoa học; đã thực hiện những nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp nhà nước, cấp Bộ, ngành, cấp tỉnh, thành phố; có kinh nghiệm trong đào tạo, bồi dưỡng những người làm công tác nghiên cứu khoa học; thường xuyên tổ chức hội thảo, hội nghị khoa học chuyên ngành trong mỗi năm học; thường xuyên có những trao đổi hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, đào tạo;"
thì thiếu tính cụ thể. Thế nào là "có kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu khoa học"? Thực hiện mấy đề tài cấp bộ hay cấp nhà nước gì đó không thể xem là có kinh nghiệm được (có thể có kinh nghiệm làm nghiên cứu sai). Chúng ta biết rằng có rất nhiều đề tài cấp bộ, cấp nhà nước chỉ được "nghiệm thu" và đâu và đấy chứ có thấy công bố gì đâu. Tôi đoán những người soạn thảo qui chế này muốn cho các "cây đa cây đề" một cơ hội để họ vẫn tiếp tục dành quyền làm hướng dẫn nghiên cứu sinh. Qui định này có lẽ cho họ một lối thoát, vì nếu dựa vào chuẩn mực quốc tế thì họ chắc chắn không có quyền hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sĩ.
Đã đến lúc bỏ qui định này. Bỏ hẳn. Nghiên cứu không nên phân biệt cấp bộ hay cấp nhà nước hay cấp địa phương. Tuyệt đối không nên. Đã làm nghiên cứu khoa học thì người làm ở nhà bếp mà có ý tưởng hay vẫn có ảnh hưởng khắp thế giới.
(Còn tiếp …)
NVT
Xem thêm: Chiến lược giáo dục - 3 sôi 2 lạnh
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét