Thực sự Ngắm nhìn toàn cảnh trận địa Điện Biên Phủ từ trên cao


Những địa danh lịch sử như cứ địa đồi A1, cầu Mường Thanh, hầm De Castries, đài Chiến thắng của thành phố Điện Biên Phủ hiện ra hùng vĩ qua góc máy của chiếc camera bay.




Điện Biên Phủ vốn được gọi là Mường Thanh, từ chữ Mường Then theo tiếng dân tộc Thái nghĩa là "Xứ Trời". Điện Biên Phủ trở thành thành phố từ tháng 10/2003 và là đô thị loại 3 thuộc tỉnh Điện Biên. Thành phố có diện tích hơn 60 km², gồm 7 phường và 2 xã. Nhắc đến địa danh này không ai có thể quên chiến thắng hào hùng 60 năm trước của quân và dân Việt Nam trước trận địa được cho là "bất khả xâm phạm" của thực dân Pháp.


Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ được đặt trên đồi D1 ở vị trí trung tâm thành phố song song cũng là trung tâm khu di tích. Cao khoảng 50 m so với cánh đồng Mường Thanh, đây là địa điểm mà cả thành phố đều có thể nhìn thấy.


Tượng đài khánh thành vào ngày 30/4/2004 nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Với chiều cao 12,6 m, bệ tượng cao 3,6 m, nặng 220 tấn, quần thể tượng đài chiến thắng gồm 3 chiến sĩ bộ đội đứng quay lưng vào nhau, nâng một em bé Thái, trên cùng là lá cờ quyết chiến quyết thắng.




Đồi A1 nằm ở phường Mường Thanh, là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp. Đồi nằm dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, bao gồm 2 đỉnh: Tây Bắc cao hơn 490 m, Đông Nam cao hơn 493 m. A1 là ký hiệu mà quân đội Việt Nam đặt cho quả đồi. Sáng 7/5/1954, quân đội Việt Nam đã chiếm được vị trí quan trọng này.


Hố bộc phá trên đồi A1 (ngay sườn đồi) được tạo thành do nổ 960 kg thuốc nổ lúc 20h30 ngày 6/5/1954. Tiếng nổ là hiệu lệnh tổng công kích đợt cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ. Riêng vụ nổ đã tiêu diệt một đại đội địch. Ngay sau đó Trung đoàn 174 tiến công đánh chiếm toàn bộ cứ điểm A1 lúc 4h30 ngày 7/5/1954.


Nghĩa trang liệt sĩ A1, được xây dựng năm 1958. Nơi đây có 644 ngôi mộ là những chiến sĩ hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Hầu hết đều không gắn tên, chỉ có 4 ngôi mộ ghi danh các anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can.


Cầu Mường Thanh. 14h ngày 7/5/1954, Đại đội 360, Đại đoàn 312 tiến công vượt cầu Mường Thanh, tiêu diệt ổ trọng liên 4 nòng của địch, đánh thẳng vào sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm.


Sau 60 năm tồn tại, cây cầu được tu sửa nhiều lần, tuy nhiên vẫn giữ khá nguyên bản kết cấu trước đây. Người dân hiện vẫn qua lại hàng ngày trên cây cầu lịch sử.


Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (hầm De Castries) đã bị tổ xung kích do Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật, Đại đội 360, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 tiến vào bắt sống tướng De Castries cùng toàn thể Bộ tham mưu vào lúc 17h30 ngày 7/5/1954.


Sân bay Điện Biên Phủ (Mường Thanh) nay thuộc phường Thanh Bình. Đây vốn là sân bay dã chiến hồi 1954 – cứ điểm 206 năm xưa, một căn cứ tiếp vận quan trọng của địch và cũng là sân bay trung tâm của tập đoàn cứ điểm. Ngày nay, sân bay được cải tạo, nâng cấp thành cảng hàng không dân dụng của thành phố. Mỗi ngày, có từ 2 đến 4 chuyến lên xuống bằng máy bay ATR72 giữa Hà Nội và Điện Biên.


Tỉnh Điện Biên cũng xây mới Bảo tàng có quy mô lớn, có thể trưng bày hàng nghìn hiện vật lớn nhỏ, kể cả xác máy bay, đại pháo 105 mm. Công trình khánh thành giai đoạn đầu để kịp trưng bày phục vụ dịp Lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng vào ngày 5/5/2014, dự kiến hoàn thiện vào năm 2016.


Đoạn đường 7/5 đã đổi tên thành đường Võ Nguyên Giáp có chiều dài gần 7 km, từ cầu Huổi Phạ đến hết cầu bêtông ranh giới thành phố với huyện Điện Biên. Đây là tuyến đường thuộc Quốc lộ 279 huyết mạch, thông thương với cửa khẩu Quốc tế Tây Trang nối với Lào.


Đường Võ Nguyên Giáp xuyên suốt trục chính của thành phố và đi qua nhiều điểm di tích thuộc quần thể di tích như: Trung tâm đề kháng Him Lam, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, điểm di tích Đồi A1, Nghĩa trang liệt sĩ A1, Bảo tàng Chiến thắng...
Theo Zing
Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét