Mới đọc qua bản tin “4 năm tới, Việt Nam sẽ có 4 trường ĐH theo chuẩn quốc tế” tôi tưởng rằng 4 năm nữa VN sẽ có 4 trường đại học đẳng cấp quốc tế (world class university), nhưng đọc kĩ thì thấy là chỉ dự tính thôi.
Điều đáng nói là Bộ GDĐT có vẻ thích mô hình của Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (HKUST). Một quan chức của Bộ nói rằng vào thời điểm mà HKUST thành lập (đầu thập niên 1990) Hồng Kông cũng lưỡng lự như VN hiện nay là nên xây trường mới hay đầu tư vào những trường lâu đời có sẵn. Nhưng tôi nghĩ nhận định này của Bộ sai. Rất sai. Trước khi có trường HKUST, Hồng Kông đã có những đại học danh tiếng, có thể nói là có đẳng cấp quốc tế. Những trường như University of Hong Kong và Chinese University of Hong Kong đã là những học viện có tiếng chẳng những trong vùng mà còn trên trường quốc tế. Họ thu hút khá nhiều giáo sư tài năng từ nước ngoài. Cho đến nay, hai trường này vẫn là hàng top của Hồng Kông và Á châu, còn HKUST thì làm sao sánh được.
Quan chức của Bộ GDĐT nói: “Tuy vậy, chỉ trong vòng 15 năm kể từ ngày khai giảng khoá đầu, trường đã được NewsWeek xếp hạng 60 trên toàn thế giới, cao nhất trong số các trường ĐH ở Hồng Kông.” Nhưng tôi không thấy tài liệu nào nói như thế. Thật ra, chỉ thấy tài liệu nói HKUST xếp vào hạng 24 về công nghệ. Mà, như tôi từng nhận xét, mấy loại xếp hạng này cũng chẳng đáng tin cậy, vì nó rất … tào lao. Ngay cả cách xếp hạng [nổi tiếng] của nhóm Đại học Giao thông Thượng Hải (bên Tàu) khi bị một nhóm nghiên cứu Hà Lan mắng cho là “không biết nghề” thì mới chịu thú nhận là … sai. Nói chung, chẳng có cách xếp hạng nào đáng tin cậy cả. Cứ chạy theo những hạng này là một sai lầm ghê gớm vì làm hao tổn tiền bạc và nhân lực cho những mục tiêu không có thật.
Hồng Kông là một nơi có thể chế chính trị cởi mở, tương đối dân chủ, hệ thống hành chính Tây phương, mà với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và tài chính, họ cần đến 15 năm để đưa MỘT đại học lên hàng kha khá (chứ chưa phải là world class như Bộ GDĐT nghĩ đâu); còn Việt Nam ta với cái hệ thống “hành là chính”, cơ chế cồng kềnh, hệ thống giáo dục bệ rạc như hiện nay mà dám nói rằng trong 4 năm sẽ có 4 đại học đẳng cấp quốc tế thì đúng là một giấc mơ quá lãng mạn. Ngày xưa thi sĩ Hàn Mặc Tử rao bán trăng, còn ngày nay mấy người trong Bộ GDĐT đang rao bán hi vọng.
NVT
===
http://vietnamnet.vn/giaoduc/2009/08/862624/
4 năm tới, Việt Nam sẽ có 4 trường ĐH theo chuẩn quốc tế
Dự kiến, 4 trường ĐH đẳng cấp quốc tế sẽ được thành lập ở Việt Nam vào năm 2013. Dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, hướng xây dựng được đưa ra bàn thảo đầu tháng 8 với sự tham gia của đại diện nhóm tư vấn và các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục trong và ngoài nước.
Bộ GD-ĐT cho hay, kinh phí dựng 4 trường bằng vốn vay khoảng 400 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Châu Á (ADB). 4 trường ĐH được xây dựng theo mô hình ĐH công lập, phi lợi nhuận, chất lượng cao tiến tới trình độ quốc tế vào năm 2020; đồng thời, có ít nhất 1 trường có tên trong danh sách 200 trường ĐH hàng đầu thế giới.
Xây mới
Từ kết quả nghiên cứu một số mô hình ĐH đẳng cấp quốc tế của Trung Quốc, bà Trần Thị Hà - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho rằng, việc xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế là một nhu cầu xuất phát từ sự cạnh tranh khốc liệt về GDĐH trong và ngoài nước. Đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu, tập trung cho dự phát triển nền kinh tế tri thức...
Do đó, trường ĐH đẳng cấp quốc tế trước hết phải là trường ĐH đa ngành và là ĐH nghiên cứu, biết tập trung trọng điểm, hướng nhu cầu xã hội. Xây dựng được đội ngũ giảng viên xuất sắc tạo động lực phát triển. Bên cạnh đó, phải có chính sách thu hút tài năng hợp lý, có bước đi thích hợp.
Kinh nghiệm nêu trên đã được ĐH Khoa học và công nghệ Hồng Kông (HKUST) vận dụng hiệu quả - bà Hà dẫn dụ. Tại thời điểm chuẩn bị thành lập HKUST, chính quyền Hồng Kông cũng đang ở trong tình trạng phải chọn lựa như Việt Nam hiện nay: Hoặc là đầu tư vào trường ĐH danh tiếng đã có lịch sử lâu dài như ĐH chưngh khoa Hồng Kông, ĐH Hồng Kông - hoặc mở một trường với mô hình hoàn toàn mới như HKUST.
Những thành công trong 15 năm của HKUST càng chứng tỏ quyết định xây mới và bước đi của trường là chính xác. Đến nay, HKUST chỉ có 6.000 sinh viên với diện tích khoảng 60ha. So về quy mô nhỏ hơn 5 lần và diện tích nhỏ hơn 10 lần so với hai ĐHQG của Việt Nam - bà Hà cho biết.
Tuy vậy, chỉ trong vòng 15 năm kể từ ngày khai giảng khoá đầu, trường đã được NewsWeek xếp hạng 60 trên toàn thế giới, cao nhất trong số các trường ĐH ở Hồng Kông.
Điều này cho thấy, truyền thống và bề dày lịch sử của nhà trường có vai trò rất quan trọng nhưng không có tính chất quyết định. Yếu tố quyết định vẫn là đội ngũ cán bộ - bà Hà chia sẻ.
Đại diện nhóm tư vấn quốc tế trong dự án hỗ trợ kỹ thuật nêu kinh nghiệm, tất cả những trường ĐH lớn trên thế giới đều là các trường tự quản.
Khoảng một nửa số sinh viên là học viên sau ĐH, từ 10-30% sinh viên là người nước ngoài. Đồng thời, có mối liên hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp và nghề nghiệp. Và kinh phí của Nhà nước đầu tư cho 1 sinh viên từ 20.000USD - 50.000USD/năm...
Ba yếu tố then chốt tạo nên thành công của các trường ĐH đẳng cấp thế giới: tập trung tài năng, nguồn kinh phí dồi dào, quản trị và quản lý phù hợp - đại diện nhóm tư vấn cho hay.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long phân tích, không có công thức chung và diệu kế để "tạo ra" trường ĐH đẳng cấp quốc tế. Mỗi quốc gia phải chọn cách đi phù hợp những thế mạnh và nguồn lực của mình...
Tuy nhiên, việc nhận thức được thực tế và sự nhạy cảm đối với lợi ích xã hội cũng là một nhân tố cần giải bài toán này. Sự mờ nhạt trong khái niệm về trường ĐH đẳng cấp quốc tế, cùng với việc không thể đo được chất lượng và nhiệm vụ nặng nề của GD ĐH - khiến cho "cuộc chiến" càng trở nên khó khăn với các quốc gia đang phát triển và kém phát triển.
Tăng chi, chấp nhận "nhập khẩu"...
Sau khi nghe ý kiến từ phía các nhà quản lý và chuyên gia, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân gợi mở: 4 mô hình mới được xây dựng tương lai sẽ là 4 "lò" đào tạo tiến sĩ theo chuẩn quốc tế; Cùng với việc tạo ra và nhân rộng những tri thức mới, công nghệ mới - đây sẽ là mô hình sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả, có cơ cấu tổ chức, quản lý hiệu quả và phát triển bền vững...
Kế hoạch triển khai đến nay đã đạt một số kết quả:
- Thành lập Trường ĐH Việt Đức trên khu đất 20ha trong khuôn viên ĐHQG TP.HCM. Trường đã tuyển sinh khoá 1 và đang chuẩn bị tuyển sinh khoá 2.
- Trường ĐH Khoa học Công nghệ đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thành lập về nguyên tắc với diện tích 60ha trong Công viên khoa học Hòa Lạc.
- Xác định phương thức xây dựng đề án tiền khả thi 2 mô hình trường ĐH mới tại Đà Nẵng và ĐH tại Cần Thơ.
Xa hơn, 4 mô hình ĐH đẳng cấp quốc tế sẽ góp phần tạo hình ảnh quốc gia về đào tạo và hợp tác với nước ngoài - người đứng đầu ngành GD mong đợi.
Để tạo nên 4 "máy cái" nhân rộng các tri thức mới, theo ông Nhân: khâu tuyển dụng "đầu vào" phải khắt khe, sinh viên (SV) nhập học phải là những SV xuất sắc. Giảng viên và các nhà quản lý cũng phải xuất sắc có thể được tuyển dụng trong nước và nước ngoài. Đồng thời, nguồn lực tài chính được huy động từ các nguồn Nhà nước đầu tư, doanh nghiệp và các nhà tài trợ... đảm bảo chi trên đầu SV trên dưới 10.000 USD/năm.
Với những giảng viên và nhà quản lý xuất sắc sẽ được hưởng thu nhập phù hợp, nhưng áp lực lớn và có cơ chế đào thải khi không đáp ứng yêu cầu. Sẽ có cơ chế thu hút giảng viên là những giáo sư, tiến sĩ người nước ngoài - ông Nhân nói.
Song song với việc Chính phủ giám sát chất lượng, sẽ có một tổ chức lo vận động kinh phí từ các tổ chức, doanh nghiệp phục vụ cho giáo dục. Đồng thời, sẽ có 1 tổ chức chuyên trách để kết nối nhà trường với doanh nghiệp...
Giải pháp để thúc đẩy 4 mô hình mới phát triển hiệu quả, ngoài kinh phí, con người tuyển chọn khắt khe - theo Phó Thủ tưởng trước mắt, có thể "nhập khẩu" chương trình đào tạo của các trường ĐH hàng đầu thế giới, "nhập khẩu" phương pháp và công nghệ quản lý của các chuyên gia nước ngoài.
Từ đó khai thác những điểm mạnh phù hợp với văn hoá trong nước để thúc đẩy hiệu quả. Tuy nhiên, cũng phải có thoả thuận, điều kiện đảm bảo chất lượng "đầu ra" - không để tình trạng các trường ĐH Việt Nam hiện nay cứ nhận tiền Nhà nước nhưng không có cam kết - ông Nhân nhấn mạnh.
Bốn quốc gia sẽ là đối tác chiến lược trong việc thúc đẩy xây dựng 4 trường ĐH theo mô hình chuẩn mực quốc tế gồm Đức, Pháp, Mỹ và Nhật. Trong đó, 2 quốc gia Đức, Pháp đã là đối tác chính thức.
Khó thành công nếu thiếu "cộng hưởng"
Theo Phó GĐ ĐHQG TP.HCM Lê Quang Minh, 4 trường được xây dựng theo một mẫu trường ĐH mới để thúc đẩy và tạo động lực cho đổi mới hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam, có khả năng giải quyết các vấn đề lý thuyết và thực tế. Đồng thời, góp phần nâng cao trình độ giáo dục ĐH Việt Nam lên tầm tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, lại chưa nhận được sự đồng thuận...
Do vậy, cần có sự lý giải để dư luận xã hội hiểu mục tiêu không phải xây 4 "ốc đảo", 4 vương quốc rời hẳn hệ thống các trường đang tồn tại và phát triển - ông Minh nói. Điều cần lý giải, tương lai 4 mô hình mới sẽ có đóng góp tích cực về đội ngũ tri thức chất lượng cao cho các trường còn lại.
Cùng với việc "thí điểm" một số mô hình mới, Chính phủ và Bộ GD-ĐT cần có chính sách để việc tuyển chọn đầu vào và sử dụng đầu ra hiệu quả. Tạo điều kiện để SV ra trường được ưu tiên công tác ở các trường ĐH trong nước, từ đó các trường nhận thấy được hưởng lợi để không tạo cảm giác về sự cạnh tranh không đồng đẳng giữa 4 trường và các trường ĐH còn lại.
Cũng cần có cơ chế để nhân rộng mô hình trường ĐH đẳng cấp quốc tế với các trường đủ mạnh - ông Minh đề xuất.
Với những gợi mở từ người đứng đầu ngành GD - ông Minh băn khoăn, nếu đặt vấn đề chỉ tuyển "đầu vào" là những SV có điểm thi đạt 30 thì e không khả thi. Nên đặt ngưỡng, ví như điểm đạt trong khoảng từ 20 - 30, sau đó có thêm các đợt kiểm tra sẽ hợp lý?
Những ý tưởng đưa ra đều là những giải pháp đột phá, nhưng rất mới trong hệ thống - nếu chỉ mình Bộ GD-ĐT sẽ không giải quyết hết được. Vậy, liệu các bộ, ngành khác đã vào cuộc đến đâu? Khi tung những nội dung mới ra mà các bộ, ngành khác chưa sẵn sàng thì sẽ mất nhiều thời gian cho việc... sẵn sàng.
Còn GS Phạm Duy Hiển kiến nghị 2 nội dung, việc dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế cần "kéo" Bộ Khoa học Công nghệ vào cuộc để "lấp" đi một số lĩnh vực khoa học cần được đẩy mạnh. Cùng với đó, cần có xem xét trên bình diện rộng để không có sự trùng lặp các hướng nghiên cứu giữa 4 trường, trong khi còn rất nhiều hướng nghiên cứu còn bỏ trống.
Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Ngọc Hùng nêu thách thức, hiện các nước đang thay đổi chính sách nhập cư để thu hút tài năng nên SV giỏi của Việt Nam rất thờ ơ với học bổng của Chính phủ Việt Nam. Do đó, làm sao để kéo được tài năng cho 4 trường và môi trường làm việc cho các tài năng được đào tạo từ 4 trường là vấn đề Chính phủ Việt Nam cũng cần có chính sách phù hợp.
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét