Lại bàn về văn hóa sợ hãi qua vụ cúm H1N1

Đặt tên gì cho cúm
Khi dịch cúm mới xảy ra ở Mexico, người ta gọi là "cúm heo" (swine flu), có lẽ vì địa điểm xuất phát gần một trang trại nuôi heo công nghiệp. Cách gọi này làm ảnh hưởng đến kinh tế của các nước không phải là "nạn nhân" như Thái Lan, bởi vì nó gây ấn tượng rằng heo chính là thủ phạm của nạn dịch lần này, và việc xuất khẩu heo của họ bị hạn chế. Nhưng trong thực tế thì các virút phát hiện ở bệnh nhân chẳng có liên quan gì đến heo! Có người đề nghị theo truyền thống y tế là nên gọi "cúm Mexico" (Mexico flu) hay "cúm Bắc Mĩ" (North America flu), và trong thực tế đã có người gọi như thế. Nhưng có lẽ do lí do chính trị hay kinh tế nào đó, người Mĩ không chịu gọi là "cúm Bắc Mĩ", dù trong thực tế cúm xuất phát từ vùng này (và theo thông lệ y khoa phải gọi tên từ vùng xuất phát). Ngày hôm qua, Tổ chức Y tế Thế giới chính thức đổi tên là "Influenza A(H1N1)", hay theo tiếng Việt là cúm A/H1N1 cho gọn.

Chỉ nhìn qua cách đặt tên cúm, chúng ta có thể người phương Tây có thiên vị. Trước đây, khi dịch H5N1 xảy ra, họ thoải mái gọi đó là "Asian flu" và "bird flu" một cách thoải mái, mà chẳng thấy nước Á châu nào phản đối. Phải chăng Á châu thiếu đoàn kết, hay thiếu thực lực chính trị và khoa học để gây ảnh hưởng về cách gọi tên cúm. Cần nói thêm rằng, trong trận cúm đó, một số báo chí của người Việt ở Mĩ không ngần ngại gọi là ... "cúm Hà Nội". Thật là dã tâm!

Khi dịch cúm lan rộng, một số nước (như Nga chẳng hạn) tuyên bố rằng họ cấm nhập cảng thịt heo từ Mexico, Mĩ, và Canada. Ngay lúc đó, các nhà khoa học và dân biểu Mĩ đã nói rằng một lệnh cấm như thế không có cơ sở khoa học (một cách nói gián tiếp mỉa mai nói rằng Nga chẳng hiểu gì về khoa học!) bởi vì virút tìm thấy ở vài bệnh nhân lúc đó không phải xuất phát từ heo, và thịt heo không có hàm chứa virút H1N1. Cũng có thể Nga hiểu về khoa học, nhưng muốn làm như "ta đây" để làm xấu Mĩ một cú chơi. Cũng có thể mấy quan chức Nga đúng là dốt về khoa học, nên nói bừa. Chúng ta không biết. Nhưng chúng ta biết rằng, cho đến nay, heo vô tội. Trong bài trả lời phỏng vấn của Thời báo Kinh tế Sài Gòn tôi cũng phân tích tại sao thịt heo vô can. Ấy thế mà Việt Nam cũng có vẻ muốn theo Nga, với một quan chức trong Bộ công thương nói rằng họ sẽ sẵn sàng cấm nhập cảng thịt heo! Phản ứng của quan chức Việt Nam có phần cực đoan, và có thể làm cho thế giới cười, nhất là trong tình trạng vệ sinh thực phẩm hiện nay ở nước ta. Chúng ta hãy giữ gìn sạch sẽ cái sân nhà cái đã, rồi mới nói chuyện cấm đoán nhập cảng từ nước khác.

Truyền thông và văn hóa sợ hãi


Cứ mỗi lần có dịch cúm là tôi lại nghĩ ngay đến phản ứng của giới truyền thông, những phản ứng mà tôi đặt trong phạm trù mà các nhà xã hội học gọi là "văn hóa sợ hãi" (culture of fear), hay nói như Susan Sontag là “distress culture”, vốn càng ngày càng bám rể trong trong các xã hội Tây phương. Cái văn hóa này sợ hãi này sản sinh ra những khải huyền tưởng tượng, những cái bóng tận thế. Sống trong cái văn hóa này, con người cảm thấy mối đe dọa lớn nhất đến là sự mất niềm tin và khả năng đối phó với vấn đề bằng lí trí. Một điều trớ trêu là khi xã hội càng ngày càng an toàn hơn, con người lại tìm cách sản xuất ra những nỗi bất an. Chẳng hạn như ở nước ta, bây giờ là thời đại hòa bình, chúng ta không sợ chết vì bom đạn nữa, nhưng lại sợ chết vì những vấn đề mà chúng ta chưa từng có xa xỉ để quan tâm đến. Do đó, có người khôi hài đề nghị rằng thước đo về tiến bộ xã hội nên là mức độ sợ hãi của quần chúng!

Trong một nghiên cứu thú vị về ảnh hưởng của việc đưa tin liên quan đến cúm gia cầm ("Avian flu: the creation of expectations in the interplay between science and media -- cúm chim: quá trình xây dựng kì vọng trong mối tương tác giữa khoa học và truyền thông, đăng trên tập san Sociology of Health and Illness năm 2007, số 29) tác giả lí giải rằng giới truyền thông phương Tây sử dụng một chiến lược khá thông minh, đó là nhắc nhở chúng ta về trận đại dịch quá khứ (như đại dịch Tây Ban Nha năm 1918 (với trên 50 triệu người chết) để nuôi dưỡng một bối cảnh hoang mang. Họ cũng ghi nhận một chiến lược thông tin khác là sử dụng những con số lớn (như hàng triệu) và những biến cố cảm tính (như tử vong) trong quá khứ để khuất lấp qui mô của vấn đề hiện tại. Chính vì thế mà chúng ta hay nghe đến con số hàng triệu, thậm chí hàng tỉ người chết nếu cúm xảy ra, nhưng chúng ta không nghe rằng chỉ chưa đầy 30 trường hợp thật sự nhiễm cúm H1N1!

Năm 2005, khi dịch cúm H5N1 xảy ra, báo chí trong nước cũng như ở các nước phương Tây rất ồn ào về một viễn cảnh rùng rợn với hàng triệu người chết, nhưng tôi nghĩ một đại dịch như thế khó có thể xảy ra. Tôi viết một loạt cả 10 bài dựa trên các lí luận dịch tễ học mà tôi học từ nhà trường để thuyết phục rằng đại dịch vì SARS hay H5N1 không thể xảy ra. Có báo đăng bài của tôi liền bị "cấp trên" (mà tôi đoán là Ban tuyên giáo trung ương) cảnh cáo! Họ nnói tại sao tờ báo dám đăng một bài đi ngược lại chủ trương của Nhà nước. Hú vía, tôi -- tác giả -- không có vấn đề gì, nhưng các bạn trong ban biên tập bị khiển trách một trận nghe nói cũng "tơi bời hoa lá".

Nhưng còn lần này thì sao? Ngay từ những ngày đầu tôi phân tích rằng trận dịch này hội đủ 3 điều kiện của một đại dịch. Những đó mới là điều kiện, chứ chưa đủ. Vì thế, cũng rất khó đoán rằng một đại dịch H1N1 sẽ xảy ra trong tương lai. Cho đến hôm nay (2/5/2009) thì tình hình có vẻ khả quan hơn, vì không có báo cáo thêm số ca mắc bệnh. Nhìn qua bảng số liệu của WHO về số ca bị nhiễm và tử vong, chúng ta thấy một điều rất rõ ràng là trong số 2500 ca nghi bị "nhiễm cúm heo" ở Mexico, chỉ có 26 ca được xét nghiệm và khẳng định là nhiễm H1N1. Như vậy, qui mô dịch H1N1 không lớn như người ta hằng tưởng.

Xu hướng đưa tin về dịch cúm gia cầm làm cho thế giới hốt hoảng. Một số người đã vội vàng tuyên bố một cơn đại dịch sẽ xảy ra nay mai với hàng trăm triệu người chết. Theo tôi, đó là một tiên đoán quá vội vàng và thiếu cơ sở khoa học, bởi vì không ai biết trước nạn dịch sẽ bùng phát hay được khống chế như thế nào; không ai biết được có bao lăm người bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng y học thế kỉ 21 khác với y học đầu thế kỉ 20. Việc so sánh về khả năng dịch cúm gia cầm H1N1 với nạn dịch năm 1918 ở Tây Ban Nha có vẻ gượng ép vì không đúng chỗ. Vào thời đó (năm 1918) Âu châu đang bị suy yếu kinh tế sau 4 năm chiến tranh, và việc phát triển các phương tiện cấp cứu cũng như vắcxin chống cúm rất hạn chế.
Trường hợp bệnh SARS là một ví dụ gần nhất nhưng mang tính cổ điển nhất. Khi bệnh SARS được phát hiện vào năm 2004, WHO và một số chính phủ Tây phương tiên đoán sẽ có hàng triệu người chết và nền kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng thống kê cho thấy chưa đến 800 người không may bị chết trong số 8.400 người bị bệnh SARS. Con số tử vong tuy thấp nhưng vẫn là một sự mất mát lớn, nhưng không thể nói đó là một đại dịch được.
Nên nhớ rằng dịch cúm heo hay cúm H1N1, cúm H5N1, SARS, v.v... chưa phải là một vấn nạn y tế công cộng, bởi vì so với các cúm khác thì các loại cúm này chỉ là một vấn đề nhỏ. Mỗi năm có khoảng 250.000 đến 500.000 người chết vì bệnh cúm trên thế giới; khoảng 1 triệu đến 2,7 triệu người, phần lớn ở Phi châu, chết vì bệnh sốt rét; ngay cả bệnh lao (vâng, bệnh lao) vẫn giết chết gần 2 triệu người hằng năm, và 98% những người chết vì lao sống trong các nước đang phát triển; tai nạn giao thông (kể cả tai nạn xe, tàu) giết chết 300.000 người Á châu hằng năm, v.v... Phải đặt vấn đề cúm trong bối cảnh như thế để chúng ta nhận thức rằng chúng ta còn nhiều vấn đề lớn và nghiêm trọng khác.
Virút và bệnh tật đã, đang và sẽ tồn tại cùng chúng ta trong cuộc sống; chúng ta không có cách nào loại trừ chúng hoàn toàn. Vấn đề không phải là tìm cách loại trừ chúng (vì không thể làm được), nhưng phải học cách sống với chúng một cách sáng suốt. Có khi chúng ta phải chấp nhận một mức độ nguy hiểm của cuộc sống đa chiều. Mức độ nguy hiểm có thể chấp nhận được tùy thuộc vào nhận thức của từng cá nhân, và trong trường hợp này, lí trí là một phương tiện không thể thiếu được trong cuộc sống mới. Nhận thức về những rủi ro như dịch cúm gia cầm là một điều cần thiết. Nhưng nhận thức như thế là để chúng ta biết những điều không nên hành động, chứ không phải để hốt hoảng.
Cúm heo -- hay nói theo ngôn ngữ của ngày hôm nay "cúm H1N1" -- đã và đang làm cho trí tưởng tượng của chúng ta bị nhiễm, làm cho chúng ta hoang mang. Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên để cho mấy con heo yên thân và chúng ta tiếp tục vui vẻ với cuộc sống hiện tại.
NVT

Xem thêm: Thuốc mọc râu Nioxin scalp treatment (50 ml)
Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét