Lội ngược dòng

Gần đây, Bộ KH & CN lập ra Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (gọi tắt là NAFOSTED) nhằm nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học ở nước ta. Trong Quỹ này có qui định mới như người chủ trì đề tài nghiên cứu phải có công trình công bố trên các tập san quốc tế (được liệt kê trong danh sách của Viện thông tin khoa học ISI). Qui định này là một bước mớai trong chiều hướng tích cực, nhằm nâng cao sự hiện diện của khoa học trên trường quốc tế, bởi vì mấy năm qua chúng ta có quá nhiều nhà khoa học mà họ chẳng công bố gì cả, chẳng ai biết họ làm gì!

Nhưng ngạc nhiên thay một vị giáo sư tiến sĩ khoa học, đã nghỉ hưu nhưng vẫn nắm chức chủ tịch một hiệp hội khoa học, tạm gọi là Gs T kịch liệt phản đối qui định này. Vị giáo sư này không tranh luận trên báo chí, nhưng gửi một lá thư cho Bộ KH&CN, trong đó ông viết:


(a) Đánh giá của ISI không phải là đánh giá chuyên gia mà thiên về tính thống kê.

(b) Có nhiều nước có trình độ nghiên cứu cơ bản vào hàng đầu thế giới nhưng không được tổ chức này đánh giá cao như Nga, Pháp, Đức, … thể hiện ở chỗ nhiều Tạp chí có tiếng của các nước này không được kể đến.

Rồi từ đó, ông đề nghị nên “dịch mốc đăng ký năm 2009 một ít”.

Đọc qua thư của vị giáo sư thuộc vào hàng “cây đa cây đề” này, bất cứ ai quen với phong cách nghiên cứu khoa học đều phải lắc đầu thất vọng. Không một lí giải nào của ông có thể thuyết phục hay logic cả. Hình như ông cũng không biết ISI là ai, vì ông thậm chí viết sai là “Thomson Institute of Information”! Xin nhắc lại ISI là viết tắt của “Institute for Scientific Information”, Viện Thông tin Khoa học. Viện này do Eugene Garfield sáng lập vào năm 1960, sau này công ti Thomson mua lại và nay được biết đến như là Thomson Scientific, một bộ phận thương mại của tập đoàn Reuters.

Ông viết rằng ISI “không phải là đánh giá chuyên gia mà thiên về tính thống kê” vừa tối nghĩa vừa không đúng. Ý của câu này là ISI không đánh giá một chuyên gia hay một nhà khoa học, mà chỉ làm thống kê thôi. Nhưng nói như thế là đánh tráo vấn đề, bởi vì để đánh giá một chuyên gia, người ta phải dựa vào số lượng và chất lượng công trình khoa học của chuyên gia đó. Giới quản lí đặc biệt quan tâm đến các chỉ số trích dẫn mà công trình của chuyên gia đó được đồng nghiệp quan tâm (mà tôi đã giải thích trong một bài khác). Chỉ số trích dẫn chính là con số thống kê. Chỉ số trích dẫn có thể trích ra từ cơ sở dữ liệu của ISI.

Còn cho rằng các nước như Nga, Pháp Đức, v.v… không được đánh giá cao là hoàn toàn sai. Đánh giá nền khoa học của một nước không phải dựa vào con số tập san khoa học nước đó có trong ISI, mà là dựa vào năng suất và tầm ảnh hưởng của khoa học nước đó. Năng suất phản ảnh qua số lượng công trình khoa học, bằng sáng chế, giải thưởng quốc tế, và đội ngũ nhà khoa học. Tầm ảnh hưởng thể hiện qua chỉ số trích dẫn. Bảng sau đây (trích từ bài phân tích trên Nature) cho thấy các quốc gia hàng đầu (top 10) về khoa học là (theo thứ tự) Mĩ, Anh, Đức, Nhật, Pháp, Canada, Ý, Thụy Sĩ, Hà Lan, Úc. Xin đừng nói rằng ISI không đánh giá cao Đức và Pháp nhé!

Bạn đọc có thể hỏi tại sao có Nga trong danh sách này ngang hàng với Pháp và Đức nhỉ? Tại vì vị giáo sư này từng được Nga đào tạo. Chứ trong thực tế, khoa học của Nga không thể so sánh với các cường quốc như Mĩ, Anh, Đức, Canada, Nhật, v.v… Năm 1993-1997, Nga công bố 121,505 bài báo khoa học (so với 309,683 từ Anh, 268,393 từ Đức, và 203,814 từ Pháp). Mỗi bài báo của Nga được trích dẫn 4.2 lần, so với chỉ số trích dẫn của Đức là 13.3 lần. So sánh bất cứ chỉ tiêu nào, khoa học của Nga vẫn không ở thế “thượng phong” so với các cường quốc Tây phương. Do đó, cố tình “nhét” Nga vào danh sách tương đương với Pháp và Đức (tại sao thiếu Anh) theo tôi là không hợp lí.

Nói tóm lại, những nhận xét của vị giáo sư TSKH đó không đúng và cũng chẳng hợp lí. Không có lí do gì Bộ KH&CN nghe theo lời khuyên của vị này, vì làm như thế là một bước lùi cho khoa học Việt Nam.

NVT

===

PS. Viết xong entry này thì thấy bài của Gs Nguyễn Ngọc Châu phản chưng lá thư của vị giáo sư nọ trên Tia Sáng. Tựa đề bài viết quá chính xác, nên tôi lấy làm tựa đề cho entry này.

Lội ngược dòng
02:40-23/02/2009

Đọc lá thư gửi Bộ trưởng Bộ KH&CN của một nhà khoa học “nhớn” ngành Cơ học, tôi cảm thấy buồn và thất vọng. Không buồn và thất vọng sao được khi đến thời điểm này mà vẫn có người “tâm huyết” đề nghị xem xét lại tiêu chí đánh giá của ISI. Không buồn sao được khi đã có hơn 5 năm (kể từ khi Nghị định 122/2003 của Chính phủ về thành lập Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia) công khai bàn thảo với sự tham gia nhiệt tình của cộng đồng khoa học để đến nay mới ra đời được Quy chế hoạt động của Quỹ trong sự đồng tình của hầu hết những người làm khoa học chân chính thì vẫn có những người cố tình lội ngược dòng.

Nếu như trước đây chúng ta đã từng ngạc nhiên khi nghe nói có một số nhà khoa học lớn của ta bị bệnh “dị ứng” với công bố quốc tế và không thích cách đánh giá của ISI thì nay ta đã biết họ là ai. Chỉ có điều, chắc chắn: họ thừa biết những ý kiến như vậy là đi ngược lại xu hướng khách quan, đi ngược lại cộng đồng khoa học chân chính nên họ không lộ diện trên các diễn đàn thảo luận công khai mà chỉ tích cực tuyên truyền miệng và chỉ thích hành động trong bóng tối. Nay nghe chừng, đi đêm “đánh du kích” không xong, họ mới quyết tâm lộ diện chính thức, nhân danh một Hội khoa học để tác động vào bộ máy cao nhất đang vận hành NAFOSTED. Đến lúc này, khi được chứng kiến những dòng kiến nghị đầy “tâm huyết” của họ chúng ta mới tin những gì TS. Phạm Đức Chính (một người trong cuộc) đã nói không ít hơn một lần về Hội của những cây đa cây đề trong làng Cơ học, hay Hội của những người quen làm giả ăn thật là hoàn toàn có lý.

Thực ra, Quy định của NAFOSTED, mặc dù cũng còn vài vấn đề nhỏ có thể cần cải tiến, hoàn thiện hơn, nhưng về cơ bản nó đã đi đúng xu hướng phát triển để hội nhập quốc tế. Về cơ bản nó đã tạo ra bước ngoặt cho khoa học và công nghệ Việt Nam: không những quốc tế hóa tiêu chuẩn để được tài trợ mà còn công khai, minh bạch các tiêu chuẩn của cả người tham gia xin tài trợ và cả những người sẽ được mời thẩm định đề tài và tư vấn cho Quỹ tài trợ.

Cái mới và linh hồn của cách làm mới của NAFOSTED chính là tạo ra một sân chơi mới cho các nhà khoa học muốn làm khoa học thực sự. Nghĩa là Quỹ tạo điều kiện cho những người “làm thật’ được “ăn thật”, đó là những người có công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín trong 5 năm gần đây và yêu cầu sản phẩm đầu ra cũng là công bố quốc tế. Đương nhiên, cách làm mới này cũng sẽ loại bỏ những ai xưa nay quen lối “làm giả” nhưng lại “ăn thật”. Vì vậy, không ngạc nhiên khi thấy các phản ứng trái chiều trong cộng đồng khoa học khi đón nhận các tiêu chí tài trợ mới và cách quản lý mới của NAFOSTED. Trong khi, phần lớn những người làm khoa học chân chính, trong đó có nhiều người trẻ tiếp nhận cách làm mới một cách hào hứng, phấn khởi thì cũng không ít “cây đa”, “cây đề” phải ngậm ngùi nói lời chia tay với cách làm mới. Cũng chẳng ngạc nhiên khi một số quan chức khoa học quen “ăn trên, ngồi trốc” vẫn cố tình ngăn cản hoặc tìm cách làm chậm tiến trình đổi mới bằng việc công kích, gây nhiễu hoặc làm rối khái niệm công bố quốc tế có uy tín (peer reviewed jourrnals) của ISI với lý lẽ mơ hồ rằng ISI chỉ là đánh giá của một tổ chức tư nhân, chỉ mang tính chất thống kê chứ không phải đánh giá của chuyên gia, hay: đánh giá của ISI là không khách quan vì ISI chỉ chú trọng các tạp chí của Anh, Mỹ xuất bản bằng tiếng Anh mà ít hoặc không quan tâm đến các tạp chí khác.

Có lẽ cũng cần nhắc lại rằng, mặc dù việc đánh giá của ISI (Institute of Scientific Information) dựa trên hệ số tham khảo của các công bố khoa học cũng còn một số hạn chế như một số ý kiến đã phân tích (1), nhưng có lẽ cũng không hy vọng có một phương cách đánh giá nào hoàn hảo có thể thay thế ISI. Thực chất đánh giá của ISI không đơn thuần chỉ là thống kê đơn thuận mà dựa theo hệ số tham khảo, theo đó ISI đã xếp các tạp chí có hệ số tham khảo cao là các tạp chí có uy tín thuộc 2 danh sách là danh sách các tạp chí Scientific Citation Index (SCI) là những tạp chí có hệ số ảnh (impact factor) và danh sách mở rộng (Scientific Citation Index Expanded-SCIE) mặc dù không thống kê IF nhưng cũng thuộc danh sách tạp chí có uy tín. Thực tế danh sách xếp hạng ISI không chỉ là các tạp chí tiếng Anh mà cả các tạp chí công bố ngoài tiếng Anh, mặc dù không nhiều. Trong danh sách hàng chục ngàn tạp chí SCI và SCIE ngoài các các tạp chí xuất bản ở Mỹ, Anh cũng có khá nhiều tạp chí xuất bản ở các nước và khu vực khác nhau trên thế giới.

Tiêu chí đánh giá và thống kê của ISI đã được hầu hết các tổ chức KHCN (viện nghiên cứu, trường đại học) sử dụng làm nguồn tham khảo chính để đánh giá, xếp hạng năng lực nghiên cứu KHCN của một viện, một trường đại học hay một nước. Ngay cả các nhà khoa học ở các nước không nói tiếng Anh như Nga, Pháp Đức v.v. cũng chấp nhận các tiêu chí này. Hiện nay có khá nhiều tạp chí tiếng Anh xuất bản ở Nga có mặt trong danh sách SCI và SCIE. Ngay cả các nhà khoa học Nga nhận tài trợ của Quỹ Nghiên cứu Khoa học Nga (Russian Foundation for Basic Research-RFBR) cũng được khuyến khích có các công bố trên các tạp chí SCI (2).

Thực tế, trong quy định của NAFOSTED về tạp chí quốc tế có uy tín, không chỉ bao gồm các tạp chí SCI, SCIE mà còn cả một số tạp chí khác tương đương, nghĩa là ngay cả tạp chí chưa có trong danh mục SCI nhưng nếu được Hội đồng thẩm định xác nhận đó là tạp chí có uy tín thì vẫn có thể chấp nhận như SCI. Ngay cả thời gian tính có công bố quốc tế trong 5 năm cũng đã là một quy định khá rộng, cho phép nhiều nhà khoa học còn khiêm tốn với công bố quốc tế cũng có thể tham gia nhận tài trợ của Quỹ. Chắc chắn trong thời gian tới, khi công bố quốc tế của Việt Nam trở nên phổ biến hơn thì cái thời hạn 5 năm mới có một công bố quốc tế cũng trở nên lỗi thời.

Đọc văn bản kiến nghị của nhà khoa học “nhớn” ấy, tôi đồ rằng ông không hiểu ý nghĩa đích thực của SCI là gì và danh sách SCI/SCIE gồm những gì (đâu chỉ các tạp chí Anh, Mỹ), hoặc mới hiểu ISI là Thompson Institute of Information như trong văn bản của họ đã thể hiện. Và mong rằng nếu ông thực sự “tâm huyết” với sự phát triển KHCN của nước nhà thì đừng lội ngược dòng với những thay đổi tích cực trong quản lý KHCN của nước nhà theo chuẩn mực thực tế.
--------------
(1). VietnamNet, 2007-2008 đã đăng hàng loạt bài viết của các GS Nguyễn Văn Tuấn, Phạm Duy Hiển và Phạm Đức Chính về vấn đề này./
(2). Người viết bài này đã và đang có đề tài đối tác với RFBR và vừa đi thăm RAS năm 2008.

Nguyễn Ngọc Châu


Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét