Đọc bài này tôi hơi nghi ngờ. Chẳng biết họ dựa vào tiêu chuẩn nào để định nghĩa là “suy dinh dưỡng” hay “thấp còi”. Và, quan trọng hơn, con số 30% này đến từ đâu. Hi vọng là từ một cuộc điều tra khoa học nghiêm chỉnh.
Trước đây, Trong hội nghị tổng kết đánh giá các hoạt động dinh dưỡng năm 2007 do Bộ Y tế và Viện Dinh dưỡng quốc gia tổ chức vào đầu năm nay, có báo cáo cho thấy “tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi trên cả nước suy dinh dưỡng đã giảm từ 23,4% (năm 2006) xuống còn 21,2%.” Nhưng nay, theo chị này thì có đến 1/3 trẻ em 6-18 tuổi bị suy dinh dưỡng. Đành rằng hai con số dựa vào hai độ tuổi khác nhau, nhưng chúng ta biết rằng tỉ lệ suy dinh dưỡng thường thấp ở những trẻ em trong độ tuổi trung học so với tiểu học. Tôi nghĩ con số phải thấp hơn 30% nhiều.
Bài báo trích dẫn nhận xét của Ts Khanh rằng “Theo TS Khanh, hiện thanh niên VN 18 tuổi cao trung bình 1,63m với nam và 1,53m với nữ, so với thanh niên Nhật Bản tính chung cả nam và nữ cao khoảng 1,7m.”
Tôi xem lại nghiên cứu của đồng nghiệp tôi tại Hà Nội trên 1400 người thì thấy chiều cao trung bình ở nữ là 153,9 cm và nam là 164,3 cm, nhưng đây là những người từ độ tuổi 30-70.
Quay sang Nhật, tôi thấy một nghiên cứu gần 2500 phụ nữ Nhật trong độ tuổi trưởng thành (từ 18 đến 79 tuổi), chiều cao trung bình được ghi nhận là 153,4 cm. Ở nam giới, chiều cao trung bình của người Nhật là 164,5 cm. Những con số này rất khác với con số 170 cm mà Ts Khanh nói. Thật ra, 170 cm là chiều cao trung bình của nam giới Nhật trong độ tuổi 19 (chứ không phải chiều cao “tính chung cả nam và nữ”). Nhưng mấy con số trên wikipedia cũng không đáng tin cậy, vì người ta có xu hướng nói quá cho dân tộc mình.
Nói tóm lại, tôi thấy con số tỉ lệ dinh dưỡng 30% ở trẻ em trong độ tuổi 6-18 là khó tin, và những con số khác mà chị này trích dẫn thiếu chính xác. Bài báo với tựa đề “Một con số đáng giật mình!” nhưng thật ra thì chẳng có gì giật mình; nếu có thì đó chính là con số chiều cao người Nhật!
NVT
Thứ Sáu, 10/04/2009, 08:13 (GMT+7)
Thời sự & suy nghĩ
Một con số đáng giật mình!
TT - Tại lễ ký kết dự án nghiên cứu dinh dưỡng trẻ học đường diễn ra hôm qua 9-4 tại Hà Nội, những người tham dự phải giật mình khi TS Lê Nguyễn Bảo Khanh, trưởng khoa dinh dưỡng học đường và ngành nghề Viện Dinh dưỡng, thông báo: có tới trên 30% học sinh VN 6-18 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi.
Theo TS Khanh, chiều cao sẽ gần như ngừng phát triển sau tuổi 19, rất nhiều cháu trong số này trở thành những người trưởng thành thấp bé.
Đã nhiều năm nay, chúng ta băn khoăn về chiều cao, cân nặng, tầm vóc, sức bền của người Việt. Một trong những điểm được coi như thành tựu là chiều cao của nam nữ thanh niên VN đã tăng lên chút ít, nhất là ở nhóm bạn trẻ thế hệ 9X (sinh những năm 1990). Tuy nhiên theo TS Khanh, thực tế năng lượng khẩu phần của cả ba bữa ăn học sinh VN 6-18 tuổi mới đáp ứng được 60% năng lượng khẩu phần cho trẻ.
Ở các gia đình hoàn toàn sử dụng “bữa ăn truyền thống”, năng lượng khẩu phần còn không đủ đáp ứng nhu cầu cho trẻ lứa tuổi vị thành niên. Chính vì vậy, chiều cao của thanh niên VN đang ở mức gần như thấp nhất so với thanh niên các nước xung quanh.
Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là đến nay chưa có cơ quan nào quản lý bữa ăn học đường. TS Khanh nhận xét khẩu phần ăn trong bữa ăn học đường (ở các điểm trường bán trú) hầu hết chưa do những người có kiến thức về dinh dưỡng xây dựng. “Thậm chí hiện có bao lăm trường học tổ chức bữa ăn học đường cũng rất khó trả lời, trong khi đây là một nhu cầu của xã hội. Việc có kiểm tra, giám sát sẽ làm giảm thiểu được những thiếu sót có thể xảy ra” - bà Khanh nói.
Theo TS Khanh, hiện thanh niên VN 18 tuổi cao trung bình 1,63m với nam và 1,53m với nữ, so với thanh niên Nhật Bản tính chung cả nam và nữ cao khoảng 1,7m. Lứa tuổi học đường chính là giai đoạn phát triển mạnh về thể chất thứ hai sau giai đoạn là em bé, được chăm bẵm. Thế nhưng, những can thiệp về dinh dưỡng trong những năm qua tỏ ra chưa quan tâm đầy đủ với nhóm tuổi này. Vì thế, dù có can thiệp mạnh đến mấy, giảm suy dinh dưỡng cho nhóm dưới 5 tuổi đến mấy thì số các cháu tuổi học đường suy dinh dưỡng thấp còi vẫn không giảm.
Có quá khó khăn gì không với việc quản lý bữa ăn học đường, với việc nghiêm túc đánh giá tình hình hiện nay và có phương án bổ sung, kể cả bằng hình thức “xã hội hóa”? Bởi thực tế không có việc gì quan trọng hơn là đầu tư cho con người. Thế hệ tương lai sẽ ra sao nếu câu chuyện 1/3 các cháu học sinh thấp còi không thay đổi?
LAN ANH
Xem thêm: Bí mật thực đơn giảm cân của Hà Anh Tuấn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét