Bệnh tiểu đường (diabetes), ở Việt Nam người ta gọi hơi dân dã là “đái tháo đường”. Lần đầu tiên nghe cái bệnh danh này, tôi rất ngạc nhiên, nhưng người đồng nghiệp giải thích rằng “tiểu đường” có thể hiểu lầm là đái đường (vấn nạn công cộng của Việt Nam hiện nay), nên các chuyên gia phe ta bèn tạo ra “đái tháo đường”. Tôi không thấy thuyết phục chút nào qua cách giải thích này. Tôi nghĩ chúng ta cần một cụ Hoàng Xuân Hãn thứ hai!
Theo như bài báo này thì ở VN “tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường Việt Nam là 5% dân số (khoảng 4,5 triệu người) và 7,2% tại các thành phố lớn. TP. Hồ Chí Minh có hơn 800.000 người mắc bệnh.” Nói tóm lại đây là một vấn đề y tế lớn. Nhưng tôi không nghĩ lớn đến 4,5 triệu người.
Tôi có cộng tác với một đồng nghiệp ở TPHCM để nghiên cứu về tiểu đường. Theo nghiên cứu này (trên 2100 người từ cộng đồng), ở những người trên 30 tuổi 11% nam và 13% nữ mắc bệnh tiểu đường. Cách chẩn đoán tiểu đường của nghiên cứu này rất chuẩn và cẩn thận, và chọn mẫu cũng tốt, nên tôi nghĩ có lẽ đây là tỉ lệ thật ở TPHCM. Khi tôi đem kết quả này hỏi một đồng nghiệp Úc rất nổi tiếng về tiểu đường trên thế giới thì bà ấy nói tỉ lệ đó chắc đúng, vì ở Úc này nếu làm kĩ như vậy thì tỉ lệ cũng cỡ 10% (bây giờ người ta ghi nhận là 5-7%). Như vậy tiểu đường ở VN cũng bằng với các sắc dân Âu Mĩ.
Tất nhiên, đây là tỉ lệ ở TPHCM, chắc chắn cao hơn ở nông thôn. Nhưng hãy cứ cho là tỉ lệ trên là tỉ lệ của cả nước, vậy thì có bao lăm người mắc bệnh tiểu đường? Dân số VN mình bây giờ là 87 triệu người; trong số này có khoảng 41% trên 30 tuổi (tức khoảng 36 triệu). Do đó, nếu tỉ lệ trên (11% ở nam và 13% ở nữ) thì Việt Nam mình có khoảng 3,7 triệu người tiểu đường. Nhưng như tôi nói trên, đây là con số cao hơn thực tế vì phần đông dân số VN ở nông thôn. Tôi nghĩ con số thật có thể dao động ở độ 1-2 triệu, chứ không thể 4,5 triệu được. Nhưng nói gì thì nói, đây vẫn là vấn đề lớn.
Tuy nhiên có một nghịch lí đáng chú ý là Ở VN bệnh tiểu đường thường hay thấy ở người no đủ, còn ở các nước Tây phương thì bệnh này hay thấy ở người nghèo, thuộc thành phần lao động (working class), vì họ không có điều kiện tài chính để ăn thực phẩm tốt mà phải "chịu trận" với những gà chiên Kentucky, bánh mì McDonald, hay nói chung là thức ăn nấu sẵn. Ngược lại ở VN ta, người giàu lại có xu hướng ăn uống theo kiểu người nghèo ở Tây phương! Chẳng biết đây có phải là do thrifty gene hay không, nhưng tôi thấy thuyết này cũng có lí.
NVT
===
http://www.vietnamnet.vn/khoahoc/2009/06/854955/
Khoảng 4,5 triệu người Việt Nam bị bệnh đái tháo đường
Theo thống kê năm 2008, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường Việt Nam là 5% dân số(khoảng 4,5 triệu người) và 7,2% tại các thành phố lớn. TP. Hồ Chí Minh có hơn 800.000 người mắc bệnh.
Phát biểu tại buổi họp báo công bố chiến lược xã hội hoá thực hiện mục tiêu quốc gia phòng chống bệnh đái tháo đường, ngày 25/6, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, tỷ lệ mắc các bệnh liên quan tới đái tháo đường như rối loạn dung nạp glucose, béo phì, rối loạn lipid, mỡ máu, cao huyết áp… cũng gia tăng nhanh chóng và chiếm tỷ lệ cao như: Rối loạn dung nạp glucose là 14.3% dân số toàn quốc (13 triệu người) năm 2008, béo phì 32.5% dân số thành thị.
Đồng thời, bệnh đái tháo đường cũng là bệnh gây ra nhiều biến chứng mãn tính nghiêm trọng như: 21-39% có biến chứng mắt ngay khi phát hiện bệnh, là nguyên nhân thứ hai gây mù lòa ở người trưởng thành, nguyên nhân hàng đầu gây bệnh thận giai đoạn cuối, cứ 30 giây có người bị cắt cụt chi do đái tháo đường, chiếm 40-70% nguyên nhân, người bệnh đái tháo đường nguy cơ bị tim mạch cao gấp 4-10 lần người thông thường...
PGS.TS Tạ Văn Bình, Chủ tịch Hội Đái tháo đường VN tỏ ý quan ngại: "Thực trạng nguồn nhân lực chuyên ngành nội tiết chỉ 4,5% tổng số chưng sĩ nội có bằng sau đại học, trung bình có 1 chưng sĩ nội tiết/100.000 dân. Kiến thức chung của đối tượng tham gia nghiên cứu chuyên ngành nội tiết - rối loạn chuyển hoá còn nhiều bất cập, 64% có kiến thức trung bình".
PGS. Bình nói, điều quan trọng nhất là nâng cao nhận thức, phòng bệnh và phát hiện bệnh sớm.
PGS. Tạ Văn Bình cho biết thêm, hiện nay chưa có thuốc chữa trị được bệnh đái tháo đường, những "ông lang" tuyên bố chữa được bệnh đều sử dụng những phương pháp không có cơ sở khoa học. Điều này cực kì nguy hiểm.
Các chuyên gia tham gia buổi họp cho rằng, cần có một chiến lược xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực trong xã hội để kết nối và gia tăng sức mạnh hướng tới các chương trình hỗ trợ hiệu quả cho người bệnh và nhóm người nguy cơ cao. Nhằm thực hiện mục tiêu chung quốc gia: đạt chỉ tiêu 50% người dân trong cộng đồng hiểu biết về bệnh đái tháo đường và các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe do bệnh đái tháo đường gây ra; giảm tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường không được phát hiện trong cộng đồng xuống dưới 60%...
Chương trình do Hội người giáo dục bệnh đái tháo đường Việt Nam, Viện Nghiên cứu chiến lược phòng chống bệnh đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa quốc gia, Viện Dinh dưỡng quốc gia, Công ty Truyền thông cộng đồng Việt Nam và các bệnh viện, trung tâm y tế... trên cả nước triển khai.
Các chương trình hành động tập trung vào: Tổ chức chương trình khám bệnh, phát hiện và tư vấn miễn phí với chủ đề "Chủ nhật sống khỏe". Năm 2009 tổ chức khám bệnh và tư vấn miễn phí cho hàng nghìn người ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ....
"Chủ nhật sống khoẻ" đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM vào ngày 28/06/2009 tại 1A Lý Thường Kiệt, P.7, Q. Tân Bình. Ngoài ra, chương trình còn tặng quà hàng tháng bao gồm: thuốc, thực phẩm, thiết bị y tế cho người bệnh.
====
Xem thêm: Sao lại không thể sống cao thượng?
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét