Hôm qua thấy bài “Việt Nam: chặt cầu để tiến lên” của Vũ Minh Khương định tải về đọc nhưng bận chuyện quá nên quên. Ngày hôm sau thì bài biến mất trên tuanvietnam! May quá, nhiều người vẫn lưu giữ bài đó. Tôi copy về đây những đoạn mà tôi rất tâm đắc. Đoạn này quan trọng nhất:
“Một thước đo khác có tính cấp chưngh hơn là về nguy cơ mất nước. Người xưa gợi ý ba thước đo về nguy cơ mất nước của một quốc gia:
1. Thứ nhất, người trên sai mà quan chức dưới đều nín lặng.
2. Thứ hai, người được giao trọng trách không thấy việc mình đảm nhận là thiêng liêng và gian khó mà lại coi đó là đặc quyền đặc lợi để vinh thân, phì gia, và kết bè kéo cánh hưởng lộc.
3. Thứ ba, người người đua chen, từ quan đến dân, lao vào các làm ăn chụp giật và vụ lợi cá nhân trong sự xem thường đạo lý và sự tê liệt lòng tin vào công lý.
Theo người xưa, nếu điều 1 là đúng thì nước này đang ở vào thế suy vi; nếu điều 2 là đúng thì nước này sẽ khốn khó trong sự chia rẽ lục đục; nếu điều 3 là đúng thì nước này sắp loạn. Nếu cả ba điều trên đều đúng thì nước mất đến nơi rồi.”
Thử đối chiếu với tình hình hiện nay, không ai có chút quan tâm đến đất nước mà không lo ngại.
Tuần vừa qua, tôi ngồi nói chuyện business khoa học khoa hiếc với một người bạn trẻ và có một câu làm tôi nhớ hoài. Bạn ấy nói với tôi rằng: nếu thầy nhìn đất nước bằng lăng kính vĩ mô thầy sẽ thất vọng và không làm được gì cả; thầy phải nhìn bằng lăng kính vi mô (micropicture) thì thầy mới làm điều có ích cho đất nước. Chính xác! Tôi cố không nhìn macropicture như Vũ Minh Khương, nhưng những câu chữ cảnh báo của anh ta làm tôi đau đáu mở mắt …
NVT
Xem thêm:
===
Việt Nam: Chặt cầu để tiến lên?
TS Vũ Minh Khương
I. Định lượng nỗi đau dân tộc
Mỗi con người khi thấy dân tộc mình ở vào vị thế thấp kém so với tiềm năng đều mang trong mình một nỗi đau. Nỗi đau này dù không ai giống ai hoàn toàn và không thể đo đếm chính xác. Thế nhưng, nó cũng có thể ước định được ở một chừng mực nhất định. Dưới đây là một phương cách đơn giản.
Mỗi người hãy tự trả lời bốn câu hỏi sau:
1. Chúng ta có thấy xót xa hổ thẹn về vị thế hiện nay của dân tộc mình không?
2. Chúng ta có thấy lo lắng cho tương lai của đất nước mình không?
3. Nếu có cơ hội, thế hệ chúng ta có đủ sức đưa dân tộc mình đến một vị thế vẻ vang (hơn mức hiện nay rất nhiều) không?
4. Cơ chế hiện thời có cho bạn làm được điều mà bạn hết lòng khao khát làm cho đất nước mình không?
Với mỗi câu hỏi, câu trả lời “có” được điểm 1 và câu trả lời “không” được điểm 0. Theo cách này, nỗi đau dân tộc của mỗi con người được đo bằng tổng số điểm của ba câu hỏi đầu trừ đi điểm của câu hỏi 4. Ví dụ, người mà câu trả lời là “có” cho cả ba câu hỏi đầu và “không” cho câu hỏi 4 sẽ có mức đau bằng 3 (1+1+1-0=3); đó là nỗi đau ở mức tột cùng. Trái lại, người mà câu trả lời là “không” cho cả ba câu hỏi đầu và “có” cho câu hỏi 4 sẽ có mức đau bằng -1 (0+0+0-1= -1); trong trường hợp này, người trả lời không có nỗi đau gì và thấy rất hài lòng với hiện tại.
Trong tập thể hàng triệu người, mức đau này có thể khác nhau, nhưng có lẽ, nhiều người cùng chia sẻ một cảm nhận là mức đau trung bình của hàng triệu người Việt chúng ta cũng không thấp hơn quá xa so với mức tột cùng nói trên. Người viết bài này mong rằng quốc hội và ban chấp hành trung ương Đảng khi có dip hội họp có tổng hợp và báo cáo với quốc dân đồng bào nỗi đau này của mình. Nếu mọi người thấy không đau mà lại từ hào vì thấy dân mình được “xếp hạng hạnh phúc hàng đầu thế giới”[1] thì cũng là điều đáng suy nghĩ lắm.
II. Định lượng nguy cơ mất nước
Một thước đo khác có tính cấp chưngh hơn là về nguy cơ mất nước. Người xưa gợi ý ba thước đo về nguy cơ mất nước của một quốc gia:
1. Thứ nhất, người trên sai mà quan chức dưới đều nín lặng.
2. Thứ hai, người được giao trọng trách không thấy việc mình đảm nhận là thiêng liêng và gian khó mà lại coi đó là đặc quyền đặc lợi để vinh thân, phì gia, và kết bè kéo cánh hưởng lộc.
3. Thứ ba, người người đua chen, từ quan đến dân, lao vào các làm ăn chụp giật và vụ lợi cá nhân trong sự xem thường đạo lý và sự tê liệt lòng tin vào công lý.
Theo người xưa, nếu điều 1 là đúng thì nước này đang ở vào thế suy vi; nếu điều 2 là đúng thì nước này sẽ khốn khó trong sự chia rẽ lục đục; nếu điều 3 là đúng thì nước này sắp loạn. Nếu cả ba điều trên đều đúng thì nước mất đến nơi rồi.
III. Tính thế nước ta và đôi điều trăn trở
Ai đã sống ở nước Nhật chắc đều ấn tượng về sự sâu sắc và cẩn trọng trong hành xử của dân tộc này. Họ đã làm nên những điều kỹ vĩ trong cải cách Minh Trị trong nửa cuối thể kỷ 19 và sự vươn lên kỳ diệu từ đống tro tàn sau thế chiến thứ Hai.
Điều đặc biệt đáng nói là Nhật bản đã đang là quốc gia có sự đồng cảm và giúp đỡ Việt Nam nhiều nhất trong công cuộc phát triển vừa qua. Thế nhưng, dường như sự kỳ vọng cao của họ về một dân tộc Việt Nam có thể so sánh được với Hàn quốc hay Nhật bản có lẽ đang tắt dần. Quan sát động thái hợp tác của Nhật bản với nước ta có thể giúp chúng ta thấy phần nào cảm nhận của bè bạn thế giới về tương lai của nước Việt chúng ta.
Năm 2006, tại Tokyo, Nhật bản và Việt Nam có tuyên bố chung rất long trọng và ấn tượng khẳng định hai bên cam kết xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược[2]. Viện trợ của Nhật bản cũng từ đó tăng lên. Thế nhưng, Việt nam, khác với những quốc gia và vùng lãnh thổ có công cuộc phát triển kỳ vĩ (như Hàn quốc hay Đài loan), viện trợ nhiều lên không làm chất lượng thể chế tốt của chúng ta tôt lên, mà trái lại sa sút trong sự so sánh với thế giới (hình 1). Đáng buồn hơn nữa, tháng 12 năm 2008, Nhật bản thông báo tạm ngừng viện trợ cho Việt Nam vì vấn đề tham nhũng và tin này công bố rộng rãi khắp thế giới.[3]
Ví dụ trên cho thấy sự sa sút của chúng ta không phải do ai chống phá mà ở chính do sự yếu kém và vô cảm của hệ thống của chúng ta trước công cuộc phát triển của dân tộc.
Trong thực tế hiện nay, chúng ta không thể trách cứ điều này cho cá nhân cụ thể nào mà phải thấy đây là “lỗi hệ thống” như nhiều người đã từng nêu ra. thực chất của lỗi hệ thống là sự khủng hoảng về hệ thức tư duy[4]. Nguyên nhân gốc rễ của sự khủng hoảng này là do những định đề và thiết kế tổ chức kiểu cũ đã trở thành lực cản cho quá trình nhận thức của tư duy và cải biến của xã hội sang khung thức vận hành mới.
Nếu hệ thống quản trị xã hội không chủ động tạo sự chuyển dịch có tính hồi sinh sang khung thức phát triển mới thì xã hội chắc chắn sẽ trải qua giai đoạn khủng hoảng trong sự suy tàn của hệ thống cai trị hiện thời. Trái lại, nếu hệ thống biết chủ động nắm bắt qui luật, mạnh dạn bước vào công cuộc hồi sinh thì nó có thể bước vào trạng thái khởi phát (xem Bảng 1 dưới đây).
IV. Làm gì để vượt lên
Không ít bè bạn đã có thời tin rằng, Việt Nam là một dân tộc có tinh thần quật khởi và là một ứng viên làm nên những kỳ tích phát triển ở nửa đầu thế kỷ 21. Trong thế kỷ 21 này, động lực cho sự phát triển thần kỳ chỉ có thể có được nếu ba điều kiện sau hội đủ:
1- Toàn dân tộc đồng tâm trong khát vọng vươn lên sánh vai các dân tộc vẻ vang của thời đại.
2- Hiểm họa an ninh quốc gia ngày càng gay gắt.
3- Hệ thống chính trị nhận thức được lòng dân là ánh sáng mặt trời và văn minh nhân loại là qui luật của trời đất. Trong nhận thức đó, lãnh đạo phải là người có thể ngẩn cao đầu đón ánh mặt trời của lòng dân và lái con thuyền dân tộc vượt qua biển cả trong sự thuận hòa của qui luật trời đất.
Kinh nghiệm của Indonesia với thắng lợi vang dội của tổng thống Yudhoyono trong cuộc bầu cử toàn dân đầu tháng 7 vừa rồi là điều đáng suy nghĩ. Ông được đánh giá là đã làm xuất sắc cương vị tổng thống trong năm qua (2002-2009) với nỗ lực ấn tượng trong củng cố nền móng phát triển của Indonesia và chương trình chống tham nhũng với lời nói và hành động nhất quán và mạnh mẽ. Cũng nhờ vậy mà trong mấy năm qua, Indonesia đã vượt lên từ sự sa sút sau sụp đổ của chính quyền độc tài Suharto và trở thành quốc gia tăng trưởng nhanh nhất trong các nước Đông Nam Á trong những tháng đầu năm 2009. Cũng trong bối cảnh dân chủ sống động, ở Malaysia, Thủ tưởng mới Najib nhận được sự đồng thuận cao của người dân (65% tín nhiệm) sau 100 ngày cầm quyền nhờ những cải cách đặc biệt ấn tượng.
Trong nỗ lực cải cách hệ thống ở Việt Nam, với xu thế tất yếu hướng tới một nền dân chủ do dân và vì dân, chúng ta trước hết cần đặ biệt chú ý vận dụng một số cải tiến kỹ thuật, tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa cực kỳ then chốt. Dưới đây là hai ví dụ nhỏ.
1- Lưu trữ và minh bạch thông tin lịch sử
Trong bối cảnh không dễ dàng đổi thay một cơ chế hay một hệ tư duy, việc lưu trữ và minh bạch thông tin lịch sử có tác dụng quan trọng.
Bài học này có từ kinh nghiệm của tổng thống Abraham Lincoln khi ông còn là một luật sư. Khi đó nước Mỹ có luật là người lớn không thể đòi khoản nợ mà người vị thành niên vay mình. Điều luật này lập tức bị nhiều nhiều thiếu niên lạm dụng: họ vay tiền rồi từ chối trả nợ. Nhiều chủ nợ cay đắng chấp nhận vì luật pháp không ủng hộ họ.
Trong tình thế này, luật sư Linhcon cũng không có cách nào khác để giúp thân chủ của mình đòi nợ ngoài việc đề nghị tòa án lưu giữ hồ sơ là cậu thiếu niên này đã quịt nợ và ghi rõ cậu đó sẽ không bao giờ được coi là người lớn nếu không trả món nợ này. Lo sợ về đề xuất này được thực hiện, cậu thiếu niên này và gia đình đã vội vã xin trả món nợ và tình trạng quịt nợ kiểu này từ đó không còn nữa.
Bài học này cho thấy, con người ta sẽ thường chỉ có hành vi lạm dụng khi trốn lủi được sự phán xét. Do đó, chúng ta đề nghị có đạo luật để Đảng, Quốc hội, Nhà nước, và Chính phủ phải lưu trữ thật tốt mọi luận bàn và quyết định quan trọng về chính sách phát triển và bổ nhiệm nhân sự để toàn xã hội được biết trong một thời hạn sớm nhất có thể. Khi đó, ai đề xuất hay quyết định những việc gì, dù tốt đẹp cho dân cho nước hay làm hại dân hại nước; dù đề bạt người hiền tài hay nâng đỡ kể tham nhũng sẽ đều được sự phán xét nghiêm minh của lịch sử.
2- Lựa chọn và đánh giá lãnh đạo dựa trên phân loại khoa học
Việc lựa chọn cán bộ lãnh đạo và chủ chốt có ý nghĩa sống còn với công cuộc phát triển. Công việc hệ trọng này nên dựa trên một sự phân loại khoa học, có hệ thống. Tối thiểu cần dựa trên hai tiêu chí: Phẩm chất hiến dâng và Tư duy cải cách. Trên mỗi tiêu chí, cho điểm từ 1 đến 5 (1=rất thấp so với mức trung bình; 2=thấp hơn mức trung bình; 3=mức trung bình; 4=cao hơn mức trung bình; 5=vượt xa mức trung bình).
Để lựa chọn người cho một bầu cử chính thức, một tổ chức (dù là Đảng, Quốc hội, hay Chính phủ) nên có phân loại khoa học theo hai tiêu chí trên. Ví dụ: (i) Ban Chấp Hành Trung ương đánh giá về các ủy viên Bộ Chính trị hiện tại hoặc các ủy viên dự kiến cho khóa tới; (ii) Quốc hội đánh giá các bộ trưởng và các vị giữ trọng trách cao hơn.
Tổng hợp đánh giá của cả tập thể về một cán bộ chủ chốt sẽ cho phép phân loại cán bộ theo hình vẽ 2 nêu trên.
Theo đó, chỉ người có mức điểm trung bình cao (nghĩa là trên 3,0) trên cả hai tiêu chí: “Phẩm chất hiến dâng” và “Tư duy cải cách” (ô I) mới được lựa chọn vào bầu cử cho các cương vị cao như ủy viên bộ chính trị hay hay bộ trưởng và các vị trí cao hơn. Đảng và Quốc hội nếu muốn có lòng tin của dân cần công khai các chỉ số này cho cán bộ chủ chốt ở cả Trung ương và địa phương.
Theo đánh giá của nhiều người, có nhiều cán bộ chủ chốt của ta ở ô III (có năng lực nhưng cơ hội, tham nhũng) và ở ô IV (vụ lợi cá nhân, bảo thủ). Điều đặc biệt đáng nói là cách đánh giá này không chỉ xác đáng còn tạo động lực để mỗi cán bộ đều tự rèn luyện và tốt hơn lên. Mục tiêu cuối cùng của chúng ta là, tất cả những ai được đứng trong hàng ngũ lãnh đạo, thậm chí chỉ là cán bộ trong bộ máy nhà nước, đều phải ở ô I với độ tin cậy cao của toàn dân về phẩm chất hiến dâng và tư duy cải cách.
V. Thay lời kết
Khó khăn trong quyết định của mỗi người chúng ta hôm nay không phải là làm cách gì để đất nước tiến lên mà là ở làm gì để chúng ta không lùi tiếp nữa bởi đường lùi của chúng ta còn rộng rãi thênh thang lắm.
Ông cha chúng ta để lại cho chúng ta đất đai ở vị thế đẹp và nhiều tài nguyên quí giá. Thế giới lại thương cảm chúng ta đã trải qua những cuộc chiến tranh khốc liệt. Thế hệ chúng ta chỉ cần cho nhượng thuê đất trong các dự án đầu tư dễ dãi, bán tài nguyên, và vay nợ quốc tế cũng đủ sống xêng xang được 20-30 năm nữa. Ta nhượng đất của ông cha làm sân gôn và dân ta sẽ không thể đói nhờ nghề nhặt bóng và đánh giày. Mỗi chúng ta, dù sao hãy cùng trả lời một câu hỏi day dứt: Dân tộc Việt Nam ta hôm nay có đủ lòng quả cảm “Chặt cầu để tiến lên” không?
TS. Vũ Minh Khương (Đại học Quốc gia Singapore)
Chú thích:
[1] Tổ chức New Economic Foundation vừa đưa ra xếp hạng chỉ số hạnh phúc năm 2009, trong đó Việt Nam xếp hạng 5. Điểm tốt của cách xếp hạng này là khuyến khích các nước tiêu dùng ít vật chất hơn. Điểm hạn chế là phương pháp dễ gây ngộ nhận cho các nươc nghèo. Thứ nhất, họ dùng khảo sát mức độ hài lòng với cuộc sống thực hiện năm 2005 (nghĩa là 5 năm trước đây) và khảo sát này chủ yếu dựa vào một nhóm nhỏ người sống ở thành phố. Thứ hai, họ chia chỉ số hài lòng cho lượng vật chất tiêu dùng; nói một cách nôm na, chỉ số hài lòng của người Mỹ là 8 nhưng vì họ đi ô tô nên chỉ số hạnh phúc của họ thấp hơn Việt Nam với chỉ số hài lòng là 6,5 nhưng đi xe máy.
Xem thêm: Tự tin Súp rau củ - Thực đơn giảm cân cho buổi tối
[2] “Japan-Vietnam Joint Statement: Toward a Strategic Partnership for Peace and Prosperity in Asia”; October 19, 2006; Ministry of Foreign Affair, Japan; URL: http://www.mofa.go.jp/region/asia-paci/vietnam/joint0610.html, xem ngày 11/07/2009.
[3] “Japan Suspends Aid to Vietnam, Citing Corruption”; URL: http://www.bloomberg.com/apps/news?pid=20601080&sid=aTIhAZGLZ2Ko&refer=asia, xem ngày 11/07/2009
[4] Xem thêm Elgin, D. (1977), "Limits to the management of large complex systems", Assessment Of Future National and International Problem Areas, Stanford Research International, Palo Alto, CA.
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét