Có lẽ chưa có dự án kinh tế nào gây ra quan ngại cho giới khoa học Việt Nam như dự án bauxite ở Tây Nguyên. Trong khi những tờ báo lớn như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Lao Động, v.v… không [dám] đề cập đến phản ứng của người dân, thì báo Vietnamnet liên tiếp phản ảnh ý kiến của giới khoa học và trí thức. Ở ngoài này, có tờ Diễn Đàn đăng nhiều bài nghiêm túc về việc này. Dưới đây là một bài rất đáng đọc của Nhà văn Nguyên Ngọc về ảnh hưởng của dự án này đến sự sống còn của văn hóa Tây Nguyên. Thiết nghĩ câu kết của bài này nói tất cả:
“Chấp nhận chương trình này là chúng ta chấp nhận không còn Tây Nguyên, không còn cái mái nhà phải giữ cho kỳ được để đảm bảo phát triển bền vững, không chỉ cho Tây Nguyên mà cho cả nước ; là chấp nhận phát triển bằng bất cứ giá nào, chấp nhận hy sinh tương lai cho hôm nay. Cũng là không còn coi trọng sự tồn tại của các tộc người bản địa như những thực thể văn hoá xã hội từng là chủ nhân của vùng đất có ý nghĩa sinh tử này của tổ quốc ta.”
Ngoài ra, một bài của Trần Nhuận Minh trên trang web Hội nhà văn cũng nói rõ hơn ý đó: “Yên Tử là đất Phật, một cõi đi về trong tâm linh của hàng triệu người Việt Nam và trên khắp thế giới, cũng như Đền Hùng. Từ xưa đến nay, xâm phạm những địa chỉ tâm linh, không bao giờ có kết quả tốt lành. Các công trình văn hóa và tưởng niệm đang được xây dựng. Quyết định khai thác than đang được triển khai là một xúc phạm lớn đến lương tri của toàn dân tộc.”
NVT
http://www.diendan.org/viet-nam/y-nghia-van-hoa-xa-hoi-cua-chuong-trinh-boxit-tay-nguyen
Ý nghĩa văn hoá xã hội của chương trình bôxit Tây Nguyên
Nguyên Ngọc
Trong những năm qua, chưa có chương trình kinh tế xã hội nào gây nhiều quan tâm và lo lắng trong nhân dân, từ các giới chuyên môn thuộc nhiều ngành, cả tự nhiên lẫn xã hội, các bậc lão thành cách mạng, những người đã từng giữ các trọng trách của đất nước trong nhiều thời kỳ, cho đến người dân thường, khắp nước, như chương trình bôxit mà chúng ta bàn hôm nay. Sẽ rất thiếu trách nhiệm nếu chúng ta tự cho phép coi thường sự quan tâm và lo lắng đó, nhất là khi dư luận biết rằng đây có thể là cuộc hội thảo cuối cùng trước khi cấp cao nhất của đất nước đi đến quyết định dứt khoát. Chắc không ai muốn vô trách nhiệm, trước nhân dân, trước lịch sử, nên tôi đề nghị trong hội thảo này cần được nói hết, cần thiết thì tranh luận đến cùng, những ý kiến được nói ra hôm nay cần được ghi lại đầy đủ, để rồi sẽ được phán xét, cả hiện tại và trong tương lai. Và cũng không nên chỉ hạn chế trong một phạm vi nào, trong khi hệ quả của chương trình chắc chắn rất rộng lớn, nghiêm trọng, cả trên các khía cạnh dân tộc, an toàn xã hội, an ninh quốc phòng, là những lĩnh vực không hề nhỏ và thuộc quyền có tiếng nói của mỗi người dân của đất nước này.
Các chuyên gia đã nói về nhiều mặt, tôi chỉ xin nói thêm về một mặt, thường được gọi là mặt văn hoá. Tôi nói là “ thường gọi là văn hoá ”, bởi vì theo tôi lâu nay văn hoá đã được hiểu và được đề cập đến trong các chương trình như thế này rất hời hợt, như một thứ trang sức phụ, một khía cạnh bổ sung, cho “ phải phép ”, cho “ có vẻ ”. Trong khi, nhất là ở Tây Nguyên, có thể nói văn hoá lại là tất cả, nó nằm ở nền tảng của tất cả, không nhìn thấy và không giải quyết mọi việc trong quan hệ chặt chẽ với nó, một cách thật sự nghiêm túc, coi nó là trung tâm của mọi cân nhắc cho mọi quyết định, thì không những khó thành công, mà hơn thế nhiều, sự đổ vỡ sớm hay muộn theo nhiều kịch bản khác nhau gần như là chắc chắn. Mấy mươi năm qua chúng ta cũng đã từng có kinh nghiệm nhãn tiền về điều này rồi (nhãn tiền, mà tiếc thay, lại không được nghiêm túc nhìn nhận cho rõ !)
Quan điểm cơ bản về phát triển của chúng ta, đã được xác định trong tất cả các văn kiện của Đảng và Nhà nước, là phát triển bền vững. Phát triển bền vững, như ai cũng biết, nhất thiết phải là phát triển có văn hoá. Phát triển mà giữ được cho xã hội ổn định, ngày càng ổn định chứ không rối loạn, đất nước an toàn, ngày càng an toàn chứ không phải càng bị uy hiếp, rước thêm nguy cơ vào, con người sống được an lành, hạnh phúc. Phát triển có tính đến hôm nay và mai sau, thế hệ này và các thế hệ tiếp theo, người sống hôm nay có trách nhiệm với quá khứ và cả với tương lai, phát triển hôm nay phải làm sao để cho các thế hệ tương lai còn, càng phát triển được tốt hơn, lâu dài hơn, phát triển mà tiềm lực của đất nước và xã hội ngày càng no đủ, phong phú hơn lên chứ không cạn kiệt đi hay bị huỷ diệt... Nếu trên cả nước đã vậy, thì ở Tây Nguyên càng vậy. Sở dĩ chương trình bô-xit được cả xã hội quan tâm lo lắng nhiều đến thế thì một phần quan trọng là do nó được tiến hành ở Tây Nguyên chứ không phải ở nơi nào khác. Qua điều này, có thể thấy trong tâm khảm của mỗi người Việt Nam, đặc biệt trải kinh nghiệm của các cuộc chiến tranh giành và giữ nước trong thời hiện đại, Tây Nguyên chiếm một vị trí cả về nhận thức và tình cảm rất sâu sắc, thậm chí liên quan đến tâm tư về vận mệnh của tổ quốc, tuyệt đối không thể coi thường.
Mặt khác, cũng nên biết rằng Tây Nguyên, các dân tộc Tây Nguyên đã đứng vững, tồn tại, phát triển bền vững được suốt trong quá trình lịch sử dài đầy thử thách chính là bằng văn hoá, sức mạnh văn hoá. Phá vỡ văn hoá ở đây thì cũng có nghĩa là phá vỡ cả xã hội này, với tất cả các hậu quả không thể lường.
Tôi xin nói rằng trong chương trình bô-xit Tây Nguyên, vấn đề văn hoá đã không được đặt ra một cách nghiêm túc, đúng tầm. Đây là một trong những mặt bất cập quan trọng nhất của chương trình này.
Vậy ở Tây Nguyên, văn hoá là gì ?
Trong một số cuộc hội thảo trước đây, nhiều lần các đại biểu của TKV, của một vài địa phương cũng đã nói đến văn hoá, đãi đằng sự quan tâm đến văn hoá, nói đến việc gìn giữ cồng chiêng, sử thi, lễ hội v.v… Tôi xin được nói, vâng, đấy đúng là văn hoá, cần yêu quý và gìn giữ, nhưng cũng rất cần hiểu đấy chỉ là những biểu hiện ra bên ngoài, những hoa lá của văn hoá. Cái chính, cốt lõi, gốc rễ của văn hoá (từ đó mới có những hoa lá nọ) nằm ở một tầng sâu hơn rất nhiều, mà nếu ta hiểu không đúng, không kỹ, không nghiêm, thì tất cả những thứ nói trên kia sẽ chỉ là văn hoá dỏm, giả, hoa lá giả chế tạo bằng nhựa thôi chứ không phải là văn hoá thật, cốt lõi của mọi xã hội và mọi con người. Văn hoá, đặc biệt văn hoá ở Tây Nguyên, thể hiện chính trong cơ cấu độc đáo, vững chãi của xã hội này, mà mọi tác động của chúng ta, nhất là những chương trình to lớn như chương trình bô-xit đang được chủ trương, sẽ phá vỡ nếu thiếu chỉ một chút thận trọng, gây ra những hậu quả sâu sắc, lâu dài, khôn lường, – dù lạ vậy và khó vậy, đấy lại thường là những hậu quả không nhìn thấy ngay được. Văn hoá Tây Nguyên nảy sinh, tồn tại, phát triển trên nền tảng của cơ cấu xã hội đó. Và cơ cấu xã hội đó thì lại được kết thành bằng mối quan hệ hài hoà, nhuần nhuyễn, được con người sáng tạo nên để tồn tại thân thiết, bền vững với tự nhiên, cụ thể là với rừng, với đất, với nước, với thảm thực vật và hệ động vật đặc trưng, với khí hậu và thời tiết do tất cả những yếu tố kia tạo ra. Vậy nên ở Tây Nguyên, rừng, đất, nước, và làng của con người khắng khít giữa tự nhiên đó chính là văn hoá, chứ không phải chỉ là tài nguyên để cho con người khai phá và tiêu xài như được hiểu trong các xã hội thường tự xưng là văn minh. Nếu đến Tây Nguyên mà không hiểu được những điều đó, đối xử với Tây Nguyên không trên sự hiểu biết sâu sắc và tôn trọng thật sự đó thì tất yếu sẽ dẫn đến tàn phá, tàn phá không chỉ tự nhiên, mà là tàn phá xã hội và con người, cũng tất yếu sẽ gây ra rối loạn, đến một mức nào đó thì không còn cứu chữa được. Đấy chính là điều đã diễn ra mấy chục năm nay, nếu đến nay có ai đó cho rằng đã cơ bản ổn định thì theo tôi là rất hời hợt, chủ quan, nếu không nói là vô trách nhiệm. Cần nói rõ tình hình cho đến nay còn rất âm ỉ, vì những vết thương gây ra vào nền tảng văn hoá và xã hội mấy mươi năm qua chưa hề được chữa trị một cách căn bản, trái lại đang từng ngày tiếp tục bị khoét sâu thêm, dẫu âm thầm, mà càng âm thầm thì càng nguy hiểm.
Chương trình bô-xit được triển khai chính trên một vùng đất như vậy. Và tất cả các mũi nhọn của nó lại chĩa vào đúng những vết thương chưa lành kia : rừng, đất, nước, làng, con người, đặc biệt người bản địa ; không chỉ tiếp tục sự tàn phá đã diễn ra từ nhiều năm trước, mà còn đưa thêm những nhân tố gây phức tạp, thậm chí đảo lộn nặng nề hơn, chẳng hạn như nhân tố ngoại lai mà bằng một sự nhạy cảm sâu sắc nhiều tầng lớp nhân dân đã tỏ rõ sự lo lắng và bức xúc lớn, không được phép ngang nhiên coi thường. Chính bằng sự nhạy cảm đó mà đất nước này đã được bảo vệ và tồn tại mấy nghìn năm nay.
Tôi rất nhất trí với những tính toán về cái giá phải trả cho thua lỗ kinh tế, cái giá nặng nề về môi trường, về công nghệ lạc hậu… của chương trình này do các chuyên gia nêu ra. Nhưng tôi muốn nói thêm, ở Tây Nguyên, nhất là trong tình hình hiện nay, tất cả những cái giá đó đều trở thành những cái giá về văn hoá và xã hội, nặng nề đến mức có thể đây sẽ là cú đấm cuối cùng đối với Tây Nguyên, với không gian sinh tồn thiết yếu của người Tây Nguyên.
Chấp nhận chương trình này là chúng ta chấp nhận không còn Tây Nguyên, không còn cái mái nhà phải giữ cho kỳ được để đảm bảo phát triển bền vững, không chỉ cho Tây Nguyên mà cho cả nước ; là chấp nhận phát triển bằng bất cứ giá nào, chấp nhận hy sinh tương lai cho hôm nay. Cũng là không còn coi trọng sự tồn tại của các tộc người bản địa như những thực thể văn hoá xã hội từng là chủ nhân của vùng đất có ý nghĩa sinh tử này của tổ quốc ta.
Đây là cuộc lựa chọn quyết định.
Mỗi tiếng nói ở đây hôm nay là trách nhiệm lịch sử của mỗi chúng ta đối với lựa chọn đó.
NGUYÊN NGỌC
Xem thêm: Bùi Ngọc Tấn và "Biển và chim bói cá"
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét