Mười tiêu chí để truyền đạt thông tin y tế tốt hơn

Năm 2003, bệnh SARS gây tác hại cho khoảng 10 người ở Mĩ, nhưng giới truyền thông Mĩ “sản xuất” hơn 100.000 bản tin tức về SARS. Vẫn ở Mĩ, mỗi năm có hơn 100.000 người chết vì thuốc lá, nhưng giới truyền thông Mĩ chỉ “sản sinh” được khoảng 4.000 bản tin liên quan đến tác hại của thuốc lá. Ở Việt Nam, tuy chưa có những nghiên cứu tương tự, nhưng qua theo dõi những tin tức liên quan đến SARS và H5N1 trong vài năm qua trên các tờ báo và đài truyền hình có website, tôi ghi nhận hơn 5.000 bản tin tức, trong khi đó hai bệnh này gây tử vong chưa đầy 50 người. Ở nước ta, mỗi năm có hàng vạn người chết vì các bệnh hô hấp, bệnh nhiễm, và hút thuốc lá, nhưng số lượng bản tin liên quan đến các bệnh này rất khiêm tốn (không đầy 500). Như vậy, cho dù dựa vào những con số chưa đầy đủ trên đây, xu hướng cung cấp tin tức của giới truyền thông nước ta đang chạy theo xu hướng của Mĩ nhưng với qui mô nhỏ hơn.

Một xu hướng đáng chú ý khác là giới truyền thông thường cung cấp những thông tin không đầy đủ và không đặt vào bối cảnh để người nhận thông tin có thể so sánh. Chẳng hạn như trong một bài báo gần đây trên một tạp chí của Bộ Y tế, một tác giả cho biết mỗi năm có 500.000 ngàn phụ nữ trên thế giới mắc bệnh ung thư cổ tử cung (nhưng người viết không cung cấp nguồn thông tin). Hay như một tổ chức ung thư ở Mĩ tuyên bố rằng mỗi năm có 27.000 đàn ông Mĩ chết vì bệnh ung thư tiền liệt tuyến. Cả hai thông tin mà tôi vừa đề cập sử dụng một thủ thuật quen thuộc: đó là dùng những con số lớn để thu hút sự chú ý của công chúng. Nhưng cả hai cách đưa tin không cho chúng ta biết nguy cơ hay xác suất tử vong trong một khoản thời gian, không cho chúng ta biết nguy cơ bệnh so với các nguy cơ khác trong cuộc sống hàng ngày. Viết ra điều này không có nghĩa là tôi xem nhẹ hai bệnh ung thư vừa đề cập, nhưng để nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin cho đầy đủ và khách quan. Trong bài này tôi đề nghị 10 tiêu chí để đánh giá tính tin cậy của một bản tin y tế và đặt vào bối cảnh của bản tin.

1. Mắc bệnh và nguy cơ mắc bệnh
Không phải ai hút thuốc lá cũng đều mắc bệnh ung thư phổi. Không phải ai không hút thuốc lá đều không mắc bệnh ung thư phổi. Thực tế là trong những người hút thuốc lá thì nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi cao hơn những người không hút thuốc lá. Nói cách khác, nguy cơ (risk) mắc bệnh là xác suất mắc bệnh trong một thời gian nhất định. Vì nguy cơ là xác suất nên giá trị của nó dao động từ 0 (không ai mắc bệnh) đến 1 (tất cả đều mắc bệnh). Nguy cơ mắc bệnh thường vận dụng cho một quần thể, chứ không cho một cá nhân. Đối với một cá nhân, hoặc là có bệnh, hoặc là không có bệnh.

Liên quan đến nguy cơ mắc bệnh là khái niệm yếu tố nguy cơ (risk factor). là một yếu tố -- qua các cơ chế gián tiếp hay trực tiếp -- làm tăng nguy cơ mắc bệnh của một cá nhân. Chẳng hạn như uống nước bị ô nhiễm không đun sôi là một yếu tố nguy cơ mắc bệnh dịch tả.

2. Nguyên nhân và hệ quả ?
Khi đọc một bản tin y tế về một yếu tố nguy cơ, nguyên nhân và bệnh tật (chẳng hạn như bưởi và ung thư), câu hỏi đầu tiên mà người đọc cẩn phải đặt ra là: đó có phải là một mối liên hệ nhân quả, hay chỉ đơn thuần là một mối tương quan thống kê. Mối liên hệ nhân quả thường có cơ sở sinh học, như vi khuẩn V. cholerae là nguyên nhân gây bệnh tả, còn yếu tố nguy cơ (risk factors) là những yếu tố -- qua các cơ chế gián tiếp hay trực tiếp -- làm tăng nguy cơ mắc bệnh của một cá nhân. Chẳng hạn như nguồn nước bị ô nhiễm có thể là một yếu tố nguy cơ của bệnh tả vì nước có thể hàm chứa vi khuẩn tả; nhưng nước không phải là nguyên nhân gây bệnh tả bởi vì không phải ai uống nước ô nhiễm cũng đều mắc bệnh, họ chỉ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người không uống nước ô nhiễm.

Một mối tương quan thống kê không hẳn là một mối liên hệ sinh học, và chỉ là một điều kiện cần nhưng chưa đủ để phát biểu về nguyên nhân và hệ quả. Chẳng hạn như mối tương quan giữa kích thích tố nữ (estrogen) và xu hướng ngoại tình không có nghĩa là người có nhiều estrogen là nguyên nhân của ngoại tình!

Một yếu tố nguy cơ có thể là một nguyên nhân, nhưng cũng có thể không phải là nguyên nhân, gây bệnh. Nếu thịt chó là nguyên nhân bệnh tả thì phải hội đủ 5 điều kiện sau đây:

· sinh học -- mối liên hệ giữa thịt chó và bệnh tả có cơ sở sinh học (như đột biến gien, biến thể DNA, vi khuẩn, v.v…);

· thời gian -- việc ăn thịt chó phải xảy ra trước khi mắc bệnh tả;

· liên hệ theo tính liều lượng -- nguy cơ mắc bệnh tả ở những người ăn thịt chó phải cao hơn nguy cơ ở những người không ăn thịt chó, VÀ phải chứng minh rằng người ăn càng nhiều thịt chó có nguy cơ mắc bệnh càng cao, ăn ít có nguy cơ mắc bệnh càng thấp;

· nhất quán -- mối liên hệ đó phải được “chứng minh” trong nhiều quần thể và nhiều nghiên cứu độc lập, chứ không phải chỉ một quần thể hay một nghiên cứu; và

· can thiệp -- nếu ngưng ăn thịt chó thì sẽ giảm nguy cơ hay không mắc bệnh tả.

3. Nghiên cứu đã được lặp lại lần nào chưa?
Dấu ấn của khoa học (và cũng là điểm để phân biệt giữa khoa học và ngụy khoa học) là kết quả mang tính tái xác nhận. Nói cách khác, chỉ khi nào kết quả của một nghiên cứu ban sơ được lặp lại ở nhiều nghiên cứu khác trên những quần thể độc lập thì mới được xem là đáng tin cậy.

Khoa học ngày nay bao gồm những hoạt động đóng khuôn trong một mô thức (paradigm), những hoạt động mang tính giải đáp các vấn đề nhỏ và cụ thể mà cộng đồng khoa học đang tìm một giải đáp. Khoa học thông thường, do đó, có tính tích lũy và tiến hóa, chứ không mang tính cách mạng. Các kết quả nghiên cứu mới bổ sung cho những kết quả hiện hành, nhưng những kết quả này không dẫn đến một cuộc cách mạng. Trong quá trình cập nhật hóa kiến thức, chúng ta thấy những kết quả nghiên cứu trái ngược nhau. Có một số nghiên cứu cho thấy cà phê hôm nay có lợi cho sức khỏe, nhưng hôm sau lại có kết quả nghiên cứu cho thấy ngược lại! Những kết quả nghiên cứu như thế phải đặt trong bối cảnh tiến hóa của khoa học trong một mô thức, chứ không thể xem là một kết luận sau cùng, hay một sự thật khoa học vĩnh viễn.

4. Khoa học thường mong manh và bất định
Nghiên cứu khoa học thường bắt đầu với một giả thuyết, và sau khi thu thập dữ liệu thì kết quả có thể nhất quán hay không nhất quán với giả thuyết đó. Nhưng dữ liệu thường được thu thập từ một nhóm đối tượng trong một quần thể. Nhóm đối tượng đó có thể không đại diện cho quần thể, và do đó kết quả rút ra từ dữ liệu cũng có thể sai, dù giả thuyết đúng. Nhưng cũng có trường hợp dữ liệu được thu thập theo đúng phương pháp, nhưng giả thuyết lại sai. Nhìn khoa học dưới góc độ [đơn giản] như thế, chúng ta thấy các kết quả nghiên cứu khoa học rất mong manh và nhiều bất định. Đúng hay sai, một giả thuyết mới cũng giống như một cục nam châm, thu hút các khoa học gia khác dấn thân vào lĩnh vực nghiên cứu.

Chúng ta thường hay thấy câu “khoa học đã chứng minh rằng …” trong nhiều bài báo khoa học phổ thông hay trên hệ thống truyền thông đại chúng. Hai chữ “khoa học” phía trước hai chữ “chứng minh” như có tác dụng tăng trọng lượng cho một phát biểu mà người viết muốn chuyển tải đến người đọc. Nhưng trong y học, khái niệm chứng minh không hiện hữu. Tiêu chí số một và tiêu chuẩn để đánh giá một lí thuyết hay giả thuyết là bằng chứng, chứ không phải chứng minh. Bằng chứng có thể phù hợp hay không phù hợp với giả thuyết.

5. Liều lượng bao lăm?
Bất cứ hóa chất nào, dù từ thiên nhiên hay do chế tạo bằng qui trình công nghệ, đều có khả năng gây tác hại nếu sử dụng ờ liều lượng cao. Nhưng chính các hóa chất này cũng có thể là những liệu pháp trị liệu có hiệu quả nếu được sử dụng đúng liều lượng. Thật vậy, cái khác biệt giữa một hóa chất độc hại và một liệu pháp trị liệu chính là liều lượng (sự thật này còn được gọi là nghịch lí độc tố).

Không phải hóa chất nào cũng hấp thu 100% vào cơ thể, và ngay cả khi hấp thu chỉ có một hàm lượng rất thấp có thể gây tổn hại sinh học, và ngay cả khi gây tổn hại, chưa chắc sẽ gây bệnh. Giả sử như người ta phát hiện trong thực phẩm nào đó hàm chứa một hóa chất có khả năng gây ung thư, chúng ta phải hiểu thông tin nào bằng cách xem xét qui trình tiếp thu và hấp thu của hóa chất như sau. Nếu thực phẩm mà chúng ta ăn uống chứa 1 mg, và chỉ 1% (hay 0,01 mg) được hấp thu. Trong số 1% hấp thu đó, chỉ có 1% (hay 0,0001 mg) được chuyển hóa trở thành độc hại. Trong số chuyển hóa thành độc hại, chỉ có 1% (hay 0,000001 mg) tiến đến mục tiêu như DNA. Và trong số DNA bị tổn hại, chỉ 99% tự sửa chữa, chỉ có 1% (hay 0,00000001 mg) bị đột biến. Nói cách khác, chỉ có 1 phần triệu liều lượng ban sơ dẫn đến tổn hại DNA, và tổn hại DNA chưa hẳn sẽ gây bệnh ung thư. Nhìn vấn đề như thế, chúng ta thấy mối liên hệ giữa hóa chất và bệnh tật rất bất định chứ không bao giờ mang tính xác định.

6. Có liên cang gì đến tôi không ?
Nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của hóa chất đến sức khỏe thường được tiến hành trên chuột. Đây là những nghiên cứu mang tính sơ khởi để thử nghiệm một giả thiết khoa học. Bởi vì chỉ là nghiên cứu sơ khởi và không tiến hành trên con người, cho nên các nghiên cứu loại này có giá trị khoa học thấp nhất. Chẳng hạn như câu chuyện về nước tương và ung thư dấy lên vào tháng 4-5 năm 2007, các nhà nghiên cứu cho chuột uống nước tương chứa 3-MCPD [tương đương với việc cho con người uống một lít mỗi ngày trong suốt 50 năm trời], và họ phát hiện tỉ lệ mắc bệnh ung thư trong nhóm chuột ăn nhiều chất 3-MCPD cao hơn nhóm chuột không ăn chất 3-MCPD cao hơn chỉ 40%, và ngay cả con số này cũng còn nhiều bất định vì số lượng chuột sử dụng cho thí nghiệm chỉ trên dưới 10 con.

Nhưng chuột không phải là con người, và nghiên cứu trên chuột không thể khái quát hóa cho con người. Ngoài ra, nghiên cứu ở người Âu Mĩ chưa hẳn vận dụng cho người Á châu, do khác biệt về lối sống và di truyền. Do đó, một câu hỏi quan trọng khác mà người đọc bản tin y tế cần phải hỏi là: kết quả nghiên cứu đó hay thông tin đó có vận dụng vào trường hợp cá nhân của người đọc hay không? Ngay cả vận dụng cho cá nhân thì vẫn còn nhiều yếu tố khác khó có thể nói về mối phơi nhiễm của cá nhân và nguy cơ mắc bệnh.

7. Nguy cơ tuyệt đối hay tương đối ?
Mối liên hệ giữa một yếu tố nguy cơ và bệnh tật thường được diễn tả bằng con số phần trăm, và rất dễ gây hiểu lầm. Người đọc phải xem xét đến nguy cơ tuyệt đối để có một bức tranh toàn diện hơn. Có thể lấy một ví dụ để minh họa cho ý này: trong một cộng đồng một nhóm sống ở vùng bị phơi nhiễm một hóa chất độc hại, và một nhóm không bị phơi nhiễm. Trong nhóm bị phơi nhiễm, tỉ lệ mắc bệnh ung thư là 3 trên 10.000 người, và trong nhóm không phơi nhiễm, tỉ lệ mắc bệnh là 1 trên 10.000 người. Tính theo nguy cơ tương đối, phơi nhiễm hóa chất tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư 200%. Nhưng tính theo nguy cơ tuyệt đối, mức độ khác biệt giữa hai nhóm chỉ 2 trên 10.000 người.

Chẳng hạn như trước đây báo chí Tây phương đưa một tin “giật gân” rằng phụ nữ Âu Mĩ ăn bưởi có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú tăng 30%. Con số 30% làm nhiều người hoang mang. Nhưng trong thực tế, nghiên cứu này theo dõi 46.080 phụ nữ suốt 9 năm trời, và họ phát hiện trong nhóm ăn bưởi có 3,8% người mắc bệnh ung thư vú, trong nhóm không ăn bưởi tỉ lệ mắc bệnh ung thư vú là 3,4%. Như vậy, nhóm ăn bưởi có tỉ lệ ung thư vú cao hơn nhóm không ăn bưởi là 0,4%. Trong y học, một khác biệt chỉ có 0,4% không thể xem là có ý nghĩa lâm sàng và cũng chẳng đáng quan tâm. Thật ra, công trình nghiên cứu này cũng không có giá trị khoa học cao do vấp phải quá nhiều khiếm khuyết trong quá trình thu thập và phân tích dữ liệu.

8. Giai thoại không phải là bằng chứng
Y học thế kỉ 20 và 21 là y học dựa vào bằng chứng. Bằng chứng thường được thu thập từ các nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học thường được tiến hành theo nhiều mô hình, và mỗi mô hình có một giá trị khoa học khác nhau (tính từ cao nhất đến thấp nhất): phân tích tổng hợp (meta-analysis), nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên (randomized clinical trial), nghiên cứu theo dõi bệnh nhân theo thời gian (prospective longitudinal) study), nghiên cứu tiêu biểu một thời điểm hay nghiên cứu cắt ngang (cross-sectional study), nghiên cứu bệnh chứng (case-control study), và nghiên cứu cơ bản (basic research).

Những quan sát cá nhân, những kinh nghiệm lâm sàng, những ý kiến của các chuyên gia như giáo sư hay tiến sĩ (có khi còn có tên là chuyện vặt hay giai thoại) có giá trị khoa học thấp nhất.

9. Qui ước Ingelfinger
Năm 1969, Giáo sư Franz J. Ingelfinger được bổ nhiệm làm tổng biên tập tập san New England Journal of Medicine (NEJM), một tập san có lịch sử trên 100 năm và cho đến nay vẫn là tập san số 1 trong ngành y. Khi mới nhậm chức, ông phát hiện một số công trình nghiên cứu khoa học đang được xem xét cho in hay sắp in trên tập san NEJM đã được hệ thống truyền thông đại chúng công bố trước! Qui ước này được biết đến là Qui ước Ingelfinger.

Sau khi một công trình nghiên cứu được hoàn tất, nhà nghiên cứu thường trình bày kết quả trong một (hay vài) hội nghị chuyên ngành cấp quốc tế hay quốc gia dưới hình thức một bài báo ngắn. Mục đích chính của việc trình bày kết quả trong hội nghị là xin ý kiến phản biện của các đồng nghiệp. Sau khi đã có những ý kiến phản biện, nhà khoa học soạn một báo cáo đầy đủ hơn và đệ trình cho một tập san chuyên ngành để được bình duyệt (hay phản biện) nghiêm chỉnh hơn. Qua bình duyệt, bài báo có thể được chấp nhận hay từ chối cho công bố. Theo Qui ước Ingelfinger, chỉ khi nào bài báo được công bố trên một website hay báo giấy của tập san thì nhà nghiên cứu mới có quyền được tiếp xúc với giới truyền thông đại chúng để nói về thành quả nghiên cứu của mình. Trong thời gian bài báo còn được bình duyệt, hay ngay cả sau khi đã được chấp nhận cho công bố nhưng chưa đưa lên website, nhà nghiên cứu vẫn không có quyền tiếp xúc với truyền thông.

Nhiều thông tin y tế trên hệ thống truyền thông thường nói đến những “phát hiện” chưa được công bố hay chỉ được công bố trong hội nghị khoa học. Tất cả những phát hiện, khám phá của khoa học loại này không được xem có giá trị cao và không cần chú ý đến. Tất cả các kết quả nghiên cứu khoa đều được công bố chủ yếu trong các tập san chuyên khoa, những tập san này được giới chuyên môn quản lí và điều hành. Các báo cáo được chấp nhận công bố trong các tập san này đều được qua ít nhất là ba đồng nghiệp kiểm tra về sự chính xác và phương pháp, bằng những tiêu chuẩn khoa học, do đó phẩm chất của chúng khá cao và đáng tin cậy.

Có khi thông tin y học trên báo đại chúng chưa bao giờ được công bố trên tập san khoa học! Chẳng hạn như tháng 4 năm 2008, phát biểu qua một hãng thông tấn ngoại quốc, một quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới cho tuyên bố rằng ăn thịt chó hay các thức ăn khác ở hàng quán có bán thịt chó tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy cấp tính trầm trọng do nhiễm vi khuẩn tả gấp 20 lần. Nhưng khi chúng tôi hỏi nguồn thông tin thì mới biết rằng kết quả này chưa bao giờ được công bố trên một tập san khoa học nào, và đó là một vi phạm Qui ước Ingelfinger.

10. Nguồn gốc thông tin
Phần lớn các công trình nghiên cứu có chất lượng cao đều xuất phát từ những trung tâm nghiên cứu có tên tuổi và uy tín. Chẳng hạn như một nghiên cứu từ một trường đại học thường khách quan hơn các công trình nghiên cứu do các nhóm lợi ích (interest groups, như các công ti thương mại) thực hiện.

Câu chuyện về vắcxin viêm gan trong năm 2007 là một bài học quí báu cho việc kiểm tra nguồn gốc thông tin. Khởi đầu là 4 trường hợp trẻ em mới sinh bị tử vong sau khi tiêm vắcxin ngừa viêm gan B làm cho nhiều người chất vấn chính sách này. Một số báo chí bắt đầu đặt câu hỏi về hiệu quả và an toàn của vắcxin. Một bài báo trên Tuổi Trẻ với tựa đề khá giật gân “Hàng trăm ca tử vong sau khi tiêm văcxin viêm gan B ở Mỹ”, mà trong đó tác giả lthông tin trên website của ông Joseph Mercola ở bang Illinois (Mĩ), một chưng sĩ vật lí trị liệu (osteopathic doctor) có nhiều ý kiến “phi chính thống” và nổi tiếng chống đối các chương trình tiêm chủng ngừa. Ông Mercola đã bị các cơ quan y tế Mĩ cảnh cáo vài lần về việc đưa tin … sai lạc. Người viết bài này có nêu vấn đề thông tin, và bài báo trên đã được rút xuống.

Vài lời kết
Thông tin về y tế và môi sinh đã trở thành những món ăn tinh thần hàng ngày cho công chúng. Hầu như mọi ngày trên các phương tiện truyền thông, từ báo chí, radio, đến đài truyền hình và internet đều có những bản tin liên quan về ảnh hưởng của các yếu tố môi trường, thực phẩm và hóa chất đến bệnh tật. Những thông tin như thế gieo vào công chúng mối sợ hãi và cảm xúc mạnh mẽ. Và cứ mỗi bản tin, người ta tìm thêm thông tin và cố vấn của giới chuyên môn, với những câu hỏi rất đơn giản. Ăn thịt chó có an toàn không? Ăn thịt lợn có làm tăng lượng cholesterol trong cơ thể không? Ăn nước tương có gây ung thư? Trong khi công chúng đòi hỏi câu trả lời đơn giản (có hay không có), nhưng khoa học thì không thể nào cho ra một câu trả lời đơn giản như thế.

Cũng vì lí do này, phần lớn trong giới khoa học thường bị cóng lưỡi trước những câu hỏi đơn giản trên. Thay vào đó, giới truyền thông nhân danh công chúng săn lùng các tập san khoa học, sản sinh ra những câu chuyện hấp dẫn, những câu chuyện được viết bằng ngôn ngữ khoa học nhưng được “chuyển ngữ” thành những câu văn xuôi mà ai trong công chúng cũng đều hiểu được. Đối với một số người trong giới truyền thông, câu chuyện đáng đưa lên mặt báo phải có tính độc đáo, khủng khiếp, nguy hiểm, hay làm cho người đọc cảm thấy bất an. Để làm chuyện này, giới truyền thông phải tìm cách làm cho công chúng cảm thấy quyến rũ trước các bản tin khoa học. Nhưng cái bị hi sinh trong quá trình chuyển hóa từ ngôn ngữ khoa học sang ngôn ngữ quyến rũ của báo chí là tính khách quan của khoa học.

Nhưng không thể đổ lỗi cho giới truyền thông, vì chính giới khoa học cũng góp phần vào việc chuyển tải những thông tin thiếu khách quan. Nhà khoa học cũng chỉ là những con người “nhân vô thập toàn”, thiếu kiên nhẫn để trở nên nổi tiếng, và chịu áp lực trước thị trường. Khi một nghiên cứu dù sơ khỏi cho ra một kết quả quan trọng, họ cũng không ngần ngại tuyên bố vung vít để mong được tài trợ thêm hay được nổi tiếng. Nhưng trong khoa học, nhầm lẫn không hẳn là những sai sót. Sự thật hôm nay chỉ đơn thuần là một hiểu biết cho hôm nay; ngày mai có thể khác. Và bất luận một hiểu biết dù có tính logic cỡ nào đi nữa, sự hiểu biết đó chỉ tồn tại cho đến khi một nghiên cứu mới chứng minh nó sai.

Hi vọng rằng những tiêu chí tôi trình bày trên đây sẽ góp phần nâng cao sự chuyển tải thông tin về y tế và môi sinh tốt hơn cho công chúng.

Xem thêm:Ăn chay như là một trị liệu hiệu quả
Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét