Tình ca Trịnh Công Sơn

Hôm 30/9/2006, một số bạn và cũng là "fan" của Trịnh Công Sơn tổ chức một đêm nhạc Trịnh. Ban tổ chức phân công tôi phải nói đôi ba lời trong buổi ca nhạc. Vì bị yêu cầu đột nhiên, tôi hoảng quá, lấy giấy ra hí hoáy viết mấy dòng sau đây. ý nghĩ lung tung cả. Hôm nay nhân kỉ niệm 8 năm ngày mất của TCS, tôi tìm lại bài nói chuyện này, edit lại, và post lên đây cho các bạn đọc.
NVT


Thành thật cám ơn các Các bạn đã đến đây để thưởng thức đêm nhạc “Vườn xưa” với ca sĩ Thái Hòa từ Canada sang và nhạc sĩ Vũ Hùng từ Sydney. Tôi được phân công nói chuyện về đề tài tình ái và quê hương. Thật là khó cho tôi, vì bản thân không phải là một nghệ sĩ, càng không phải là một nhạc sĩ, thì làm sao nói cho hết được ý nghĩa trong nhạc của Trịnh Công Sơn. Vả lại, đã có quá nhiều người viết về Trịnh Công Sơn, có người viết rất hay, chưa chắc những gì tôi phát biểu là một phát hiện gì mới. Rào đón trước sau như thế chỉ để nói những ý kiến sau đây chỉ là cảm nhận cá nhân mà tôi muốn chia sẻ cùng các Các bạn đêm nay.

Cuộc đời là một “quán không”, tựu trung lại chỉ là một hành trình chu chuyển, bắt đầu bằng cái đến và kết thúc bằng một sự ra đi như Trịnh Công Sơn nhắc đến trong một ca khúc bất hủ Một cõi đi về. Mọi sinh vật trong đời này nói cho cùng chỉ là những kẻ ở trọ: con chim ở đậu cành cây, con cá ở trọ trong khe nước, và con người chúng ta ở trọ trần gian để rồi một ngày nào đó ra đi về chốn xa xăm cuối trời, sau cuộc hành trình dương thế: Đường trần rồi khăn gói / Mai kia chào cuộc đời / Nghìn trùng cơn gió bay.

Cuộc đời có bao lâu mà hững hờ. Trịnh Công Sơn đã, nói theo lời của chính anh, "ra đi về chốn xa xăm cuối trời" vào ngày 1/4/2001, sau khi đã ở trọ trần gian được 22650 ngày (hay 62 năm). Theo tiêu chuẩn về tuổi thọ trung bình ngày nay ở các nước Tây phương và ngay cả ở Việt Nam, thời điểm ra đi của Trịnh Công Sơn có thể nói là hơi sớm. Nhưng có lẽ Trịnh Công Sơn không hối tiếc, vì anh đã sống trọn một cuộc đời mà anh từng chọn, để rồi cuối cùng được yên giấc ngủ dài trong lòng quê hương, và quan trọng hơn hết là anh đã để lại một gia tài đồ sộ với hơn 600 tác phẩm mà phần lớn được phổ biến rộng rãi không những ở Việt Nam mà còn ở Nhật Bản.

Đề cập đến sự ra đi của Trịnh Công Sơn, báo Sài Gòn Giải Phóng viết: "Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất đi là một tổn thất lớn cho nền âm nhạc Việt Nam, để lại niềm thương tiếc vô hạn cho hàng triệu người yêu âm nhạc và các tầng lớp đồng bào." Quả đúng như thế. Trong các nhà viết tân nhạc nổi tiếng của Việt Nam, có lẽ Trịnh Công Sơn là một trong những người sẽ sống rất lâu, nếu không nói là "sống mãi", trong lòng người nghe. Những bài nhạc ca ngợi quê hương thần thoại, nhưng không quên nhắc người nghe về thân phận của một dân tộc nhược tiểu và chia rẻ đã làm nhiều người, dù đồng ý hay không đồng ý với tác giả, cũng phải để tâm suy nghiệm. Những lời ca trong Kinh Việt Nam hay Ca khúc da vàng chắc chắn sẽ tiếp tục làm cho nhiều thế hệ sau phải chiêm nghiệm về một dân tộc có quá nhiều xấu số.

Một văn hào người Hi Lạp từng nói rằng trên đời này chỉ có hai điều đáng nói, đó là tình ái và chiến tranh. Nếu ông đúng thì Việt Nam quả thật là mảnh đất “lí tưởng” để nói về hai chủ đề tài. Có lẽ các Các bạn cũng đồng ý với tôi là Trịnh Công Sơn là một trong những người đã nói một các xuất sắc hai chủ đề này. Biết bao máu lửa đã đổ xuống mảnh đất Việt Nam, và Trịnh Công Sơn không những đã ghi lại một cách đậm nét một giai đoạn chiến tranh ác liệt đó, mà còn đánh thức cả một thế hệ thanh niên về sự tàn phá và nhẫn tâm của chiến tranh, mà hệ quả của nó vẫn còn kéo dài qua nhiều hình thức cho đến nay. Trịnh Công Sơn đã mang chút khói lửa của chiến tranh vào tình ái, và đem hai khía cạnh này vào âm nhạc Việt Nam hiện đại.

Mấy mươi năm trước, nhạc sĩ Phạm Duy chia nhạc của Trịnh Công Sơn thành ba chủ đề: tình ái, thân phận, và quê hương. tình ái, dĩ nhiên, là một đề tài muôn thuở cho thi ca, vì vậy Trịnh Công Sơn hay bất cứ nhạc sĩ nào viết nhạc tình cũng là điều không ngạc nhiên. Tuy nhiên tình ái trong nhạc của anh không phải chỉ loanh quanh ở những câu chuyện tình vụn vặt, ủy mị, hay những lời xưng tụng tình ái tầm thường, thậm chí vô nghĩa như một số nhạc khác. tình ái đối với Trịnh Công Sơn không phải là loại tình ái trai gái, gặp nhau trong hoàn cảnh ngang trái, hay nhung nhớ trong một đêm mùa thu lá rơi, hay một đêm mưa rỉ rả mà chúng ta thường hay thấy trong các bài nhạc Việt Nam; tình ái đối với Trịnh Công Sơn có mùi bom đạn trong đó: tình ái như bom đạn trên da thịt người.

tình ái trong những bài hát của Trịnh Công Sơn, theo Bửu Ý, còn là những "Diễm tình", là “Đẹp trong từng lời bội bạc bước chân quay gót, trong dang dở và tan vỡ … Cái đẹp ở đây là cái đẹp siêu thực.” Nhưng Nhà văn Nguyễn Đình Toàn thì có nhận xét rằng những nhạc tình của Trịnh Công Sơn là “Những bản tình ca không có hạnh phúc.” Hai nhận xét tương tác và bổ sung cho nhau. Tôi muốn nói thêm là những bài nhạc tình của Trịnh Công Sơn, dù tuyệt vọng hay không hạnh phúc, thường lạc quan và cố đem lại một niềm hi vọng: Ngày mai em đi / Đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ / Sỏi đá trong em từng giờ / Nghe buồn nhịp chân bơ vơ. Hay là: Tìm em xa gần đất trời rộn ràng / Tìm trong sương hồng, trong chiều bạc phận / Trăng tàn nguyệt tận, chưa từng tuyệt vọng đâu em.

Những năm cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70s, thời gian mà chiến tranh tàn phá lên đến cao độ, những ca khúc về quê hương của Trịnh Công Sơn càng sôi sục. Anh nói lên sự vô lí của chiến tranh (người chết hai lần, thịt da nát tan), cái vô tâm của bom đạn và những người sử dụng nó (Một buổi sáng mùa xuân / một em bé ra đồng / Đạp trái mìn nổ chậm / xác không còn đôi chân). Anh lớn tiếng kêu gọi hòa bình cho quê hương. Anh kêu gọi lên đường, không phải để cầm súng giết nhau, mà để đấu tranh cho một Việt Nam không chiến tranh, và xây dựng lại căn nhà Việt Nam tươi đẹp hơn. Và anh vững niềm tin: Dù hôm nay tôi chưa về Hà Nội / Dù hôm nay tôi chưa thấy Sài Gòn / Nhưng trong lòng tôi vẫn chưa mất niềm tin.
Một kí giả ngoại quốc đã từng viết rằng chỉ cần nghe những bài hát của Trịnh Công Sơn, người ta có thể có một ý tưởng khá chính xác về lịch sử chiến tranh ở Việt Nam! Những lời nhạc đơn giản như “Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu / Một trăm năm đô hộ giặc Tây / Hai mươi năm nội chiến từng ngày” quả đã đủ cho người nghe về một đất nước chiến tranh triền miên và xâu xé nhau từng ngày. Có thể giới kí giả Tây phương đã không ngoa khi cho rằng Trịnh Công Sơn là một Bob Dylan của Việt Nam.

Chiến tranh chấm dứt vào năm 1975, và cũng như mọi người Việt Nam, Trịnh Công Sơn vui mừng. Anh chọn cho mình một tương lai: ở lại quê hương. Sự lựa chọn và sự im lặng của anh sau năm 1975 đã làm cho một số người vốn không ưa anh từ trước tỏ ra khó chịu và hằn học với anh. Họ còn đỗ sự hằn học đó lên những ai thưởng thức nhạc của anh. Ngay cả đêm nhạc mang tính bỏ túi “Vườn xưa” này cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình tổ chức! Nhưng nói như Cao Huy Thuần, chiến tranh đã chấm dứt lâu rồi, bây giờ là lúc chúng ta nên gác những hằn học qua một bên, và hãy hát những bài tình ca, những bài hương ca bất hủ của Trịnh Công Sơn.

Có lẽ trong chúng ta, mỗi người có phong cách hát và nghe nhạc khác nhau. Đơn giản nhất là nghe nhạc trong một không gian giải trí tâm thần, không gò bó, không cần suy nghĩ đắn đo với âm thanh và lời nhạc. Ngược lại với cái không gian đơn giản trên là thứ không gian nhạc, mà trong đó người nghe để tâm nghiền ngẫm sự chuyển động của từng nốt nhạc như là một "quân lính" trong chiến trận đang được điều khiển bởi người viết nhạc. Thế giới thứ ba là thứ không gian mà tôi tạm đặt tên là "không gian diễn cảm", trong đó người nghe nhạc phải để tâm suy nghĩ, tìm hiểu ý nghĩa của nốt và lời nhạc, bởi vì nói cho cùng, một ca khúc có chứa ít nhiều tâm tình của người viết nhạc. Vậy thì chúng ta nghe nhạc Trịnh Công Sơn như thế nào đây?

Tôi xin chia sẻ với các Các bạn một vài cảm nhận về nhạc và ca từ của Trịnh Công Sơn. Nếu tác phẩm đầu tay là một tín hiệu về phong cách sáng tác của một người nghệ sĩ, thì Ướt mi đã báo hiệu cho khán giả biết về một nét nhạc rất ... Trịnh Công Sơn. Cái “rất Trịnh Công Sơn” đó được định nghĩa bằng một cấu trúc nhạc đơn giản, chẳng có gì cầu kì, phức tạp. Nhạc sĩ Văn Cao có lần nhận xét là các ca khúc của Trịnh Công Sơn "không thấy dấu vết của âm nhạc cổ điển theo cấu trúc chưng học phương Tây". Thật vậy, phần lớn những ca khúc đều được viết theo thể điệu chậm (slow), boston, hay nhanh lắm là điệu fox. Suốt hơn 40 năm sáng tác, Trịnh Công Sơn không khai phá gì thêm ngoài những giai điệu đơn giản đó.

Với hàng trăm bài nhạc được cấu trúc một cách đơn giản như thế, nhưng lại làm cho hàng triệu người say mê thì quả là một điều đáng suy ngẫm. Có thể tâm lí người Việt không thích cấu trúc nhạc lớn, phức tạp, cao siêu, nên tiếp cận dễ dãi với loại nhạc đơn giản.

Nhưng cũng có thể một khía cạnh khác làm cho nhạc Trịnh Công Sơn khác với các nhạc sĩ khác. Tôi muốn nói đến ca từ. Trong nhạc của anh, chúng ta không thấy bóng dáng của sáo ngữ, hay những lời ca tủn mủn về cuộc sống, những kể lể lí sự vụn vặt về tình ái, mà là những ca từ có độ minh triết cao: Em là phấn thơm cho rừng chút hương / Là lời hát ca cho trần gian. Ca từ trong nhạc Trịnh Công Sơn tuy trừu tượng, nhưng không đến nổi bí hiểm để người nghe phải bức tóc suy nghĩ, mà rất hình tượng dễ hiểu: Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi / Để một mai tôi về làm cát bụi / Ôi cát bụi tuyệt vời / Mặt trời soi một kiếp rong chơi.

Trịnh Công Sơn có tài hoán chuyển những ý tưởng trừu tượng thành những lời nhạc mà ai cũng có thể hiểu được dễ dàng. Thay vì viết như vần thơ cổ Triêu như thanh mộ như tuyết (Cao Bá Quát), anh chỉ dùng một câu mà thoạt nghe qua như một câu ca dao: Giật mình ôi chiếc lá thu phai. Nói về tài dùng chữ của anh, Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát từng viết, “Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra”. Chính anh cũng có lần tự hào nhận như thế, trong một phỏng vấn, anh trả lời: “Tôi có cảm tưởng cái túi này chưa vơi đi bao lăm”.

Thi sĩ khai thác thế giới của chữ nghĩa để tìm ra một đường thẳng, nhưng là một cấu trúc hài hòa. Nhạc sĩ khai thác thế giới toán học để biến những đường thẳng chữ nghĩa thành âm thanh và nhịp điệu. Trong phần lớn ca khúc của Trịnh Công Sơn, thơ và nhạc quyện vào nhau một cách khắng khít, đến nổi nhiều khi người nghe, nói như Văn Cao, không phân biệt được đâu là phần chính và đâu là phần phụ. Hãy nghe thử một đoạn nhạc: Một người già trong công viên / Một người điên trong thành phố / Một người nằm không hơi thở / Một người ngồi nghe bom nổ, hay Tim em người trọ là tôi / Mai kia dù có xa xôi cũng đành. Có lẽ cái quyến rũ của nhạc Trịnh Công Sơn là ở chỗ này: chỗ mà những lời hay ý đẹp được đan xén khắng khít nhau qua giai điệu nhạc cực kì đơn giản.

Theo tôi, có lẽ nên nhìn Trịnh Công Sơn như là một thi nhạc sĩ hơn là nhạc sĩ thuần túy, bởi vì hầu như bài nhạc nào của anh cũng có cấu trúc thơ trong đó. Chẳng hạn như trong Hạ trắng, anh viết: Đời xin có nhau / Dài cho mãi sau / Nắng không gọi sầu / Áo xưa dù nhầu / Cũng xin bạc đầu / Gọi mãi tên nhau. Có thể nhìn những lời nhạc này như một bài thơ bốn chữ. Hay: Thôi em đừng bối rối / Trong ta chiều đã tàn / Thôi em đừng tiếc nuối / Cho môi chút thanh xuân / Tóc em cười trong gió / Trong ta giọt máu mù / Khô theo ngày thương nhớ ... cũng như là một bài thơ năm chữ.

Nhạc và thơ tuy hai mà một, một mục đích chinh phục con tim, đánh thức và làm lắng đọng nỗi đam mê của con người. Bây giờ tôi xin mời các Các bạn lắng đọng vài mươi phút nữa để cho con tim mình tiếp tục được chinh phục bằng những bài tình ca bất hủ của thi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong chương trình “Vườn xưa” đêm nay. Xin cám ơn các Các bạn đã kiên nhẫn nghe những lời nói khá dong dài của tôi.

NVT

Xem thêm:Trị liệu bằng tế bào gốc: triển vọng và quan tâm
Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét