Những thói ích kỉ của người Việt ?

Hôm qua, có chuyện cần thiết, nên tôi phải đi đến khu thủ đô của người Việt ở đây (Sydney). Tôi muốn nói đến khu Cabramatta. Vì chứng kiến một cuộc loạn đả ngay tại đây nên tôi có cảm hứng viết vài hàng coi như là nhật kí này.

Cabramatta có người nói cho vui là Vietnammatta, vì có nhiều đồng hương định cư ở đây. Gần 30 năm về trước, tôi cũng từng có lần ở đây khoảng 3 tháng trước khi ra ngoài định cư. Thời đó, Cabramatta là một ngoại ô buồn tẻ, không khác gì một vùng quê. Nhưng từ ngày có người Việt về đây, Cabramatta đã nổi tiếng trở thành khu buôn bán sầm uốt nhất của người Việt, với nhiều hàng quán ăn ngon, và nhiều tiệm bán vải và quần áo may sẵn (đại đa số là hàng nhái từ Trung Quốc) nghe nói là không đắt lắm. Vì thế, mỗi thứ Bảy và Chủ nhật, khu này thu hút một lượng khách hàng còn đông hơn cả cư dân của ngoại ô Cabramatta.

Điều này dẫn đến một vấn đề nan giải cho khu Cabramatta là thiếu chỗ đậu xe. Thật ra, những ai muốn đi Cabramatta, cho dù chỉ là một bữa ăn uống, mà nghe đến chỗ đậu xe thì chẳng khác gì một cơn ác mộng, một nightmare! Nếu không may mắn mà đến Cabramatta vào khoảng 11 giờ sáng thì có thể phải tiêu ra cả giờ để tìm một chỗ đậu xe. Đã nhiều lần, tôi không đủ kiên nhẫn nên đành bỏ về, chứ không láng cháng, “canh me” tìm chỗ đậu xe như nhiều người khác.

Vấn đề thật ra không phải thiếu chỗ đậu xe, mà còn là tính ích kỉ của người Á châu mình, cụ thể là người Việt và người Tàu. Nhưng vì tôi là người Việt, nên tôi chỉ nói đến người mình thôi. Những ai từng đi chợ ở những vùng có đông người Việt, bất kể là bên Mĩ hay bên Úc, đều thấy những cảnh tượng quen thuộc: xe cộ hỗn loạn, không có thứ tự như những bãi đậu xe của người Tây phương. Người lái xe gốc Việt thường “canh me” tìm chỗ đậu xe bằng cách đậu một chỗ, hút thuốc chờ cho xe khác ra để dành chỗ trước, mặc kệ cho những xe phía sau phải chờ. Có người “lịch sự” hơn thì đậu nép vào bên lề để xe sau có thể qua, nhưng số này không nhiều. Có người thì khi thấy có xe ra bèn lái ngược đường (phi pháp) để dành chỗ. Không phải một người, mà nhiều người như thế. Hệ quả là hàng trăm xe phải chờ phía sau mà chẳng biết chuyện gì xảy ra đằng trước.

Có lần tôi chứng kiến một cảnh trái tai gai mắt như thế: một chị trung niên đậu xe một chỗ chờ xe ra để đậu, mà chẳng thấy tâm hơi xe nào muốn ra cả, và cả mấy chục xe sếp hàng phía sau phải chờ trong cái nắng oi bức. Vì đậu sau xe của chị, nên tôi bực mình, và phải có đôi lời với chị. Tôi mở cửa xe và đến bên xe chị để nói đôi đều phải quấy, tôi chỉ cho chị đằng sau một dòng xe dài dằng dặt, kể cả tôi, đang bị kẹt chỉ vì chị không chịu đi, không chịu nhường đường. Tôi năn nỉ chị lách qua một bên để các xe phía sau có thể đi qua và giải quyết lưu thông trong cái khu chật chội này. Tưởng chị ta làm theo ý mình, ngờ đâu chị phun một loạt câu chữ nữa tiếng Việt nữa tiếng Anh: chuyện của tui, tui hổng đi đâu hết, none of your business, ok. Nhìn thấy khuôn mặt phấn son lòe loẹt của chị và bộ lông mài có phần hung dữ, tôi đành nhường và chỉ biết lắc đầu. Nhưng phía sau xe nhấn còi inh ỏi, phải mất cả 5 phút chị mới chịu nhích bánh xe. Thiệt tình!

Hôm nay, tôi chứng kiến một cảnh còn xấu hơn nhiều. Một chiếc xe rời bến, và phía sau là một xe khác đang chờ vào. Vì xe của anh ngay đằng sau chiếc xe mới rời, nên chuyện anh vào đậu bến là hớp lí. Ấy thế mà một người khác lái chiếc Toyota Corolla cũng chờ đậu xe, nhưng đậu cách đó cả 5 thước, lùi xe lại … dành chỗ! Nhưng xe của anh chàng kia đã vào chỗ. Thế là có vấn đề. Thoạt đầu, hai người chỉ mới nói chuyện bằng miệng (và tôi chẳng biết họ nói gì vì bị kẹt xe nên phải ngồi trong xe), nhưng đột nhiên, anh tài xế chiếc Corolla đột nhiên dơ tay đánh anh kia. Thế là hai người quần nhau ngay tại bãi đậu xe. May thay, có nhân viên bảo vệ đến kịp thời để dàn xếp (dĩ nhiên là anh chàng Corolla sai), nhưng áo cũng rách vài chỗ rồi.

Thật là nhục! Chỉ vì một chỗ đậu xe mà loạn đả nhau, làm trò cười cho mấy người Úc đằng sau. Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh dành chỗ đậu xe mà thượng cẳng tay hạ cẳng chân, mà bạn bè thường nói trước đó.

Việt kiều khi về nước hay nói người trong nước ích kỉ, không chịu nhường đường khi lái xe, hay không tuân thủ theo đèn giao thông. Những nhận xét mang tính bề trên này cũng đúng phần nào, nhưng còn Việt kiều ngoài này thì sao? Tôi thấy cũng chẳng khác gì người Việt trong nước, tức là Việt kiều cũng ích kỉ, cũng làm bậy, và khi có dịp vẫn bất tuân thủ theo đèn giao thông như thường. Tất nhiên, không phải Việt kiều nào cũng ích kỉ như thế, nhưng sự thật là có không ít Việt kiều hành xử như thế. Bãi đậu xe là nơi lí tưởng để quan sát thói ích kỉ của người Việt. Nếu có một đặc tính văn hóa lây truyền như virút ở người Việt thì tôi nghĩ đó là văn hóa ích kỉ. Có lẽ nói “văn hóa” thì quá nặng, thôi tôi đổi thành “thói ích kỉ”. Thói ích kỉ đã thấm vào trong máu và tim của người Việt và nó theo người Việt đi khắp nơi trên thế giới.

Tất nhiên, tôi nghĩ thói ích kỉ hiện hữu ở bất cứ dân tộc nào, chứ chẳng riêng người Việt. Nhưng tôi e rằng biện minh theo kiểu “họ như vậy, tôi cũng làm như vậy” không thuyết phục chút nào, mà còn mang tính ngụy biện. Còn bây giờ, tôi chỉ nói người mình, chẳng cần quan tâm đến người khác. Thói ích kỉ của người mình đã được các nhà văn hóa đầu thế kỉ (như Nguyễn Văn Vĩnh chẳng hạn) nói đến rất nhiều, nhưng cho đến nay nó vẫn còn đó cứ như là một virút không chịu đột biến.

NVT

Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét