Sống như mình muốn

Hôm nay đọc được một bài phỏng vấn rất hay của ông Dương Trung Quốc. Vì cũng ham đọc sử nên đã từ lâu, tôi cũng hay theo dõi những bài viết và ý kiến của ông, và nói chung là đồng tình với ông trong cách nhìn nhiều vấn đề. Tôi có nguyên bộ tạp chí Xưa và Nay do ông làm biên tập. Rất thích.

Thú thật, đọc bài phỏng vấn này tôi thấy tôi và ông (tôi còn trẻ hơn ông) có cùng “triết lí” sống quá. Vậy xin phép tác giả Ngọc Kha và Hoàng Đình cho tôi “chôm” về trang blog của tôi để tham khảo sau này.

Đây là những câu rất hợp với tôi, đọc mà cứ như là nhạc vào tai:

“Nghề sử tạo cho mình vốn sống, vốn sống của chính mình và vốn sống của người khác. Nó làm cho mình có một cái nhìn bình thản, nhất là khi mình ngày càng có tuổi. Bình thản là vì người ta thấy mọi cái xảy ra nó đều có lý của nó. Người ta có thể so sánh chuyện này với chuyện kia đã từng xảy ra, hay lặp lại, hay số phận của con người này với người kia có thể lên đến đỉnh cao của vinh quang vẫn có thể bị rơi xuống đáy vực thất bại, tất cả với tôi không có gì là lạ.”

“Bình thản giúp tôi không bao giờ lý tưởng hoá vấn đề nên tôi không thấy thất vọng, không cực đoan trước mọi biến cố cuộc đời. Ví dụ như tình trạng rất bất công xã hội, giầu - nghèo khiến cho nhiều người cảm thấy bức xúc, nhưng tôi nhìn trong sự phát triển của đất nước thì điều đó là không thể khác được”.

“Đã một thời chúng ta hay bàn về vấn đề ai thắng ai. Nhưng rồi mình nghĩ ở đời chẳng ai thắng ai. Rồi ai hơn ai? Chưa chắc ai hơn ai. Nhưng cái này thì có: Ai cần hơn ai? Khi anh được mọi người cần hơn ai thì đó là khi năng lực của anh, giá trị của anh có thể giúp được người khác, có thể đặt giá”.

“Cho nên mình rất trân trọng những mối quan hệ mình có trong cuộc sống. Người ta hay hỏi hạnh phúc là gì? Nó chỉ là một phân số mà tử số là hiện thực mà mẫu số là mơ ước. Nếu anh biết cách điều chỉnh thì lúc nào anh cũng thấy thoả mãn. Khi anh không biết điều chỉnh thì đừng có quá nhiều khát vọng. Phải tự tạo ra sự mãn nguyện. Không ai mang lại cho anh cả. Ngay cả với những cái mà người ta cho mình làm liều thì cũng phải tự định lượng được.”

Chí lí!

NVT

http://vn.myblog.yahoo.com/kha-betiteo

Sống như mình muốn

“Từ nhãn quan của nghề sử, tôi sống bình thản, sống như mình muốn” - Nhà sử học, Đại biểu Quộc hội Dương Trung Quốc bộc bạch.

Ông có thể cho biết quan niệm của mình về tư duy hiện đại của một người đàn ông?

Ông Dương Trung Quốc: Tư duy con người có thể được kích bằng hai chiều: trục hoành là vị thế của mình trong đời sống xã hội và trục tung là tuổi tác. Tôi nay đã 62-63 tuổi, là tuổi đã có tích luỹ kinh nghiệm sống. Hoàn cảnh của tôi ít bị đảo lộn, ít bị thay đổi, bươn chải. Lý lịch của tôi có thể nói là rất đơn giản. Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Học và làm chỉ một nghề, là nghề sử, ở một cơ quan duy nhất. Ngoài ra tôi tham gia hoạt động xã hội. Nếu nói về thiệt thòi thì tôi chỉ có thiệt thòi lớn nhất là bố tôi mất khi tôi chưa ra đời. Mẹ tôi là tư sản. Nhưng cân bằng với hoàn cảnh này tôi lại có ông bố liệt sĩ nên so với những người khác cùng thời với mình thì tôi ít bị vùi dập. Như thế có thể nói cuộc sống của tôi đơn giản, trải nghiệm cũng đơn giản. Nhưng có lẽ cái tạo cho mình một chút gì đó được gọi là bản lĩnh hay sắc thái riêng thì chính là nghề sử. Nghề sử tạo cho mình vốn sống, vốn sống của chính mình và vốn sống của người khác. Nó làm cho mình có một cái nhìn bình thản, nhất là khi mình ngày càng có tuổi. Bình thản là vì người ta thấy mọi cái xảy ra nó đều có lý của nó. Người ta có thể so sánh chuyện này với chuyện kia đã từng xảy ra, hay lặp lại, hay số phận của con người này với người kia có thể lên đến đỉnh cao của vinh quang vẫn có thể bị rơi xuống đáy vực thất bại, tất cả với tôi không có gì là lạ. Bình thản giúp tôi không bao giờ lý tưởng hoá vấn đề nên tôi không thấy thất vọng, không cực đoan trước mọi biến cố cuộc đời. Ví dụ như tình trạng rất bất công xã hội, giầu - nghèo khiến cho nhiều người cảm thấy bức xúc, nhưng tôi nhìn trong sự phát triển của đất nước thì điều đó là không thể khác được. Cũng như lịch sử dân tộc mình chưa bao giờ trải qua sở hữu. Bây giờ là cơ hội duy nhất mà chúng ta đang khát sở hữu, khắc phục được cái thực tại hàng ngàn năm qua Việt Nam phải lựa chọn một cách sống bên cạnh người Tầu, lấy làng xã làm hạt nhân. Làng xã là một xã hội khép kín, cực kỳ bền vững và câu kết với nhau nhưng lại dựa trên nền tảng không phân hoá được giai cấp. Khẩu hiệu lấy của người giầu chia cho người nghèo trong suốt chiều dài lịch sử như một ngọn cờ tụ nghĩa. Nhưng khi mà vượt ra khỏi khuân khổ vốn có mà hội nhập với thế giới như hiện nay thì ta đã bộc lộ nhiều điểm yếu. Và chính bây giờ nếu nhìn theo góc độ nghề nghiệp thì tôi cho là thực chất ta đang bước vào thời kỳ tích luỹ tư bản chủ nghĩa nguyên thuỷ, giai đoạn mà mà thiên hạ đã từng trải qua từ hàng trăm năm trước đây với cực kỳ đau khổ của chiến tranh, của bóc lột nô lệ… Bước đi lịch sử của mình bây giờ không thể làm như ngày xưa được, không thể đi xâm lược ai cũng không thể buôn bán nô lệ được. Duy nhất có thể vận hành ở đây lúc này là các nhân tố: đất đai, quyền lực và cơ hội (trong cơ hội có cả tài năng và năng lực vận hành). Ba nhân tố này nó khắc phục, thay thế cho những chuyến vượt biển, cướp biển. cướp nô lệ hay những chuyến đi tìm vàng… ngày trước. Nhìn xã hội, đôi khi ta thấy nó bất thông thường, bất công, nhưng hệ quả tất yếu của nó là tạo ra một tầng lớp hữu sản. Và chừng nào có được một tầng lớp hữu sản thì mới có dân chủ. Đó là quyền được tồn tại cùng với tài sản của mình, dựa trên nền tảng của sở hữu tư nhân. Khi đó ta mới hội nhập thế giới được. Hay như hiện nay đơn từ của dân nhiều là thế, tôi cho rằng đó không có gì lạ. Còn nhớ trước đây có thời kỳ, người ta triệt hạ cả một chủng tộc người da đỏ để chiến giữ đất đai, xác lập quyền sở hữu.

Tôi đang đi ở giai đoạn cuối cuộc đời và chỉ muốn để lại một ấn tượng gì đó đối với những người biết mình. Cũng có nghĩa là tôi không muốn để lại cái gì quá cao siêu. Và mình sống như mình muốn.

Nói như thế có thể hiểu ông là người rất có nhiệt huyết. Nó từ đâu ra?

Ông Dương Trung Quốc: Nhiệt huyết thể hiện sự ham sống. Đừng nghĩ đến cái gì ghê gớm, quá cao siêu quá, đừng mộng tưởng mà hãy nghĩ những người sống với anh đang nghĩ về anh như thế nào, hãy tạo ra một giá trị đối với người ta, tạo ra tình cảm đối với người ta. Vì mấy trăm năm sau người ta chỉ nhớ được một hai cái tên thôi, nên đừng có tham vọng lưu danh. Cho nên mình rất trân trọng những mối quan hệ mình có trong cuộc sống. Người ta hay hỏi hạnh phúc là gì? Nó chỉ là một phân số mà tử số là hiện thực mà mẫu số là mơ ước. Nếu anh biết cách điều chỉnh thì lúc nào anh cũng thấy thoả mãn. Khi anh không biết điều chỉnh thì đừng có quá nhiều khát vọng. Phải tự tạo ra sự mãn nguyện. Không ai mang lại cho anh cả. Ngay cả với những cái mà người ta cho mình làm liều thì cũng phải tự định lượng được.

Ông đã liều?

Ông Dương Trung Quốc: Nhiều lần rồi chứ, ngay cả những khi mình phát biểu. Phải thử chứ!

Tại sao ông lại dám thử trong khi nhiều người, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn còn e ngại?

Ông Dương Trung Quốc: Vì quan trọng là do người ta còn sợ chính mình. Đôi khi người ta hay sợ ma là vì thế.

Ông có biết từng có sự can thiệp của ban nọ, bộ kia đối với báo chí, khuyến cáo họ không nên nếu như không nói là không được phỏng vấn một số vị đại biểu Quốc hội trong đó có ông?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi biết quá đi chứ! Ngày tôi mới bắt đầu vào Quốc hội, tại phiên họp đầu tiên năm 2002, có một cảm hứng từ một ông thầy của tôi truyền lại, rằng tại sao Quốc hội lại bầu một người lấy một người, đã khiến tôi phát biểu về vấn đề dân chủ, rất hồn nhiên. Thời trước, thời Cụ Hồ, từ 72 người của Hà Nội chọn ra 7 người vẫn là những người xứng đáng đấy thôi. Tối hôm đó sau khi đi đánh tennis về, nghe vợ tôi nói có một vị có tuổi là cử tri ở phố Lý Nam Đế đến muốn gặp. Sáng hôm sau, ông ấy lại đến và nói với tôi: “Tôi rất tán thành và rất thích ý kiến phát biểu của anh, nhưng cũng phải nói cho anh biết thế này”. Và ông ấy đưa cho tôi xem một văn bản mà người ký lại là bạn cùng học lớp sử với tôi, ông Nguyễn Hồng Vinh, hồi đó là Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó ban thường trực Ban Tư tưởng văn hoá trung ương (nay là Ban Tuyên giáo trung ương) chỉ thị cho báo chí như thế. Tôi hơi bất ngờ nhưng không ngạc nhiên. Tôi chủ động tránh gặp gỡ báo chí nhưng anh em bảo tôi cứ cho họ hỏi thông thường.

Sau sự việc này ông có phải hạn chế hơn hay dè dặt?

Ông Dương Trung Quốc: Không! Mình đã từng trả lời từ lâu trên báo Công an: Cái đầu phải làm nên cái cổ. Mục đích của mình là nói. Nói phải suy nghĩ. Đừng bao giờ để cái đầu lìa khỏi cổ. Sự không ngoan là quan trọng nhất của con người. Đừng có làm gì cực đoan.

Trong số các đại biểu Quốc hội có người tâm sự rằng: Phát biểu như ông Dương Trung Quốc chắc chỉ ở làm được một nhiệm kỳ Đại biểu Quốc hội là nghỉ. Ông nghĩ sao?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi vẫn thường trả lời những câu hỏi như thế này, kể cả khi trả lời những người nước ngoài, rằng: Cho đến nay chưa hề có bất kỳ một áp lực nào, hay có ai vỗ vai, nhắc nhở đối với tôi. Đây không phải là tôi bênh vực gì cho chế độ. Đôi khi tôi cũng hơi giật mình không hiểu vì sao mình lại như thế. Cũng có thể vì mình có ba lợi thế: Không phải là đảng viên, làm sử và làm báo.

Thế còn cái vụ ông, một người không phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam mà vẫn được “đặc cách” bổ nhiệm làm Tổng biên tập tạp chí Xưa và Nay?

Ông Dương Trung Quốc: Chính tôi cũng không hiểu tại sao lại như vậy, kể cả cái chức Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử. Có người nói đùa tôi là do bên ngành An ninh cài cắm vào đó…

Trở lại cái nhiệt huyết mà ông nói đó là do ông “ham sống”. Là ham sống thế nào thưa ông?

Ông Dương Trung Quốc: Đơn giản là tôi muốn làm như thế. Đã một thời chúng ta hay bàn về vấn đề ai thắng ai. Nhưng rồi mình nghĩ ở đời chẳng ai thắng ai. Rồi ai hơn ai? Chưa chắc ai hơn ai. Nhưng cái này thì có: Ai cần hơn ai? Khi anh được mọi người cần hơn ai thì đó là khi năng lực của anh, giá trị của anh có thể giúp được người khác, có thể đặt giá. Khi vợ mình đau đẻ thì ông xích lô quan trọng hơn ông Tổng Bí thư (cười!). Khi bà con đang cần đến mình thì mình thấy được giá trị của mình. Có thể mình chưa giúp được bà con cho đến đầu đến đũa nhưng quan trọng là mình luôn luôn làm hết lòng.

Có bao giờ ông lượng được sự ảnh hưỏng của những lời nói và hành động của mình đối với sự phát triển của xã hội?

Ông Dương Trung Quốc: Nói là không biết thì không phải nhưng thực sự là tôi không quan tâm đến điều này. Chưa bao giờ mình chủ ý quan tâm đến môt bài phát biểu nào của mình được phát trên TV trừ trường hợp ngẫu nhiên bắt gặp. Chưa bao giờ mình đi tìm một bài báo nào phỏng vấn mình.

Với một nhãn quan “Bình thản”, dường như ông có một niềm tin tưởng, hy vọng tương đối tốt vào tương lai?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi là một người luôn luôn nhìn hoàn cảnh lạc quan, sáng sủa.

Trong Quốc hội có nhiều người cũng tâm huyết như ông nhưng họ lại nghĩ khác…

Ông Dương Trung Quốc: Đấy là do họ quá gắn bó với chế độ.

Ông có biết hiện nay trên mạng người ta đồn thổi về một lời “sấm truyền” của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm?

Ông Dương Trung Quốc: Mình quan niệm lời sấm truyền có thể có thật trong xã hội nhưng quyết định giá trị của nó lại là đời sống thực tại. Hay nói cách khác người ta vận vào đó mà ước vọng.

Ông cũng thế, cũng vịn vào ước vọng như thế mà tin tưởng vào tương lai?

Ông Dương Trung Quốc: Cuộc sống hiện nay thay đổi quá nhanh mà chúng ta phải cố gắng phấn đấu để theo kịp nó. Tôi là người luôn cảm thấy mình rất thiếu thời gian. Không biết từ bao giờ tôi luôn có nỗi ám ảnh mình sẽ chết trẻ (cười!). Thế là tự nhiên mình có cảm giác rất tiếc thời gian. Tiếc đến mức không bao giờ mình đánh bạc. Không phải là mình cho rằng đánh bạc là xấu. Cũng như ở nhà không bao giờ mình tắt đèn hay tắt TV. Mình luôn muốn làm việc. Ngủ thì thôi, cứ tỉnh dậy là làm.

Ông làm việc như thế thì vợ con có phàn nàn gì không?

Ông Dương Trung Quốc: Bà ấy quá hiểu và tôn trọng những thói quen của tôi.

Quan niệm của ông về gia đình?

Ông Dương Trung Quốc: Gia đình là cái bến. Không có bến thì con thuyền không thể đi đâu được. Nhưng mình không thể chỉ loanh quanh ở bến.

Ông có phải băn khoăn về sự ngưỡng một của các người đẹp dành cho ông? Mà ông thì khá đẹp trai…

Ông Dương Trung Quốc: Đôi khi mình vẫn công khai quan niệm của mình, rằng: Kẻ tham lam chỉ có thêm, không có bớt. Nếu những người đó cũng chấp nhận như thế thì mình… Ok (cười!).

Ông có e ngại gì khi vợ ông đọc được những dòng này?

Ông Dương Trung Quốc: Vợ tôi thường hay nói đùa: Đàn ông các anh 10 ông thì cả 11 ông đều “hư”, càng già thì càng “đổ đốn” (cười!). Bà còn nói là rất thích mình được bầu làm đại biểu Quộc hội vì cho rằng (tôi nói ngoài lề thôi đấy nhá): như thế là gửi được mình vào một cái... “Nhà trẻ vĩ đại”… (lại cười!)

Ông có trù tính gì cho công việc trong tương lai?

Ông Dương Trung Quốc:
Hoạt động xã hội đã ngấm vào máu mình rồi. Hiện nay mình tham gia thêm Chủ tịch Hội UNESCO Hà Nội. Mình đang tham gia xây dựng hệ thống các thư viện trong nhà tù và hoàn trả lại các sắc phong xưa do bạn bè khắp nơi trên thế giới sưu tầm được trao gửi tôi từ nhiều năm qua cho chủ nhân của nó là nhân dân các địa phương trên khắp cả nước sau khi giám định lại.

Cảm ơn ông!

Ngọc Kha-Hoàng Đình thực hiện
Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét