Hôm nay đọc báo thấy một tin buồn. Đó là tin cụ Hoàng Khoa Khôi vừa tạ thế. Cụ thọ 92 tuổi. Tôi chưa bao giờ gặp cụ Khôi, nhưng có liên lạc qua lại nhiều lần. Lần sau cùng cách đây khoảng 5 năm khi cụ gửi tặng tôi một cuốn sách về Khruschev trong “Tủ sách Nghiên cứu” do cụ làm chủ biên.
Khoảng 10 năm trước, tôi viết một loạt bài về thời sự trên Thế kỉ 21, và qua loạt bài này, tôi có cơ duyên quen biết cụ. Một hôm, tôi nhận được một thư nói ra bưu điện nhận hàng. Tôi ra nhận một bao thư lớn dày cộm, mà người gửi là Hoàng Khoa Khôi, một người lúc đó tôi hoàn toàn không quen biết. Mở thư ra đọc mới biết là cụ theo dõi những bài viết của tôi rất lâu, và có lẽ có cảm tình với tôi, nên cụ gửi sách như là một cách làm quen. Lúc đó tôi cũng chưa biết cụ bao lăm tuổi, chỉ nghĩ chắc cỡ tuổi mình! Nhưng qua mấy lần liên lạc, tôi mới biết cụ còn lớn tuổi hơn Ba tôi! Rồi từ đó, bất cứ Tủ sách Nghiên cứu có ra cuốn nào mới, cụ đều gửi tặng tôi một cuốn.
Những cuốn sách do cụ biên khảo hay viết đều rất khoa học, hiểu theo nghĩa lập luận rất logic, phát biểu đều có bằng chứng và tài liệu tham khảo, nói chung là rất nghiêm chỉnh. Tôi học được rất nhiều từ những cuốn sách đó, nhất là những “thâm cung bí sử” trong thế giới cộng sản đệ tứ, mà tôi chẳng biết gì ráo trọi. Cụ rất kiên trì tìm hiểu vụ Tạ Thu Thâu bị ám hại như thế nào. Có lần tôi đọc trên một website chống cộng của một nhóm ở Pháp, người viết viết rằng nếu có một người cộng sản trung kiên, sắc son, trước sau như một thì người đó là cụ Hoàng Khoa Khôi. Người viết bài đó cho rằng dù không cùng quan điểm với cụ, nhưng người viết đó rất kính trọng cụ.
Hôm nay, nghe tin buồn cụ qua đời, tôi muốn ghi lại vài dòng kỉ niệm và thành kính phân ưu cùng gia đình. Cầu xin hương hồn cụ sớm tiêu diêu nơi miền cực lạc.
NVT
http://www.diendan.org/tin-buon/tin-buon-ong-hoang-khoa-khoi-tu-tran
HOÀNG KHOA KHÔI (1917-2009)
Chúng tôi được tin Ông Hoàng Khoa Khôi đã từ trần ngày 9.4.2009 tại bệnh viện Roguet (Clichy, Paris), thọ 92 tuổi. Lễ hoả táng sẽ cử hành lúc 15g ngày thứ năm 16.4.2009 tại Crématorium, nghĩa trang Père-Lachaise (cổng Gambetta, Métro Gambetta).
Diễn Đàn xin thành thực chia buồn cùng tang quyến.
Thương tiếc anh Khôi
Anh Hoàng Khoa Khôi (1917- 2009) một gương mặt quen thuộc của Paris, trong giới kiều bào cũng như bạn bè người Pháp quan tâm đến Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ nay, đã qua đời tại bệnh viện Roguet, Chichy (Paris), lúc 20 giờ ngày 9.4.2009, sau một tháng nhập viện vì một cơn đột quỵ. Thọ 92 tuổi.
Giấy tờ ghi năm sinh 1920 tại Nam Định, nhưng anh thường nói sinh 1917.
Học hết ban Thành Chung, tại Nam Định, anh đăng lính đi Pháp, 1939, theo đợt tuyển mộ Lính Thợ Không Chuyên (ONS : Ouvriers Non Spécialisés, còn gọi là Công Binh) do chính quyền thuộc địa đưa sang Pháp để phục vụ sản xuất trong Đệ nhị thế chiến. Anh đi theo với tư cách thông ngôn.
Sang Pháp, anh hoạt động mạnh mẽ trong giới Công Binh, tranh đấu cho nền độc lập Việt Nam, chống lại chủ nghĩa tư bản và chính sách thực dân, nghĩa là chính quyền Pháp. Anh phải đào ngũ, sống phi pháp, chủ yếu nhờ vào sự che chở của những người bạn cộng sản đệ tứ quốc tế (trotskyste), là những người, thời đó, ủng hộ lập trường Việt Nam độc lập, trong chính sách giải thực (décolonisation) rộng lớn hơn.
Anh gắn bó với phong trào và tư duy tờ rốt kít từ đó, và chung thuỷ với tư duy này đến hơi thở cuối cùng.
Những năm 1945-1946 sôi nổi, trong phong trào Việt kiều tại Pháp, nhóm Công Binh, khoảng 15000 người, nòng cốt tờ rốt kít đóng vai trò quan trọng trong việc đấu tranh đòi quyền tự chủ cho Việt Nam. Họ chủ trưong không thoả hiệp với Pháp và chống tư tưởng lẫn chính sách Stalin.
Hoàng Khoa Khôi là một trong những tác nhân và chứng nhân chủ yếu.
Sau đó sự đối lập giữa đệ tam và đệ tứ quốc tế gây chia rẽ, người đệ tứ mất thế đứng trên chính trường và bị lên án − mà không ai nói rõ về tội gì…
Anh Khôi tiếp tục tranh đấu, viết và in sách báo, tâp hợp tài liệu chính trị, cùng các đồng chí làm Tủ Sách Nghiên Cứu : tủ sách này năm 1981 là cơ quan tiếng Việt đầu tiên dịch và phổ biến Tờ trình bí mật của Krushôp về Stalin phát hành 2000 bản. Nhóm còn chủ trương tam cá nguyệt san Chroniques Vietnamiennes, đầu năm 1989 mở chiến dịch phục hồi danh dự Tạ Thu Thâu, gây được tiếng vang. Năm 1995, anh có bí mật về Việt Nam, gặp nhiều nhà văn, nhà thơ « có vấn đề » như Lê Đạt, Nguyễn Hữu Đang, và kể lại trong hồi ký.
Khi làm thơ, anh ký tên Hoàng Giang, và khi viết bình luận thường lấy bút hiệu Hoàng Giang hay Hà Cương Nghị.
Anh viết lưu loát cả hai tiếng Việt và Pháp. Khi cao tuổi, trước ngày đột quỵ, anh còn kể chuyện, để các bạn trẻ ghi lại làm hồi ký.
Anh Khôi tận tuỵ với bạn bè, không phân biệt phe phái, tuổi tác. Đặc biệt yêu quý người đồng hương mà anh tận tình giúp đỡ.
Hoàng Khoa Khôi vĩnh viễn ra đi, để lại một khoảng trống lớn trong lòng mùa xuân Paris, trong lòng bạn bè trong và ngoài nước
Đặng Tiến
9.4.2009
Xem thêm: Chuyện khai thác bauxite ở Tây Nguyên
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét