Trong ngành y tế từ lâu vẫn tồn tại một nghịch lí: Bệnh viện được thiết kế là nơi chữa trị bệnh, nhưng cũng là một môi trường nguy hiểm cho bệnh nhân. Sự hiểm nguy ở bệnh viện không chỉ là những nhầm lẫn, sai sót y khoa, hay sai sót trong toa thuốc, mà còn là nơi lan truyền bệnh. Một yếu tố lan truyền bệnh khá phổ biến nhất là vấn đề vệ sinh, hay cụ thể hơn và thực tế hơn là nhà vệ sinh. Loạt bài “Nhà vệ sinh bệnh viện” trên Tuổi Trẻ phản ảnh chính xác tình trạng thiếu vệ sinh ở các nhà dù mang tên là “nhà vệ sinh” nhưng thực tế lại là “nhà bẩn”.
Theo nhận xét của tôi, tại nhiều bệnh viện ở Việt Nam, không chỉ nhà xí dành cho bệnh nhân là thân nhân thiếu vệ sinh, mà ngay cả nhà xí dành cho nhân viên y tế của bệnh viện cũng thiếu vệ sinh. Ở một bệnh viện lớn của một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà tôi ghé qua, nguyên khu vực hành chính dành cho toàn giám đốc, phó giám đốc và các cán bộ, chuyên gia cao cấp chỉ có một cầu xí duy nhất, không phân biệt nam hay nữ. Mà, cầu xí này chắc xây vào thời đầu thế kỉ 20 (loại ngồi). Kinh hơn nữa, cầu tiêu không có khăn lau tay! Ngay tại trường Đại học Y dược TPHCM, trong khu vực thư viện và hành chính, cầu xí đã cực kì dơ bẩn, và cũng không có khăn lau tay, còn nước thì chảy lênh láng, trông rất phản cảm là nơi đào tạo các chưng sĩ tương lai!
Thật ra, tình trạng nhà xí tồi tệ không chỉ thấy ở bệnh viện hay trường đại học, mà có thể thấy ở hầu hết các cơ sở công cộng như trường trung tiểu học, nhà hàng, thậm chí ngay cả những nơi được xem là cửa ngỏ của đất nước như nhà ga phi trường quốc tế. Có nhiều nhà hàng được xây dựng hoành tráng nhưng khi vào đến nhà xí thì thực khách “hết hồn”.
Vấn đề nhà xí ở nước ta không còn là vấn đề nhỏ nữa, mà có ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của đất nước. Người Tây phương khi đi du lịch ở nước ta và khi về nước họ, nỗi ám ảnh lớn nhất là ... nhà xí. Tôi đã đọc (với tâm trạng vừa giận vừa thông cảm) không biết bao lăm bài bút kí, nhật kí, phóng sự, khuyến cáo, v.v... mà họ viết ra với văn phong giễu cợt, mỉa mai, trịch thượng, và có khi khinh miệt Việt Nam. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta không cải thiện được vệ sinh công cộng và nhà xí thì nước ta vẫn chứng kiến cảnh 75% du khách “một đi không trở lại”. Vấn đề nhà vệ sinh và vệ sinh công cộng đã trở thành sỉ diện quốc gia, thành vấn đề văn hóa, chứ không đơn giản là vấn đề cá nhân hay nội bộ nữa.
Tôi nhớ đọc đâu đó lâu lắm rồi, mà trong đó tác giả kể rằng lúc cụ Hồ còn sống, cứ mỗi lần đi công tác hay thăm địa phương nào đó, bất kể là công sở hay nhà dân, điều đầu tiên là ông vào xem cái nhà bếp và nhà vệ sinh. Một nguyên thủ quốc gia mà quan tâm đến y tế công cộng như thế thì chúng ta phải biết vấn đề “đầu vào” và “đầu ra” quan trọng như thế nào.
Nhà vệ sinh không phải là cái gì cấm kị không nên bàn trên giấy trắng mực đen. Chúng ta cần trịnh trọng đặt nó lên bàn để thảo luận nghiêm chỉnh. Phải chấp nhận một thực tế là ở nước ta, nhà vệ sinh chưa được xem là một “cơ quan” quan trọng., dù cơ quan này thực sự là một vũ khí phòng bệnh rất hữu hiệu.
Hơn một thế kỉ trước đây, nhà vệ sinh giúp thực hiện một cuộc cách mạng về y tế công cộng ở New York, London và Paris. Chính việc cải tiến vệ sinh và đặc biệt là nhà xí là yếu tố chinh phục bệnh truyền nhiễm và gia tăng tuổi thọ ở người Tây phương. Thật vậy, nguyên chính về sự gia tăng tuổi thọ của người dân ở các nước tiên tiến chính là cải tiến môi trường vệ sinh công cộng và nhà xí, chứ không phải nhờ các thiết bị y khoa hiện đại hay thuốc men đắt tiền tăng tuổi thọ và cải tiến chất lượng đời sống. Do đó, Liên hiệp quốc nhận thức rằng cầu xí là một phương tiện phòng chống bệnh rất quan trọng ở các nước đang phát triển như nước ta.
Ở nước ta, các nạn dịch bệnh cứ “đến hẹn lại lên”, như nạn dịch tả hiện nay đang hoành hành ở một số vùng phía Bắc. Một số nghiên cứu ngay tại Việt Nam cho thấy nguồn nước và nhà vệ sinh là hai trong những yếu tố nguy cơ của dịch tả. Do đó, “vũ khí” phòng chống bệnh rất hữu hiệu nằm trong tầm tay chúng ta: nhà xí. Các cơ quan chức năng của Nhà nước và người dân cần phải quan tâm đến nhà xí hơn nữa.
Điều đáng buồn là chúng ta đã ở thế kỉ 21, thế mà bệnh viện lại không có những nhà vệ sinh đúng nghĩa. Có lẽ một cách để xóa bỏ nghịch lí y tế là các bệnh viện nên quan tâm một cách nghiêm chỉnh hơn nữa về nhà vệ sinh. Trên thế giới, người ta có tổ chức WTO, không phải là Tổ chức Thương mại Thế giới, mà là Tổ chức Nhà vệ sinh Thế giới (World Toilet Organuzation). Nhận thức rõ tầm quan trọng của nhà vệ sinh, nên thế giới lấy ngày 19/11 làm “ngày Nhà vệ sinh” (World Toiley Day). Có lẽ nước ta cũng nên lấy ngày đó làm “Ngày vệ sinh Việt Nam”.
Xem tyheem: Nhận xét về người Việt của một người Pháp
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét