Ở xa nhà nên không xem được truyền hình VN, nhưng qua trang blog của drnikonian tôi mới biết là VTV2 có phóng sự “Chương trình sàng lọc trẻ sơ sinh”! Hình như ở nước ta người ta làm những chuyện mà thế giới suy nghĩ rất lâu chưa dám làm (như sàng lọc trẻ sơ sinh, như điều trị bằng tế bào gốc, v.v…); nhưng ngược lại có những chuyện thế giới làm lâu rồi thì nước mình vẫn chưa làm (như vụ Huỳnh Ngọc Sĩ chẳng hạn).
Đọc qua bản tin này, tôi thấy rất quan ngại cho chương trình "sàng lọc" này. Dị tật bẩm sinh thường khá phổ biến ở trẻ sơ sinh, và nhiều dị tật không phải do các yếu tố di truyền gây nên. Có hàng trăm dạng dị tật bẩm sinh, và một số dị tật nói thật chẳng có ảnh hưởng gì đến sự trưởng thành về thể lực hay tâm trí của trẻ em.
Hai chữ "sàng lọc" làm cho người ta nhớ đến chương trình "eugenics" (ưu sinh) hay "genetic selection" (tức sàng lọc chủng tộc bằng di truyền) và những hệ quả khôn lường của nó dưới thời của Hitlet ở bên Đức. Hitler sử dụng chiến lược loại bỏ các "gen xấu" bằng cách tiêu diệt những người mang gen đó. Chắc chắn các nhà chức trách y tế sẽ không sử dụng chiến lược này khi họ nói đến hai chữ "sàng lọc", nhưng làm cách gì để xã hội có thể an tâm rằng hệ quả của chương trình sàng lọc như thế sẽ không xảy ra?
Bất cứ phương pháp xét nghiệm nào cũng mang tính bất định, hay có sai sót. Vậy khi phát biểu rằng "Ước tính, thực hiện sàng lọc trẻ sơ sinh có thể cho kết quả chính xác tới 99%" chính xác có nghĩa gì? Có phải nó có nghĩa là cứ 100 trường hợp thật sự bị dị tật thì xét nghiệm tiên đoán được 99 em? Hay nó có nghĩa là cứ 100 trường hợp thật sự KHÔNG bị dị tật thì xét nghiệm tiên đoán được 99 em? Hay nó có nghĩa là 99% các trường hợp có kết quả xét nghiệm sẽ bị dị tật? Tóm lại, chúng ta không biết câu nói đó có nghĩa gì. Người viết bình luận này chưa thấy phương pháp xét nghiệm nào trong y khoa mà chính xác tuyệt vời như thế.
Đây là vấn đề có ảnh hưởng đến một dân số, dân tộc, không thể nào chấp nhận cách phát biểu "khơi khơi" như thế được.
Thông thường, một chương trình "sàng lọc" mang tính qui mô và tế nhị như thế này phải được đưa ra để công chúng và giới chuyên môn thảo luận kĩ càng trước khi triển khai. Rất nhiều vấn đề chưa được giải tỏa: xét nghiệm bằng phương pháp gì, độ chính xác ra sao, đã nghiên cứu ở đâu, số liệu ở đâu, v.v... Nếu kết quả dương tính thì sẽ làm gì? Chắc đâu phải chỉ đơn giản hủy thai. Chúng ta đang nói chuyện con người, không phải chuột.
Tất cả những khía cạnh "kĩ thuật" trên phải được công bố và để các chuyên gia bình duyệt, cũng như để công chúng có dịp đánh giá và quyết định.
Không nên hấp tấp triển khai khi chưa có nghiên cứu chứng minh hiệu quả cũng như hệ quả của chương trình "sàng lọc" này. Thật tình, tôi không thích chút nào hai chữ "sàng lọc".
NVT
0 nhận xét:
Đăng nhận xét