Dịch cúm heo và tác hại kinh tế

Bài này tôi viết cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn từ hôm đầu tuần, nhưng những thông tin vẫn còn mang tính thời sự.
Diễn biến của nạn dịch cúm heo ở Mexico càng ngày càng phức tạp. Tính từ ngày 13-4-2009 đến đầu tuần này, Mexico có hàng ngàn người mắc bệnh cúm heo do phơi nhiễm virút H1N1, và trong số này khoảng 6% (152 người) tử vong.

Điều đáng quan tâm là những người bị nhiễm và tử vong nằm trong độ tuổi thanh niên và trung niên, chứ không phải người cao tuổi hay trẻ em, vốn là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi cúm gia cầm. Chính phủ Mexico ra lệnh đóng cửa trường học, khuyến cáo tránh tập họp thành đám đông, và tăng cường các biện pháp y tế cộng đồng để đối phó với một nạn dịch có thể nói là nguy hiểm nhất cho nước này.

Có dấu hiệu cho thấy dịch cúm heo đã lan sang Mĩ và một số nước khác như New Zealand, Israel, Canada, Anh và Tây Ban Nha. Chỉ trong vòng một tuần từ ngày cúm gia cầm đột phát ở Mexico, các bang giáp biên giới Mexico như California, Texas, thậm chí xa hơn như Ohio và New York đã ghi nhận ít nhất 68 ca đã qua xét nghiệm và hàng trăm ca nghi ngờ.

Đặc biệt là ngày 17-4-2009, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh của Mĩ (CDC) cho biết có hai trẻ em ở một ngoại ô thuộc thành phố San Diego, giáp biên giới Mexico, có kết quả xét nghiệm dương tính với virus H1N1. Phân tích thêm cho thấy virút được phát hiện có một mảng DNA không giống như các virút trước tìm thấy ở con người và heo.

Cả hai em bé đều không tiếp xúc với heo, và cho đến nay chưa ai biết nguồn nhiễm xuất phát từ đâu. Các nhà khoa học cho biết mặc dù đây là một chủng mới của virút H1N1 ở con người, họ rất quan tâm rằng có thể virus sẽ có khả năng lây truyền từ người sang người, và các vắcxin hiện hành không có hiệu quả chống lại sự lan truyền đó.

Trước những diễn biến trên, ngày 25-4-2009, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng khẩn và nhận định rằng vấn đề có quy mô quốc tế. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong 10 năm trở lại đây, WHO phải ra một tuyên bố mang tính nghiêm trọng như hiện nay.

Ngay cả trước đây, khi dịch cúm H5N1 xảy ra ở vài nước châu Á, WHO cũng chưa ra những tuyên bố khẩn. Và, họ cũng có lý do để cẩn thận trong lần này, bởi vì dịch cúm H1N1 đã từng có “tiền sử” gây tác hại đến con người và kinh tế toàn cầu.

Virus H1N1
Virút H1N1 là nguyên nhân gây ra nạn đại dịch ở Tây Ban Nha vào năm 1918, giết chết khoảng 50 triệu người trên thế giới chỉ trong vòng một năm.

Có người cho rằng con số tử vong thật sự lên đến hàng trăm triệu người; chỉ riêng Ấn Độ, có hơn 20 triệu người chết trong đại dịch 1918. Tuy thường được gọi là đại dịch Tây Ban Nha, nhưng thực ra có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy đại dịch đó xuất phát từ Mĩ. Tác hại của H1N1 đến dân số chỉ có thể mô tả bằng hai chữ: kinh khủng. Tuổi thọ trung bình ở người Mĩ vào năm 1917 là 51, nhưng sau nạn đại dịch 1918, tuổi thọ trung bình giảm xuống chỉ còn 39 tuổi!

Tuy nhiên, virút H1N1 không phải là virút mới, vì chúng có mặt trong heo từ rất lâu trên khắp thế giới. Virút này cũng từng là thủ phạm gây ra nhiều bệnh đường hô hấp cho heo. Nghiên cứu ở Anh cho thấy hơn 50% heo ở Anh bị nhiễm virút ít nhất là một lần trong quãng đời sống của heo. Do đó, có thể nói heo là một vật chủ, một nguồn dự trữ lớn của các virút H1N1 (và H3N2).

Hiểu theo nghĩa này, cúm gia súc luôn luôn là một nguy cơ chực chờ. Thật vậy, năm 1994, virút H1N1 được tìm thấy trong heo ở Đức, Pháp, Hà Lan, và một số nước thuộc vùng bắc châu Âu. Ở Đài Loan và Thổ Nhĩ Kì, virút H1N1 còn tìm thấy ở heo và gà tây.

Có lẽ nói không ngoa rằng ở nước ta, virút H1N1 vẫn có tiềm năng tồn tại, nhưng chưa được phát hiện. Nếu có cơ hội và môi trường thuận tiện, một dịch cúm gia súc có thể bộc phát bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Có thể nói trong môi trường sống hiện đại, với mật độ dân số càng ngày càng gia tăng, việc di chuyển giữa các nước trên thế giới trong vòng vài giờ (thay vì vài tháng như trước đây), và phương thức chăn nuôi, sản xuất quy mô lớn là những điều kiện lí tưởng cho các virút có cơ hội lan truyền nhanh chóng.

Ảnh hưởng đến kinh tế
Đứng trên phương diện y tế công cộng, một virus có thể gây đại dịch nếu hội đủ ba điều kiện: đột biến, tiềm năng lây truyền từ người sang người, và gây tử vong. Các dữ liệu ban sơ cho thấy dịch cúm H1N1 hội đủ gần như cả ba điều kiện, và đó là một mối quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, trong điều kiện y tế và y khoa hiện đại như hiện nay, tỉ lệ này có thể sẽ thấp hơn so với trước đây. Các bằng chứng này cho thấy H1N1 có thể tiến hóa thành một virus mới, có khả năng lây truyền từ người sang người, và gây tử vong cho con người. Do đó, các chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm nhấn mạnh rằng đây là một vấn đề toàn cầu, với tầm quan trọng lớn hơn nhiều so với dịch cúm do H5N1 gây ra trong thời gian gần đây.

Nếu đại dịch xảy ra ở quy mô toàn cầu thì hệ quả như thế nào? Hệ quả của một nạn dịch không chỉ là sự tổn thất về nhân mạng mà còn kinh tế. Dịch bệnh làm cho sự đi lại và giao dịch thương mại bị hạn chế và gây tác động đến nền kinh tế toàn cầu, kể cả du lịch, thực phẩm, đầu tư và thị trường chứng khoán.

Ngay hiện nay, Mexico là nước chịu nhiều thiệt thòi nhất: một số nước ra lệnh cấm nhập khẩu thịt heo từ Mexico, một số nước thì ra khuyến cáo công dân họ không nên đi du lịch ở Mexico, hay người về từ Mexico bị khám xét cẩn thận ...

Năm 2006, Vụ Ngân sách thuộc Quốc hội Mĩ phân tích về tác động của một đại dịch đến nền kinh tế nước Mĩ. Theo phân tích này, nếu xảy ra một đại dịch như đại dịch Tây Ban Nha 1918 có thể làm cho tổng sản lượng quốc dân giảm 4%, hay một đại dịch nhẹ hơn (như dịch cúm năm 1957 và 1968) cũng có thể làm giảm tổng sản lượng quốc dân khoảng 1%.

Năm ngoái, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính rằng nếu một đại dịch xảy ra trên quy mô toàn cầu sẽ có thể tốn 3.000 tỉ đô la và làm mất 5% tổng sản lượng thế giới, và khoảng 70 triệu người có thể tử vong. Một số ước tính khác cho rằng con số thiệt hại kinh tế có thể còn hơn 4.400 tỉ đô la.

Như để thấy những thiệt hại trên không phải là viễn vông, chúng ta có thể xem qua tác động của nạn dịch SARS năm 2003. Dịch SARS làm cho việc đi lại bị hạn chế, thương mại bị gián đoạn và làm cho 25 nước vùng châu Á - Thái Bình Dương mất gần 40 tỉ đô la, với 775 người tử vong và 8.000 người bị nhiễm.

Ngừa bệnh hơn chữa bệnh
Tuy diễn biến của dịch cúm rất khó tiên đoán, nhưng chúng ta có thể nghĩ đến ba tình huống trong tương lai: một là H1N1 sẽ đột biến và có khả năng lan truyền từ người sang người qua hòa nhập với các virus khác trong con người; hai là qua đường truyền nhiễm (khi con người bị bệnh truyền nhiễm, virus H1N1 có thể đột biến để thích nghi với cơ thể con người); và ba là H1N1 có thể trở nên trung hòa với cơ thể con người.

Trong ba tình huống, virút H1N1 đều có thể trở nên một tác nhân gây bệnh nguy hiểm. Đứng trên quan điểm y tế công cộng, phòng bệnh vẫn hơn là chữa bệnh. thực chất của cúm gia cầm là truyền nhiễm. Do đó, vaccin là một biện pháp hàng đầu và hữu hiệu nhất ở mức độ cộng đồng.

Trong quá khứ, chính vì thiếu vắcxin, cho nên con số tử vong vì các nạn dịch lên đến hàng triệu. Chúng ta không để một tình trạng như thế xảy ra trong tương lai.

Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là có tín hiệu cho thấy virút H1N1 phát hiện ở Mexico có thể kháng thuốc. Điều này đặt ra nhu cầu cho nghiên cứu khoa học tìm hiểu về cơ chế gây bệnh và kháng thuốc của virút.

NVT

Xem thêm: Lại bàn về văn hóa sợ hãi qua vụ cúm H1N1
Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét