Hôm nay đọc thấy một bài thú vị nói về ước muốn đến năm 2020 đưa Việt Nam trở thành một cường quốc toán học. Tại sao muốn thành cường quốc về toán học, mà không là kĩ thuật hay công nghệ thông tin, hay công nghệ sinh học? Ông Nguyễn Thiện Nhân giải thích như sau: “Dân số nước ta hiện đứng thứ 13 trên thế giới, thì phải phấn đấu đưa nền kinh tế nước ta trong vài ba chục năm tới cũng vào hàng 17-20 trên thế giới. Toán học nước ta có truyền thống nên phải đi trước một bước là tất nhiên!” Ông phó thủ tướng hùng hồn nói tiếp: “Đất nước này không thiếu tiền để làm toán học nhưng các nhà toán học phải quyết tâm xây dựng ngành toán trở thành trụ cột trong tinh thần người Việt Nam. Các nhà toán học phải xây dựng chương trình phát triển toán quốc gia để trở thành cường quốc thế giới về toán học”.
Tất nhiên? Tại sao phải là toán học phải đi trước một bước là tất nhiên nhi? Câu nói của ông phó thủ tướng hàm ý toán học Việt Nam là ngành số 1 của nước ta. Nhưng trong thực tế thì không phải như vậy. Hãy lấy số bài báo khoa học trên các tập san quốc tế ra làm minh chứng: trong thời gian 1996 – 2005, Việt Nam công bố được 3456 bài báo khoa học; trong số này, những bài liên quan đến toán là 452 bài (chiếm 13% tổng số), tương đương với vật lí (450 bài), kĩ thuật (406 bài), thậm chí hóa học (385 bài). Một phần ba những bài báo khoa học từ Việt Nam liên quan đến y sinh học. Do đó, chính ngành y sinh học, chứ không phải toán, mới là ngành có đóng góp mạnh cho khoa học Việt Nam. Với những sự thật đó, nếu đầu tư để phát triển khoa học, chúng ta chọn ngành nào để ưu tiên? Tôi e rằng suy nghĩ về định hướng khoa học của ông phó thủ tướng có phần phiến diện.
Trong bài trên, theo tôi hiểu, tác giả lí giải rằng Việt Nam cần phát triển toán học vì các nước tiên tiến khác như Mĩ và Hàn Quốc cũng có một nền toán học tốt. Theo tác giả, trước đây nền toán học của Hàn Quốc tương đương với Việt Nam, nhưng nay thì bỏ ta quá xa. Có lẽ hàm ý hay giả định trong cách lí giải này là nhờ toán học một phần mà Hàn Quốc phát triển kinh tế như ngày nay. Nói cách khác, toán học là động lực của phát triển kinh tế. Do đó, hàm ý có lẽ là Việt Nam phát triển toán học để sẽ giúp cho phát triển kinh tế.
Thoạt đầu mới đọc qua thì cũng có lí, vì toán học là “hoàng tử” của khoa học. Nhưng tôi nghĩ nếu tác giả cung cấp vài bằng chứng cụ thể là toán học đã đóng góp gì cho phát triển kinh tế trong vòng 20 năm qua thì sẽ thuyết phục hơn. Nhưng rất tiếc, chúng ta chưa thấy những bằng chứng đó. Thật ra, chưa thấy bằng chứng gì cho thấy ở bất cứ nước nào trên thế giới có mối liên hệ nhân quả là phát triển toán học sẽ dẫn đến phát triển kinh tế.
Có thể nói rằng một mối liên hệ nghịch đảo thì đúng hơn: phát triển kinh tế và khoa học sẽ dẫn đến phát triển toán. Singapore là một minh chứng cho mối liên hệ này. Trước đây, Singapore chẳng có bao lăm bài báo toán học, nhưng khi kĩ nghệ máy tính, công nghệ thông tin và công nghệ sinh học phát triển thì số bài báo toán học của họ tăng rất nhanh.
Có nhiều nước phát triển kinh tế rất khá mà toán học của họ không khá gì mấy so với Việt Nam. Điển hình là Malaysia và Thái Lan. Kinh tế của họ hơn ta gấp mấy lần, nhưng toán học của họ thì không hơn ta. Như vậy không thế nói phát triển toán học sẽ dẫn đến phát triển kinh tế. Cũng khó mà lí giải rằng toán học có thể giúp đỡ cho phát triển kinh tế.
Việc so sánh nền toán học VN và Mĩ có lẽ hơi khập khiễng. Mĩ có một nền toán học rất cao, nhất là toán ứng dụng và thống kê. Còn ở Việt Nam, toán học chỉ xoay quanh các đề tài toán thuần túy (pure mathematics). Có thể xem qua trang web của Viện toán học để thấy rằng phần lớn những nghiên cứu về toán ở VN chỉ là toán thuần túy. Ở Việt Nam chưa thấy phát triển được toán ứng dụng. Bộ môn thống kê học ở Việt Nam thì hầu như không có gì. Không một đại học nào ở Việt Nam có một “Department of Statistics” hay một “Department of Applied Mathematics”. Khi cần đào tạo, người ta phải gửi sang ... Thái Lan để học!
Chính vì thế mà ở Việt Nam, toán học chưa giúp gì cho các ngành khoa học thực nghiệm. Mỗi khi các nhà nghiên cứu muốn giải quyết một vấn đề gì mang tính tính toán, họ phải nhờ đến các chuyên gia toán ứng dụng và thống kê nước ngoài. Không biết bao lăm bài báo khoa học của Việt Nam bị từ chối công bố chỉ vì làm phân tích thống kê không đúng chuẩn mực quốc tế và thiết kế không đúng.
So với ngoại quốc thì sao? Vài con số sau đây phác họa cho ta thấy bức tranh toán học Việt Nam:
(a) Trong thời gian 2000-2005, Việt Nam công bố được 326 bài báo khoa học về toán, với tổng số trích dẫn 797 lần. Tính trung bình, số lần trích dẫn cho mỗi bài báo là 2.4, chỉ số H là 11.
(b) Trong cùng thời gian, Singapore công bố 1474 bài, với chỉ số trích dẫn trung bình là 5,43, chỉ số H là 30.
(c) Khoảng 44% các nghiên cứu về toán từ VN không được ai trích dẫn hay tham khảo.
Các con số này cho thấy toán học Việt Nam chẳng những kém về số lượng mà còn thua về chất lượng so với Singapore. Còn nói về toán ứng dụng thì Singapore (và ngay cả Thái Lan) đã hơn Việt Nam gấp 10 lần!
Dù Việt Nam cần phát triển toán (và nhiều lĩnh vực khác), nhưng tôi vẫn nghĩ rằng Việt Nam cần nhà khoa học toán (mathematical scientists) hơn là cần nhà toán học (mathematicians). Chúng ta cần những người làm toán biết ứng dụng lí thuyết và phương pháp vào giải quyết các vấn đề thực tế, chứ chúng ta ít cần những nhà toán học tự hài lòng với vấn đề do chính họ đặt ra và tự họ giải, mà không biết ứng dụng vào cái gì. Để làm một nhà khoa học toán, người làm toán phải hiểu qui trình làm khoa học thực nghiệm, phải hiểu vấn đề, và biết cách diễn giải vấn đề một cách logic. Chỉ khi nào toán học Việt Nam tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học thì lúc đó mới có thể lí giải toán học có thể đóng góp vào phát triển kinh tế và khoa học.
Tôi vẫn nghĩ có tham vọng là tốt, nhưng tôi vẫn ngại với những mục tiêu thành “cường quốc” trong khi thực lực thì chưa có gì. Có lẽ cách tốt nhất là nghe theo lời khuyên của Gs Hoàng Tụy: Nói ít, làm nhiều hơn thì hay hơn.
NVT
PS. Tôi đưa bài “Một cường quốc Toán học - Mục tiêu phát triển toán học Việt Nam” cho một anh bạn Việt kiều nay đã về Việt Nam giảng dạy, anh viết như sau: “Đọc xong bài Một cường quốc Toán học tôi thấy lòng rất ‘hân hoan’. Sáng nay tôi ra Bưu Điện để lấy một số sách chuyên môn mua từ Amazon.com để dùng trong việc giảng dạy và nghiên cứu của tôi ở Việt Nam. Tại BĐ, sau khi chờ nửa tiếng, cô nhân viên BĐ mới thủng thẳng đi ra bảo tôi phải ra Cục Văn Hóa xin giấy phép ‘nhập khẩu’ những sách chuyên môn này. Trước đây ở Việt Nam tôi không hề phải làm những thủ tục rườm rà như vậy. Tôi e rằng ở đây khi các chức sắc nói chuyện ‘trên trời’ nhiều khi chuyện ‘dưới đất’ càng phức tạp.”
NVT: Tôi không biết có nước nào trên thế giới đòi hỏi nhà khoa học phải xin giấy phép để mua sách chuyên ngành phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu. Có thể Triều Tiên là nước như thế, nhưng tôi không biết. Nhưng ở đây (Việt Nam) và vào thời điểm này (thế kỉ 21), mà Việt Nam bắt chước Triều Tiên? Không biết Việt Nam đổi mới về hành chính ở khoản nào, nhưng tôi thấy chỉ cái khoản nhỏ này cũng làm chùng bước biết bao lăm người muốn dấn thân về làm việc ở trong nước. Một chuyện nhỏ như thế này (chứ nói gì đến thư viện điện tử) mà còn thủ tục rườm rà thì nói gì đến chuyện phát triển khoa học để ngang tầm (chưa dám nói “cường quốc”) với các nước trong vùng!?
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét