Entry này không phải của tôi, mà là của một bạn đọc gửi cho. Tôi thấy vấn đề anh nêu cũng đúng với thực tế, và qua kinh nghiệm cá nhân, tôi chia sẻ với những quan tâm của anh.
Trước đây, khi tôi “dấn thân” vào ngành di truyền học, lúc đó chữ “genetics” hầu như rất nổi và nóng. Tôi may mắn sống và làm việc trong thời hoàng kim của di truyền học. Nghiên cứu nào dính dáng đến di truyền học cũng đều được công bố trên các tập san lớn và có impact factor cao. Riêng nhóm của tôi, trong 4 năm liền chiếm nhiều giải thưởng của ASBMR cho các công trình về gien VDR, về population genetics, và osteocalcin.
Nhưng không ai tắm một dòng sông hai lần. Mấy năm sau, càng ngày người ta càng nhận ra rằng di truyền học hình như đặt ra nhiều vấn đề hơn là giải quyết vấn đề. Thế rồi đến stem cell research hay nghiên cứu tế bào gốc / tế bào mầm. Hầu như ngày nào chúng ta cũng nghe đến những phát hiện độc đáo và thú vị về sự mầu nhiệm của tế bào gốc. Thế nhưng hỏi một đồng nghiệp làm về chuyện này trong nhóm nghiên cứu ung thư thì hắn cười nhạt và buông nhỏ một chữ: “propaganda”.
Con đường từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng lâm sàng là một con đường dài. Từ phát hiện phân tử (molecule), đến tìm hiểu chức năng và cơ chế, đến thử nghiệm trên chuột, đến thử nghiệm trên người giai đoạn tiền lâm sàng, giai đoạn I, II, III, v.v… tốn cả hai chục năm. Thời gian gần đây, do cải tiến trong công nghệ sinh học, nên rút ngắn khoảng 10 năm. Nhưng tính trung bình, trong số 10 ngàn phân tử phát hiện, chỉ 1 phân tử là thành công đến giai đoạn II. Nói như thế để thấy con đường từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng lâm sàng là con đường rất dài và chông gai.
Nhưng ở nước ta, hình như con đường đó ngắn và thẳng quá. Chúng ta có thể đi tắt đón đầu, nhưng trong khoa học ít có con đường đi tắt lắm.
NVT
===
Gần đây, một số thông tin cập nhật đã cho thấy ở Việt nam các nhà nghiên cứu Y học đã bắt đầu tiến hành các thử nghiệm điều trị bằng tế bào gốc trên người [1]. Điều đáng chú ý là các nghiên cứu này đang vi phạm các nguyên tắc về đạo đức nghiên cứu cũng như đạo đức Y học. Đầu tiên phải kể đến việc ứng dụng.
Mặc dù nhiều nước trên thế giới có công bố về việc thành công trong điều trị bằng tế bào gốc cho bệnh nhân nhưng cũng chưa có quy trình hay phác đồ điều trị nào được chấp nhận mà hầu hết chỉ đang nằm ở dạng tiếp tục được nghiên cứu. Do đó, để được phép thử nghiệm trên người, nhóm nghiên cứu phải là một nhóm nghiên cứu có uy tín, có các công trình công bố liên tục về lĩnh vực họ sẽ thực hiện, đặc biệt là những thử nghiệm tiền lâm sàng (tức là những thử nghiệm trên động vật thực nghiệm) một cách đầy đủ.
Tuy nhiên các nhóm nghiên cứu về tế bào gốc ở Việt Nam hoạt động hoàn toàn khác.
Trước hết, một vài nhóm đã công bố có thành công bước đầu trong việc ghép tế bào gốc vùng rìa giác mạc hoặc tế bào gốc cuống rốn cho bệnh nhân hỏng giác mạc. Vấn đề chính ở đây là thành công bước đầu là thành công như thế nào? Công bố ở đâu và ai là người thẩm định thành công đó? Ai sẽ chịu trách nhiệm theo dõi cho bệnh nhân sau khi ghép và theo dõi đó sẽ được công bố ở đâu? Lịch sử Y học Việt nam vẫn còn nhớ thập kỷ 80 của thế kỷ trước, những người ghép giác mạc mắt đầu tiên chịu hậu quả rất nặng nề và không ai chịu trách nhiệm.
Vấn đề ghép tế bào gốc trong máu cho bệnh nhân đột quỵ cũng đã được tiến hành. Tuy nhiên chưa có bất cứ một bài báo công bố quốc tế của bất kỳ một nghiên cứu nào từ Việt Nam liên quan đến vấn đề này. Vậy mà đã có tới một vài bệnh nhân được tiến hành thử nghiệm. Bộ Khoa Học Công nghệ cũng đã ra quyết định đấu thầu đề tài nhà nước cho lĩnh vực này. Điều đáng bàn chính là ở chỗ trong nội dung đấu thầu yêu cầu thử nghiệm trên bệnh nhân. Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu nghiên cứu không thành công hoặc để lại di chứng cho bệnh nhân? Vì cho đến nay trên thế giới đây cũng mới chỉ là hướng nghiên cứu khả thi trong tương lai [2].
Bỏ qua quá trình thử nghiệm trên động vật và nghiên cứu cơ bản để nhảy lên nghiên cứu ứng dụng là một hình thức trốn công bố quốc tế, trốn tránh các qui định nghiêm ngặt về Y đức cũng như đạo đức nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu tốt hay không thì cũng chỉ là trong nhà đóng cửa bảo nhau. Mong rằng các nhà nghiên cứu Y học quan tâm hơn nữa về vấn đề Y đức, đặc biệt là phải làm trên động vật thực nghiệm và công bố quốc tế trước khi tiến hành trên người trong lĩnh vực ứng dụng tế bào gốc để điều trị.
1. http://vietnamnet.vn/khoahoc/2009/04/844397/
2. G. Gerosa and C. d'Agostino
Cell therapy in ischemic settings: Fact and fiction.
J. Thorac. Cardiovasc. Surg., May 1, 2008; 135(5): 986 - 990.
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét