Tản mạn về thành ngữ: "Cáo mượn oai hùm"

Thành ngữ “cáo mượn oai hùm” có xuất xứ từ tiếng Hán, nhằm ví kẻ ranh ma dựa vào thế lực người khác để uy hiếp mọi người. Nguyên văn câu thành ngữ này trong tiếng Hán là “hồ giả hổ uy”. Hồ ở đây là hồ ly (cáo).

Chuyện xưa kể rằng có một con hổ đói đang đi kiếm mồi thì gặp một con cáo. Hổ định ăn thịt cáo, còn cáo biết mình khó mà thoát khỏi móng vuốt hổ bèn bình tĩnh nói với hổ rằng: “Ngươi to gan thật đấy. Ta được thần linh trên trời cử xuống đây làm vua bách thú. Ngươi mà ăn thịt ta thì không thoát khỏi sự trừng phạt của thần linh đâu.” Hổ không tin, cáo bèn bảo: “Nếu ngươi không tin thì đi đằng sau làm hộ vệ cho ta, ngươi sẽ thấy muôn loài trong khu rừng khi gặp ta đều tỏ vẻ khiếp sợ cho xem.” Hổ nghe cáo nói thì bán tín bán nghi, liền đồng ý đi sau lưng cáo. Cáo biết hổ đã mắc mưu, liền ưỡn ngực đi một cách oai vệ. Quả nhiên, mọi con vật khi thấy cáo và hổ đều sợ hãi chạy trốn cả. Hổ tin là thực nên tha cho cáo, có biết đâu rằng muôn loài hoảng sợ vì thấy hổ đi đằng sau chứ cáo thì chúng chả coi ra gì.

Vào thời Chiến Quốc, thượng tướng quân nước Sở là Chiêu Hề Tuất thống soái quân đội, uy danh lừng lẫy bốn phương khiến các nước láng giềng đều nể sợ. Có kẻ đố kỵ, nói xấu với Sở Vương rằng tiếng tăm của Chiêu Hề Tuất đã vượt cả nhà vua. Sở Vương xưa nay vốn trọng dụng Chiêu Hề Tuất nhưng vẫn bán tín bán nghi, bèn cho gọi mấy vị cận thần đến hỏi han. Một người tâu rằng: “Quân thần bách tính láng giềng đúng là rất sợ Chiêu Hề Tuất, nhưng theo hạ thần, người mà họ sợ thực sự chính là ngài.” Nói rồi ông ta kể câu chuyện “cáo mượn oai hùm” trên đây và kết luận: “Chiêu Hề Tuất cũng giống con cáo kia vậy, còn ngài mới đích thực là con hổ”. Sở Vương nghe xong câu chuyện mới hiểu ra sự việc.

Trong tiếng Anh, câu thành ngữ có ý nghĩa tương đương với “cáo mượn oai hùm” hay “hồ giả hổ uy” là “an ass in a lion’s skin" (lừa đội lốt sư tử), có xuất xứ từ một câu chuyện ngụ ngôn: Một con lừa thấy người thợ săn bỏ tấm da sư tử ra ngoài nắng để phơi khô, bèn chui vào và đi vào làng dọa mọi người. Cả người cả thú đều khiếp sợ bỏ chạy tán loạn, con lừa hứng chí quá liền kêu be be. Lúc bấy giờ mọi người nghe ra giọng của nó, biết không phải sư tử thật liền quay lại nện cho một trận. Một con cáo đến rỉ tai lừa: “Tao nhận ra mày nhờ tiếng của mày”.

Lev Tolstoy đã kể lại câu chuyện này bằng thơ với nội dung hơi khác một tí, được dịch lời như sau:

Lừa ta lại muốn ra oai
Mượn lốt sư tử khoác ngoài huênh hoang
Làm người và thú bàng hoàng
Tưởng sư tử thật chạy quàng lung tung.
Bỗng đâu một trận cuồng phong
Hất lốt sư tử bay tung khỏi lừa
Giờ trông lừa thảm hại chưa
Chịu muôn loài quật như mưa đòn thù.

So sánh câu “lừa đội lốt sư tử” với hai câu “cáo mượn oai hùm” và “hồ giả hổ uy”, có thể thấy tuy ý nghĩa tương đương nhưng hàm ý sâu xa lại không hoàn toàn giống. Bài học rút ra từ câu chuyện ngụ ngôn “lừa đội lốt sư tử” là “chiếc áo không làm nên thầy tu” (Fine clothes may disguise, but silly words will disclose a fool), trong khi đó hai câu trong tiếng Việt và tiếng Hán (tuy thuộc hai ngôn ngữ nhưng cùng chung một xuất xứ nên rất gần gũi nhau về mặt ý nghĩa) lại thể hiện sự tinh ranh của kẻ yếu thế.
 
11.2008 
Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét