Đối với các phóng viên ngoại quốc (phương Tây) Việt Nam không (hay chưa) có tự do báo chí. Nhà nước Việt Nam không đồng ý với quan điểm này của giới báo chí phương Tây. Cứ mỗi lần có ai đặt vấn đề tự do báo chí thì Người phát ngôn Bộ ngoại giao lặp lại quan điểm rằng Việt Nam có tự do báo chí, rồi lấy con số mấy trăm tờ báo ra làm bằng chứng.
Nhưng thật sự tôi không thấy con số tờ báo có liên quan gì đến tự do báo chí cả. Ừ, thì có nhiều tiếng nói đó, nhưng hình như những tiếng nói này na ná giống nhau. Điều này cũng dễ hiểu vì tất cả báo chí chỉ trực thuộc sự kiểm soát của Đảng, nên làm sao họ nói khác được. Vấn đề là những tờ báo này chưa bao giờ là diễn đàn cho những tiếng nói phản biện, chưa bao giờ là phương tiện cho những tranh luận công khai về các vấn đề mà người dân quan tâm. Nhưng nếu có những ai lên tiếng thì có khi chuốc họa vào thân, chẳng hạn như trường hợp của một số phóng viên gần đây.
Thật vậy, dạo này, Nhà nước có vẻ bố ráp giới truyền thông rất căng. Giới phóng viên liên tục bị “hỏi thăm”, và có người thậm chí còn bị bắt bớ, giam cầm. Một bầu không khí ngột ngạt.
Tháng trước, khi còn ở TPHCM tôi đã nghe đồn đại râm ran rằng Huy Đức sẽ bị bắt, thậm chí còn nghe công an đã thông báo Sài Gòn Tiếp thị (nơi Huy Đức công tác) là sẽ bắt anh ta. Thế nhưng sau đó thì chẳng thấy công an động tĩnh gì. Nhưng (vẫn nghe nói) Huy Đức bị theo dõi gắt gao, cứ mỗi lần rời tòa soạn là có người chạy xe kè kè theo sau. Điện thoại và email cũng có thể bị theo dõi. Đến giữa tháng 8 khi còn dự hội nghị nội tiết thì tôi nghe một anh bạn cho biết Huy Đức đã bị SGTT cho nghỉ việc.
Tôi cũng thỉnh thoảng viết cho SGTT, và đồng tình với những bài viết của anh. Nói tôi ngưỡng mộ những ý kiến sắc sảo của anh cũng đúng. Do đó, khi còn ở Sài Gòn, tôi đã có ý định rủ Huy Đức đi uống cà phê, nhưng chưa làm được điều này. Hôm tháng 7 thì anh ta đi công tác, còn tôi thì sắp về Sydney. Đến tháng 8 tôi bận túi bụi nên cũng không có thì giờ để mời Huy Đức uống cà phê. Thật là tiếc! Hi vọng Huy Đức an toàn trong tương lai.
Hôm nay, đọc tin này mới biết là phóng viên Đoan Trang của TuanVietNam bị bắt. Tôi vẫn theo dõi đọc những bài viết của Đoan Trang về các vấn đề biển Đông, và rất có cảm tình với cô phóng viên mà tôi biết là còn trẻ này. Trước đây, tôi cũng thường viết cho TuanVietNam (khi đặc san này mới ra đời), nhưng sau này thì bận quá nên rất ít viết cho họ. Dù chưa ghé qua tòa soạn lần này, chưa gặp bất cứ ai trong tòa soạn, nhưng tôi nghe bạn bè báo chí kể rằng TuanVietNam chỉ do vài cô phóng viên trẻ điều hành, và điều này làm tôi phục sát đất. Những người như Đoan Trang và đồng nghiệp của chị ấy trong TuanVietNam (mà tôi không nêu tên) làm tôi còn hi vọng về giới trí thức trẻ ở trong nước.
Điều đáng nói ở đây là sự im lặng của cơ quan chủ quản SGTT và Vietnamnet. Dù phóng viên của họ bị bắt nhưng Vietnamnet thậm chí không có đến một bản tin về chuyện này! Còn SGTT thì im lặng về sự ra đi của Huy Đức. Thái độ này rất khác với giới truyền thông bên Úc mà tôi biết. Còn nhớ một phóng viên của đài truyền hình số 7 và phóng viên của tờ Sydney Morning Herald ra tòa, mà họ đưa tin gần như hàng ngày. Khi một phóng viên kì cựu nào rời tờ báo, tôi thấy họ đều đưa tin rất trang trọng. Thậm chí một cây bỉnh bút đi nghỉ một thời gian (nghỉ hè hay điều trị bệnh) tờ báo đều thông báo cho độc giả biết. Nói thế thôi, chứ tôi cũng hiểu tại sao Vietnamnet và SGTT im lặng, bởi vì họ chịu sự chi phối của Bộ 4T. Khi Bộ 4T không cho phép thì sao họ dám viết gì. Phải thông cảm cho họ!
Đầu tuần này thì nghe tin một blogger nổi tiếng (Người buôn gió) bị bắt. Anh nổi tiếng đến độ những ai hay đọc blog đều biết đến Người buôn gió qua loạt bài Đại Vệ Chí Vị. Có lần ngồi nói chuyện phiếm với bè bạn ở Thanh Đa, một anh bạn nói Người buôn gió chắc chắn phải là một người ngoài Hà Nội, vì theo anh, chỉ có dân “sĩ phu Bắc Hà” mới nghĩ ra những câu chuyện độc đáo và thâm thúy như thế, chứ còn dân miền Nam nếu có bức xúc quá thì chửi vài câu rồi kéo nhau đi … nhậu. Vâng, tôi cũng là một fan của Người buôn gió, và thán phục cái tâm và tầm của anh ta. Nay anh lại bị bắt làm tôi thấy buồn cho không khí báo chí ở trong nước quá.
Dù giới an ninh Việt Nam đánh giá thế nào về những phóng viên vừa kể, tôi vẫn xem họ là những công dân ưu tú và can đảm của Việt Nam.
Điều đáng chú ý là tất cả những phóng viên bị bắt bớ gần đây đều là những người từng viết bài liên quan đến Trung Quốc. Điều này dẫn đến thắc mắc: Chẳng biết các quan bộ hình nước Tề có tác động hay đứng đằng sau giật giây nước Vệ (nói theo ngôn ngữ của Người buôn gió) để bắt bớ những công dân ưu tú này?
NVT
===
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/08/090831_vnn_journalist_arrest.shtml
Một phóng viên của VietNamNet bị bắt
Một nhà báo thường viết mảng chính trị - xã hội của báo điện tử VietNamNet bị công an bắt giữ, nhưng chưa rõ lý do.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập của VietNamNet, xác nhận với hãng tin Đức DPA rằng phóng viên Phạm Đoan Trang bị bắt thứ Sáu tuần trước và hiện vẫn bị tạm giữ.
Một đồng nghiệp và là bạn của cô Đoan Trang cũng xác nhận với BBC tin này.
Đoan Trang là nhà báo viết cho chuyên trang TuanVietNam.net của VietNamNet.
Trong bài viết gần đây hồi tháng Bảy, nhìn lại Hội nghị Geneva 1954, Đoan Trang dẫn các nguồn tư liệu nước ngoài, cho rằng lợi ích của Việt Nam đã bị hy sinh vì "cuộc đàm phán của các nước lớn".
Tác giả cũng nhìn nhận có sự "phân biệt đối xử" với người Việt đã ra nước ngoài vì hệ quả của chiến tranh.
Nữ phóng viên trẻ này cũng từng viết về tranh chấp Hoàng Sa - Trường Sa, khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại đây.
Tuy vậy, VietNamNet không cho biết phóng viên Đoan Trang bị công an bắt giữ vì lý do gì.
Hôm thứ Năm tuần rồi, blogger Người Buôn Gió, thường viết các bài chỉ trích chính phủ, đã bị bắt.
Cũng trong tuần, nhà báo và là blogger nổi tiếng Huy Đức rời khỏi báo Sài Gòn Tiếp Thị sau khi tòa soạn "bất đồng quan điểm" với ông quanh bài trên blog về Bức tường Berlin.
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét