Giới khoa học xã hội đã từ lâu biết rằng con người nói chung cảm nhận rằng người có sắc diện hấp dẫn là những người thông minh và giỏi giang trong công việc. Đã có rất nhiều nghiên cứu trong quá khứ để xem cảm nhận này có đúng hay không, và kết quả thường cho thấy quả thật có mối tương quan thống kê giữa sự đánh giá tính hấp dẫn và đánh giá thông minh. Nhưng tại sao người ta (hay chúng ta) lại có cảm nhận này?
Đặc tính hấp dẫn là một yếu tố quan trọng trong việc chọn bạn, và có bằng chứng cho thấy những quan tâm về việc chọn bạn không phải là lí do để chúng ta nghĩ rằng người đẹp là người thông minh. Chúng ta có vài bằng chứng cho phát biểu đó:
(a) Trước hết, trẻ em trong độ tuổi mầm non cũng cảm nhận về mối tương quan giữa sắc đẹp và khả năng. Khi được hỏi các em chọn giữa hai cô giáo, một người có sắc diện dễ nhìn (hay đẹp) hơn người kia, thì phần lớn các em đều chọn cố giáo có sắc diện đẹp, bởi vì các em nghĩ rằng cô ấy có khả năng hơn và dễ thương hơn.
(b) Thứ hai, và có lẽ quan trọng hơn, là ở người lớn, cảm nhận về mối tương quan giữa sắc đẹp và khả năng chẳng những hiện hữu trong mỗi giới và còn giữa hai giới nam và nữ. Không phải chỉ có đàn ông mới tin rằng phụ nữ đẹp thông minh hơn phụ nữ kém đẹp, hay phụ nữ nghĩ rằng đàn ông dễ nhìn thông minh hơn đàn ông xấu xí, mà ngay cả đàn ông cũng tin rằng đàn ông đẹp trai thông minh hơn đàn ông không đẹp trai, và phụ nữ cũng nghĩ rằng giữa họ với nhau, người đẹp thường thông minh hơn người kém đẹp.
Bởi vì trẻ em 5 tuổi không có khái niệm về chọn bạn tình, và phần lớn chúng ta là người không đồng tính luyến ái, cho nên những bằng chứng trên đây cho biết ngoài lí do chọn bạn ra, cảm nhận về mối tương quan giữa sắc diện và thông minh còn chịu ảnh hưởng của yếu tốc khác.
Các nhà xã hội học và tâm lí học, có lẽ do lí do “phải đạo” nào đó, tin rằng sắc đẹp chỉ là bề ngoài da và tùy thuộc vào cảm nhận cá nhân (Người Anh có câu “beauty is in the eye of the beholder”), nên họ không chấp nhận kiểu đánh giá đẹp hay thông minh, và cho đó là sự “rập khuôn” không có cơ sở khoa học. It is a stereotype that beautiful people are more intelligent. Nhưng trong thực tế thì quả thật cảm nhận của phần đông chúng ta cũng có cơ sở khoa học đấy.
Lấy kết quả của công trình National Longitudinal Study of Adolescent Health làm ví dụ. Đây là nghiên cứu do một nhóm khoa học gia thuộc Đại học North Carolina (Chapel Hill) thực hiện trên 15,197 người với tuổi trung bình là 22. Trong nghiên cứu này, họ đo lường các chỉ số thông minh (IQ), chỉ số về sắc diện và thể diện. Sự hấp dẫn của đối tượng được đánh giá bằng một chỉ số gồm 5 giá trị (1 = rất ít hấp dẫn -- very unattractive, 2 = ít hấp dẫn -- unattractive, 3 = trung bình -- average, 4 = hấp dẫn -- attractive, and 5 = rất hấp dẫn – very attractive). Người đánh giá hoàn toàn không biết gì về chỉ số IQ. Biểu đồ sau đây cho thấy mối liên hệ giữa sắc diện và IQ.
Như có thể thấy, mối tương quan giữa sắc diện và thông minh gần như là một đường thẳng. Người được đánh giá là “rất ít hấp dẫn” có chỉ số IQ trung bình là 94.2; thấp hơn khoảng 6 điểm so với những người được đánh giá là “hấp dẫn” hay “rất hấp dẫn”.
Nhưng cả hai đặc tính hấp dẫn và thông minh có thể liên hệ với giới tính. Tính trung bình, nam có chỉ số IQ cao hơn nữ, và nữ có mức độ hấp dẫn hay lôi cuốn cao hơn nam. Do đó, các nhà nghiên cứu phải phân tích mối tương quan giữa sắc diện và IQ cho từng giới (xem 2 biểu đồ dưới đây).
Nhìn qua 2 biểu đồ này chúng ta thấy mối tương quan giữa sắc diện và IQ vẫn hiện hữu trong cả nam và nữ, nhưng không tuân theo một hàm số tuyến tính nữa. Phụ nữ “rất hấp dẫn” tính trung bình có chỉ số IQ cao hơn nữ “rất ít hấp dẫn” khoảng 6 điểm. Tương tự, đàn ông “rất hấp dẫn” có chỉ số IQ cao hơn đàn ông “rất ít hẫp dẫn” khoảng 8 điểm.
Nói tóm lại, cảm nhận về mối tương quan giữa sắc diện và thông minh cũng có cơ sở thực tế. Cố nhiên, đây chỉ là những mối tương quan quần thể, chứ trong thực tế vẫn có người không hấp dẫn mà rất thông minh (cứ nhìn qua mấy nhà khoa học chúng ta ít thấy ai hấp dẫn), và ngược lại, có những cô gái rất xinh đẹp nhưng chỉ số IQ thì không mấy cao và ăn nói cũng không có duyên. Nhưng tính trung bình thì người có sắc diện dễ nhìn có vẻ có chỉ số IQ cao hơn người có sắc diện kém cân đối.
NVT
Xem thêm: Vitamin D và gãy xương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét