Nên vì sao phải hạn chế lĩnh vực hoạt động?

Theo dõi bài phỏng vấn này, tôi chẳng hiểu cái message sau cùng là gì. Hình như ông thứ trưởng cố biện minh cho cái chủ trương “cho mà không cho” (cho thành lập cơ sở nghiên cứu khoa học và phản biện tư nhân, nhưng không có phát biểu công khai). Tuy nhiên, lập luận của ông không thuyết phục chút nào cả.

Ông nói “Đảng và Nhà nước ta tôn trọng quyền tự do nghiên cứu của mọi tổ chức và cá nhân, quyền dân chủ của công dân, sẵn sàng lắng nghe ý kiến nhiều chiều, tiếp thu ý kiến đóng góp cho việc xây dựng chính sách […] Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội phức tạp hiện nay, nhất là trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế đầy khó khăn thử thách, chúng ta đang cần có sự đồng thuận cao của xã hội đối với các quyết sách của Đảng và Nhà nước, cần có sự ổn định để tiếp tục phát triển, thì việc công bố các kết quả nghiên cứu phản biện liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách điều hành kinh tế, xã hội phải hết sức thận trọng.”

Nói thận trọng là quá … thừa. Đã làm khoa học thì phải cẩn thận (bởi người không cẩn thận thì khó mà làm khoa học được). Người phản biện bắt buộc phải thận trọng gấp 10 lần người đề ra chính sách, bởi vì đâu có ai muốn bị mang tiếng là bất cẩn.

Tôi thấy biện minh này của ông không thuyết phục tí nào cả. Đồng thuận không có nghĩa mọi người có cùng một tiếng nói, mà là đồng thuận vì một mục tiêu. Tôi tưởng tượng như một dàn nhạc có nhiều nhạc công, người chơi guitar, người chơi bass, người thổi kèn, người chơi piano, v.v… tất cả chỉ nhằm thể hiện bài nhạc thành công. Những vấn đề lớn của đất nước cũng có thể nhìn theo cách đó: mỗi thành viên trong xã hội có quan điểm, tiếng nói khác nhau, nhưng mục tiêu cuối cùng vẫn là làm cho đất nước tốt hơn và mạnh hơn.

Bởi vậy trong những xã hội tiên tiến (như Mĩ, Canada, Úc, Anh, Âu châu, Thái Lan, Mã Lai, Singapore, v.v…) đều có những “think tank” tư nhân, nơi là diễn đàn thảo luận của các “public intellectuals” về các vấn đề vĩ mô. Ở Úc tôi thấy có vài think tank như thế, chắc bắt chước Mĩ như là những viện chính sách – policy institute – như AEI, Steele-Brooks Institute, và nhiều nhiều nhóm khác nữa. Ngay cả các think tank này cũng có quan điểm hữu tả rõ rệt. Các chính trị gia đương thời thường được mời đến các think tank để đãi đằng quan điểm. Những ý kiến của họ chẳng những đãi đằng quan điểm trên báo chí, mà còn xuất bản thành sách và monograph.

Bộ KHCN là bộ khoa học, nhưng quan điểm của ông thứ trưởng không nhất quán với (nếu không muốn nói là phản) văn hóa khoa học. Trong hoạt động khoa học, người ta khuyến khích tranh luận và đối nghịch trong tinh thần dân chủ. Bởi vậy các tập san khoa học đều nhan nhãn những bài xuất hiện dưới tiêu đề “pro” và “con” về một vấn đề nóng nào đó. Tính dân chủ của khoa học còn có thể hiểu theo nghĩa tất cả các phát kiến của nhà khoa học đều được đồng nghiệp bình duyệt nghiêm túc, và ngược lại, nhà khoa học cũng có cơ hội bình duyệt các nghiên cứu của đồng nghiệp mình. Do đó, nếu các quan chức đề ra chính sách [sai] ảnh hưởng đến nhiều triệu người (như vụ “ngực nở chân dài”) mà không cho người dân phản biện thì đó là phản dân chủ.

Chân lí không phải chỉ nằm trong tay một số người tự nhận là mình có quyền có chức và bắt buộc mọi người phải tin, phải nghe và phải làm theo. Đồng thuận không có nghĩa là mọi người chỉ nói một ý kiến, một quan điểm. Không có gì nhàm chán hơn là trong một xã hội hiện đại đa chiều mà chỉ có một tiếng nói đơn điệu, dù nhân danh ổn định. Thật ra, tôi xem đó là một ngụy biện.

NVT

===

http://www.vietnamnet.vn/khoahoc/2009/08/861520/
Tổ chức KHCN do cá nhân thành lập:
Vì sao phải hạn chế lĩnh vực hoạt động?

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 15/9/2009, các tổ chức KHCN do cá nhân thành lập sẽ hoạt động trong các lĩnh vực do Thủ tướng quy định. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng các lĩnh vực này còn quá hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động của các tổ chức KHCN do cá nhân thành lập.

PV VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ KHCN, TS. Nguyễn Quân về vấn đề này.

- Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định số 97/2009/QĐ-TTg ban hành danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức KHCN. Xin ông cho biết đôi nét về nội dung của văn bản này?

- TS. Nguyễn Quân: Danh mục các lĩnh vực kèm theo quyết định này được xây dựng trên nền phân loại lĩnh vực KHCN của OECD, có tham khảo phân loại của UNESCO, bao gồm 240 lĩnh vực chuyên ngành hẹp (tạm gọi là chuyên ngành cấp 3) của 36 lĩnh vực chuyên ngành (tạm gọi là chuyên ngành cấp 2) thuộc 6 lĩnh vực KHCN: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học nhân văn, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học nông nghiệp, khoa học y dược và sức khỏe, và 26 lĩnh vực chuyên ngành hẹp của 7 lĩnh vực dịch vụ KHCN. Quyết định số 97/2009/QĐ-TTg cũng giao Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn điều kiện và thủ tục đăng ký hoạt động đối với tổ chức KHCN do cá nhân thành lập.

- Căn cứ pháp lý của việc ban hành danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức KHCN này là gì thưa thứ trưởng?

- TS. Nguyễn Quân: Luật pháp Việt Nam đảm bảo quyền của mọi tổ chức và cá nhân trong hoạt động KHCN, kể cả quyền thành lập tổ chức KHCN.

Điều 17 Luật KHCN năm 2000 ghi rõ:.. “Cá nhân hoạt động KHCN có quyền thành lập tổ chức KHCN trong một số lĩnh vực theo quy định của Chính phủ”, Nghị định 81/2002/NĐ-CP hướng dẫn Luật KHCN quy định: "Cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ..." (khoản 1 Điều 11), và "Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xác định những lĩnh vực cụ thể mà các cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định" (khoản 2 Điều 11).

Như vậy, cùng với việc cho phép cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ thì việc Chính phủ ban hành danh mục các lĩnh vực hoạt động của tổ chức KHCN do cá nhân thành lập là có căn cứ pháp lý và cần thiết để điều chỉnh công tác quản lý theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đây, nhằm đáp ứng nguyện vọng của các nhà khoa học, ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật KHCN và Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2002/NĐ-CP, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 10/2005/TT-BKHCN hướng dẫn điều kiện và thủ tục đăng ký hoạt động KHCN.

Tuy nhiên, do chưa ban hành được danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức KHCN nên đã có trường hợp cơ quan nhà nước đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động KHCN không đúng chức năng và thẩm quyền, đồng thời trong quá trình hoạt động, một vài tổ chức KHCN đã xin đăng ký và hoạt động trong những lĩnh vực không phù hợp, vô tình hay hữu ý gây khó khăn cho công tác quản lý.

Việc xây dựng để ban hành danh mục các lĩnh vực KHCN mặc dù đã được thực hiện, nhưng đó là một nhiệm vụ phức tạp, khó khăn do thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn, ở thời điểm đó nước ta lại chưa gia nhập WTO, nên gặp nhiều vướng mắc. Quyết định số 97/2009/QĐ-TTg là một khâu quan trọng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý hướng dẫn hoạt động của các tổ chức KHCN thuộc mọi thành phần kinh tế.

- Vậy, trách nhiệm của cá nhân khi thành lập và điều hành hoạt động của tổ chức KHCN là gì?

- TS. Nguyễn Quân: Ngoài việc tuân thủ các quy định của Luật KHCN {ví dụ: phải đảm bảo nguyên tắc "trung thực, khách quan, đề cao đạo đức nghề nghiệp, tự do sáng tạo, dân chủ, tự chịu trách nhiệm" (khoản 4 Điều 7), “kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tuy không sử dụng ngân sách nhà nước nhưng có phạm vi ứng dụng rộng rãi trong cả nước, một ngành, địa phương hoặc có ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, môi trường, sức khỏe và đời sống của nhân dân cũng phải được cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ có thẩm quyền tổ chức thẩm định trước khi ứng dụng" (khoản 2 Điều 24)}, cá nhân còn phải tuân thủ các luật pháp có liên quan như Luật Báo chí, Luật Xuất bản, không được vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm.

Đảng và Nhà nước ta tôn trọng quyền tự do nghiên cứu của mọi tổ chức và cá nhân, quyền dân chủ của công dân, sẵn sàng lắng nghe ý kiến nhiều chiều, tiếp thu ý kiến đóng góp cho việc xây dựng chính sách, kể cả việc khuyến khích toàn dân tham gia ý kiến xây dựng các văn kiện của Đảng, các dự luật, quy hoạch.

Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội phức tạp hiện nay, nhất là trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế đầy khó khăn thử thách, chúng ta đang cần có sự đồng thuận cao của xã hội đối với các quyết sách của Đảng và Nhà nước, cần có sự ổn định để tiếp tục phát triển, thì việc công bố các kết quả nghiên cứu phản biện liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách điều hành kinh tế, xã hội phải hết sức thận trọng.

Vì thế, Điều 2 của Quyết định số 97/2009/QĐ-TTg cũng quy định: cá nhân “nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cần gửi ý kiến đó cho cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền” để được nghiên cứu, thẩm định và tiếp thu, tuy nhiên “không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ.

- Liệu quy định “không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ” có thể hiểu là cá nhân vẫn được phép công bố công khai ý kiến phản biện liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước?

- TS. Nguyễn Quân: Nhà nước yêu cầu cá nhân khi công bố công khai ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thì không được nhân danh tổ chức KHCN hoặc không được gắn tên mình với tên của tổ chức KHCN, để tránh gây nhầm lẫn về chủ thể của ý kiến đó, hoặc làm cho công luận hiểu sai về pháp nhân hoạt động của một tổ chức KHCN, tuy được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoạt động nhưng thực chất là của tư nhân, do một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân thành lập và tự điều hành. (Ví dụ, nếu Tiến sĩ X làm việc tại Viện Y là tổ chức KHCN do cá nhân thành lập, thì khi công bố ý kiến phản biện không được nói đó là ý kiến của Viện Y hoặc ý kiến của Tiến sĩ X cán bộ của Viện Y, mà chỉ được nói là ý kiến của Tiến sĩ X).

Tất nhiên trong chừng mực nào đó có thể hiểu là ngoài việc gửi các ý kiến phản biện cho cơ quan Đảng và Nhà nước có thẩm quyền, cá nhân có thể công bố những ý kiến đó nhưng hoàn toàn với danh nghĩa cá nhân và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về công bố của mình, nếu hành động đó gây hậu quả mang tính vi phạm pháp luật.

- Có ý kiến cho rằng danh mục các lĩnh vực nói trên còn quá hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động của các tổ chức KHCN do cá nhân thành lập, liệu quy định như vậy có quá chặt chẽ không? Những lĩnh vực không quy định trong danh mục thì ai được nghiên cứu?

- TS. Nguyễn Quân: Trong giai đoạn hiện nay, số lượng lĩnh vực quy định tại danh mục được xây dựng căn cứ vào tình hình cụ thể, chủ yếu giúp các tổ chức KHCN hoạt động đúng định hướng và tránh được những sai sót do vô tình phạm phải trong quá trình hoạt động.

Tại điều 5 của Quyết định số 97/2009/QĐ-TTg cũng đã có giải pháp “mở”, đó là “trong quá trình tổ chức thực hiện, căn cứ tình hình thực tiễn và nhu cầu phát triển của đất nước, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan định kỳ nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ”, nghĩa là số lượng lĩnh vực trong danh mục không phải là cố định mà trong tương lai có thể thay đổi, bổ sung, mở rộng, đáp ứng nhu cầu của các nhà khoa học.

Còn các lĩnh vực không được ghi trong danh mục này, các nhà khoa học có thể vẫn được nghiên cứu khi liên kết hoặc tham gia nghiên cứu với các tổ chức KHCN thuộc các thành phần kinh tế khác, tất nhiên là hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng.
Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét