Bùi Ngọc Tấn và "Biển và chim bói cá"

Hôm nay tôi mới hay tin cuốn “Biển và chim bói cá” của Nhà văn Bùi Ngọc Tấn mới phát hành. Tôi phải tìm cuốn này để đọc mới được! Đọc xong rồi mới viết bình luận sau.


Tôi là fan của Nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Hầu như truyện ngắn và tác phẩm nào ông công bố tôi đều có. Chẳng biết có phải vì dành cảm tình cho người mình ngưỡng một hay không, nhưng tôi nghĩ BNT là một Dostoievski của Việt Nam. Những truyện ngắn sâu sắc làm tôi suy nghĩ sau khi gấp sách lại cứ như là dư âm của một bản nhạc hay. Cách đây vài năm tôi có giới thiệu sách của BNT, và nay post lại để bạn đọc biết thêm (nếu chưa biết) về nhà văn này.

NVT

http://www.thethaovanhoa.vn/173N20090322070445794T14/Bien-va-chim-boi-ca-ngon-ngon-nhung-chan-dung!.htm

"Biển và chim bói cá" ngồn ngộn những chân dung!
Cuộc tọa đàm về cuốn tiểu thuyết Biển và chim bói cá của nhà văn Bùi Ngọc Tấn (NXB Hội Nhà văn và Công ty Nhã Nam phát hành cuối 2008) đã được tổ chức tại Hà Nội vào chiều 20/3.

Gọi là tọa đàm, nhưng không khí tại đó lại thiên về một cuộc gặp mặt và chia sẻ khá cảm động giữa tác giả cùng bè bạn. Bởi, đa phần những người phát biểu trong cuộc gặp như Châu Diên, Nguyễn Xuân Khánh, Phạm Ngọc Tiến, Dương Tường, Phạm Xuân Nguyên... đều thân thiết và yêu quý Bùi Ngọc Tấn từ lâu. Thậm chí, không ít người trong số đó là bạn thâm giao với nhà văn 75 tuổi này trong vài chục năm qua, ngay cả ở những quãng đời mà ông gặp khó khăn nhất.

Nhận xét về cuốn tiểu thuyết dày hơn 500 này, những ý kiến đánh giá gặp nhau ở một điểm chung: Sách phong phú về chi tiết, ngồn ngộn về chất liệu sống và... đặc sệt phong cách Bùi Ngọc Tấn. Dường như, đó cũng là điều dễ hiểu, khi mà ông đã có thời gian khá lâu để chuẩn bị cho cuốn sách này, sau hơn 20 năm là nhân viên của Xí nghiệp đánh cá Hạ Long và chứng kiến đủ những chìm nổi, ngang trái của cuộc sống và con người trong một bầu không khí cũ.

“Đây là những cuốn sách về những con người khao khát hạnh phúc mà không bao giờ đạt tới hạnh phúc đích thực. Phần thứ nhất nói về những thân phận chim bói cá trên biển. Đọc xong phần này, người đọc sẽ vương vấn với câu hỏi: Những con người này, những con chim bói cá này, chúng có hạnh phúc không và liệu rồi có bao giờ chúng có nổi hạnh phúc không? Phần thứ hai là những con chim bói cá “ăn theo” tại vô số ban bệ trên bờ, là cuộc cải cách của những người rủ nhau đi biển đầy nắng và sóng gió nhưng lại mang màu sắc âm u của những kẻ đi vào đường hầm không lối thoát”. Nhận xét của nhà văn Châu Diên có thể coi là lời tóm tắt chính xác nhất về nội dung cuốn sách.

Một số ý kiến tranh luận nho nhỏ diễn ra khi nói về kết cấu của cuốn sách. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói: Biển và chim bói cá là cuốn sách không có cả cốt truyện, cũng không có nhân vật chính. Đó là cuốn sách về cả một tập thể, giống như một cuộc triển lãm ngồn ngộn những chân dung nhân vật trong từng ngăn khác nhau. Trong khi đó, nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn, cũng là một người bạn vong niên của tác giả, khá thẳng thắn khi cho rằng cách viết ấy phần nào sẽ gây khó khăn cho độc giả trong việc nắm bắt câu chuyện. “Anh Sơn chạm đúng nỗi lo của tôi” - nhà văn Bùi Ngọc Tấn công nhận.

Nhưng, như lời nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, “sách có thể thích được và đứng được”. Và không chỉ với các nhà văn có mặt, điều này cũng rất có thể thành sự thật với nhiều độc giả thông thường. Bởi, với những đầu sách trước đó, từ chục năm nay, nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã có được một lượng độc giả nhất định, luôn dành tình cảm cho ông.

Hoàng Nguyên

===

Và đây là bài của tôi:

Giới thiệu sách mới

Tháng này, tôi xin giới thiệu đến bạn đọc một số sách đáng chú ý (theo ý kiến của tôi) mới xuất bản ở trong nước.

Viết về bè bạncủa Bùi Ngọc Tấn
Nhà xuất bản Hải Phòng, 2003. 536 trang

Truyện ngắn Bùi Ngọc TấnNhà xuất bản Hải Phòng, 2003. 355 trang

Để hiểu ngọn ngành hai cuốn sách này và truyện ngắn của Bùi Ngọc Tấn, tưởng cần phải nhắc lại về tác giả một chút. Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934, nguyên quán ở Hải Phòng. Ông từng là một nhà báo (với bút hiệu Lôi Động và Tân Sắc) và nhà văn thuộc thế hệ sau 1954. Ông từng cộng tác với tờ Tiền Phong, Hà Nội, và Hải Phòng Kiến Thiết. Ông bị bắt vào tháng 11 năm 1968 vì tội “phản cách mạng, tuyên truyền chống chế độ”, và đi tù cho đến năm 1973 mới được thả ra. Năm 1993, ông tái xuất hiện trên văn đàn với bài “Nguyên Hồng: một thời đã mất” đăng trên Tạp chí Cửa Biển của Hội Nhà văn Hải Phòng. Sau này tập bút kí đó được Nhà xuất bản Hội Nhà văn in thành sách với nhiều đoạn bị đục bỏ.

Bùi Ngọc Tấn nổi tiếng trong thời gian hậu gulag hơn là thời gian trước khi ông đi tù. Ngày nay, nói đến ông, người ta nghĩ ngay đến tác phẩm Chuyện kể năm 2000, một truyện dài – hay nói chính xác hơn là tự truyện – viết về cuộc đời tù đày và cuộc sống xã hội sau khi ra tù của ông. Cuốn sách mới in xong liền bị cấm phát hành.

Viết về bè bạn (VVBB) là một tập hợp những bài viết của Bùi Ngọc Tấn về những người bạn của tác giả. Những người bạn mà Bùi Ngọc Tấn đề cập đến là Chu Lai, Nguyễn Quang Thân, Dương Tường, Mạc Lân, Lê Bầu, Nguyễn Thị Hoài Thanh, Hứa Văn Định, Nguyên Bình, Lê Đại Thanh, Nguyễn Thanh Hà, Vũ Tín, và Nguyên Hồng. Đây là những người bạn thủy chung với tác giả trong những giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời họ. Phần viết về Nguyên Hồng (hơn 200 trang) chính là cuốn sách mà Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã xuất bản, nhưng trong lần xuất bản này những đoạn bị đục bỏ được khôi phục lại cho đúng với nguyên bản.

Cuốn sách viết theo kiểu “chân dung” về sự “nhếch nhác trần ai của họ, của những người làm nghề mà các tập chân dung văn nghệ sĩ khác chưa nói tới hoặc chỉ nói qua. Viết về cái chông gai và cả hiểm nguy của người nghệ sĩ, đặc biệt là với nghề văn để các bạn trẻ suy nghĩ kĩ trước khi bước vào nghề, dấn thân vào cuộc phiêu lưu với nghệ thuật ngôn từ. Tôi muốn có bóng dáng thời đại chúng tôi đã sống trong những trang sách của tôi cũng như tôi hiểu được rằng viết chân dung, viết hồi kí là phải trung thực, nếu không muốn mình là kẻ bịp người khác.” (VVBB, trang 7).

Chông gai và nhếch nhác như thế nào? VVBB cho người đọc nhiều giai thoại thú vị nhưng có khi nhức nhối. Có những văn nghệ sĩ có tài nhưng hoặc không được viết, hoặc được viết nhưng không được in, hoặc được in nhưng không dám dùng tên thật. Có văn nghệ sĩ phải sống lây lất qua ngày bằng nghề bán chữ và … bán máu. Hãy đọc một đoạn Bùi Ngọc Tấn tả cảnh đi bán máu của Mạc Lân:

Đang loay hoay với kế mưu sinh thì Dương Tường đến. Nào ai ngờ được chính anh chàng lơ ngơ này lại là người giải quyết cho Mạc Lân vấn đề cực kì khó khăn ấy: Đi bán máu. Lân tròn xoe mắt, sửng sốt và bất ngờ. Bán máu? Bán ở đâu? Bán như thế nào? Ai mua? Ông lại sáng tác ra chuyện gì nữa thế? Không phải truyện sáng tác, hư cấu. Người thực việc thực một trăm phần trăm.
[…]
Lấy máu theo trọng lượng cơ thể. [Dương] Tường chắc mỗi lần bán chỉ được 150 cc. Lấy 200 cc có thể do cảm tình gì đó. Lân 60 kí lô mới được lấy 200 cc.
Về sau những lần Lân cần tiền Lân đeo thêm chì vào người để đạt trọng lượng 70 kí lô và bán được 250, 300 cc, anh nghĩ chắc Dương Tường cũng giở trò gian lận này. Lấy xong máu, cầm biên nhận đến tài vụ lĩnh tiền, nhận phiếu bồi dưỡng. Tiền tính theo cc còn tem phiếu thì đồng loạt. Mỗi người được lĩnh tem 2 cân đường, 4 cân đậu phụ, 2 kí thịt, 2 hộp sữa. Thế là mất đi một ít màu nhưng túi nằng nặng tiền và tem phiếu. Cho nên những ngày đi bán máu rất vui. Con người mình bỗng nhiên tăng thêm phần giá trị trước gia đình và trước bao cặp mắt của cánh phe vé, bỗng nhiên mình được bao bọc quấn quít giữa những cái nhìn trìu mến, tình cảm, hò hẹn của đám đàn ông đàn bà chuyên sống bằng buôn bán tem phiếu lúc nào cũng có mặt ngoài cổng bệnh viện.”

VVBB còn chứa đựng một vài thông tin nhỏ mang tính cá nhân. Chẳng hạn như viết về Dương Tường, một tác giả của 50 tác phẩm dịch thuật có giá trị, người mà Gallery Lã Vọng giới thiệu [trên giấy trắng mực đen]: “Ông này [Dương Tường], nhà thơ và nhà phê bình lỗi lạc, đã soi sáng cho tôi rất nhiều khía cạnh của văn hóa Việt Nam”, chưa bao giờ là hội viện của Hội nhà văn. Chẳng hạn như Nhà thơ Nguyễn Thị Hoài Thanh, người Hải Phòng (cùng quê với Bùi Ngọc Tấn), chính là em ruột của ông Nguyễn Xuân Vinh, cựu tư lệnh không quân trong quân đội Sài Gòn trước 1975 và là một nhà khoa học không gian (Mĩ), một người chống cộng tới cùng. Và cũng chính mối quan hệ ruột thịt này mà người ta nhầm lẫn bà là em của ông Nguyễn Cao Kỳ và đã làm cho nhà thơ bao phen lận đận lao đao. Chẳng hạn như Hoạ sĩ Nguyễn Thanh Bình tuy là con của một thứ trưởng ngoại giao nhưng từng đi bộ đội (dù bố mẹ anh có thể xin cho con đi học thay vì đi lính).

Nói là viết về bè bạn, nhưng trong thực tế, tác giả cũng viết về cuộc đời của chính mình trong ấy. Do đó, cuốn sách không chỉ là một phát họa về cuộc sống của những bạn bè nghệ sĩ mà còn thỉnh thoảng cho người đọc biết về những tháng ngày gian truân của tác giả từng kinh qua sau khi ra tù. Về cuộc sống thời bao cấp, Bùi Ngọc Tấn viết: “Một thời mà mỗi khi nhớ lại, bỗng nhiên thấy mình đã là những người anh hùng, đã vượt qua một quãng đời tưởng như là bịa đặt, không thể nào tin được. Và thế hệ hôm nay càng chẳng thể quan niệm nổi” (VVBB, trang 255).

VVBB không phải là một loại tản văn thông thường, mà còn là một sáng tác chữ nghĩa, những suy nghĩ độc đáo của Bùi Ngọc Tấn. Viết về Lê Đại Thanh, Bùi Ngọc Tấn nhận xét người bạn già của mình là đã “Sống chứ không phải là tồn tại.” Sống khác với tồn tại. Còn sống ngày nào hãy sống hết mình với cuộc đời, với nghệ thuật. Tiền bạc, danh vọng, địa vị, tất cả đều là hư vô. Bùi Ngọc Tấn nhận xét về cái chết như sau: “Khi cái chết đến với con người thì cũng từ đó một cuộc sống mới nẩy sinh. Ý nghĩa lớn nhất của cuộc sống vẫn còn tiếp tục sau cái chết có lẽ là sự công bằng, điều cả loài người mong ước như một khát vọng hướng thiện.” (VVBB trang 201)

Truyện ngắn Bùi Ngọc Tấn, như tên gọi cho biết, là một tập truyện gồm 19 truyện ngắn của Nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Sau gần một phần tư thế kỉ vắng bóng trên văn đàn, Bùi Ngọc Tấn lại cầm bút và viết khỏe. Đây là tác phẩm thứ hai (hay thứ ba) của ông kể từ khi ra tù. Bùi Ngọc Tấn từng tự sự về chính ông như sau:

Thập niên thứ tư: dưới đáy. Cố ngoi lên để khỏi bị nhận chìm xuống đáy. Đấu tranh đòi hưởng công bình, đòi hưởng luật pháp. Thập niên thứ năm: chiêm nghiệm. Xác nhận thực tại mình bị tiêu diệt. Hiểu. Thập niên thứ sáu … trò chuyện với vô cùng.”

Có thể nói tuyển tập truyện ngắn này là một “trò chuyện với vô cùng”. Những truyện trong sách tập trung vào đề tài những câu chuyện nhức nhối trong cuộc sống nhà tù và ám ảnh sau khi ra tù, những hoàn cảnh éo le đưa đẩy người nữ bộ độ vào con đường làm gái bán bia ôm, những câu chuyện thương tâm trong thời đổi mới ... Tuy không khắc họa một cách lạnh lùng, trần trụi, những con người đang mất dần nhân tính và những kẻ bị đau khổ bị sỉ nhục trong xã hội như trong những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, nhưng truyện ngắn Bùi Ngọc Tấn cũng làm người đọc thêm khinh bỉ những kẻ xấu xa, xúc động trước những nỗi đau khổ của những người làm ăn lương thiện đang phải đấu tranh hàng ngày cho miếng ăn.

Trong Lời nói đầu, Dương Tường nhận xét về Bùi Ngọc Tấn như sau: “Bùi Ngọc Tấn, trong mắt tôi, là người biết chưng cất cái đau thành hi vọng, thành tiếng cười, không, chính xác hơn, thành nụ cười, vì anh không mấy khi cười thành tiếng. Tôi gọi đó là hóa học của nhân bản. Hay có khi đó là bí quyết đạt đạo của những bậc hiền?”

Nhận xét về văn phong của ông, tôi nghĩ Phạm Xuân Nguyên viết khá đầy đủ: “Giá trị nhà văn của Bùi Ngọc Tấn trước hết là ở giọng điệu văn chương làm cho người đọc hiểu ông, tin ông, đồng cảm với ông, và cùng ông đồng cảm với những phận người, những kiếp bụi nhân sinh. Cao hơn chuyện văn chương là chuyện cuộc đời. Bùi Ngọc Tấn là nhân vật của văn ông và đồng thời ông cũng là tác giả của những điều ông viết ra. Đó là văn chương của sự thật.” Qua giọng văn, người đọc có thể thấy ông là một người trầm tĩnh và bao dung, thể hiện những suy nghĩ chiều sâu của một tác giả đứng tuổi. Bùi Ngọc Tấn có một văn phong độc đáo: ngắn gọn và cô đọng. Có nhiều câu văn chỉ một chữ. Chỉ một chữ nhưng đặt vào văn cảnh thì ai cũng hiểu.

Viết về bè bạn và Truyện ngắn Bùi Ngọc Tấn là những cuốn sách có giá trị lịch sử văn học và văn chương mà bất cứ ai quan tâm đến văn học nước nhà cần phải có trong tủ sách.

NVT
4/2003

Xem thêm: Thuốc mọc râu Nioxin scalp treatment (50 ml)
Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét