Cái Bệnh Viết Tắt (BVT)


Sáng nay nhận được email với đầy những viết tắt. Nào là BV, là TPHCM, là PNT, v.v… Thật bực mình. Hôm nay đọc trên mạng thấy có entry này của Joe viết về “Bệnh viết tắt”. Đồng ý 100% với Joe. Phóng viên thường mang bệnh này. Các nhà khoa học, nhất là trong ngành y khoa, lại mắc bệnh viết tắt nặng hơn. Nói người lại nghĩ đến ta: chính tôi cũng thỉnh thoảng mắc bệnh này. Nhưng tôi tự chữa cũng nhiều lần và bệnh xem bộ khá hơn. Có nhiều tập san y học bắt buộc tác giả phải viết nguyên chữ chứ không cho viết tắt. Viết tắt đối với người viết là dễ hiểu và nhanh, nhưng với người đọc (thường ngoài ngành) là một cực hình. Trong bài, Joe có nhận xét này thật là chính xác, và tôi copy lại làm câu kết: “Các nhà ngôn ngữ học phương Tây đã nghiên cứu vấn đề này rất rõ -- đầu óc của một người thông thường sẽ mất nhiều thời gian hơn để hình dung một ý cụ thể nghĩa từ hai chữ "NB" so với “nhà báo” viết hẳn ra, mặc dù người ấy biết “NB” là viết tắt của “nhà báo”.”



Trong entry này, Joe viết Sydney Herald, nhưng thật ra là Sydney Morning Herald. Cám ơn Joe!

NVT
===
Dù ít viết blog nhưng có cảm hứng vẫn sẽ viết. Và hôm nay mình đã có cảm hứng thật.

"Thời gian gần đây, các nhà báo (NB) xuất hiện ở vị trí giám khảo các cuộc thi văn hóa - nghệ thuật ngày càng nhiều."

Câu này lấy nguyên từ một bài báo online đã làm cho mình bức xúc. Không phải vì chuyện nhà báo xuất hiện ở vị trí giám khảo, chuyện đó nghe có vẻ cũng hợp lý. Bức xúc vì tác giả viết tắt "nhà báo" thành NB.

Mình thấy các tờ báo Việt Nam, online, offline, inline, outline, bị “bệnh viết tắt" nặng quá, đặc biệt là những từ thực sự không cần thiết phải viết tắt.

“Doanh nghiệp” lúc nào cũng thành "DN", “ban tổ chức” thành "BTC", kể cả mình đã từng đọc một bài mà “thầy giáo” thành "GV", “mầm non” thành "MN" và “cơ sở giáo dục” thành "cơ sở GD" -- mà đó là bài về sự phức tạp không cần thiết trong ngành giáo dục. (Nếu có thời gian mình sẽ đi tìm nhiều ví dụ buồn cười hơn nữa). Công nhận việc viết tắt đôi khi có lý, có ích nhưng nếu câu nào cũng nhét một "HLV ĐTVN" vào nhìn ngứa hết cả mắt.

Ở đây có hai chuyện. Một là quan điểm thẩm mỹ. Nếu viết tắt quá nhiều thì "hình dáng câu viết" sẽ bị ảnh hưởng, nhìn sẽ lộn xộn, bát nháo, thậm chí hơi lòe loẹt. Ví dụ:

Có năm doanh nghiệp sẽ kiện ban tổ chức của cuộc thi, theo các nhà báo nói.

Có 5 DN sẽ kiện BTC của cuộc thi (CT), theo các NB nói.

Cầu đầu tiên mặc dù dài hơn chút nhưng nhìn "biển lặng" hơn nhiều, bằng phẳng và hợp lý. Còn câu thứ hai mặc dù đã tiết kiệm vài mi-li-mét nhưng nhìn ngứa mắt lắm, như các ngõ ngách người ta xây nhà tầng hai lồi ra một cách quá đáng, che hết cả mặt trời.

Chuyện thứ hai là khoa học. Các nhà ngôn ngữ học phương Tây đã nghiên cứu vấn đề này rất rõ -- đầu óc của một người thông thường sẽ mất nhiều thời gian hơn để hình dung một ý cụ thể nghĩa từ hai chữ "NB" so với “nhà báo” viết hẳn ra, mặc dù người ấy biết “NB” là viết tắt của “nhà báo”. Có nghĩa là “nhà báo”, mặc dù dài hơn nhưng vào đầu óc nhanh hơn. NXB, BTC, HLV cũng thế thôi -- viết tắt không tiết kiệm thời gian cho người đọc đâu mà lại mất nhiều thời gian của họ hơn ! (Đúng là viết tắt sẽ tiết kiệm chút không gian trên mặt báo nhưng lo chuyện đó rẻ tiền lắm, với lại báo online có dùng mực đâu mà lo). Nếu muốn kiềm tra vụ này chỉ cần chuẩn bị một tờ giấy A4 viết chữ "NXB", một tờ khác viết hẳn "Nhà xuất bản", một đồng hồ chất lượng và một người bạn nhiệt tình; ai mà hiểu khoa học sẽ biết làm gì theo.

Ngoài lý do tiết kiệm thời gian cho người đọc (sai) có năm lý do thú vị vì sao bệnh viết tắt này lan truyền:

Lười – Gõ 3 key “SHIFT”, “D” và “N” chỉ mất 3 sự bấm. Còn gõ cả “doanh nghiệp” sẽ mất 14 sự bấm (gồm cả dấu tiếng Việt) có lẽ vất vả hơn chút. Vấn đề là người viết phải phục vụ cho người đọc. Một nhiệm vụ của người viết là bỏ thời gian của mình để người đọc không cần phải bỏ thời gian của họ. Tóm lại đừng lười.

Tinh vi - Muốn xem mức độ tinh vi của một công ty đến đâu ư? Chỉ cần xem một báo cáo tiêu biểu của công ty đó viết tắt bao lăm từ. Nhà báo cũng thế, có nhiều người viết tắt lên viết tắt xuống chỉ để… thể hiện. Ý là: "Chỉ có thằng mới vào nghề không biết các chữ ấy viết tắt của cái gì, còn tao, tao đã quá biết rồi (TĐQBR).

Sợ ngu - Có người chọn cách viết tắt để tỏ ra ám hiểu, còn cũng có nhiều người hơn chọn cách viết tắt để không tỏ ra ngu ngốc. Cũng có nhiều người nhiệt tình tìm cách kết hợp cả hai.

Theo lối mòn - Đây có khi là lý do phổ biến nhất. “Người khác làm như vậy tôi cũng sẽ làm như thế thôi, la la la…” Hơi thiếu chủ động nhưng tâm lý đám đông ở đâu cũng mạnh.

Sếp yêu cầu - Thế thì phải chịu thôi (TTPCT)

Bây giờ các tờ báo tiếng Anh chất lượng nhất như New York Times, Sydney Herald, Toronto Star…(mặc dù sắp phá sản :) đang hạn chế việc viết tắt nhiều nhất có thể, và mình nghĩ các tờ báo Việt Nam cũng nên làm thế. Chuyện này không liên quan gì đến tiếng Anh, tiếng Việt cả; hai ngôn ngữ đều có “nguy cơ lạm dụng viết tắt” như nhau. Chuyện này là sự tôn trọng độc giả – độc giả Việt Nam quá thông minh và tỉnh táo, lại còn dễ thương nữa, họ đã làm gì đâu mà bị các chữ hoa ấy suốt ngày ném vào mặt.


Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét