Về một bài "đánh" Phạm Duy

Hôm trước, nhân một bài chỉ trích Nhạc sĩ Phạm Duy trên báo ANTG, tôi có post bài phản biện của Thầy Giáo Làng. Hôm nay, tôi thấy bài này trên một tờ báo của người Việt ở Hung. Tôi hoàn toàn đồng ý với những nhận xét trong bài này. Điều đáng nói là cái tựa đề bài viết trên ANTG là “Nhạc Phạm Duy và những điều cần phải nói” làm cho độc giả tưởng rằng là một bài bàn về học thuật, về âm nhạc của Phạm Duy, nhưng hóa ra là bài nói về cá nhân của nhạc sĩ. Như thế là không công bằng, là “treo đầu dê bán thịt chó”, và thế là thiếu tính quân tử.

Nhân nói về chuyện này, hôm nọ tôi cũng thấy một bài dài của tác giả Nguyễn Đắc Xuân phản biện lại những luận điệu chỉ trích cá nhân của mấy ông quan nhạc sĩ. Bài dài, nhưng trong đoạn cuối có một đoạn nói theo tiếng Anh là “quite revealing” về ông quan nhạc sĩ Trọng Bằng (xin trích):

Trước đây mỗi lần được xem (hoặc qua Tivi) GS NSND Trọng Bằng - tốt nghiệp trường nhạc của Liên-xô điều khiển Ban nhạc giao hưởng rất bề thế của VN tôi rất tin tưởng. Tin tưởng, tự hào về những hoạt động văn hóa chất lượng cao của VN. Nhưng rồi không ngờ năm 2006 ra Hà Nội ghé thăm các bạn cũ đồng nghiệp của tôi ở báo Lao Động, vô tình tôi nghe kể chuyện xì-căng-đan: “nhạc sĩ Trọng Bằng đạo nhạc”, tôi tá hỏa. Các bạn kể rằng: GS NSND Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ VN tự đưa tác phẩm Ouverture Chào mừng của ông ra đề nghị xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh thì bị nhạc sĩ Vĩnh Cát tố cáo là tác phẩm Ouverture Chào mừng của nhạc sĩ Trọng Bằng không chỉ copy ý tưởng mà chép nguyên văn các chủ đề (thème) và cách phối âm phối khí trong bản giao hưởng số 5 của Shostakhovich và tác phẩm giao hưởng số 7 của Prokofiev. Bốn đại tá nhạc sĩ quân đội nổi tiếng là Huy Thục, Nguyên Nhung, Doãn Nho và Nguyễn Đức Toàn cũng tố cáo nhạc sĩ Trọng Bằng với nội dung tương tự. Nhạc sĩ Trọng Bằng không bảo vệ được tác phẩm của mình nên cuối cùng phải xin “rút khỏi danh sách đề cử giải thưởng Hồ Chí Minh”. Thật hú hồn. Ông Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ VN mà đi đạo nhạc, đi tranh giải văn học nghệ thuật cao nhất nước, bị tố cáo phải rút lui thì hết chỗ nói chuyện đạo đức với bất cứ người làm nghệ thuật già trẻ, cũ mới nào rồi. Nếu không có trí thức và sự thẳng thắn của ông Vĩnh Cát và các vị Đại tá nhạc sĩ quân đội ấy thì hậu quả sẽ ra sao? Các nhạc sĩ Tôn Thất Tiết, Nguyễn Thiện Đạo ở Pháp, các nhạc sĩ Nga học cùng thế hệ với Trong Bằng ở Liên-xô cũ nghĩ gì về các nhạc sĩ, trí thức hàng đầu ở VN? Các tác giả nhạc giao hưởng đồng nghiệp của Trọng Bằng sẽ nghĩ gĩ về cái Giải thưởng Hồ Chí Minh treo trong nhà nhạc sĩ Trọng Bằng? Hơn thế nữa người trong và ngoài nước sẽ xem cái Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý nhất nước như thế nào? Và, riêng những người với tài năng thực sự họ đã nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh sẽ phẫn nộ về sự không lương thiện của Trọng Bằng làm ảnh hưởng đến giá trị cái giải thưởng cao quý mà họ đã nhận như thế nào? Với một cú bị knock out như vậy đáng lẽ anh Trọng Bằng phải tu tỉnh, nhìn lại mình, kiểm điểm những ấu trỉ, những thiếu sót của mình đối với anh em đồng nghiệp, bao dung, thông cảm với những người không được may mắn như mình, vỗ về, xoa dịu những nỗi đau của đồng nghiêp.v.v. Nhưng ...than ôi!”

Một nhạc sĩ như thế mà lên tiếng “dạy đời” ông cụ nhạc sĩ đàn anh như Phạm Duy thì tôi e rằng không thuyết phục chút nào cả.

NVT

===

http://nhipcauthegioi.hu/modules.php?name=News&op=viewst&sid=1903

Về một bài "đánh" Phạm Duy

[24.05.2009 20:42 - Nhịp Cầu Thế Giới Online]

(NCTG) Lại thêm một bài "đánh" Phạm Duy trên một tờ báo trong nước, thông qua ba vị Trọng Bằng, Phạm Tuyên, Hồng Đăng, những người gây bất ngờ lớn vì sự "xấu tính" công khai của họ!

Tóm tắt những luận điểm chính của ba vị này như sau:

- Phạm Duy "bỏ kháng chiến vào thành", "theo địch", do đó được nhà nước "cho phép" trở về là "nhân đạo" lắm rồi, báo chí không nên "tâng bốc" rầm rộ như thế.

- Phạm Duy "cần biết mình là ai", về nước thì cứ im lặng mà sống, không nên "tìm kiếm" sự nổi tiếng bằng những chương trình hoành tráng. Không "được phép" ví mình với ai cả (nhất là với Văn Cao).

- Nhạc Phạm Duy là nhạc "thị trường" chứ chẳng "chưng học" như nhạc của các vị. Kho tàng nhạc phẩm của Phạm Duy cũng không "đồ sộ" như của các vị. Phạm Duy chỉ có những nhạc phẩm sáng tác thời đi theo kháng chiến là "còn" nghe được (mà các vị gọi là biết khai thác dân ca), nhưng từ ngày Phạm Duy "bỏ nước" ra đi thì âm nhạc Việt Nam đã phát triển lắm rồi, tóm lại là Phạm Duy "nên biết mình biết người", đừng có tiếp tục quảng bá các nhạc phẩm của mình nữa.

- Nhiều nhạc sĩ có cống hiến cho các mạng mà giờ đây không đủ tiền làm live show. Còn Phạm Duy thì lại có. Thật là bất công!

Ba vị có vẻ như đang lợi dụng cái thực tế là ở Việt Nam, khi muốn "giết" ai, người ta chỉ cần quy về lập trường chính trị, để giải quyết nỗi hậm hực của mình trước thành công của Phạm Duy thì phải?

Nhưng đã nói đến quan điểm chính trị thì cần sòng phẳng với nhau rằng việc Phạm Duy bỏ vào thành là quyết định đúng hay sai thì thực tế đã trả lời. Bởi vì nếu ông quyết định ở lại thì có lẽ số phận ông cũng đã thê thảm không kém số phận các văn nghệ sĩ có tư tưởng tự do cùng thời với ông.

Cũng cần phải sòng phẳng rằng không phải chỉ những ai yêu Đảng, yêu CNXH mới là yêu nước. Lòng yêu nước không phải là danh hiệu "độc quyền" của những người CS, để thích "ban phát" cho ai thì ban phát. Cái luận điệu đó cũ lắm rồi, chẳng thuyết phục được ai đâu, ba vị quan âm nhạc kia ạ.

Và đất nước này không của riêng ai, không ai có quyền cho ai được thế này thế khác. Phạm Duy không phải là tội phạm, cũng không phải là khủng bố, nên việc cấp visa cho ông ấy trở về cố quốc là một việc đảm bảo quyền hợp pháp của công dân gốc Việt lương thiện chứ đừng nói đến ơn huệ ở đây.

Tiếp theo, việc Phạm Duy làm gì với các sáng tác của ông sau khi trở về là quyền của ông, không khiến ai dạy ông phải thế nào. Việc báo chí đón chào ông ấy thế nào cũng là quyền của các nhà báo, không khiến ai phải "định hướng". Trong một thế giới tự do tư tưởng, không ai cần "định hướng" cho ai!

Hơn nữa, sao các vị không tự hỏi bản thân, nếu quả thật nền âm nhạc Việt Nam phong phú và phát triển như các vị khẳng định thì tại sao bấy lâu nay nó chẳng được ai đoái hoài, và phải đợi đến sự trở về của một nhạc sĩ "vang bóng một thời", báo chí mới có dịp để rầm rộ?

Tại sao các vị không tự hỏi vì sao nhạc của các vị không được người ta bỏ tiền ra mua? Tại sao người ta chỉ hát bài hát của các vị trong các sự kiện chính trị, chứ trong đời sống hàng ngày, chẳng ai cất tiếng? (*)

Thiết nghĩ đánh giá một nhạc sĩ thì phải nhìn vào sáng tác của họ, chứ đừng có nhập nhằng các vấn đề thuộc về lựa chọn riêng tư. Sự đóng góp của Phạm Duy với tư cách một nhạc sĩ thì hãy để chính khán giả đánh giá. Việc ông ấy có một lượng khán giả riêng, đông đảo và chung thủy qua các thời kỳ, ở mức độ nào đó đã nói lên vị trí của Phạm Duy trong nền tân nhạc Việt Nam ra sao rồi.

Các vị không cần nhọc công phủ nhận ông như vậy làm gì - điều đó không làm Phạm Duy thấp đi mà chỉ làm chính các vị thấp đi mà thôi. Đã là người của công chúng thì phải biết kiềm chế, đừng có bộc lộ sự ghen tị của mình một cách dễ dàng như thế chứ!

(*) Riêng tôi thì thấy tuổi thơ mình thật thiệt thòi khi không được nghe những bài hát trong sáng hồn nhiên như "Ông trăng xuống chơi" của Phạm Duy, mà cứ bị nhồi sọ các bài hát "chưng học" sặc mùi chính trị của các vị. Trẻ thơ thì hãy để chúng sống hồn nhiên như lứa tuổi, xin đừng có nhồi vào đầu chúng "quan điểm" với chả "lập trường", thiếu nhân văn lắm!

Nguyễn Tuệ Anh, từ Hà Nội
Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét