Cổ phần hóa đại học công?

Tên gọi chính thức của nước ta là “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, với cụm từ xã hội chủ nghĩa ngay phía trước tên nước như là một dấu ấn về thể chế chính trị hiện hành. Thế nhưng trong thực tế thì chúng ta đều biết Việt Nam không phải là một nước XHCN, mà theo kinh tế thị trường. Có khi người ta viết “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, nhưng có nhiều người phàn nàn là không biết cụm từ đó có nghĩa gì!

Tuy nhiên, tôi để ý thấy Việt Nam càng ngày càng … tư bản chủ nghĩa một cách cực đoan. Một trong những cực đoan đó là ý tưởng cổ phần hóa đại học công đang gây ồn ào hiện nay. Tôi không biết có nước nào trên thế giới biến đại học thành một công ti để làm lời cho cổ phần viên (cổ đông). Ngay cả nước tư bản thứ thiệt như Mĩ mà cũng không có những công ti đại học như thế. Ở Úc có đại học tư, nhưng không vụ lợi. Ở những nước tôi có dịp đi qua và tìm hiểu, không có công ti đại học nào cả, ngoại trừ mấy công ti chuyên sản xuất bằng giả. Chẳng hiểu ý tưởng cổ phần hóa đại học công đến từ đâu? Có phải nó là “sản phẩm” của những ông bà tiến sĩ mới ra ngoài học được vài câu chữ rồi sáng tạo thành cổ phần hóa đại học? Nếu thật như thế thì nguy quá.

Với suy nghĩ rằng giáo dục là một dịch vụ, là một “khoản đầu tư”, ông tiến sĩ trẻ này cho rằng “Cổ phần hóa giúp sản lượng tăng, số dịch vụ tăng và chất lượng tăng vì có sự cạnh tranh trong các tổ chức khoa học đào tạo. […] Có cạnh tranh thì lợi nhuận gắn liền với chất lượng. Chất lượng chỉ bị kiểm soát bởi người cạnh tranh với anh ta thôi.” Tôi thấy tiền đề của suy nghĩ này không ổn, và cách hiểu về giáo dục đại học của ông này có vấn đề.

Trước hết, Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa, và do đó, giáo dục là một quyền căn bản của công dân, chứ không phải là một đặc lợi cho một thiểu số có tiền để mua bán. Nhà nước có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ giáo dục cho mọi công dân. Thật vậy, Luật giáo dục năm 2001 viết rõ như sau:

Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều đồng đẳng về cơ hội học tập.

Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo điều kiện để ai cũng được học hành. Nhà nước và cộng đồng giúp đỡ để người nghèo được học tập, tạo điều kiện để những người có năng khiếu phát triển tài năng.

Nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện cho con em dân tộc thiểu số, con em gia đình ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, người tàn tật, khuyết tật và đối tượng được hưởng chính sách xã hội khác thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập của mình
.”

Cổ phần hóa có nghĩa là Nhà nước trốn tránh trách nhiệm, và đi ngược lại Luật giáo dục do chính Nhà nước đề ra! Điều quan trọng hơn là cổ phần hóa giáo dục cũng có nghĩa là giao giáo dục đào tạo cho những con buôn mà đạo đức thương mại vẫn là một câu hỏi lớn.

Bây giờ tôi bàn chút ít về chất lượng giáo dục đại học. Tôi e rằng cách hiểu về chất lượng giáo dục đại học của ông này quá đơn giản. Giáo dục không phải là loại hàng hóa có thể mua bán được, bởi vì sản phẩm của giáo dục là con người và kĩ năng, và đối với đại học, giáo dục đại học còn là một môi trường tri thức, chứ không phải đơn giản là hàng hóa.

Chúng ta thử xem qua vài chức năng quan trọng của một đại học là gì? Theo tôi thấy, đại học có chức năng không chỉ đào tạo, nghiên cứu khoa học, mà còn cung cấp một môi trường trí thức và văn hóa cho cộng đồng. Về đào tạo, đại học có chức năng đào tạo những chuyên gia có với kĩ năng cao nhằm đáp ứng nhu cầu kinh tế quốc dân, và giúp cho sinh viên phát huy và phát triển tri thức mới. Về nghiên cứu khoa học, đại học là một trung tâm nghiên cứu đa ngành, với “sản phẩm” là những công trình nghiên cứu khoa học có chất lượng cao và tri thức mới. Đại học còn là một trung tâm văn hóa có chức năng khai hóa xã hội, hướng dẫn dư luận, góp ý về đường lối và chính sách của nhà nước. Do đó, không ngạc nhiên khi các đại học tuyên bố sứ mệnh của họ là phát triển tri thức, khuyến khích học hỏi, và xiển dương hoạt động khoa học nhằm đem lại lợi ích cho cộng đồng.

Với những chức năng như vừa đề cập, vấn đề đặt ra là: chất lượng giáo dục đại học là gì? Cho đến nay, vẫn chưa có ai đề ra một định nghĩa nhất quán, thậm chí không ai giải thích được chỉ tiêu gì để đo chất lượng giáo dục đại học. Tuy nhiên, bởi vì giáo dục đại học bao gồm việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học và học tập. Có thể xem ba khía cạnh đó của giáo dục đại học là một hệ thống đặc trưng bởi ba khía cạnh trên. Vì là hệ thống nên phải có đầu vào (input), qui trình (process), và đầu ra (output). Do đó, chất lượng giáo dục đại học là tập hợp một số nguyên tố liên quan đến đầu vào, qui trình đào tạo, và đầu ra, kể cả tiêu chuẩn liên quan đến người thầy, giảng dạy, cơ sở vật chất cho học tập, nghiên cứu khoa học, và cơ sở hạ tầng cũng như dịch vụ dành cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học, tình trạng của sinh viên sau khi tốt nghiệp, v.v…

Chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học phụ thuộc vào nhiều yếu tố, kể cả tài chính, đầu tư cho cơ sở vật chất, và quan trọng nhất là con người, mà cụ thể là thành phần giáo sư. Cổ phần hóa có thể làm cho đại học có thêm tiền để đầu tư nâng cao cơ sở vật chất, nhưng còn giáo sư thì tìm ở đâu trong khi ngay trong nước thiếu trầm trọng. Muốn đại học có chất lượng cao thì phải có giáo sư đẳng cấp quốc tế, và lương của những giáo sư này không thấp chút nào. Ngay cả cổ phần hóa đại học cho phép nhà trường có tiền để mướn giáo sư đẳng cấp quốc tế, nhưng chắc gì họ chịu về Việt Nam làm việc trong khi họ đã có cơ sở và sự nghiệp ở nước ngoài.

Ngay cả đại học có tiền đầu tư cho cơ sở vật chất, có tiền mướn giáo sư nước ngoài, có tiền chi cho nghiên cứu khoa học, thì với mục tiêu lợi nhuận, cổ đông phải có lời họ mới đầu tư. Để có lợi nhuận, đại học phải tăng học phí, và hệ quả sau cùng chính là sinh viên. Điều này dẫn đến tình trạng người có khả năng học đại học chỉ giới hạn trong một nhóm con em của những gia đình no đủ, còn con em những gia đình nghèo khó ở vùng sâu vùng xa thì vẫn không có cơ hội theo học đại học. Cổ phần hóa đại học, nếu nhìn theo chiều hướng này, là một kế hoạch nhằm tạo ra một giai cấp thống trị mới dựa trên đồng tiền. Tôi nghĩ rằng những người đang nằm dưới đáy mồ không có ý định kiến tạo Việt Nam thành một xã hội như thế khi họ đã hi sinh trong hai cuộc chiến vừa qua.

Quan trọng hơn, không có bất cứ một bằng chứng nào cho thấy cổ phần hóa sẽ tăng chất lượng giáo dục. Hoạch định chính sách mà không căn cứ vào bằng chứng dễ dẫn đến sai lầm. Làm nghề y nếu sai lầm có thể làm tổn hại một vài người, nhưng hoạch định chính sách giáo dục sai có thể ảnh hưởng đến nhiều thế hệ.

Trong thực tế, chúng ta đã thấy ảnh hưởng của những sai sót về chính sách giáo dục trong quá khứ như thế nào, để ngày nay, cả nước phải hứng chịu sản phẩm giáo dục với chất lượng thấp, và sản xuất ra những "chuyên gia" với những suy nghĩ cực đoan và nguy hiểm. Người Âu Mĩ có câu “Don’t even think about it!” Mượn câu đó, tôi cũng có thể nói: “Cổ phần hóa đại học? chỉ suy nghĩ đến ý đó thôi thì đã là một cái tội.”

NVT

Xem thêm: Cách làm trắng da mặt an toàn
Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét