Một câu chuyện cảm động về một người mù nuôi con đi học đến nơi đến chốn. Về Việt Nam lần nào tôi cũng gặp nhiều cảnh như mô tả trong bài này. Ngay cả ở dưới quê, thỉnh thoảng đi chợ làng, ngồi quán uống cà phê, tôi cũng thấy có người mù đàn ca. Người ca sĩ mù tôi gặp năm ngoái khoảng 50 tuổi, quần áo xốc xếch, tay cầm đàn guitar điện, miệng ngậm kèn, có một giọng ca rất khỏe (chắc chắn hơn những ca sĩ karaoke trong các DVD ca nhạc bên Bolsa). Ông vừa ca vừa bán kẹo kéo (người bán kẹo chắc là bà xã ông). Cũng như ông Động trong bài dưới đây, ông tuyệt đối không xin xỏ ai. Tôi thật sự kính trọng những người này. Nhưng cái khó là chẳng biết ai thật và ai giả.
Hình như sở trường của các ca sĩ mù là nhạc boléro. Không biết có phải vì họ biết được “thị trường” loại nhạc này trong giới bình dân, hay vì thể loại nhạc này chuyên chở được những tâm sự mà họ muốn gửi gắm cho mọi người, nhưng dù sao đi nữa, thì việc đem lời ca tiếng hát làm vui đời hay gửi gấm tâm sự mình cho đời cũng đều đáng quí.
Thú thật, dù thỉnh thoảng vẫn nghe loại nhạc boléro, nhưng tôi chưa bao giờ là fan của loại nhạc này (cũng như tôi chưa bao giờ là fan của Khánh Ly khi chị ta ca nhạc TCS; nghe chị ấy ca một hay hai bài thì được, nhưng nghe một loạt 5 bài thì chịu thua). Ấy thế mà khi nghe người mù ca loại nhạc này, tôi lại thấy thích! Có lần ở một quán cà phê dưới quê, tôi yêu cầu một ca sĩ mù hát bài “Trường cũ tình xưa”, và ông đáp ứng yêu cầu tôi một cách tuyệt vời. Hôm nay tôi trở về thăm trường cũ / Nhiều nét đổ thay tường mái rêu mờ / Bên hiên hằng giờ tìm những bạn xưa / May ra có còn đôi đứa / Vẫn yên vui sống đời học trò ... Bâng khuâng đợi chờ người sao chẳng đến / Hỏi lá hỏi hoa chỉ thấy im lìm / Cây dương đầu trường còn khắc hàng tên / Hoa leo phũ phàng đan kín / Tiếng ve ru nghe gợi buồn thêm … Bạn cũ xa rồi, có người về đất buôn xuôi / Năm ba đứa bạt phương trời / Hai thằng chờ đầu quân năm tới … Ve ơi, hát gì điệu nhạc lâm ly Khóc người biền biệt. Chỉ với cái đàn điện, và nhiều nhạc cụ tự chế (kể cả loa) ông thể hiện ca khúc làm tôi gần khóc, vì cách đó chỉ vài bước là trường tiểu học tôi theo học từ hồi còn nhỏ.
NVT
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=306272&ChannelID=89
Thứ Hai, 16/03/2009, 04:25 (GMT+7)
Ông Động “boléro”
TT - Những khúc nhạc buồn boléro dường như lạc lõng giữa những âm thanh ồn ào của thực khách. Đêm nay, ông Động hát khá nhiều nhưng xấp vé số trên tay ông sao vẫn còn nhiều.
Đêm dần về khuya, ông vẫn say sưa hát như một nghệ sĩ boléro đường phố đích thực. “Kiếp này xin làm người hát rong, để cho đời không chê trách…” - giọng ông trở nên nghẹn lại khi chợt nhớ ngày mai đến thời hạn đóng học phí cho con rồi...
Đã đi gần hết cuộc đời nhưng ông Nguyễn Vũ Động vẫn chưa một lần nhìn thấy mặt vợ và những đứa con thân yêu của mình. Hai mắt mù lòa đã đẩy ông vào cuộc sống của bóng đêm. Gần 30 năm làm nghề hát rong, ông vật lộn với một cuộc đời không ánh sáng để chắt chiu từng đồng tiền bán vé số nuôi đàn con khôn lớn, vào đại học.
“Nốt nhạc” cuộc đời
Cứ đến hạn đóng học phí cho con là người tôi như lên cơn sốt. Nhiều lúc kẹt tiền không biết mượn ai. Mù lòa như tôi chẳng có ai dám cho mượn. Chỉ ráng lo hát, bán vé số mà lo cho con. Nhiều khi tôi thấy mình như một bóng ma của cuộc đời. Nhưng cuộc đời đã sắp đặt và ban tặng cho mình đàn con ngoan thì mình phải ráng sống cho đàng hoàng”, ông nói.
Ngày nào cũng vậy, cứ chạng vạng tối người ta đã thấy ông có mặt ở quán bánh xèo 46A Đinh Công Tráng, quận 1, TP.HCM bắt đầu cho một đêm hát rong, bán vé số mưu sinh của mình. Mỗi đêm ông đi bộ không dưới hàng chục cây số từ các quán ăn, quán nhậu trên con đường này, vòng qua các quán ăn trên đường Pasteur rồi quanh xuống bờ kè Trần Khánh Dư, lại trở về các quán nhậu đường Nguyễn Công Trứ, Hải Triều… Hầu như hằng đêm ông về tới phòng trọ khi trời đã gần hừng sáng.
Mới lên 4 tuổi, căn bệnh đậu mùa đã cướp mất ánh sáng của đời ông. Nhà nghèo, cha mẹ đông con, cậu bé mù được một người quen tốt bụng của gia đình đưa từ vùng quê Bình Thuận lên Sài Gòn học trường dành cho người mù. “Tôi may mắn được cho học tại Trường dạy nam sinh mù, sau đó học chữ nổi ở Trường Lasan. Năm 1972 thì đậu tú tài 2 rồi học môn tâm lý học tại Đại học Văn khoa Sài Gòn được một năm thì miền Nam giải phóng” - ông kể.
Việc học dở dang, ông không biết phải làm nghề gì kiếm sống nên đành lần mò bỏ phố về lại vùng quê Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận. Chàng trai khiếm thị quay về quê cuốc đất trồng cải. “Cứ cuốc một nhát thì phải đưa chân đá một cái cho đất vỡ ra. Nhiều khi đá hụt vì không thấy đường”, ông nhớ lại. Một cô gái tình cờ đi ngang thấy lạ, hỏi ra mới biết ông bị mù. Không ngờ lại có duyên nợ. Cô gái ấy sau này trở thành vợ ông.
“Căn nhà” hai vợ chồng ông ở là một cái chòi giữa đồng không mông quạnh, cách con đường làng nhỏ khoảng 3km bờ ruộng ngoằn ngoèo. Dưới gầm giường quanh năm cỏ và lúa mọc um tùm, rắn vào tận giường để ở.
Khó khăn trăm bề, ông đi cuốc đất mướn nhưng mù lòa không ai thuê. Thêm đứa con nữa chào đời. Cuộc sống cơ cực quá nên ông không còn lựa chọn nào khác là trở lại Sài Gòn. May mắn có người bạn học cũ ở trường dạy nam sinh khiếm thị ngày trước cho ngủ nhờ qua đêm, còn ban ngày ông đi bán vé số dạo kiếm tiền gửi về cho vợ nuôi con.
Mỗi tháng về thăm nhà một lần là ông lại ứa nước mắt khi nghe hai con nhỏ kể chuyện phải đi bộ một mình vài cây số đến trường mẫu giáo. Giữa đường bị trẻ em cùng lứa ăn hiếp, bị đánh thường xuyên và bị giễu cợt chỉ vì cái tội “cha nó bị mù”.
Ông khóc rồi khuyên con nếu thương cha thì phải cố gắng chịu đựng mà lo học. “Nhất định cực khổ mấy cũng phải chấp nhận để nuôi đàn con khôn lớn, ăn học thành tài”, ông tự hứa với lòng như vậy. Mỗi ngày ông chỉ ăn một lon gạo và 2.000 đồng dưa leo với muối để tiết kiệm tiền gửi về lo cho con.
“Sống trên đời này, người giàu sang cũng như người nghèo khó. Trời đã ban cho, ta cám ơn trời dù sống thương đau…”, giọng ca trầm buồn của ông Động vừa cất lên khiến dãy phòng trọ tồi tàn trở nên im ắng và sang trọng lạ thường. Ông bảo: “Làm nghề này lúc người ta xua đuổi thì buồn lắm. Nhưng con người ta đều có lòng tự trọng. Khách không đồng ý thì mình rút lui liền. Quán nào chủ cho vào thì chúng tôi tri ân nhiều lắm. Mình chỉ hát phục vụ và mời gọi mọi người mua vé số ủng hộ, chứ tuyệt đối không bao giờ nhận tiền bố thí hay xin xỏ. Làm nghề gì cũng phải có lòng tự trọng của mình”.
“Mỗi khi gặp khách thích văn nghệ mời hát thì tôi vui lắm. Tôi hát suốt đêm cũng được. Tôi mê những bản nhạc và điệu nhạc boléro trầm buồn như chính cuộc đời mình” - ông kể. Có lẽ vậy mà bạn bè còn gọi ông là ông Động “boléro”. Thỉnh thoảng gặp khách “sộp” mời hát cả chục bài, rồi biếu ít tiền thù lao bồi dưỡng. Sáng hôm sau nhất định ông sẽ mua cái gì đó gửi về cho con. Khi thì cặp sách, khi thì bộ quần áo. “Hạnh phúc nhất là khi lo xong mọi khoản chi tiêu cho mình và học phí cho con, gom được ít đồng gửi về quê cho các con ăn một bữa tưng bừng”, ông hồ hởi, khoe.
“Con là ánh sáng đời cha”
Niềm vui lớn nhất của đời ông là các con ông đều học rất giỏi. Cô con gái thứ hai Nguyễn Vũ Trúc Vũ vừa tốt nghiệp đại học loại giỏi khoa công nghệ thực phẩm của Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, và cũng vừa mới thử việc tại một công ty cổ phần trên đường Cao Thắng, quận 10.
Trúc Vũ nổi tiếng là học sinh giỏi từ lớp 1-12, từng giành giải ba kỳ thi giỏi tiếng Anh cấp tỉnh, thi tốt nghiệp phổ thông cả năm môn đều trên 9 điểm. Còn lên đại học Vũ đã giành được học bổng Rencontres du Vietnam dành cho sinh viên nghèo vượt khó.
Người con trai đầu lòng của ông là Nguyễn Vũ Lê Vũ cũng mới tốt nghiệp Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, vừa được ký hợp đồng làm việc tại Công ty Toyota Đông Sài Gòn với mức lương 1,2 triệu đồng/tháng. Cô con gái thứ ba là Nguyễn Vũ Xuân Vũ đang học kế toán tại Trường ĐH Bình Dương. Nguyễn Vũ Ánh Vũ, người con gái thứ 4, đang học lớp 12 Trường THPT Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận.
Còn cô con út Nguyễn Vũ Vi Vũ cũng đang là học sinh lớp 9 của trường này. Ông bảo Vi Vũ là niềm hi vọng lớn nhất của ông khi cháu là học sinh giỏi từ lớp 1-9. “Tôi mong con gái út sẽ đậu vào Đại học Y khoa nên sẽ tiếp tục hát rong, bán vé số cho đến khi nào cháu tốt nghiệp đại học mới thôi”, ông đầy hi vọng nói.
Thương cha mù lòa, đi bán vé số cực khổ, ngoài giờ học các con lớn của ông tranh thủ đi làm thêm gia sư phụ cha lo học phí, trang trải việc học hành. Khi đã ra trường có việc làm, hai con lớn của ông đề nghị cha thôi bán vé số để các con phụng dưỡng. Nhưng ông nhất định không chịu: “Cha còn khỏe thì còn đi hát, bán vé số nuôi tiếp mấy đứa em tụi con học lên ĐH. Tụi con thương cha thì làm việc tốt, phụ cha lo cho em là tốt rồi. Các con là ánh sáng đời cha mà”.
“Ba là niềm tự hào của tụi em. Nếu không có ba thì không biết cuộc đời của tụi em bây giờ sẽ ra sao nữa. Cả đời ba hát rong khổ cực chỉ để tụi em được nên người”, Lê Vũ và Trúc Vũ bật khóc khi nói về cha mình. Nếu có một ước mơ thì các con của ông đều nói chỉ mong cho ba mình được về quê sống với mẹ vì ông cũng đến tuổi thất thập cổ lai hi rồi.
“Bang chủ cái bang”
Ông Động nói: “Tôi còn khỏe thì còn đi hát dạo, bán vé số nuôi con nên người” - Ảnh: Nguyệt Biều
Dãy phòng trọ ở căn nhà 2C/D9 cư xá Cửu Long, phường 22, quận Bình Thạnh nơi ông Động cư ngụ đã trở thành “làng mù boléro” của Sài Gòn khi có đến năm người mù sống bằng nghề hát rong, bán vé số hằng đêm tại các quán ăn. Mỗi căn phòng trọ chỉ rộng chưa tới 9m2, chật chội nhưng ấm áp tình bạn. Ông Nguyễn Vũ Động được bạn bè mù gọi vui là “bang chủ cái bang” vì ông là người đàn anh luôn đứng ra cưu mang, giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ.
Mỗi sáng thức dậy ông luôn gọi bạn bè ngồi lại, khi cùng nhau uống ly trà, hỏi han, chia sẻ với từng người để nếu có chuyện hữu sự thì giúp đỡ. Khi thì ông cho bạn bè túng thiếu vay ít tiền mà ông dành dụm đóng học phí cho con để trang trải cuộc sống lúc khó khăn. Lúc lại đứng ra vận động những người cùng cảnh ngộ góp tiền giúp “đồng nghiệp” đau ốm. Ông cũng truyền dạy miễn phí ngón đàn, lời ca cho khá nhiều “đồng nghiệp” cùng cảnh ngộ mới vào nghề.
NGUYỆT BIỀU
Xem thêm: Giám sát quy trình quay số Vietlott - Bộ Công an phối hợp vào cuộc
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét