Liên quan đến vấn đề khẩu trang trong việc phòng chống dịch cúm A/H1N1, các chuyên gia y tế hình như đưa ra những khuyến cáo trái ngược nhau. Trả lời phỏng vấn báo Vnexpress, hai chuyên gia thuộc Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia và Sở Y tế Hà Nội cho biết “Chúng tôi khuyến cáo nên đeo khẩu trang thường xuyên, không những ở công sở, trường học mà cả những khu vực công cộng.” Nhưng trong trả lời trực tuyến do báo Tuổi Trẻ tổ chức, các chuyên gia y tế rất kinh nghiệm về bệnh truyền nhiễm (Bs Trần Tịnh Hiền) cho biết “Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Cơ quan Phòng chống bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) không khuyến cáo đeo khẩu trang trong cộng đồng”. chưng sĩ Phan Văn Nghiệm (Sở Y tế TPHCM) cũng nói: “chưa cần thiết buộc toàn dân phải mang khẩu trang.” Vậy người dân nên nghe ai? Trong tình trạng bất định như thế, thiết nghĩ chúng ta phải xem xét đến bằng chứng khoa học.
Đeo khẩu trang hay không tùy thuộc vào môi trường. Có 4 môi trường chính chúng ta có thể bàn ở đây: cộng đồng, nhà, nơi làm việc (công tư sở), và các cơ sở y tế, kể cả bệnh viện và nhà dưỡng lão. Để biết khẩu trang có hiệu quả phòng chống cúm A/H1N1 hay không, cách tốt nhất là nghiên cứu khoa học. Rất tiếc là hiện nay có rất ít nghiên cứu khoa học về hiệu quả của khẩu trang trong môi trường công tư sở và cơ sở y tế, nhưng có ít nhất 2 nghiên cứu ở môi trường cộng đồng, và cả 2 nghiên cứu này cho thấy đeo khẩu trang không làm giảm nguy cơ nhiễm virút H1N1.
Một nhóm nghiên cứu ở Đại học New South Wales (Úc) mới công bố trên tập san Emerging Infectious Diseases cho thấy người đeo khẩu trang có nguy cơ bị bệnh cúm cao hơn người không đeo khẩu trang! Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu tuyển 290 người từ 145 gia đình, sau đó họ ngẫu nhiên chia thành 3 nhóm: nhóm 1 đeo khẩu trang P2 (tức khẩu trang bán ngoài thị trường); nhóm 2 đeo khẩu trang thường dùng trong bệnh viện; và nhóm 3 không đeo khẩu trang. Họ theo dõi khoảng 1 năm và kết quả cho thấy tỉ lệ mắc bệnh cúm trong 2 nhóm đeo khẩu trang là 18%, còn nhóm không đeo khẩu trang có tỉ lệ mắc bệnh cúm là 16%. Nói cách khác, nguy cơ mắc bệnh cúm ở nhóm đeo khẩu trang cao hơn nhóm không đeo khẩu trang 11%!
Tuy nhiên, vì đeo khẩu trang một thời gian dài là một điều rất bất tiện, nên trong nghiên cứu trên chỉ có 50% người chịu đeo khẩu trang suốt thời gian nghiên cứu. Câu hỏi đặt ra, do đó, nếu các đối tượng chịu đeo khẩu trang một thời gian theo chỉ dẫn của chưng sĩ thì hiệu quả ra sao? Kết quả của một nghiên cứu trước đó cho thấy dù đeo khẩu trang dài hạn cũng không có hiệu quả giảm nguy cơ mắc bệnh cúm.
Tại sao đeo khẩu trang ở cộng đồng không có hiệu quả phòng chống cúm? Cần nói thêm rằng, khẩu trang không có chức năng “tiêu diệt” virút H1N1 như một số người phát biểu trên báo chí, mà chỉ có hiệu quả ngăn ngừa sự xâm nhập của virút. Sự xâm nhập của virút còn tùy thuộc vào kích thước của chúng và màng lọc khẩu trang.
Màng lọc của khẩu trang y tế N-95 có khả năng lọc được 95% các phần tử có kích thước 0,3 micromet trở lên. Virút cúm có kích thước rất nhỏ, chỉ khoảng 3 micromét hay nhỏ hơn. Riêng virút H1N1 còn nhỏ hơn, với kích thước từ 80-100 nanomét! Do đó, không ngạc nhiên khi ngay cả khẩu trang có chất lượng như N95 cũng không thể ngăn ngừa nhiễm H1N1.
Dù khẩu trang không có hiệu quả phòng chống dịch cúm, có người lí giải rằng đeo khẩu trang rằng khẩu trang là một tín hiệu cảnh báo người chung quanh tránh đến gần, và do đó có khả năng phòng ngừa. Tuy nhiên, lí giải này không thuyết phục vì đại đa số người trong cộng đồng biết đeo khẩu trang đúng cách. Đeo khẩu trang không đúng cách cũng là một yếu tố làm cho cúm lây lan trong cộng đồng.
Tuy nhiên, đối với những người đã xác định hay khả nghi nhiễm virút H1N1 (có triệu chứng cúm) thì việc đeo khẩu trang là cần thiết để giảm bớt sự phóng thích nguồn virút ra ngoài. Khẩu trang thích hợp nhất là loại N95, tuy nhiên một loại khẩu trang y tế thông thường cũng có thể chấp nhận được, bởi vì ngay cả khẩu trang N95 thì kích thước của các khe hở mà chúng ta không nhìn thấy đó cũng vẫn lớn hơn nhiều so với kích thước virút A/H1N1. Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân cúm cũng cần đeo khẩu trang để giảm nguy cơ lây lan.
Cần nói thêm rằng khẩu trang chỉ là một những biện pháp phòng chống cúm A/H1N1, chứ không phải là biện pháp duy nhất. Không nên quá chú trọng vào khẩu trang như là một biện pháp phòng chống cúm, mà quên rằng các cơ phận phận khác của cơ thể chúng ta cũng ở trong tình trạng dễ bị phơi nhiễm. Cụ thế nhất là đôi tay, vì chính tay mới là cầu nối trung gian trong việc đưa các tác nhân là dịch tiết rơi vãi, đụng chạm vào trong cơ thể nhanh nhất. Do đó, các biện pháp khác đã được “chứng minh” có hiệu quả hơn là rửa tay thường xuyên bằng xà bông, khi hắt hơi hay sổ mũi nên dùng tay che lại hay giấy tissue và bỏ vào thùng rác ngay sau khi sử dụng.
Nói tóm lại, dựa vào bằng chứng khoa học hiện hành, việc đeo khẩu trang ngoài cộng đồng hay cơ quan là không cần thiết hiện nay. Khẩu trang có chất lượng cao có thể sử dụng cho người mắc bệnh cúm và nhân viên y tế. Hiện nay, các cơ quan y tế của Mĩ, Úc, Anh, Canada, v.v… đều không khuyến cáo công chúng đeo khẩu trang trong cộng đồng.
Sau đây là khuyến cáo của của Cục phòng chống và kiểm soát bệnh (CDC) Mĩ về sử dụng khẩu trang trong cộng đồng, nhà, cơ quan, và cơ sở y tế
Cộng đồng:
(a) Nếu chưa phát hiện virút H1N1 trong cộng đồng: Không cần đeo khẩu trang
(b) Nếu có dấu hiệu H1N1 nhưng không đông người: Không cần đeo khẩu trang
(c) Nếu có dấu hiệu H1N1 và chỗ đông người: Không cần đeo khẩu trang
Ở nhà:
(a) Nhà có người có triệu chứng cúm: Không cần đeo khẩu trang
(b) Người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân có thể đeo khẩu trang, còn người không trực tiếp chăm sóc bệnh không cần đeo khẩu trang.
Ở cơ quan, công tư sở
(a) Chưa phát hiện virút H1N1 trong cộng đồng: Không cần đeo khẩu trang
(b) Có virút H1N1 trong cộng đồng: Không khuyến cáo đeo khẩu trang, nhưng nếu cần có thể đeo khẩu trang
Ở Bệnh viện, nhà dưỡng lão
(a) Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân nghi nhiễm virút H1N1 hay có triệu chứng nhiễm H1N1: nên đeo khẩu trang
(1) Người có nguy cơ mắc bệnh cúm cao bao gồm trẻ em dưới 5 tuổi; người cao tuổi (trên 65 tuổi); thanh niên dưới 18 tuổi đang uống aspirin dài hạn và hay bị nhiễm virút cúm; phụ nữ mang thai; những người bị bệnh xuyển (hen), tim mạch, viêm gan, tiểu đường, HIV, v.v...
Nguồn: http://www.cdc.gov/h1n1flu/masks.htm
NVT
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét