Lực cản từ chính một số “cây đa, cây đề”

Đọc bài tường thuật này (trích nguyên văn dưới đây) tôi hình dung ra buổi họp mặt chắc rất ư là sống động. Điều làm tôi ngại nhất là ý kiến của mấy vị “cây đa cây đề” này. Họ đứng đầu ngành, cầm chịch khoa học nước nhà, mà nhận thức và quan điểm như tường trình thì thật là nguy hiểm. Phân tích từng điểm mà tôi nghĩ là ngộ nhận của các vị này có lẽ cần một bài báo nghiêm chỉnh. Ở đây tôi chỉ muốn chỉ ra vài hiểu lầm đáng tiếc sau đây.

Về ý kiến cho rằng ở các đại học phương Tây, người ta không quan tâm đến việc giáo sư họ có công bố quốc tế hay không, mà chỉ quan tâm đến thu hút tài trợ, tôi thấy thực tế không đúng như thế. Ở trường tôi, người ta đánh giá giáo sư qua nhiều tiêu chí, trong đó có 4 tiêu chí chính: nghiên cứu khoa học, đào tạo, thu hút tài trợ, và phục vụ cộng đồng khoa học. Nghiên cứu khoa học bao gồm năng suất khoa học qua những công bố quốc tế, vì đây là “đơn vị tiền tệ” của giới khoa bảng. Là giáo sư mà không có công bố quốc tế thì chắc chắn chẳng gây được uy tín nào, thậm chí không thể nào có được chức danh đó.

Ở Mĩ hay các nước phương Tây nói chung, để duyệt xét một đề cương nghiên cứu, người ta căn cứ vào những tiêu chí cụ thể như thành quả khoa học, kinh nghiệm của những người chủ trì dự án, và tính khả thi của đề án. Thành quả khoa học ở đây chính là số lượng và chất lượng nghiên cứu khoa học (thể hiện qua những chỉ số trích dẫn hay chỉ số H). Tài trợ cho nghiên cứu khoa học là một sự đầu tư, cho nên người ta phải xem xét kĩ năng suất của nhóm chủ trì để sao cho số tiền chi ra đem lại hiệu quả cao nhất và an toàn. Thật ra, người ta đã làm phân tích trên Scientometrics cho thấy những ai có nhiều bài báo khoa học và chất lượng cao có xác suất cao nhận được tài trợ cho nghiên cứu. Hệ số tương quan giữa xác suất xin được tài trợ và số lượng và chất lượng bài báo công bố là 0.69. Do đó, công bố quốc tế là một yếu tố để thu hút tài trợ. Nói rằng ở phương Tây người ta chỉ quan tâm đến đề tài mà xem nhẹ công bố quốc tế chẳng những thể hiện sự thiếu hiểu biết về cơ chế tài trợ nghiên cứu khoa học mà còn có phần mâu thuẫn.

Tôi thấy ý kiến hay quan điểm “ngành tôi khó, ngành anh dễ” (phản ảnh qua câu“Ngành Sinh học công bố quốc tế dễ: họ chỉ cần tìm ra cái cây cái lá gì mới là công bố quốc tế được. Viện Cơ học công bố quốc tế ít vì công bố quốc tế trong lĩnh vực Cơ học khó hơn”) hết sức “hồn nhiên”. Hình như người nói câu này không biết gì về sinh học, mà chỉ nhìn qua thực vật với một cặp mắt phiến diện như thế. Sinh học là một ngành rất rộng lớn, và tốc độ phát triển nhanh nhất hiện nay. Người ta cho rằng thế kỉ 21 là thế kỉ của sinh học, kể cả sinh học phân tử và di truyền học. Làm sao để đánh giá ngành nào khó hơn ngành nào? Một lần trước, có người làm toán cũng nói với tôi giống như thế: mấy anh làm bên y sinh học thì dễ công bố, chứ bên chúng tôi phải 2 hay 3 năm mới công bố được một bài vì làm toán khó lắm. Không biết các bạn thì sao, chứ mỗi lần tôi nghe câu nói loại này tôi cảm thấy tội nghiệp cho người nói (bất kể Các bạn ta làm trong ngành nào) hơn là chấp nhất họ. Đây cũng là loại suy nghĩ “vùi đầu trong cát” (head in the sand), không nhìn chung quanh xem người ta làm ra sao. Thật ra thì trong bất cứ ngành khoa học nào, nếu làm chuyên sâu và nghiêm chỉnh, đều có cái khó của nó. Chẳng riêng gì ngành toán, vật lí, y sinh học, mà ngay cả ngành kinh tế học cũng thế. Do đó, đem so sánh chuyên ngành của mình với ngành khác là một việc làm tương đối mạo hiểm và thể hiện thiếu kém suy nghĩ trong khoa học.

Có người biện minh rằng trong số 1000 nghiên cứu chỉ có 1 công trình là có khả năng ứng dụng, và như thế không cần công bố quốc tế, nhưng lí giải này thiếu tính logic và không thuyết phục. Trước khi một loại thuốc ra đời, các nhà khoa học phải truy tầm hàng trăm ngàn phân tử, với hàng ngàn bài báo khoa học, và cần đến hai thập niên. Nếu không công bố kết quả, người ta cũng đăng kí bằng sáng chế. Không có cơ quan nào mướn người làm mà không có kết quả. Cũng có người cho rằng làm nghiên cứu ứng dụng cũng không cần công bố quốc tế. Cả hai suy nghĩ đều có vấn đề. Nếu nhà khoa học làm trong các trung tâm nghiên cứu của các công ti kĩ nghệ, có thể nhu cầu công bố quốc tế không phải quan trọng, nhưng họ vẫn phải chứng tỏ năng suất khoa học qua những bằng sáng chế được đăng kí. Nghiên cứu cơ bản hay nghiên cứu ứng dụng đều phải có thành quả (nếu không thì không nên làm), và thành quả phải được thể hiện qua bài báo khoa học hay bằng sáng chế.

Lấy thu nhập ra để biện minh không cần công bố quốc tế cũng là một ngụy biện thường gặp. Ngụy biện là vì công bố quốc tế chẳng có liên quan mật thiết đến thu nhập bình quân đầu người, cũng chẳng tùy thuộc vào dân số của một nước. Canada và Hà Lan là những nước nhỏ về dân số, thu nhập thấp hơn Mĩ, nhưng năng suất khoa học của họ hơn Mĩ. Malaysia có thu nhập bình quân đầu người cao hơn, nhưng về mặt năng suất khoa học thì kém hơn, Thái Lan.

Liên quan đến vấn đề tiền bạc, có một dòng suy nghĩ khá phổ biến là “thiếu tiền cho nghiên cứu”. Điều này cũng đúng một phần, nhưng tiền không phải là yếu tố ngăn cản không làm nghiên cứu khoa học. Có nhiều người đã làm nghiên cứu thực nghiệm và có công bố quốc tế với số tiền chưa đầy 5000 USD. Đối với những người này, họ làm nghiên cứu khoa học để tự học, tự khẳng định mình, và qua đó có cơ sở để đi xin tài trợ. Cái khác giữa một nhóm với tư duy “cho tiền mới làm” và một nhóm với tư duy “làm để chứng minh khả năng và xin tiền sau” là giữa thụ động và chủ động. giữa ngồi chờ và đi tìm, giữa bất biến và đột phá … Khoa học cần những người chủ động, truy tầm, và đột phá.

Lại có người cho rằng “công bố với đồng nghiệp Nhật là được rồi, cần gì phải là tác giả chính”. Tôi nghĩ đó là một tư duy yên phận, yên phận với vai trò của một người “lính đánh bộ” (foot solider), mà không chịu vươn lên một hợp tác trong tinh thần đồng đẳng. Phát biểu này còn cho thấy có người còn khá vô tư đối với tài sản tri thức của nước nhà. Người ta lấy dữ liệu của Việt Nam, chất liệu của Việt Nam, nhờ người Việt Nam làm và người ta đứng vai chủ nhân. Có cái gì không ổn ở đây. Chả trách với tư duy này mà trong vòng 100 năm qua những kiến thức về nước Việt và người Việt lại lọt vào tay của người nước ngoài!

Khi không thích cái gì người ta thường gán cho nó một nhãn hiệu với hàm ý khinh khi. Tiêu biểu cho lí luận này là quan điểm cho rằng “ISI chỉ là một tổ chức tư nhân, không đủ uy tín đại diện, chỉ thống kê bài tiếng Anh, trong khi có bao tạp chí có uy tín tương đương bằng tiếng Nga, tiếng Pháp thì không được tính đến”. Tôi thấy quan điểm này rất giống thời bao cấp, xem bất cứ điều gì từ Nhà nước là chân lí. (Hình như người phát biểu quên rằng chúng ta đang theo kinh tế thị trường.) Hai tổ chức trao giải thưởng về môi trường cho Gs Võ Quý và Phan Nguyên Hồng cũng là tổ chức tư nhân. Các đại học hàng đầu của Mĩ đều là tư nhân. Các tập đoàn lớn về kinh tế và quốc phòng của Mĩ đều là tư nhân. Ở Mĩ và Úc, thậm chí còn có nhà tù do tư nhân quản lí. Theo quan điểm này thì các đại học đó, tập đoàn kinh tế và quốc phòng đó, nhà tù đó … không đủ uy tín!

Vấn đề không phải là “tư nhân” hay “nhà nước” mà là đóng góp của họ cho xã hội. ISI đã có những đóng góp cực kì lớn cho phát triển khoa học. Dù những sản phẩm và thống kê của họ chưa hoàn hảo, nhưng những chỉ số của ISI đã và đang được các đại học trên thế giới (ngoại trừ Việt Nam?), các cơ hậu sự trợ, các bộ khoa học công nghệ, v.v… dựa vào đó mà đánh giá năng lực khoa học. Không thể xem thường đóng góp của ISI chỉ vì họ là một doanh nghiệp tư nhân. Còn các tập san Anh, Pháp, Nhật, Hàn, v.v… cũng có một số nằm trong danh sách của ISI, nhưng phần lớn không được công nhận vì chưa đạt được những điều kiện mà cộng đồng khoa học quốc tế công nhận. Làm sao và lấy gì để nói rằng một tập san khoa học của Nga hay Pháp tương đương với tập san Nature (của Anh) hay Science (của Mĩ)? Người phát biểu câu này thật là can đảm!

Thật là hài hước khi đọc ý kiến cho rằng “Hàn Quốc và TQ đòi hỏi công bố quốc tế ISI, SCI, nhưng VN ta phải khác. TQ là nước lớn, họ chịu sức ép phải làm tàu vũ trụ, còn ta đâu có phải làm mấy thứ đó”. Dùng cách lập luận đó, có lẽ Úc, Canada, Hà Lan, và Anh cũng có thể nói không cần gây áp lực cho các nhà khoa học của họ công bố quốc tế, vì 4 nước này là nước nhỏ và cũng không có làm “tàu vũ trụ”! Thật là đáng ngại khi có người đang cầm chịch khoa học mà có suy nghĩ quá đơn giản như thế.

Quan điểm về ta là ta, ta có con đường của ta (như “KH&CN không cần theo gương họ. Ta có con đường riêng của ta, chẳng có nước nào giống nước nào”) mới nghe qua thì cũng lọt tai, nhưng không thể khái quát hóa và đơn giản hóa câu đó cho mọi vấn đề được. Có những cái chúng ta cần giữ bản sắc của mình (như văn hóa), nhưng có những cái mình phải hội nhập với cộng đồng quốc tế (như các chuẩn mực khoa học). Chúng ta vào WTO và phải tuân thủ theo luật chơi của WTO, chứ không thể nói rằng ta có con đường riêng của ta. (Có lẽ chính vì suy nghĩ này mà Vietnam Airlines đã thua trên sân chơi quốc tế, và tốn khá nhiều tiền cho một kẻ lường gạt.) Chúng ta không thể đi dự hộui nghị khoa học mà mặc áo dài khăn đống, không thể tham gia hội thảo mà trong đó mọi người nói tiếng Anh còn ta nói tiếng Việt. Tương tự, chúng ta muốn hội nhập quốc tế thì phải học và hành xử theo luật chơi mà quốc tế chấp nhận.

Luật chơi và chuẩn mực khoa học đã được hình thành từ rất lâu, và đến nay đã được đại đa số cộng đồng khoa học thế giới chấp nhận. Nước nào không chấp nhận thì sẽ bị loại ra ngoài dòng chảy của khoa học. Không thể ngụy biện theo cảm tính bằng những “Tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc” để kêu gọi “Đã là người VN ta phải công bố trên các tạp chí của VN chúng ta”. Hệ luận của câu này là công bố trên các tập san quốc tế là không yêu nước, thiếu tự hào dân tộc. Nếu thế thì chính phủ và các đại học Úc, Hà Lan, Canada, Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, v.v… đều không có tinh thần yêu nước thương dân vì họ kêu gọi các nhà khoa học của họ công bố trên các tập san có impact factor cao, mà đại đa số các tập san này là ở Mĩ hay ở nước ngoài.

Nếu các tạp chí của Việt Nam được ISI công nhận, có cơ chế làm việc minh bạch, và đã gây được uy tín trong khoa học qua những công trình có chất lượng cao, thì lời kêu gọi đó có thể chấp nhận được. Nhưng hiện nay, chúng ta biết rằng chưa một tập san khoa học nào của Việt Nam đạt được những chuẩn mực đó. Vì thế lời kêu gọi đó không thực tế. Người phương Tây có câu “Nếu bạn không thắng được họ, thì nên tham gia với họ” (if you cannot beat them, join them), và mượn câu nói đó, tôi nghĩ nếu chúng ta chưa có khả năng lập ra những “luật chơi” khoa học mang tính Việt Nam, chưa đủ “critical mass” (thực lực) thiết lập một tập san khoa học tầm cỡ quốc tế, thì cách hay nhất là học họ và tham gia họ bằng cách công bố các công trình nghiên cứu khoa học trên các tập san quốc tế.

NVT

====


Lực cản từ chính một số “cây đa, cây đề”
04:51-02/02/2009


Hôm họp mặt cộng tác viên Tia Sáng cuối năm tại Bộ KH&CN, sau phát biểu của GS. Hoàng Tụy đánh giá cao việc Bộ KH&CN đã lắng nghe ý kiến đúng đắn và tâm huyết của các nhà khoa học, tiến hành cải cách quản lý NCCB, là phát biểu của một nhà Sinh học, đại ý: Tia Sáng viết hơi quá nhiều về công bố quốc tế. Đành rằng công bố quốc tế của chúng ta yếu, người của chúng tôi công bố quốc tế chung với Nhật là được rồi, cần gì phải là tác giả chính như GS. Phạm Duy Hiển nói. Đề tài giống lúa mới được chuyển giao cho một cơ sở ở Nam Định với giá 10 tỷ đồng vừa rồi có giá trị thực tế rõ ràng, nhưng chẳng có tạp chí quốc tế nào đăng kết quả đó. Sau đó ông “tha thiết” mong Bộ KH&CN đặt lòng tin hơn nữa ở các nhà khoa học, mạnh dạn đầu tư cho họ… (Lập luận này lần đầu nghe cũng hay nhưng tôi đã được nghe lặp lại vài lần nên quả thực cũng hơi chối).

Đầu năm mới, sau khi chúc tết nhau, tôi và Viện trưởng mới của Viện Cơ học có cuộc nói chuyện Tết chuyển thành tranh luận tay đôi về khoa học. Anh này hơn tôi 2 tuổi, là dân MGU, chuyên môn về dòng chảy nhiều pha, trong thành tích công bố có 1 bài đăng tạp chí quốc tế ISI - Fluid Mechanics – là tạp chí hàng đầu của Cơ học, từ năm 1995 khi đang làm luận án TSKH, đồng tác giả với ông thầy là VS của LX; sau đó anh đã được học bổng Humboldt 2 năm ở Đức. Cuộc tranh luận không đến được hồi kết vì quan điểm khác nhau. Rất khó tranh luận với người chỉ tranh nói nhiều hơn nghe và cứ nhảy từ cái này sang cái khác. Sau đây là một số luận cứ của anh ấy trong đó có những cái tôi đã phải nghe nhiều lần:


- Tôi ủng hộ yêu cầu luận án TS phải có bài báo quốc tế. Nếu có quy định của Bộ GD&ĐT tôi sẽ yêu cầu NCS của tôi phải làm việc công bố quốc tế. Còn như hiện nay chưa có quy định này, ta cũng chẳng cần phải đòi hỏi công bố, vì sẽ rất khó và vất vả cho NCS.

Bài báo quốc tế cũng có nhiều loại, có người có cả chục bài vẫn chưa là gì, có người chỉ cần một bài là khẳng định được đẳng cấp (có lẽ hàm ý cái bài báo quốc tế nói trên của anh ấy đủ mạnh bằng cả chục bài của những người khác).

Tôi đi nước ngoài nhiều nên biết rõ rằng, ở phương Tây, nhất là ở Mỹ, các ĐH không hề quan tâm các GS của họ có công bố quốc tế hay không, nhiều hay ít, mà chỉ quan tâm các GS có mang được nhiều đề tài, hợp đồng, và tiền về cho ĐH hay không (ở VN đây là điểm mạnh của anh này vì liên tục chủ trì các đề tài và hợp đồng kinh phí lớn – tôi ở gần nên cũng được nghe ít nhiều chuyện từ chính những người trong cuộc về các đề tài này).



Ngành Sinh học công bố quốc tế dễ: họ chỉ cần tìm ra cái cây cái lá gì mới là công bố quốc tế được. Viện Cơ học công bố quốc tế ít vì công bố quốc tế trong lĩnh vực Cơ học khó hơn.

ISI chỉ là một tổ chức tư nhân, không đủ uy tín đại diện, chỉ thống kê bài tiếng Anh, trong khi có bao tạp chí có uy tín tương đương bằng tiếng Nga, tiếng Pháp thì không được tính đến.

Hàn Quốc và TQ đòi hỏi công bố quốc tế ISI, SCI, nhưng VN ta phải khác. TQ là nước lớn, họ chịu sức ép phải làm tàu vũ trụ, còn ta đâu có phải làm mấy thứ đó. Do vậy, Bộ KH&CN không cần theo gương họ. Ta có con đường riêng của ta, chẳng có nước nào giống nước nào.

Quy định mới về NCCB của Quỹ có một điểm tiến bộ là có quy định rõ ràng, không để các Hội đồng phân phối kinh phí tùy tiện như trước. Tuy nhiên đề tài chỉ cho thời gian quá ngắn 2 năm mà lại đòi hỏi 2 bài báo quốc tế là phi thực tế. Mà tại sao cứ phải đòi hỏi công bố quốc tế? Công bố trong nước cũng được chứ. Và nếu quốc tế được 10 điểm thì bài trong nước cũng phải được 5,6 điểm.

Ngay ở Liên Xô người ta chỉ cần nhấn mạnh cần có bài báo trong nước là đủ. Còn việc hiện nay nhiều người Nga có viết bài cho các tạp chí tiếng Anh, chẳng qua là vì họ muốn kiếm việc ở phương Tây.

Tại sao ta cứ phải yêu cầu công bố quốc tế. Tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc của chúng ta ở đâu. Đã là người VN ta phải công bố trên các tạp chí của VN chúng ta.

Ở các viện khác người ta cũng nói với tôi là họ không đồng tình với các bài báo viết về khoa học VN trên báo chí thời gian qua. Một số cán bộ quản lý ở Bộ KH&CN cũng nói với tôi: chúng tôi vẫn luôn ủng hộ các anh đấy chứ, nhưng chính từ trong nội bộ giới khoa học các anh có người cứ cố tình bới chuyện làm vấn đề trở nên to ra…

Dịp Hội thảo Cơ học vừa rồi, Viện phó Viện Cơ học ĐVM (kém tôi 4 tuổi) lập luận: bên Toán họ công bố quốc tế là đúng rồi, họ chỉ có mỗi cái việc đó. Nếu không làm được việc đó thì cái Viện Toán phải bị giải tán. Còn Viện Cơ ta làm NCCB phục vụ ứng dụng nên không cần phải công bố quốc tế. Vì nghiên cứu ứng dụng là quan trọng đối với đất nước nên phải được Nhà nước ưu tiên bao cấp và đầu tư kinh phí chứ không phải để tự trang trải kinh phí bởi thị trường (như tinh thần nghị định 115). Ngay cả ở Úc và Nhật Bản, từ cả nghìn nghiên cứu ứng dụng cũng chỉ có một nghiên cứu đem ra được sản phẩm thành công trên thị trường (hàm ý trong số hàng ngàn đề tài nghiên cứu ứng dụng của ta, Bộ KH&CN chỉ cần chỉ ra một đề tài có được kết quả trên thị trường là đạt thành công ngang như quốc tế ?)…

Viện trưởng Viện Cơ học ứng dụng TP. HCM thì trích dẫn ý kiến “khách quan” của một nhà khoa học Việt kiều nổi tiếng có nhiều kinh nghiệm thực tiễn quốc tế (GS Vật lý Trương Văn Tân ở Úc): nghiên cứu cơ bản ở VN để công bố quốc tế các bài báo mang tính chung chung chỉ là theo đuôi nước ngoài, không có ích lợi gì cho VN mà chỉ làm lãng phí tiền thuế của nhân dân. VN ta phải tập trung nghiên cứu ứng dụng.

Có rất nhiều kiểu ngụy biện khác nhau, phổ biến như là: nước ngoài họ công bố quốc tế vì lương tháng của họ là 5-10 ngàn USD, còn ở ta chỉ vài triệu VND, đầu tư cơ sở vật chất của họ lại còn gấp hơn nhiều lần nữa. Khi nào kinh tế và cơ sở vật chất của ta bằng được như họ ta sẽ công bố quốc tế. Nghiên cứu để công bố quôc tế và nghiên cứu ứng dụng phục vụ nhu cầu thiết thực của đất nước cái nào quan trọng hơn... Họ nói rất hăng, nhưng bảo họ viết công khai ý kiến của mình trên báo thì họ không làm.

Thay đổi tư duy làm khoa học ở VN, đặc biệt là trong các lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng- một lĩnh vực chiếm phần lớn ngân sách đầu tư cho KH&CN thật chẳng dễ dàng gì do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là lực cản từ chính một số nhà quản lý khoa học được coi (hoặc tự coi) là “cây đa, cây đề”.

PĐ Chính

Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét