Tỉ lệ tử vong do cúm heo là bao lăm ?

Trong nạn dịch cúm heo hiện nay, có bao lăm người chết vì cúm heo? Câu hỏi tưởng đơn giản, nhưng câu trả lời không dễ chút nào. Nếu chịu khó suy nghĩ về khoa học tính đằng sau cách tính thì khó ai có can đảm nói tỉ lệ tử vong vì cúm heo là beo nhiêu.
Phát biểu trên báo chí về ảnh hưởng của cúm heo, một quan chức của Bộ y tế (Cục trưởng Cục y tế dự phòng) cho biết: “Tỉ lệ tử vong do bệnh cúm heo cao hơn cả dịch Sars […]. Rà soát số người nhiễm cúm heo ở Mexico cho thấy tỉ lệ tử vong do nhiễm virus cúm heo khoảng 26,5%, cao gần gấp ba lần so với tỉ lệ tử vong do dịch SARS (khoảng 10%)”. Câu phát biểu này được báo chí Việt Nam, như Vnexpress trích lại, như là một lời cảnh báo về tầm quan trọng của dịch cúm heo đang hoành hành bên Mexico.

Nhưng “tỉ lệ tử vong do nhiễm virus cúm heo” ở đây có nghĩa là gì? Trong dịch tễ học, tỉ lệ tử vong cho một nạn dịch thường được gọi là case fatality rate (CFR). Như tên gọi, tỉ lệ hay CFR là một phân số. Mà, phân số thì phải có mẫu số và tử số. Vậy thì câu hỏi đặt ra ở đây là: mẫu số và tử số mà ông Cục trưởng đề cập đến là gì? Chẳng ai biết.

Nhưng theo một cách hiểu thông thường, bởi vì nói đến tử vong, cho nên tử số của công thức CFR chắc chắn phải là con số bệnh nhân bị chết do cúm heo. Còn mẫu số? Một cách logic, mẫu sổ phải phản ảnh số người phơi nhiễm cúm heo. Nhưng để biết một bệnh nhân có nhiễm cúm heo hay không, người ta phải làm xét nghiệm. Trên thế giới chỉ có 3 hay 4 trung tâm thí nghiệm có thể làm việc này (1 ở Mĩ, 1 ở Tân Tây Lan, 1 ở Pháp). Do khó khăn trong việc xác định ai bị cúm heo, người ta thường gộp chung những người có triệu chứng cúm vào nhóm phơi nhiễm, tức mẫu số.

Chẳng hạn như ở Mexico, tính đến ngày hôm nay (27/4/09), các cơ quan y tế ghi nhận 1640 trường hợp cúm, và trong số này 140 người chết. Tuy nhiên, trong số 140 người chết, chỉ có 20 ca được xét nghiệm là bị nhiễm cúm heo trước đó (do Mĩ xét nghiệm). Còn 1640 trường hợp cúm, không ai biết có bao lăm thật sự là cúm heo. Nhưng cho dù tính [một cách sai lầm] bằng cách lấy 140 ca tử vong chia cho 1640 ca nhiễm thì tỉ lệ tử vong là 8,5%

Nếu chúng ta tính luôn cả những người bị nhiễm ở Mĩ, Tân Tây Lan, Úc, Âu châu, v.v… thì con số bị nhiễm phải gần 2000 người, nhưng ở các nước vừa kể, chưa có ca tử vong nào. Do đó, trong thực tế, tỉ lệ tử vong còn thấp hơn con số 8,5%.

Con số tử vong trong nạn dịch SARS năm 2003 mà ông Cục trưởng trích dẫn cũng sai. Theo tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết tỉ lệ tử vong vì SARS dao động tùy theo độ tuổi và địa phương, nhưng tính chung trên toàn thế giới, thì tỉ lệ tử vong là 14% đến 15% tính trên số ca bị nhiễm. Vẫn theo tài liệu trên, ở Việt Nam, tỉ lệ tử vong vì SARS là 8%. Như vậy con số 10% tử vong vì SARS của ông Cục trường không có cơ sở khoa học nào cả, nếu không muốn nói là sai.

Nói tóm lại, hiện nay chưa thể ước tính tỉ lệ tử vong vì cúm heo, nhưng những dữ liệu công bố trên các phương tiện truyền thông công cộng cho thấy tỉ lệ tử vong vì cúm heo dưới 10%, chứ không thể là 26,5% như ông Cục trưởng nói. Dịch cúm heo đang diễn biến theo chiều hướng khó tiên đoán, và trong tình hình đó, chúng ta cần phải bình tĩnh (chứ không hoảng loạn) đối phó. Và, để đối phó hữu hiệu, chúng ta cần những thông tin chính xác và có cơ sở khoa học, thay vì những thông tin cảm tính gây hoang mang một cách không cần thiết.

NVT

TB. Hôm qua, có bạn hỏi tài liệu tham khảo cho phát biểu của tôi về khả năng lây lan và đột biến của virút cúm heo. Tài liệu đó ở đây:

Gooskens J, et al. Morbidity and Mortality Associated With Nosocomial Transmission of Oseltamivir-Resistant Influenza A(H1N1) Virus. JAMA 2009;301(10):1042-1046.

Dharan NJ, et al. Infections With Oseltamivir-Resistant Influenza A(H1N1) Virus in the United States. JAMA 2009;301(10):1034-1041.

Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét