Câu hỏi đó rất dễ bị phái nữ cho … ăn đòn. Nhưng câu trả lời đơn giản là: không. Nam không thông minh hơn nữ; họ chỉ cao hơn nữ mà thôi. Đó là câu trả lời cũng là kết luận của hai nhà tâm lí học bên Anh trong một công trình nghiên cứu mới công bố trên American Journal of Psychology.
Khoảng giữa thế kỉ 20, giới tâm lí học phát triển và sau này sử dụng chỉ số IQ để đo thông minh. Qua nhiều nghiên cứu họ tin rằng nam thông minh hơn nữ, nhưng họ cũng ghi nhận chỉ số IQ ở nam dao động cao hơn ở nữ. Phần lớn các nhà khoa học là đàn ông, nhưng phần lớn những người khờ dại cũng là đàn ông. Thời gian gần đây, có khá nhiều cuộc điều tra lớn trong cộng đồng để đo lường chỉ số IQ trong các sắc dân Tây Ban Nha, Đan Mạch, và Mĩ. Thậm chí còn có meta-analysis (phân tích tổng hợp) về đề tài này. Tất cả các nghiên cứu và phân tích mới đây đều đi đến kết luận nam có chỉ số IQ cao hơn nữ khoảng 3-5 điểm.
Chúng ta đã có chân lí? Chưa chắc. Các nghiên cứu trên đây chỉ mang tính mô tả, tức là chỉ tính toán chỉ số IQ nam và nữ, rồi so sánh sơ qua mà thôi. Câu hỏi mang tính tiến hóa quan trọng hơn là: tại sao đàn ông thông minh hơn đàn bà? Thông minh chắc chắn là một đặc tính có lịch sử tiến hóa, nếu hiểu thông minh theo nghĩa khả năng thích ứng với môi trường mới.
Trong bài báo trên tờ American Journal of Psychology, Satoshi Kanazawa và Diane Reyniers (đến từ trường đại học thuộc loại “danh giá” London School of Economics) lí giải rằng chính chiều cao mới có liên quan đến thông minh, chứ giới tính chẳng có dính dáng gì đến thông minh. Họ cho rằng vì đàn ông cao hơn đàn bà, và vì chiều cao có liên hệ với IQ, cho nên khi phân tích mối liên hệ giữa giới tính và IQ mà không điều chỉnh cho chiều cao là sai lầm. Thế là họ phân tích lại, sử dụng mô hình phân tích hiệp biến (analysis of covariance), họ xem chiều cao là một “covariate” (yếu tố trung gian) trong mô hình này, và thú vị thay, họ khám phá rằng khi điều chỉnh cho chiều cao thì IQ của nam không cao hơn nữ. Thật ra, sau khi điều chỉnh cho chiều cao, nam có vẻ có chỉ số IQ thấp hơn nữ (nguyên văn: “once we control for height, women are slightly but significantly more intelligent than men”). Theo tôi hiểu, kết quả của họ nói rằng: nếu một người nam và một người nữ có cùng chiều cao, thì nữ có chỉ số IQ cao hơn nam. Voilà!
Để chắc ăn, họ còn điều chỉnh cho các yếu tố khác như tình trạng sức khỏe, sắc diện (tức là mức độ đẹp và hấp dẫn), độ tuổi, sắc tộc, tôn giáo, trình độ học vấn, và thu nhập. Nhưng kết quả vẫn không thay đổi: không có khác biệt gì về IQ giữa nam và nữ. Thật ra, họ viết rằng sau khi điều chỉnh cho các yếu tố trên, mỗi inch tăng chiều cao có liên quan đến tăng IQ 0.4 điểm, và mức độ tăng này y chang giữa nam và nữ.
Tôi thấy nghiên cứu này đặt ra nhiều câu hỏi hơn là trả lời. Câu hỏi cơ bản nhất là giới tính. Dựa vào yếu tố nào để định nghĩa một người là đàn ông hay đàn bà? Đặc tính sinh lí hay tâm lí? So với đàn bà, đàn ông, tính trung bình, cao hơn, nặng hơn, có ít mỡ, có ít estrogen, v.v… Có lẽ chính những đặc tính sinh lí và sinh học này định nghĩa đàn ông. Nhưng ở đây, hai tác giả này chỉ sử dụng chiều cao để lí giải. Tại sao không sử dụng nồng độ estrogen, hay sự phân phối mỡ trong cơ thể (hai biến này cũng có lịch sử tiến hóa vậy)? Thành ra, tôi nghĩ câu trả lời của họ chỉ mới giải đáp một phần của câu hỏi mà thôi.
Tiếng Việt mình có chữ “giới tính” để chỉ nam hay nữ, nhưng người Mĩ có đến 2 chữ để chỉ giới tính: sex và gender. Trong y khoa, chúng ta hay sử dụng sex để chỉ nam/nữ, còn giới tâm lí học thì sử dụng gender. Người ta đi đến một qui ước bất thành văn rằng chỉ sử dụng sex khi nói về sinh lí (physiology), còn gender liên quan đến các đặc tính “nhẹ” hơn như hành vi và thái độ. Theo đó, một người châu Phi có thể sex là nam, nhưng gender là nữ (vì ông này mặc đồ màu hường, đeo bông tai, hành vi õng ẹo) chẳng hạn. Những gì họ phân tích có lẽ là sex hơn là gender. Tôi nghĩ nếu phân tích theo gender có thể kết quả còn cho ra nhiều câu hỏi khác hơn.
Ngay cả chỉ số IQ cũng chỉ là sản phẩm của một giai cấp thống trị trong xã hội sáng chế ra để phân biệt họ với người khác mà thôi. Chỉ số IQ nghiêng về kĩ năng con số, chữ, và xã hội Tây hơn là các xã hội Phi châu. Do đó, một người có thể giỏi về nghệ thuật nhưng chỉ số IQ sẽ thấp. Thành ra, dựa vào IQ tôi e rằng có vấn đề về internal validity – hợp lí nội tại.
Nhưng đó là những “làm khó” cho tác giả, chứ tôi cũng không tin câu chuyện đàn ông thông minh hơn đàn bà (hay ngược lại).
Xem thêm: Lực cản từ chính một số “cây đa, cây đề”
0 nhận xét:
Đăng nhận xét