1. Có cần dùng kem chống nắng?
TS John Ashworth, một chuyên gia da liễu Anh quốc khẳng định: “Rất nhiều người nghĩ rằng cháy nắng 1 chút không sao. Tuy nhiên, nằm dài dưới nắng mà không có bất kỳ sự bảo vệ nào thì chẳng khác gì bạn hút tới 80 điếu thuốc/ngày”.
Hiệu ứng nhà kính khiến tầng ozon mỏng dần, có nơi bị thủng (tầng ozon giống như chiếc dù ngăn chặn hầu hết tia tử ngoại cho trái đất), số lượng người bị ung thư da ngày càng tăng nhanh là những lý do để chúng ta cần đến kem chống nắng.
Xem các loại tia tử ngoại và tác hại của chúng.
2. Có phải dùng kem chống nắng thì có thể tha hồ phơi nắng mà không sợ bị đen da?
Sai. Không có loại kem chống nắng nào có thể bảo vệ các chị khỏi ánh nắng 100% được. Các chị vẫn thấy làn da của mình sẽ đen hơn một chút nếu phơi nắng lâu, mặc dù các chị đã thoa kem chống nắng. (Có thời gian Hà chơi tennis từ 7h30-9h sáng, thoa kem chống nắng loại có SPF 81+, nhưng vẫn bị rám. Phải mất gần 6 tháng chăm sóc nuôi dưỡng làn da mới “nhả nắng” trở lại như cũ).
3. Kem chống nắng có SPF 30 thì khả năng bảo vệ da gấp đôi kem có SPF 15 đúng không?
Sai. Khả năng chống tia tử ngoại không tỉ lệ thuận với chỉ số SPF. Kem chống nắng có chỉ số SPF 15 hấp thu tối đa 94% tia tử ngoại, SPF 20 hấp thu tối đa 95%, SPF 30 là 96%, SPF 45 là 97 %, SPF 60 là 98%.
Chỉ số SPF là gì.
4. Có phải kem chống nắng chỉ số SPF càng cao thì tốt hơn kem có chỉ số SPF thấp?
Đúng nhưng chưa đủ (xem thêm câu 3). Như các chị thấy ở trên, SPF từ 30 trở lên thì khả năng hấp thu tia tử ngoại không chênh lệch nhau nhiều. Kem chống nắng SPF thấp (20-40) thích hợp dùng cho mặt và những vùng da mỏng. SPF càng cao sẽ cho phép các chị ở dưới ánh nắng lâuhơn.
Mỗi đơn vị SPF có khả năng bảo vệ từ 10 đến 15 phút.
Ví dụ: Các chị mua 1 sản phẩm kem chống nắng có SPF 30 thì lấy 30 x 10 (hoặc 15) = 300p (hoặc 450p) tương đương với 5 giờ (hoặc tối đa 7.5 giờ) là thời gian bảo vệ da không bị bắt nắng. Sau thời gian này nếu vẫn còn tiếp xúc với ánh nắng thì các chị nên bôi thêm một lần nữa.
Nếu chơi thể thao ra mồ hôi nhiều hoặc khi tắm biển thì các chị nên bôi lại kem chống nắng sau vài giờ.
Lời khuyên: Luôn luôn dùng kem chống nắng có SPF>15
TS John Ashworth (chuyên gia da liễu người Anh) nhấn mạnh: “Tôi nghĩ bất kỳ cái gì mà chỉ số SPF dưới 15 đều vô giá trị. Nếu chỉ dùng 1 lượng nhỏ vào những ngày nóng thì khả năng bảo vệ càng thấp vì mồ hôi nhanh chóng rửa trôi tất cả”.
Hình bên thể hiện khả năng chống nắng của các chỉ số SPF khác nhau (màu càng nhạt nghĩa là càng ít bị cháy nắng). Các chị có thể thấy rõ với SPF dưới 15 thì làn da được bảo vệ rất ít.
5. Nên bôi kem chống nắng trước hay ngay khi ra nắng?
Bất cứ loại kem chống nắng nào cũng mất từ 20-30 phút để hoàn toàn thẩm thấu và tạo ra bức tường ngăn chặn tia tử ngoại (còn gọi là tia cực tím hay tia UV). Để đạt hiệu quả chống nắng tốt nhất, các chị nên thoa kem chống nắng 20 phút trước khi ra nắng.
6. Có phải trời âm u thì không cần kem chống nắng?
Sai. Tia UVA vẫn còn nguyên vẹn mặc dù trời âm u (UVA gây nám, lão hóa da và các vết nhăn) nên các chị cũng đừng chủ quan khi trời âm u hoặc ở trong bóng râm.
Xem chi tiết các loại tia tử ngoại và tác hại của chúng.
7. Làm sao dùng được kem chống nắng nếu có trang điểm?
Nhiều loại mỹ phẩm được trang bị khả năng chống nắng như kem chống nắng, thể hiện bằng chỉ số SPF và PA ghi ngoài vỏ.
8. Khi trang điểm với các mỹ phẩm có chỉ số chống nắng khác nhau thì làm sao biết được mình đang được bảo vệ với chỉ số là bao nhiêu?
Chỉ số SPF KHÔNG được cộng dồn lại với nhau khi các chị thoa hai loại kem chống nắng mà chỉ lấy SPF của loại cao nhất. Ví dụ các chị thoa kem nền có chỉ số là SPF17 trong khi phấn phủ là SPF20 thì chỉ số chống nắng cho da các chị lúc đó là 20.
9. Có thể dùng kem chống nắng toàn thân để thoa lên mặt không?
Thông thường trên các lọ kem chống nắng đều ghi là “có thể thoa lên mặt và những vùng da tiếp xúc với ánh nắng”. Nhưng như các chị đã biết vùng da mặt chúng ta thường mỏng và dễ bị kích ứng, vì thế nên dùng loại chống nắng dành riêng cho mặt do chúng có thêm tinh chất dưỡng da, chỉ số SPF tốt nhất là khoảng 20-40. Còn SPF cao hơn 40 thì nên dùng cho các vùng da khác trên cơ thể. Nếu dùng sai chỉ số có thể gây kích ứng và dễ nổi mụn. Liều lượng phù hợp nhất để thoa cho toàn bộ mặt là khoảng 2,5g.
10. Với các loại da khác nhau thì nên chọn kem chống nắng thế nào?
Nếu các chị có làn da nhạy cảm và dễ nổi mụn thì nên lưu ý kĩ hơn về vấn đề này.
- Đối với da nhạy cảm, dễ dị ứng thì nên chọn kem chống nắng không chứa acid paraaminobenzoic (PABA), mà có chứa các thành phần như titanium dioxide và zinc oxide. Hãy thử sản phẩm trên cổ tay trước khi mua.
- Nếu có làn da dễ bị nổi mụn hoặc da khô thì nên dùng dạng phun sương hay dạng xịt, vì loại này dịu nhẹ và thông thoáng lỗ chân lông, giúp da không bị tắc nghẽn bởi bụi bặm và mồ hôi.
- Da nhờn thì các chị lựa chọn sản phẩm có ghi 'oil-free' hoặc 'non-comedogenic' (không gây mụn).
- Ngoài ra, tùy theo sắc tố da mà các chị dùng chỉ số SPF cho phù hợp. Làn da càng sáng màu, càng dễ bắt nắng nên chọn loại chỉ số cao hơn da sậm màu.
11. Hạn dùng của một lọ kem chống nắng là bao lâu?
Cũng giống như các loại mỹ phẩm khác, 6-8 tháng kể từ ngày mở nắp sản phẩm là quãng thời gian lý tưởng nhất để dùng.
12. Có cần thoa kem chống nắng ở các vùng da khác?
Nên. Ngoài da mặt, tay, chân ra thì nên để ý thoa kem chống nắng ở những vùng da hay bị lãng quên khác như vành tai, ven chân tóc, cùi chỏ, mắt cá, gót chân. Ánh nắng có thể gây tác hại lên mọi vùng da.
13. Nắng có xuyên được qua quần áo không?
Có thể. Mỗi loại quần áo có tác dụng chống nắng khác nhau, gọi là chỉ số UPF (Ultraviolet Protection Factor). UPF càng cao, khả năng hấp thụ tia tử ngoại càng lớn, da các chị càng được an toàn.
Quần áo có khả năng bảo vệ theo cả 3 cách: chất liệu vải có thể ngăn cản UV, màu sắc có thể hấp thụ hoặc phản xạ tia tử ngoại, một số hóa chất trên vải có thể hấp thụ tia tử ngoại. Quần áo có UPF 50 nghĩa là chỉ 1/50 lượng tia tử ngoại xuyên qua được.
14. Chọn quần áo chống tia tử ngoại (tia cực tím, tia UV) như thế nào?
- Vải dệt dày tốt hơn vải dệt thưa.
- Polyester tốt hơn vải cotton.
- Màu tối tốt hơn màu sáng.
- Quần áo khô tốt hơn quần áo ướt.
- Luôn nhớ đội mũ để bảo vệ mặt và da đầu khỏi tia tử ngoại.
- Một số loại quần áo được nhuộm hóa chất đặc biệt hấp thụ tia tử ngoại (hóa chất này không màu). Quần áo chỉ được gọi là có khả năng chống nắng (sun-protective) nếu UPF từ 15-50.
Lưu ý: Bài viết này không thay thế lời khuyên của bác sĩ. Nếu các chị gặp vấn đề nghiêm trọng về cháy nắng, hãy đến gặp bác sĩ nhé!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét